Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ hai tuần 6 phục sinh


THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH
Cv 16,11-15; Ga 15,26-16,4
BÀI ĐỌC: Cv 16, 11-15
11 Hồi ấy, chúng tôi xuống tàu ở Trô-a, đi thẳng đến đảo Xa-mốt-ra-kê, rồi hôm sau đến Nê-a-pô-li. 12 Từ đó chúng tôi đi Phi-líp-phê là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, và là thuộc địa Rô-ma. Chúng tôi ở lại thành đó mấy ngày. 13 Ngày sa-bát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó. 14 Có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa; bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phao-lô nói. 15 Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa, bà mời chúng tôi: "Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi.” Và bà ép chúng tôi phải nhận lời.
ĐÁP CA: Tv 149
Đ. Chúa mến chuộng dân Người. (c 4a)
1 Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung!2 Hỡi Ít-ra-en, nào hoan hỷ, vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi. Con cái Xi-on, hãy nhảy mừng,vì được Chúa làm Vua hiển trị.
3 Mừng Thánh Danh, nào dâng điệu vũ, nhịp trống hoạ đàn theo khúc hoan ca. 4 Bởi vì Chúa mến chuộng dân Người,ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng.
5 Kẻ hiếu trung hãy vui mừng rạng rỡ, nào phủ phục mà cất tiếng reo hò, 6a miệng vang lời tán dương Thiên Chúa, 9b Đó là niềm vinh dự cho mọi kẻ trung hiếu với Người.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Ga 15,26b. 27a
Hall-Hall: Chúa nói: “Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy.” Hall.
TIN MỪNG: Ga 15, 26-16,4
15        26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
16            1 Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”

CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BẢO TRỢ HỘI THÁNH
Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Ngài nói với các môn đệ: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,26-27: Tung Hô Tin Mừng).
Để nhận ra sứ mệnh của Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ Hội Thánh, Ngài lấy công nghiệp của Chúa Giêsu mà biến dữ ra lành cho chúng ta, dù các Tông Đồ còn phải đương đầu với sự ác, như Đức Giêsu đã cho các ông biết trước: “Họ sẽ khai trừ anh em ra khỏi hội đường, phải, sẽ đến giờ mà ai giết được anh em họ tưởng thế là tôn thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2: Tin Mừng). Vì họ cho rằng kẻ nào nghe lời ông Giêsu mà bỏ hoặc coi thường Luật Môsê là đứa rối Đạo. Bởi lẽ: “Kẻ bị treo trên cây gỗ là đồ bị Thiên Chúa chúc dữ!” (Dnl 21,22-23). Đan cử ông Phaolô say mê và tin tưởng tuyệt đối Luật này giúp con người sống đẹp lòng Chúa, thế nên ông thấy môn đệ của ông Giêsu thuộc hàng lê dân (x Cv 4,13) lại kéo theo nhiều người Do Thái bỏ Luật Môsê mà theo đạo lý của ông Giêsu, một kẻ nói lộng ngôn đến Thiên Chúa đã bị án tử treo trên thập giá, đó là dấu kẻ bị Trời phạt, nên ông ra sức triệt hạ các Kytô hữu tại Đamas, nhằm bảo vệ Đạo Chúa. Nhưng Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Ngài biến dữ ra lành cho những ai sống theo Giáo Lý của Chúa Giêsu. Bởi đó khi ông Saulô được Chúa mở mắt Đức Tin, nhận ra bám vào Luật Môsê chỉ là giam người ta trong tội (x Gl 3,22). Nên ông đã tin vào Giáo Lý của Chúa Giêsu do các Tông Đồ rao giảng và ông đã trở thành Tông Đồ xuất sắc, không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5).
Chúa Thánh Thần còn là Đấng Bảo Trợ cả khi các Tông Đồ có chuyện bất hòa, cụ thể chuyện giữa hai ông Phaolô và Barnaba: vì ông Barnaba muốn ông Marco cùng đi với hai ông, nhưng ông Phaolô quyết liệt chống đối, lấy lý do ông Marco trước đây vẫn cùng Nhóm với hai ông, nhưng ông Marco tự ý bỏ Nhóm mà về Giêrusalem (x Cv 13,13). Ông Barnaba thấy ông Phaolô không ủng hộ ý kiến của mình, nên ông Barnaba từ bỏ ông Phaolô và nhất quyết đưa ông Marco đi theo, rồi hai ông qua Kyro loan báo Tin Mừng; thế là ông Phaolô đưa ông Sila cùng đi qua Syri và Kilikia cũng là để rao giảng về Nước Thiên Chúa (x Cv 15,37-41).
Như thế vì sự bất hòa giữa hai ông Phaolô và Barnaba là do Chúa Thánh Thần tạo dịp để họ tách biệt nhau (x Cv 13,2), hầu Hội Thánh có thêm Nhóm đi nhiều nơi loan báo Tin Mừng. Kết quả ông Phaolô và ông Sila đến miền Makedonia vào nhà nguyện để giảng dạy, hôm đó có bà Lydia buôn len cánh kiến quê thành Thyatia đã tòng giáo, vì bà đã nghe và Chúa mở lòng bà cho chú ý vào các điều ông Phaolô giảng giải. Sau khi được Thánh Tẩy làm một với gia đình của bà, bà đã nài xin rằng: “Nếu các ngài đã xét tôi tin thật vào Chúa, thì xin lưu lại nhà tôi”. Thế là hai ông Phaolô và Sila lại được một người giàu có giúp đỡ các ông trong việc truyền giáo (Cv 16,11-15: Bài đọc).
Trong đời sống thường nhật, ta vẫn có nhiều kẻ bất hòa với ta, vì họ cho là ta sai nên muốn lôi kéo ta về con đường ngay chính. Đan cử như anh em Cộng sản vô thần gây khó dễ không ít cho sinh hoạt Hội Thánh Công Giáo, vì theo Đạo là mê tín dị đoan, trái khoa học, kẻ có Đạo là kẻ bạc nhược, tưởng tượng ra thần thánh bênh đỡ mình,mà quên tự sức mình phải phấn đấu để vươn lên, như thế là loại nô lệ không tưởng, làm nhụt ý chí phấn đấu của con người! Nên họ tìm mọi mánh khóe ngăn cản sinh hoạt “những kẻ mê tín dị đoan”, nhằm giải phóng cho loại người mê tín này được tự do, như họ vẫn chủ trương “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người Cộng sản gây khó dễ Hội Thánh Công Giáo, cũng chỉ vì họ không biết Chúa Cha và Chúa Con (x Ga 16,3: Tin Mừng).
Thế mà có một số người ve vãn Cộng sản thì nói: “Tốt đời đẹp Đạo”, nghĩa là chu toàn việc của xã hội trước khi làm lo Nước Thiên Chúa! Nhưng người Công Giáo chân chính phải nói: “Sống tốt Đạo, đẹp đời”, nghĩa là thực hành Lời Đức Giêsu để thu phục nhiều người về cho Chúa. Đúng như ý Đức Giêsu muốn người Công Giáo: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt người ta, ngõ hầu họ thấy việc lành anh em làm mà tôn vinh Cha anh em là Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16), có thế mới làm cho anh em vô thần nhận biết Thiên Chúa là Cha chung của mọi người.
Tôi không quên vào dịp Tất Niên năm 2003, Linh mục Hạt trưởng mời chính quyền các cấp đến dự bữa tiệc cuối năm với các Linh mục trong Hạt, và Hội Đồng Mục Vụ thuộc các giáo xứ trong Hạt. Trước khi nhập tiệc, mọi người lương giáo đều vào Nhà Thờ để Chúa làm chứng và chúc bình an cho buổi gặp gỡ giữa chính quyền vô thần và những người có Đạo. Phía chính quyền tặng các Linh mục một lẳng hoa chúc mừng Xuân mới; Linh mục Hạt trưởng tuyên bố lý do họp mặt: “Trong năm vừa qua mọi sinh hoạt tôn giáo của các giáo xứ đã đạt được “tốt đời đẹp Đạo”, nên tôi đại diện cho các Linh mục và toàn thể giáo dân trong Hạt cám ơn chính quyền đã giúp đỡ chúng tôi, hy vọng tình hữu nghị này tồn tại và gia tăng, để mãi mãi các xứ đạt chỉ tiêu “tốt đời đẹp Đạo”! Thế là ông Bí thư, đại diện chính quyền xin mượn chiếc micro đang trên tay Linh mục Hạt trưởng, và ông nghiêm túc nói: “Phía chính quyền chúng tôi không muốn người Công Giáo sốngtốt đời đẹp Đạo”, mà phải là sốngtốt Đạo đẹp đời”, tức khắc mọi người có mặt ai cũng hớn hở nổ tràng pháo tay thật dòn dã và thật dài! Tôi lấy làm sung sướng vì Chúa Thánh Thần đã dùng miệng anh em vô thần để loan báo Tin Mừng,dạy người Công Giáo, nhất là chủ chăn sửa lại quan điểm sống Đạo của mình.
Bởi vậy anh em vô thần không phải là mối lo sợ của người Công Giáo,mà là những người Công Giáo mất ý thức sống niềm tin. Đức Giáo hoàng Pio XII nói với các chủng sinh trong trường Truyền Giáo Roma: “Kẻ thù số một phá Hội Thánh không phải là Satan mà là người Công Giáo ngu dốt về Giáo Lý”.
Loại kẻ thù số hai phá Hội Thánh đó là người Công Giáo vô cảm về niềm tin của mình, chẳng cần quan tâm đến tôn giáo là gì, chẳng bao giờ thắc mắc tìm hiểu những điều trong Đức Tin. Loại người này không bao giờ tỏ ra chống đối Đạo, họ sống Đạo theo thói quen, kiểu “đạo ông bà”, nghĩa là người ta sống Đạo làm sao thì bắt chước như vậy, chẳng cần tìm hiểu đúng hay sai. Đan cử: thấy người ta đề bảng Tạ Ơn Đức Mẹ cũng bắt chước, mà đúng ra phải là “Tạ Ơn Chúa đã nhận lời Đức Mẹ bầu cử cho con được ơn”; hoặc bỏ dự Kinh Phụng Vụ mà lần Chuỗi, vì coi lần Chuỗi thì sốt sắng hơn Kinh Phụng Vụ! Tệ nhất có khi bỏ dự Lễ mà đi phục vụ người nghèo vì cho đó là thực tế. Trong khi đó giáo huấn của Công Đồng Vat. II dạy: “Mọi việc cử hành Phụng Vụ đều là hành vi chí thánh của Chúa Giêsu là Tư Tế và Thân Thể của Người là Hội Thánh. Không một hành vi nào khác của Hội Thánh (như lần hạt Mân Côi) có hiệu lực bằng xét về cả danh hiệu lẫn đẳng cấp” (Hiến Chế Phụng Vụ số 7).
Vậy nếu sống Đạo chỉ theo thói quen, bắt chước người khác, mà không cần biết có đúng với Giáo Lý của Hội Thánh dạy hay không, thì thua xa những người chủ trương đi tìm sự sai trái trong Đạo để phá, thì nhiều trường hợp Chúa đã dùng chính họ để trở nên chứng nhân cho Ngài. Cụ thể như Đại tướng Lew Wallace, một Đảng viên cao cấp của cộng sản vô thần. Lần kia ông nói với người bạn của ông rằng: “Bọn Công Giáo thật ngu đần, chúng tôn thờ một tử tội bị treo trên thập giá là ông Giêsu! Chúng lại mê đọc sách của bọn vô học thức là Nhóm 12, môn đệ của ông Giêsu (x Cv 4,13). Sách này toàn là chuyện mê tín, trái khoa học! Tôi sẽ để ra 5 năm đọc sách ấy, và tôi quyết mở mắt cho bọn Công Giáo khỏi bị mù quáng, để chúng được sáng suốt như tôi!” Thế nhưng, sau 5 năm nghiên cứu Thánh Kinh, kết quả ngược lại, thay vì ông mở mắt cho người Công Giáo, thì chính ông lại được Chúa mở mắt cho, ông nhìn thấy lúc Chúa bị đâm, nước và máu từ cạnh sườn dốc ra hết, lúc ấy một trận mưa rào trút nước, chuyển tải máu Đức Giêsu từ đỉnh đồi Sọ chảy xuống thung lũng nơi đang có những người cùi ra tắm mưa, ai đằm mình trong nước đó đều được lành mạnh. Chuyện này đã được đóng thành phim có tựa đề “Benhur” rất nổi tiếng! Ông Lew Wallace trở thành chứng nhân cho Đức Giêsu: chỉ có Ngài mới thực là Đấng Cứu Độ!
Đó là “vì Chúa mến chuộng dân Ngài” (Tv 149, 4a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Nhiệt tình mà thiếu Thánh Thần hướng dẫn là kẻ phá Hội Thánh mạnh nhất (x Cv 9).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH