Lời Chúa cnps 6b _ yêu như Chúa yêu


YÊU NHƯ CHÚA YÊU
Chúng ta chỉ mến Chúa thực sự khi ta biết yêu người, tha thứ lỗi lầm kẻ khác và luôn luôn cư xử độ lượng với nhau.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong cuộc lễ phong một vị anh hùng lên bậc Chân Phước, do Đức Phaolô VI chủ tọa tại đền thờ thánh Phêrô, biến cố đáng ghi nhớ trong buổi lễ này là hồi dâng lễ vật. Một đoàn người tiến lên mang bánh, rượu, nến và những hoa hồng trắng, hoa hồng đỏ: hoa hồng đỏ chỉ sự hy sinh tử đạo. Đoàn dâng lễ gồm có các người Balan là những người đồng hương của vị thánh này, một số thiếu nữ mặc kimônô, bộ quốc phục Nhật Bản, nơi Ngài đã đến truyền giáo, cảm động hơn cả là chính Đức Thánh Cha Phaolô VI ôm hôn một người trong đoàn dâng lễ vật (tên người này là Gajouwniczek). Giây phút đó ca đoàn hát vang khúc tình ca: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”
Truyện Ông Gajouwniczek như sau:
Ngày 30 tháng 7 năm 1941, trong trại giam Varsovie (Balan) của Đức Quốc Xã, một tù nhân bỏ trốn, và theo quy luật của trại giam, thì cứ một người bỏ trốn, sẽ có 10 người tù phải chết thay bằng cách để nhịn đói và khát. (Hình khổ đáng sợ nhất là phải chết vì không được uống nước). Ngày hôm sau, khi các tù nhân đã xếp hàng. Viên giám thị nhà giam tuyên bố: không tìm thấy tù nhân đã bỏ trốn. Tuyên bố thế có nghĩa là 10 người sẽ phải chết thay cho tù nhân bỏ trốn đó. Rồi viên giám thị liếc mắt chỉ vào từng người: tên này, tên này, một người bị chỉ kêu lên: “Ôi vợ tôi, ôi con tôi ơi!”
Mười người được sắp hàng riêng, để đi về trại Ausehwitz; các tù nhân khác thoát nạn, thở phào nhẹ nhõm… Bỗng xẩy ra một việc bất ngờ: một người trong nhóm tù thoát chết ra khỏi hàng, và tiến về viên giám thị, mọi người hồi hộp chờ đợi. Viên giám thị quát lớn: “Đứng lại!”
Người đó đứng lại và nói với viên giám thị: “Anh có thể cho tôi chết thay cho một người.”
Viên cai ngục bỡ ngỡ hỏi: “Anh là ai?”
-         Tôi là một linh mục công giáo, tôi tên là Maxillianô Kolbe, tôi muốn chết thay cho một người.
-         Anh muốn chết thay cho ai?
-         Tôi muốn chết thay cho người này (Cha Kolbe chỉ vào người vừa than khóc)
-         Tại sao?
-         Vì tôi không cần cho ai nữa, trong khi ông này còn cần cho gia đình.
Viên giám thị suy nghĩ, và rồi ngoắc tay đồng ý. Cha Kolbe gia nhập số 10 người lãnh án tử còn ông Gajouwniczek được trở về hàng ngũ những người thoát chết. Nhà tù Auschwitz lần này, khác hẳn với những lần trước, người ta không nghe tiếng la hét, nguyền rủa, thất vọng, nhưng là những câu kinh, cả tiếng ca hát, cho đến lúc chín người tắt thở. Nói chín người, vì tới ngày 14 tháng 8 năm 1941 tức là hai tuần lễ sau, khi quan Phát xít Đức vào dọn các xác chết đem đi hỏa thiêu thì cha Kolbe vẫn còn thoi thóp thở. Người ta đã kết thúc đời Ngài bằng một mũi chích các bon và xác ngài cũng bị đem hỏa thiêu với xác các tử tù kia. Cha Maxillianô được phong Hiển Thánh ngày 10 tháng 10 năm 1982. Chính ông Gajouwniczek cũng có mặt trong hai buổi lễ này.
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: Chúa truyền cho mọi người chúng ta yêu Chúa, yêu tha nhân. Chúa đã chết cho ta, ta cũng phải bắt chước Chúa, chết cho người khác. Tuy nhiên Chúa không đòi hỏi là những hành động anh hùng vượt quá khả năng của chúng ta: như Cha Maxilianô sẵn sàng chết thay cho một người, như Cha Damianô tình nguyện chung sống suốt cuộc đời với những người hủi ở đảo Molokai, một hòn đảo hẻo lánh giữa thái bình dương, không một người bình thường nào dám lai vãng. Ít ra chúng ta cũng phải bắt chước Chúa, yêu tha nhân, bằng cách sống quảng đại, giúp đỡ tha nhân những gì có thể, đặc biệt là sống bác ái bỏ qua những lầm lỗi của người khác. Biết chịu đựng, không bao giờ tích lòng thù oán, không bao giờ để lòng giận dữ mà luôn luôn rộng lượng tha thứ.
Đức Cha Roncalli làm đại diện tông tòa tại Bulgari từ năm 1925 tới năm 1934. Trong những năm đó công việc của ngài rất khó khăn phức tạp. Ngài có trách nhiệm cả một vùng rộng lớn đang sôi động về chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo. Có những chia rẽ tầm trọng giữa Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo và Hồi Giáo. Mặt khác trong Giáo Hội địa phương, lại có sự chia rẽ giữa linh mục triều và tu sĩ dòng… Trong thời gian này, Đức Tổng Giám Mục Roncalli nhận được một bức thư nặng lời chê trách, trì trích ngài về mọi mặt, do một linh mục bất mãn viết. Đọc thơ xong, Đức Cha Roncalli không nói một lời, cũng không hề tỏ ra một cử chỉ nào ác cảm với linh mục đó.
Thời gian trôi qua, ngài giữ chức sứ thần tòa thánh tại Paris từ năm 1945 tới 1952 rồi làm Hồng Y Giáo Chủ ở Venise từ năm 1953 tới năm 1958 và sau cùng đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu là Gioan XXIII năm 1958.
Khi ngài đắc cử Giáo Hoàng, thì vị linh mục bất mãn viết thơ cho ngài trước đây, vẫn còn sống. Gặp dịp giáo dân trong vùng tổ chức một cuộc viếng thăm Rôma, để yết kiến Đức Giáo Hoàng là vị tổng giám mục yêu quý của họ ngày xưa, linh mục này, cũng ghi tên trong phái đoàn. Đến Rôma, ngài lại xin đặc ân được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng. Lời thỉnh cầu đó được Đức Giáo Hoàng XXIII chấp thuận. Sau đây là lời chính linh mục:
“Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican, để đợi tới phiên được vào triều yết Đức thánh Cha, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư bất mãn năm xưa, và lòng tôi vô cùng hối hận, tôi thầm nghĩ đã mấy chục năm trôi qua, giờ đây chắc Đức Thánh Cha không còn nhớ gì. Lòng tôi cảm thấy xao xuyến, hồi hộp, hy vọng nếu ngài còn nhớ, thì chắc lòng nhân hậu ngài cũng bỏ qua cho tôi… Đang lúc suy nghĩ miên man, bỗng cửa mở. Đức Ông phụ tá dẫn tôi vào. Vừa thấy tôi, Đức Thánh Cha đã niềm nở, đưa tay bắt và mời ngồi. Ngài ân cần hỏi thăm công việc mục vụ của tôi, của giáo phận, và bùi ngùi nhắc tới các bạn cũ năm xưa. Ngài thương nhớ tất cả, như thể xứ sở tôi cũng là quê hương ngài vậy.
“Lúc đó lòng tôi khấp khởi mừng thầm, vì chắc Đức Thánh Cha đã quên hẳn bức thư hỗn láo năm nào… Câu truyện vẫn tiếp tục trong bầu không khí vui vẻ thân tình; bỗng tôi thấy ngài đưa tay với lấy cuốn thánh kinh, vừa từ từ mở ra, ngài để trước mắt tôi bức thư, tôi đã trì trích, thóa mạ ngài. Tôi xấu hổ và sợ hãi quá. Có ai ngờ đã mấy chục năm trôi qua, mà bức thư không tốt đẹp gì đó, ngài vẫn còn giữ. Tôi đang lúng túng, âu lo thắc mắc, thì Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo: “Con đừng bận tâm, Cha không bao giờ giận con. Cha cảm ơn con, Cha cũng là người, thì cũng yếu đuối, Cha để lại bức thư con vào cuốn thánh kinh, để khi có dịp, Cha đọc lại là xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, và xa lánh những lầm lỡ có thể xẩy ra đến trong tương lai. Mỗi lần cha đọc thư này, cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con.
“Tôi lấy lại bình tĩnh, nhận quà ngài trao tặng. Ngài còn chúc lành cho tôi, và ôm hôn từ giã tôi.
“Tôi ra về, lòng không bao giờ quên được chân dung của một vị Giáo Hoàng hiền lành, khiêm nhường đến thế.”
Giữ một bức thư chê bai, trì trích, thóa mạ mình, để rồi coi đi coi lại, qua nhiều năm tháng, nhằm mục đích sửa đổi những khuyết điểm của mình, và cầu cho ngừoi thóa mạ mình, là một hành vi anh hùng, đầy tự chủ, đầy thánh thiện.
Chúng ta chỉ mến Chúa thực sự khi ta biết yêu người, tha thứ lỗi lầm kẻ khác và luôn luôn cư xử độ lượng với nhau.
Đề tựa của Lm. HK