Lễ CTT Hiện Xuống _ Thánh Thần, cơn bão diệu kỳ

THÁNH THẦN,  
CƠN BÃO DIỆU KỲ
Điều chúng ta mong chờ chính là sự biến đổi thật âm thầm nhưng thật sâu xa và toàn diện trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta.
Logos
Bão Chanchu, cơn bão số 1 tại Việt Nam đã xảy ra 18/5/2006, nhưng dư âm của cơn bão vẫn làm xốn xang lòng người trong thời gian dài sau đó.
Trước hết, có một điều nghịch lý đến “tức cười” là: ngày 22 tháng 5 là ngày truyền thống chống bão lụt ở Việt Nam, thì lại là ngày đau buồn vì bão lụt: cơn bão số 1 đã ập đến, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngư dân tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Thứ đến, cơn bão Chanchu xuất phát từ Phi Luật Tân, thổi qua Đài Loan và Trung Quốc, nhưng các quốc gia này không bị thiệt hại. Trái lại, ở Việt Nam, vì dự báo quá chậm chạp và thiếu chính xác, làm các thuyền đánh cá không kịp quay vào bờ, nên đã góp phần gây nên hậu quả nặng nề.
Trận bão Chanchu ngoài khơi xa đã hóa thành cuồng phong thét gào trong lòng những người vợ mất chồng, những người con mất cha, những người dân mất cả tương lai. Cơn bão Chanchu thổi đến Việt Nam là cơ hội đánh tan đi những tư duy lạc hậu, đổi mới cách nghĩ và cách làm của chúng ta, để chúng ta không rơi vào thảm họa của những cơn bão oan nghiệt như thế nữa.
Hôm nay, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta lại được nghe sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại “cơn bão” kỳ lạ xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần. Cơn bão mang đến trận cuồng phong dữ dội. Cơn bão mang đến những tiếng động vang trời. Cơn bão mang đến những ngọn lửa rực cháy. Đó chính là “Bão Thánh Thần.”
Tuy nhiên, đó không phải là cơn bão đem đến sự hủy diệt tàn khốc, sự ly tán đau thương, hay sự đổ vỡ lụi tàn. Trái lại, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài đem đến tình yêu, sự hiệp nhất và sự canh tân toàn diện.
Thánh Thần, ngọn lửa tình yêu
Lửa luôn cần thiết trong cuộc sống con người và là yếu tố nâng cuộc sống nhân loại lên một tầm cao vượt bậc. Nhờ tìm ra lửa, con người mới có thể nấu chín thức ăn và nhờ vậy, con người được thông minh hơn. Lửa làm biến đổi vật chất và nhờ thế, đã giúp con người đi được những bước khổng lồ trên con đường văn minh kỹ thuật.
Tuy vậy, lửa cũng là hiện tượng đáng sợ! Lửa có thể thiêu đốt cả khu rừng, có thể làm tan chảy cả sắt thép và bạc vàng! Lửa có thể hủy diệt cả một thành phố hay làng mạc. Tuy thế, đàng sau ngọn lửa, người ta vẫn tìm được những ý nghĩa tích cực: lửa dùng để thanh luyện, lửa mang lại ánh sáng, lửa tượng trưng cho sự sống, nhất là, lửa chính là biểu tượng của tình yêu.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ đang tề tựu tại một nơi, Chúa Thánh Thần ngự đến dưới hình lưỡi lửa đậu trên các tông đồ. Ngọn lửa Thánh Thần chính là ngọn lửa tình yêu đã bừng cháy lên, thiêu đốt tâm hồn các tông đồ. Từ những con người nhát đảm sợ sệt, những con người với trái tim nguội lạnh, tuyệt vọng sau ngày Chúa chịu chết, các tông đồ trở thành những con người can đảm với trái tim đầy ắp tình yêu và nghị lực, đã ra đi để loan báo Tin Mừng, sẵn sàng hy sinh vì Chúa. Tất cả đều do sự thúc đẩy của ngọn lửa tình yêu, như chiếc phi thuyền bay vào không gian nhờ nhiên liệu được đốt cháy, phóng ra lửa để đẩy không khí bay vút lên cao. Thánh Thần cũng chính là ngọn lửa thúc đẩy “con tàu vũ trụ” là Giáo Hội lướt nhanh trên dòng thời gian để ra đi và hoàn thành chính mình.
Thánh Thần, nguyên lý của sự hiệp nhất
Sự kiện xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần có thể được gọi là “biến cố đọc ngược” khi so sánh với sự kiện tháp Babel xảy ra trong thời Cựu Ước.
Sau trận lụt đại hồng thủy, con cháu ông Nôê muốn xây một cái tháp cao “chọc trời” để đối phó với Thiên Chúa. Trước sự ngạo mạn và kiêu căng đó, Thiên Chúa đã trừng phạt họ. Từ những con người nói cùng một ngôn ngữ, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, họ đã nói những ngôn ngữ khác nhau. Vì thế, người này không còn hiểu người kia nữa. Họ bị phân tán khắp nơi và tháp Babel đã không thể hoàn thành (St 11, 1-9). Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng: khi con người không phục tùng Thiên Chúa, con người sẽ không thể hiểu nhau, cảm thông với nhau, dẫn đến chia rẽ và phân ly.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đến để sửa lại hậu quả tai hại đó: khi nhận được Thánh Thần, các Tông đồ đã nói những thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho họ nói. Dù vậy, tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau, đều nghe và hiểu các Tông đồ. Từ những khác biệt và phân rẽ, Chúa Thánh Thần đã quy tụ tất cả mọi người nên một. Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hiệp nhất.
Ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, Giáo Hội và mỗi người chúng ta cũng cần phải được Chúa Thánh Thần ngự đến để hiệp nhất chúng ta nên một. Chớ gì Chúa Thánh Thần vừa là ngọn gió thúc đẩy, nhưng cũng là sức hút để quy tụ mọi người hiệp nhất lại với nhau thành ngọn tháp tình yêu”, vượt lên trên những hận thù ghen ghét.
Thánh Thần, luồng gió đổi mới
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự đến như một “cơn bão” cuồng nộ. Trông bề ngoài, Ngài mang đến những điều phi thường: gió lớn như trận cuồng phong, hình lưỡi lửa xuất hiện đậu trên từng người, các Tông đồ nói tiếng lạ… Đứng trước một biến cố vĩ đại, với những điều phi thường, thậm chí là “siêu phàm” nữa, dân chúng bỡ ngỡ, kinh hoàng và đầy thán phục. Đến nỗi, trong cơn xuất thần, các Tông đồ đã mạnh dạn rao giảng và hàng ngàn người xin được rửa tội.
Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần đến không phải chỉ để biểu lộ những điều xuất chúng và to lớn. Điều quan trọng, Chúa Thánh Thần đến xóa bỏ tất cả, phá hủy tất cả để thực hiện một cuộc canh tân toàn diện. Sau cơn bão, Ngài là ngọn gió mới thoang thoảng len lỏi vào mỗi tâm hồn để thực hiện một cuộc đổi mới, rất âm thầm nhưng toàn diện và sâu xa. Ngài chính là Ngôi Ba thầm lặng nhưng mãnh liệt!
Các Tông đồ đã đón nhận sự biến đổi kỳ diệu đó. Các ngài đã đi theo Chúa với một tâm thức đầy thực dụng và sai lầm. Các ngài mong muốn được hưởng vinh quang cùng với người Thầy chiến thắng về chính trị và quân sự. Nhưng khi đứng trước cái chết của Thầy, các ngài đã buông xuôi tất cả, thậm chí trở thành những con người tuyệt vọng. Nhưng từ khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các ngài đã được biến đổi. Chúa Thánh Thần đã đến để làm một cuộc thay đổi toàn diện: thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách rao giảng của các ngài.
Ngày nay, khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội cũng như mỗi người chúng ta không chờ đợi những sự kiện phi thường và vĩ đại. Vậy chúng ta mong chờ điều gì? Điều chúng ta mong chờ chính là sự biến đổi thật âm thầm nhưng thật sâu xa và toàn diện trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta. Điều chúng ta mong đợi còn là sự bình an như Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ ngày xưa. Sự bình an chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Sự bình an không phải là một sự trốn chạy, nhưng sự bình an đến từ giữa cơn bão của cuộc đời.
Trong cơn bão Chanchu kinh hoàng, có một chuyện kỳ diệu đã xảy ra cho một thuyền viên 17 tuổi tên Đỗ Văn Tân, một ngư dân ở Đà Nẵng. Trong cơn bão dữ, Tân trôi dạt trên biển cả, đói khát và kiệt sức. Trong cơn thập tử nhất sinh, Tân đã được một con cá voi cứu mạng. Nó bơi bên cạnh anh, đôi khi nó nâng anh trên mình nó. Sau 3 ngày bị dập vùi trên biển cả, cuối cùng, Tân đã được một ngư dân vớt lên thuyền (Báo Thanh Niên số 147, ngày 27/5/2006).
Giữa giông bão quay cuồng, người ta vẫn tìm được sự bám víu an toàn. Giữa cơn bão tố của cuộc đời, vẫn có một điểm tựa an toàn ở đâu đó. Đó là chính Chúa Thánh Thần. Ngài vẫn hiện diện và hoạt động, tuy âm thầm nhưng thật mạnh mẽ. Chúa Thánh Thần luôn đem đến sự bình an nếu chúng ta biết đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài.