THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH
BÀI ĐỌC: Cv 25, 13b-21
13 Hồi ấy, vua Ác-ríp-pa và bà Béc-ni-kê đến
Xê-da-rê chào mừng ông Phét-tô. 14 Vì hai người ở lại đó nhiều ngày,
ông Phét-tô mới đem vụ ông Phao-lô ra trình bày với nhà vua. Ông nói: "Ở
đây có một người tù ông Phê-lích để lại. 15 Khi tôi tới
Giê-ru-sa-lem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi kết án
người ấy. 16 Tôi đã trả lời họ rằng người Rô-ma không có lệ nộp bị
cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ
về lời tố cáo. 17 Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì
hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. 18
Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi
tưởng. 19 Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan
đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giê-su nào đó đã chết, mà
Phao-lô quả quyết là vẫn sống. 20 Phần tôi, phân vân trước cuộc
tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Giê-ru-sa-lem để
được xử tại đó về vụ này không. 21 Nhưng Phao-lô đã kháng cáo, xin
dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến
khi giải lên hoàng đế.”
ĐÁP CA: Tv 102
Đ. Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm. (c 19a)
1 Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng
Thánh Danh! 2 Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,chớ khá quên mọi ân huệ
của Người.
11 Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,tình Chúa thương kẻ thờ
Người cũng trổi cao. 12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,tội ta
đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
19 Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm,quyền đế vương bá chủ muôn
loài. 20ab Chúc tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ, bậc anh hùng
dũng mãnh thực hiện lời Người.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 14,26
Hall-Hall: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh
em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Hall.
TIN MỪNG: Ga 21, 15-19
15 Sau Khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ
Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông
Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa
Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm
sóc chiên con của Thầy.”16 Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con
ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy
biết con yêu mến Thầy.” Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”17
Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy
không? " Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến
Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con
yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18
Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi
đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt
lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”19 Người nói vậy, có ý ám
chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông:
"Hãy theo Thầy.”
MỤC TỬ PHẢI CHẾT VÌ CHIÊN
Qua các Bài đọc trong Phụng Vụ hôm
nay, dạy ta muốn tiếp tay với Mục Tử Giêsu thì phải:
-
Ý thức thân
phận yếu đuối mỏng dòn của mình, xin Chúa xót thương.
-
Sống phục vụ
trong tin yêu đến liều mạng giống Thầy Giêsu.
I. Ý THỨC THÂN PHẬN YẾU ĐUỐI
MỎNG DÒN CỦA MÌNH, XIN CHÚA XÓT THƯƠNG.
Đức Giêsu đặt hai vị Mục Tử làm cột
trụ Hội Thánh: Ông Phêrô cho dân Israel, và ông Phaolô cho dân ngoại.
Cả hai vị đều nhận mình là những kẻ yếu đuối, nhiều bất xứng, không đáng được
Chúa Giêsu tín nhiệm đặt làm thủ lãnh Hội Thánh Ngài:
1/ Ông Phêrô đã tự thú nhận là kẻ tội lỗi trước mặt Đức Giêsu, không xứng đáng được Thầy lại gần
để kêu gọi ông làm môn đệ (x Lc 5,8). Mà thực, dù ông đã theo Đức Giêsu để được
Ngài huấn luyện, nhưng niềm tin của ông vẫn chỉ dừng lại ý muốn theo Thầy để
được hưởng thụ (x Mc 9,33t), mong được Chúa cất bớt đau khổ xảy đến trong đời. Vì
thế mà ông đã khuyên Thầy chớ có liều mạng cho kẻ ác giết, vì đó là dấu Thiên
Chúa không thương! Lời khuyên này đã bị Đức Giêsu mắng và đẩy ông về phía sau:
“Xéo đi sau Ta hỡi Satan, ngươi làm cớ
vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải là của Thiên Chúa mà là của
loài người” (x Mt 16,21-23). Ông lại còn chối Thầy ba lần (x Mt 26,69-75). Do
đó, sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài hỏi ông tới ba lần: “Con có yêu Thầy hơn những người này không?” Ông
Phêrô buồn vì cách hỏi của Thầy như thế gợi nhớ ông đã phản bội chối Thầy ba
lần, nên với lòng khiêm tốn, trong tâm tình sám hối, ông xin Thầy xót thương,
ông thưa: “Thưa Thầy,Thầy thông hay mọi
sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,16t: Tin Mừng).
2/ Ông Phaolô trước khi được Đức Giêsu kêu gọi, ông là kẻ
gian ác, đã ôm áo động viên người ta ném đá Stêphanô, rồi xông vào tư gia những
người Công Giáo bắt bất cứ ai ông gặp đều xiềng trói và đem tống ngục (x Cv 7,
58-59; 8,1-3). Sau đó ông xin ý kiến các thượng tế để xông về Đamas nhằm triệt
hạ tất cả những người theo đạo ông Giêsu (x Cv 9), nhưng Chúa đã thương gọi ông
làm Tông Đồ cho Ngài, vậy mà nội tâm ông vẫn còn có lối sống chống lại ý Chúa, nghịch
với điều ông rao giảng, như ông khiêm tốn thú
nhận với giáo đoàn Roma: “Chẳng sự gì
lành cư ngụ trong tôi, sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ tôi không
muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19), và ông đã thú nhận sự bất lực của mình
trước đòi hỏi của Tin Mừng, như ông viết thư gởi cho giáo đoàn Corinthô: “Để tôi khỏi tự cao tự đại về những mạc khải
cao siêu, Chúa đã để một cái dằm đâm vào thân xác tôi, một thần sứ Satan để nó
vả mặt tôi” (2Cr 12,7-8). Tuy thế, ông Phaolô vẫn tin tưởng vào tình thương
của Chúa lớn hơn tội ông phạm, nên ông nói: “Tôi rất vui sướng và vinh vang nơi các yếu đuối của tôi, để quyền năng
của Đức Kitô đậu lại trên tôi. Vì thế tôi vui thỏa trong các nỗi yếu đuối, lăng
nhục, trong quẫn bách, trong bắt bớ, và cùng khốn vì Đức Kitô – như để một
phần nào ông đền bù tội lỗi– vì khi tôi
yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 9-10).
II. SỐNG PHỤC VỤ TRONG TIN YÊU
ĐẾN LIỀU MẠNG GIỐNG THẦY GIÊSU
Khi được Thầy Giêsu kêu gọi làm Tông
Đồ, ông Phêrô quyết tâm lấy Đức Ái đền bù tội lỗi (x 1Pr 4,8); còn ông Phaolô
thì nhờ tình yêu Đức Kitô thúc bách (x 2Cr 5,14).
1/ Ông Phêrô: Trước khi Đức Giêsu trao quyền thủ lãnh cho,
Ngài không đòi hỏi ông về kiến thức, cũng không đòi ông phải có tài năng, địa
vị, hay giàu có, mà Ngài chỉ tra hỏi ông
về tình yêu:
Trước nhất,
ta phải phân biệt hai động từ yêu được dùng trong trình thuật này:
* Agapê: Là tình yêu của Thiên Chúa, yêu không
tìm lợi nhuận nơi người đời, không phân biệt bạn hay thù, chấp nhận mất mạng vì
phục vụ phàm nhân theo ý Cha trên trời.
* Philein: Yêu trong tình bạn, dựa trên công
bằng giao hoán.
Ta thấy ba lần
Chúa Giêsu hỏi và ông Phêrô trả lời:
-
Con có Agapê
Thầy không? Dạ, con Philein Thầy. Con hãy chăn chiên (Arnia).
-
Con có Agapê
Thầy không? Dạ, con Philein Thầy. Con hãy chăn cừu (Probata).
-
Con Philein
Thầy sao? Dạ, con Agapê Thầy. Con hãy chăn cừu (Probata).
Như vậy,
a- Chỉ khi nào thủ
lãnh Phêrô trả lời Agapê, giống như Chúa Giêsu yêu loài người, thì mới đạt.
b- Ba lần Chúa Giêsu
hỏi về tình yêu của ông Phêrô, Ngài muốn ông chuộc lại ba lần đã chối Thầy. Vì
thế lần thứ nhất Chúa Giêsu hỏi ông: “Phêrô,
con có yêu mến Thầy HƠN những người này không?” (Ga 21,15: Tin Mừng).
Yêu HƠN ở
đây có ý nhắc đến lần ông đã tự mãn thề thốt: “Dù mọi người đều vấp ngã vì Thầy, còn con, con sẽ không bao giờ vấp ngã!”
(Mt 26,33) Nhưng rồi sau đó ông đã
chối Thầy ba lần!?
Bởi thế, sau
ba lần Thầy hỏi về tình yêu của ông, ông hiểu ý Thầy muốn ông nhớ lại ba lần đã
chối Thầy, nên ông buồn và khiêm tốn trả lời: “Lạy Thầy, Thầy thông hay mọi sự (con đã chối Thầy ba lần),Thầy biết con
yêu mến Thầy!” (Ga 21,17: Tin Mừng) Lúc đó Chúa mới trao quyền cho ông chăm
sóc dân trong Hội Thánh, vì “thế giới sẽ
thuộc về tay ai biết yêu mến!” (Thánh Gioan Vianey)
c- Ba lần Chúa
Giêsu hỏi ông Phêrô về tình yêu, vì ba lần Ngài trao quyền chăm sóc Hội Thánh
cho ông, thì không bao giờ Ngài rút lại, cũng như ông Abraham mua hang Makpela
để an táng bà Sara, ông phải mặc cả với ông Kết, người địa phương tới ba lần,
để miếng đất ông Abraham mua vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của ông, có thế mộ vợ
ông không ai được động đến (x St 23,1-20).
Chúng ta
biết dưới cái nhìn của thánh sử Mátthêu, Chúa xây dựng Hội Thánh trên nền tảng Đức
Tin người thủ lãnh của cộng đoàn. Đức Tin ấy được biểu lộ bằng việc phát biểu
về Giáo Lý xuất sắc đã được lãnh nhận từ Cha trên trời (x Mt 16,15-19). Nhưng
dưới cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu (ông Gioan), thì Chúa xây dựng Hội
Thánh trên Đức Ái của thủ lãnh, của tập thể. Chính Đức Ái mới thể hiện một Đức
Tin sống động bằng việc làm. Đây là điều quan trọng nhất người Tông Đồ phải có
để xây dựng Hội Thánh. Thực vậy,
Đức Ái của ông Phêrô: Đức Giêsu đã nói trước cho ông Phêrô biết về
con đường Tông Đồ ông phải đi: “Thầy bảo
thật cho anh biết, lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi
đã về già, anh sẽ dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh
chẳng muốn.” Người nói vậy có ý ám chỉ ông phải chết như Thầy Giêsu để tôn
vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy
theo Thầy” (Ga 21,18-19: Tin Mừng).
-
“Lúc còn trẻ, anh tự thắt lưng lấy và đi đâu
tùy ý.” Cụ thể lúc ông ở trên thuyền nhìn thấy Thầy Giêsu đứng trên bờ, ông
quá vui sướng, ông tự do dùng khăn quấn lấy mình vì ông đang ở trần, rồi nhảy
tùm xuống biển bơi vào bờ gặp Thầy (x Ga 21,7).
-
“Khi về già, anh phải dang tay cho người khác
thắt lưng và lôi đến nơi chẳng muốn.” Tác giả cuốn Quo Vadis cho biết thời
gian đế quốc Roma truy nã những người Công Giáo để tiêu diệt, ông Phêrô trốn ra
khỏi thành Roma, thì lại gặp Chúa Giêsu vác Thánh Giá vào thành. Ông ngỡ ngàng
lên tiếng: “Thầy đi đâu?” (Quo
Vadis?) Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào
thành chết thay cho con.” Nghe thế ông giật mình nói: “Thưa Thầy con sẽ trở lại.” Dĩ nhiên là ông đã không muốn điều đó,
và để đền tội trốn giáo đoàn, ông đã xin lý hình đóng đinh ngược: hai chân đóng
trên hai cây gỗ ngang, đầu chúc xuống đất, vì ông không xứng đáng được đóng
đinh giống như Thầy!
2/ Ông Phaolô
vì nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng mà bị những người Do Thái cáo gian ông phạm
pháp, họ đã đòi quan tòa Phéttô lên án tử ông. Ông Phéttô lại đưa trình vụ này
với vua Agrippa đang trực tiếp cai trị Do Thái, vì ông Phaolô là người Do Thái.
Nhưng ông Phéttô sau khi điều tra ông Phaolô, không thấy có lỗi gì đáng phải
chết, bởi vì người Do Thái tố cáo ông về việc sùng bái tôn thờ một Giêsu nào đó
đã chết, nhưng ông Phaolô vẫn quả quyết là còn sống. Ông Phéttô muốn tha bổng ông
Phaolô, nhưng người Do Thái làm áp lực, thì ông Phéttô lại hỏi ông Phaolô có
muốn đi Giêrusalem để được xét xử theo Luật Do Thái hay không? Nhưng ông Phaolô
kháng cáo, xin được dành cho Đức Khâm thượng duyệt án, bởi vì ông Phaolô muốn
được xét xử theo Luật Roma, lý do ông có quốc tịch Roma để bảo vệ, không để ai
tấn công ông về mặt tôn giáo. Ông Phaolô kháng cáo như thế, làm ứng nghiệm Lời
Đức Giêsu nói: “Thánh Thần sẽ dạy anh em
mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga
14,26: Tung Hô Tin Mừng).
Nhiều người Do Thái rất thèm được có
quốc tịch Roma, và họ đã hỏi ông: “Phải
tốn bao nhiêu tiền để được ơn huệ ấy?” (x Cv 22,27-28). Thánh sử Luca ghi
điều này với hậu ý nhằm nói với các tín hữu đã chẳng mất một xu nào mà có quốc
tịch Nước Trời nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, được Thiên Chúa toàn năng bảo
vệ, hơn Phaolô cầu mong được hoàng đế Roma bênh vực, thì liệu có biết ơn Chúa
hay không?
Vậy Chúa đã cho phép quyền lực sự ác
lấy mạng các mục tử của Ngài, thì chẳng có quyền bính trần thế nào đủ mạnh bào
chữa, che chở cho họ được! Họ chỉ còn trông cậy nơi tình thương và phần thưởng từ
tay Thiên Chúa, vì “Chúa đã đặt ngai báu
trên trời cao thẳm” đang chờ đợi họ (Tv 103/102 ,19a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
-
Thánh Gioan
Maria Vianey nói: “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến.”
-
Thánh
Augustin nói: “Ở đâu có tình yêu ở đó hết khó nhọc, giả như có khó nhọc, thì lại yêu
chính sự khó nhọc ấy.”
http://phaolomoi. net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH