Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ hai tuần 31 thường niên

THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
Pl 2, 1-4; Lc 14, 12-14
BÀI ĐỌC: Pl 2, 1-4
1 Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, 2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.
ĐÁP CA: Tv 130
Đ. Hồn con xin Chúa giữ gìn
nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi
.
1 Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
2 Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.
3 Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 8, 31b-32
Hall-Hall: Chúa nói: Nếu anh em ở lại trong Lời của Thầy, thì anh em thật là môn đệ Thầy, và anh em sẽ biết sự thật. Hall.
TIN MỪNG: Lc 14, 12-14
12 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa Người nói với ông rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

CHÚA BẮT PHẢI NGHÈO VÀ LÀM CHO GIÀU CÓ
Con người nghèo nhất là lúc sống trong tình trạng tội lỗi, nhưng Chúa lại làm cho họ nên giàu có, như lời thánh Phaolô nói: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng còn chứa chan gấp bội!” (x Rm 5, 20). Do đó, ta phải nối dài và mở rộng tình thương của Chúa là làm cho đồng loại được trở nên giàu có như Chúa đã làm cho ta.
I. CON NGƯỜI NGHÈO NHẤT LÀ KHI Ở TRONG TÌNH TRẠNG TỘI LỖI, NHƯNG CHÚA LẠI LÀM CHO HỌ GIÀU CÓ.
Thánh Kinh diễn tả quỷ đến bóc lột loài người từ khi Adam, Eva sống theo ý mình hơn ý Chúa, trước đó họ vốn là người giàu có, vì Chúa đã dựng nên muôn vật rất tốt đẹp để làm quà tặng cho họ, thế mà khi họ bị Satan xúi ăn trái Chúa cấm, tức khắc họ bị quỷ lột trần con người nhơ nhớp của họ, khiến họ quá xấu hổ vì cảm thấy mình mất hết phẩm giá, nên chạy trốn Thiên Chúa (x St 3, 7-11). Nhưng Chúa nhắm mắt làm ngơ một thời, Ngài để mặc con người “ trong tội không vâng phục hầu tỏ lòng thương xót mọi người” (Rm 11, 32).
Thực vậy, sau khi Adam, Eva phạm tội, Thiên Chúa cấp tốc đi tìm, gặp được họ, Ngài hỏi:
-         Tại sao ngươi làm thế?
Ông Adam chạy tội mình quy lỗi cho Chúa:
-         Tại Chúa dựng nên Eva.
Chúa quay sang hỏi Eva:
-         Tại sao ngươi làm thế?
Eva lại bắt chước chồng đổ lỗi cho Chúa:
-         Tại Chúa dựng nên rắn (x St 3, 8-13).
Như thế bản tính con người khi lầm lỗi, không ai muốn nhận tội, mà tìm cách chạy tội, không đổ lỗi cho nhau, thì cũng quy tội cho Thiên Chúa. Vì lý do đó mà ông Phaolô nói: “Chúa giam con người trong tội” (Rm 11, 32a). Đối với ông Phaolô, sau khi được Chúa lôi ra khỏi sự lầm lạc tội lỗi, ông mới ngộ ra rằng: Cho dù người ta có nghĩ xấu đổ lỗi cho Chúa vì “Chúa ban Luật cho con người để giam họ trong tội (x Gl 3, 22 ) thì Chúa vẫn dủ lòng xót thương họ” (Rm 11, 32b).
Quả thật, Chúa đã bộc lộ lòng thương xót của Ngài ngay sau khi Ađam, Evà bị mắc lừa Satan, Ngài đứng về phía họ mà đe phạt rắn: “Bởi ngươi xúi Evà, thì ngươi là đồ chúc dữ, ngươi phải lết đi bằng bụng và ăn bụi đất, đó là dấu chỉ kẻ bại trận! Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà (Maria, cũng như Hội Thánh là Evà mới), giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó (Giêsu và Hội Thánh là dòng giống Evà mới). Dòng giống nó sẽ đạp đầu nát đầu ngươi (Giêsu và Hội Thánh chiến thắng Satan), còn ngươi, ngươi sẽ táp lại gót chân (tìm đường tẩu thoát)” [x St 3, 13-15].
Ngay lúc ấy Thiên Chúa tỏ lòng thương yêu đùm bọc che chở con người, vì Ngài thấy Adam-Eva trần truồng và đã dùng lá cây che thân mà không ổn, thì Ngài lột da thú và may áo mặc cho họ (x St 3, 7. 21). Nhưng đó là dấu chỉ vào thời ân sủng, con người tội lỗi được Chúa Cha “mặc” Con của Ngài cho họ (x Gl 3, 27). Như thế Thiên Chúa đã hé mở tình thương cho loài người biết: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta làm một với Ngài” (Rm 8, 32).
Thực vậy, Con Thiên Chúa làm người phục vụ nhân loại cho đến khi họ loại trừ Ngài, đóng đinh treo lên thập giá, nhưng chỉ sau ba ngày Ngài chiến thắng tử thần (phục sinh), Ngài đến trao cho Hội Thánh, “những kẻ đã từng theo Ngài từ Galilê lên Giêrusalem” (x Cv 13, 31) tất cả những gì Chúa Cha đã trao cho Ngài, như Ngài nói: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất, Cha Thầy đã trao cho Thầy, bây giờ Thầy trao lại cho anh em. Sự gì ở dưới đất anh em cầm buộc, thì trên trời cũng cầm buộc, sự gì anh em tháo cởi dưới đất, trên trời cũng tháo cởi” (x Mt 28, 18; Ga 20, 23).
Quả là lạ lùng, Con Thiên Chúa vốn dĩ là Đấng toàn năng, toàn thiện, mà trước đó bị loài người xét xử. Thế nhưng khi Ngài phục sinh nhận Vương quyền nơi Chúa Cha, Ngài đã không ngồi tòa xét xử, trái lại Ngài trao quyền xét xử cho những người Ngài đã tuyển chọn. Như vậy Con Thiên Chúa đã biểu lộ tình thương luôn luôn trao ban: “Ngài vốn dĩ là Đấng giàu có, nhưng lại trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài” (2Cr 8, 9). Đặc biệt nhất là Ngài trao chính Ngài cho loài người. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh về tình thương này: “Ngài đã gia ân vạn sự cho ta làm một với Ngài” (Rm 8, 32: Bài đọc năm lẻ).
Trước tình thương vô biên của Thiên Chúa, thánh Tông Đồ hô reo lên: “Ôi sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời” (Rm 11, 32-36: Bài đọc năm lẻ). Vì ơn Chúa đã thương ban cho chúng ta như vậy, nên thánh Phaolô nói tiếp: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.” (Pl 2, 1-4: Bài đọc năm chẵn).
Muốn sống không ganh tỵ, không tìm hư danh, ta hãy “nép mình bên Chúa như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ, để hồn ta được Chúa giữ gìn”(Tv 131/130, 1-3: ĐC năm chẵn).
II. TA PHẢI LÀM CHO ĐỒNG LOẠI TRỞ NÊN GIÀU CÓ NHƯ CHÚA ĐÃ LÀM CHO TA.
Chẳng những Chúa không để ta thiếu của vật chất mà còn làm giàu ơn cứu độ, vì được sống trong Hội Thánh làm con Thiên Chúa. Thế nên ta cũng phải đối xử tốt với những người xấu số trong xã hội, như Đức Giêsu dạy: “Khi nào anh em đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại anh em, và như thế anh em được đáp lễ rồi. Trái lại, khi anh em đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14, 12b-13: Tin Mừng).
Chúa nói thế không có nghĩa là ta đừng phục vụ người giàu, nhưng hàm hai ý nghĩa:
1/ Khi phục vụ, ta không mong, không đòi đồng loại phải báo đền, hãy để cho Thiên Chúa thưởng công, nhất là khi ta phục vụ người cùng khốn trong xã hội, họ càng không có gì để đáp lễ, thì ta hãy nhớ rằng Chúa đã “lấy đấu hảo hạng đã dằn đã lắc đổ vào vạt áo cho ta” (x Lc 6, 38). Thánh Phaolô còn nói: “Chúa còn ban cho ta dư dật về mọi phương diện, để ta có dư khả năng làm nhiều việc lành phúc đức khác” (x 2Cr 9, 8-11). Một khi “ta trở nên như kẻ ăn mày để làm giàu cho anh em” (2Cr 6, 10).
2/ Làm cho đồng loại thuộc về Hội Thánh để làm con Thiên Chúa.
Lệnh Chúa đã truyền: “Hãy mời kẻ nghèo, tàn tật, đui mù” (Lc 14, 13: Tin Mừng), đây là hình ảnh muôn dân được mời vào Hội Thánh (x Lc 14, 15-24), để tất cả những ai đã gia nhập Hội Thánh, sống đời làm con Thiên Chúa thì được dự tiệc: “Đầy cao lương thịt béo rượu nồng mà không phải trả xu nào, đặc biệt ai ăn tiệc này, thì không còn phải chít khăn tang lên đầu, vì Chúa đã cất khăn tang bao phủ mặt đất” (x Is 25, 6t). Tiệc ấy chính là tiệc Thánh Thể, không phải ăn thịt béo của sinh vật nào mà là ăn Thịt, uống Máu Con Chiên Thiên Chúa (Chúa Giêsu hiến tế), để Ngài truyền cho ta sự sống dồi dào (x Ga 10, 10; 6, 57). Ai dự tiệc này, Chúa hứa với họ: “Mọi sự của Cha đều là của con” (x Lc 15, 31), và khi ta nhắm mắt lìa đời thì còn được các Thiên thần rước về Trời để dự tiệc cưới “Chiên Con”, như Lời Chúa đã dùng miệng thánh Gioan nói: “Ta hãy vui mừng hoan hỷ, hãy chúc vinh Người! Vì này đã đến rồi tiệc cưới Chiên Con, và Hiền Thê của Ngài đã trang phục sẵn sàng. Và đã ban cho nàng được mặc trúc bâu rạng ngời tinh sạch – trúc bâu tức là công đức của các thánh” (Kh 19, 7-8).
Vậy nhờ sống trong Hội Thánh được giàu có và hạnh phúc như vậy, nên con cái Chúa cất lời ngợi khen: “Tôi sẽ hát mừng bài ca chúc mừng Danh thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người. Những ai nghèo hèn xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa hãy nức lòng phấn khởi. Lạy Chúa, xin đáp lại vì ơn cả nghĩa dạy” (Tv 69/68, 31. 33. 14c: Đáp ca năm lẻ). Đấy là sự thật của người được Chúa Giêsu chọn làm môn đệ, đúng như Ngài nói: “Nếu anh em ở lại trong Lời của Thầy, thì anh em thật là môn đệ Thầy, và anh em sẽ biết sự thật” (Ga 8, 31b-32: Tung hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đường bất tuân, ngõ hầu Ngài dủ lòng thương hết mọi người (Rm 11, 32).
Ôi thẳm sâu sự giàu khó khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa. Những phán quyết của Ngài, vô phương dò thấu, đường lối của Ngài không kế dõi theo (Rm 11, 33).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH