Lời Chúa cntn 29a _ gỡ cạm bẫy, bẻ gẫy cung tên

GỠ CẠM BẪY, BẺ GÃY CUNG TÊN
 “Các môn đệ là những người đã để cho mình luôn tràn ngập tình yêu của Chúa Giêsu và được ghi dấu bởi ngọn lửa nhiệt tình của Nước Thiên Chúa, để trở nên người mang niềm vui Tin Mừng.” (ĐGH Phanxicô, sứ điệp truyền giáo 2014, số 4)
Lm. Mt
Cha Pierre Dourisboure có mặt trong đoàn truyền giáo đầu tiên đặt chân đến vùng Tây Nguyên. Trong cuốn “Dân làng hồ”, ngài thuật lại một số sự kiện liên quan đến những gian khổ, và muôn điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện qua việc loan báo Tin Mừng cho đồng bào dân tộc. Chúng ta nhắc lại đây một trong nhiều câu chuyện rất cảm động ngài đã ghi lại.
Khi mới đến Kon-Trang, cha Pierre nghe nói nước uống mà dân làng đang dùng được dẫn về từ một cái hồ nhỏ nằm cách bìa rừng không xa. Nhân lúc rảnh rỗi, ngài tự tìm đường đến đó để xem cho biết. Tới nơi, ngài thấy hồ nước rất đẹp, được rào kỹ lưỡng bằng cây rừng, thỉnh thoảng chừa một khoảng trống để đi vào hồ.
Chỗ trống đó chính là nơi đặt bẫy để bắt thú. Bẫy được làm thật đơn giản, một sợi dây nhỏ được kéo ngang lối vào, bất cứ con vật nào đến hồ uống nước, khi đi qua sẽ vướng sợi dây, lập tức từ hệ thống đặt sẵn và được ngụy trang khéo léo, một mũi tên sẽ phóng về phía chỗ trống với sức mạnh đủ xuyên thủng bụng một con trâu rừng. Để tránh cho người khác không vướng bẫy, thợ săn thường làm dấu để cảnh báo.
Cha Pierre mới đến vùng người dân tộc nên không biết, vì thế ngài thản nhiên đi qua khe trống của hàng rào để vào ngắm hồ. Khi ngài vừa bước ra, cũng là lúc người đặt bẫy chạy đến với thái độ hốt hoảng:
-         Ông có đến tận bờ hồ không?
Cha Pierre trả lời:
-         Có, tôi vào và ra bằng lối này.
Sự sợ hãi và kinh ngạc lộ rõ trên khuôn mặt của chủ nhân chiếc bẫy. Anh không giải thích mà dẫn nhà truyền giáo đến chỗ ngài vừa từ hồ đi ra và lấy cây chạm nhẹ vào sợi dây, một mũi tên bằng tre rừng lao vút trước mặt hai người. Lúc này thì đến lượt Cha Pierre kinh hoảng tột độ, vì ít phút trước đó, sự sống và cái chết của ngài chỉ cách nhau không bằng độ dày của sợi tóc.
Người dân tộc hoảng hốt vì chỉ một chút xíu nữa cái bẫy giăng để bắt thú lại cướp đi một mạng người, dù là kẻ anh chưa hề quen biết. Vậy mà hằng ngày, chính chúng ta hoặc ai đó đã cố tình giăng bẫy để làm hại kẻ khác. Tệ hơn, còn mưu hại cả người trong gia đình và bạn hữu.
Đọc Kinh Thánh, chúng ta gặp thấy khá nhiều chuyện kể về những cạm bẫy được tính toán cẩn thận nhằm giết hại người thân kẻ nghĩa. Cain vì ghen tỵ nên đã giết em là Aben. Vua Đavít bày mưu giết hại vị tướng rất trung thành là Uria, để cướp vợ của ông. Mở đầu đoạn Tin Mừng vừa nghe, thánh sử Matthêu viết: “Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy.” (Mt 22, 15)
Người Pharisêu và nhóm Hêrôđê vốn chẳng ưa gì nhau, nhưng vì muốn loại trừ Đức Giêsu, họ tạm thời hợp tác với nhau. Cái bẫy mà hai nhóm này giăng ra để có dịp bắt lỗi Đức Giêsu là câu hỏi, có nên nộp thuế cho chính quyền Rôma không? Thuở ấy, dân Israen đang bị đế quốc Rôma đô hộ, vì thế nếu Đức Giêsu trả lời có, họ sẽ nói Người là kẻ xu nịnh chính quyền ngoại bang nên chẳng đoái hoài đến quyền lợi của dân tộc. Ngược lại, nếu trả lời không, họ sẽ tố cáo Người xúi dân chống lại hoàng đế La Mã. Bẫy giăng thật nguy hiểm! Trả lời thế nào Đức Giêsu cũng mắc kẹt, uy tín và công việc loan báo Tin Mừng của Người sẽ bị xuyên tạc.
Những người âm mưu làm hại Đức Giêsu đã khéo léo che đậy ý đồ đen tối của họ bằng lời ca tụng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.” (Mt 22, 16) Họ cũng giả bộ nhún nhường và muốn học hỏi: “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22, 17) Nhưng Đức Giêsu đã gỡ tung chiếc bẫy của họ: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22, 19) Qua câu trả lời: "Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (Mt 22, 21) Người còn mời gọi họ chu toàn những bổn phận không thể bỏ qua trước Thiên Chúa và với tha nhân.
Làm người, tất cả chúng ta đều chịu ơn của cha mẹ, dòng tộc và xã hội. Bổn phận của mọi người là phải thăng tiến bản thân, góp phần xây dựng gia đình, quê hương để cuộc sống mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Khi là người con thảo hiếu trong gia đình và người công dân tốt trong một đất nước, chúng ta vừa đền ơn các bậc cha anh, vừa xây dựng ngôi nhà chung là thế giới này. Làm như thế, chúng ta còn thực hiện ý muốn của Thiên Chúa và tôn vinh Người, vì đã thiết lập đời sống gia đình và cộng đồng xã hội.
Ngược lại, khi loại trừ tha nhân, chúng ta cũng chối từ Đấng đã cho nhân loại được mang hình ảnh Người. Chính Đức Giêsu đã kể những gì chúng ta làm cho tha nhân là đang làm cho Người. Ai mưu tính và tra tay làm hại đồng loại, họ đã tự biến mình thành kẻ bất nhân thất đức như tác giả thánh Vịnh viết: “Kìa quân gian ác đã giương nỏ lắp tên, núp trong bóng tối nhằm bắn người ngay thẳng.” (Tv 11, 2) Trong nhiều trường hợp, kẻ gài bẫy mưu hại tha nhân còn tạo nên mối hiểm nguy mà sau này chính con cháu hoặc bản thân họ sẽ vấp phải: “Nó đào hầm đào hố, chính nó lại sa chân. Hại người chẳng hoá hại thân, gậy ông đập xuống lại dần lưng ông.” (Tv 7, 16-17)
Khi dạy phải trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Người, Đức Giêsu muốn tâm trí và hành vi của chúng ta hướng về Đấng Tạo Hóa để chúc tụng, tạ ơn và yêu mến. Ngoài ra, còn phải thương mến tha nhân bằng việc làm cụ thể như giúp đỡ và thăm viếng những anh chị em đang gặp hoàn cảnh bất hạnh. Tình yêu thương ấy còn phải vượt qua biên giới là người đồng hương, đồng đạo, để hướng tới những anh chị em chưa chia sẻ cùng một niềm tin với chúng ta.
Các tín hữu chỉ thực sự cảm nhận niềm vui của người môn đệ Đức Kitô, nếu can đảm gỡ bỏ khỏi tâm trí những cạm bẫy và bẻ gãy mọi thứ cung tên nhằm mưu hại tha nhân, thay vào đó là sự quảng đại dấn thân phục vụ; đồng thời, biết đem niềm hy vọng đến cho anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa và giúp họ tìm được hướng đi giữa những bế tắc của cuộc sống.
Với sứ điệp truyền giáo năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khích lệ và nhắn nhủ chúng ta: “Các môn đệ là những người đã để cho mình luôn tràn ngập tình yêu của Chúa Giêsu và được ghi dấu bởi ngọn lửa nhiệt tình của Nước Thiên Chúa, để trở nên người mang niềm vui Tin Mừng. Tất cả các môn đệ của Đức Kitô được mời gọi nuôi dưỡng niềm vui của việc loan báo Tin Mừng.” (số 4)
Trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, chúng ta tha thiết nài xin Chúa cho các Kitô hữu biết loại khỏi lòng mình những mưu mô bất chính, biết quí trọng và yêu mến tha nhân, để chúng ta được nên anh em và cùng nhau làm chứng nhân cho Thiên Chúa Tình Yêu.