Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần 13 thường niên

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
Am 9,11-15; Mt 9,14-17
BÀI ĐỌC: Am 9,11-15
11 Đức Chúa phán thế này: “Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đa-vít,bít kín các lỗ hổng của tường thành, tái thiết những gì đã tan hoang, xây dựng nó như những ngày xưa cũ; 12 để chúng được chiếm hữu số sót của Ê-đôm và của tất cả các dân tộc đã được mang danh Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Đấng thực hiện điều ấy. 13 Này đây sắp đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy. 14 Ta sẽ đổi vận mạng của Ít-ra-en dân Ta: chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó; chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác. 15 Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở, và chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng - ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi phán như vậy”.
ĐÁP CA: Tv 84
Đ. Điều Chúa phán là Lời chúc bình an cho dân Người. (c 9b)
9 Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người.
11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. 12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,công lý nhìn xuống tự trời cao.
13 Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. 14 Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 10,27
Hall-Hall: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Hall.
TIN MỪNG: Mt 9,14-17
14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”

ĂN CHAY ĐỂ ĐƯỢC CHÚA GIÊSU HIỆN DIỆN
Tôn giáo nào cũng có hình thức ăn chay để biểu lộ lòng đạo đức, nhưng ý nghĩa và hình thức thì khác nhau:
-         Phật Giáo ăn chay không nhịn đói, nhưng kiêng ăn thịt động vật, vì họ tin rằng ai chết mà chưa được siêu thoát thì phải đầu thai vào một con vật nào đó. Do vậy ăn thịt động vật là cách “ăn thịt người”, hoặc xúc phạm đến hồn tiền nhân, nên phải kiêng thịt (ăn chay).
-         Người Do Thái có nhiều lý do để ăn chay:
a- Khi gặp biến cố như:
* Có người qua đời. (x. 1Sm 31,13)
* Vì goá bụa. (x. Gd 8,5-6)
* Tai họa xảy đến cho đất nước. (x. 2V 25,1-4)
b- Khi đứng trước một sứ mệnh quan trọng:
* Sắp đi giao chiến. (1Sm 14,24)
* Chuẩn bị gặp Chúa hoặc thi hành mệnh lệnh Chúa trao (x. Is 58,2-3;Lv 16,29;Ds 29,7).
Hình thức ăn chay là nhịn ăn như Đức Giêsu (x. Mt 4,1-11), hoặc truyền thống ăn chay của Do Thái giáo là mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro, hay rắc tro lên đầu mà cầu khẩn cùng Thiên Chúa (x. Gn 3,5t; Gr 6,26; Gd 8,4; Es 4,17k).
Nhưng tiếc rằng nhiều người Do Thái lạm dụng Luật ăn chay, “họ ăn chay mà vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức những kẻ làm công cho mình, vẫn đôi co cãi vã, đánh đập đồng loại thật bạo tàn. Trong khi đó các ngôn sứ lên tiếng giáo dục: Ăn chay phải là mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, chia cơm áo cho người đói rách, rước vào nhà những người nghèo không có nơi cư ngụ. Có thế công lý mới đi trước mặt ngươi, vinh quang Chúa bao bọc ngươi trước sau. Họ nhếch miệng kêu van, Chúa nhận lời ngay” (x. Is 58,1-9a).
Dù người ta thực hành giáo huấn của ngôn sứ Isaia về việc ăn chay là phải tích cực làm điều tốt lành cho đồng loại, thì vẫn còn dừng lại trong lãnh vực nhân bản.
-         Người Công Giáo ăn chay là bớt phần ăn để có thêm tiền của lo việc phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh (x. Điều Răn V – x. Giáo Lý Roma số 2041-2043), đồng thời còn chia sẻ cho những người không có khả năng tự kiếm sống. Chia sẻ của cải như thế nhằm đưa nhiều người về cho Chúa Giêsu cứu độ, Chúa Giêsu gọi họ là những “kẻ bé nhỏ” (x. Mt 25,31-46). Hội Thánh Công Giáo dạy con cái mình ăn chay với ý hướng như thế nhằm mục đích tìm lại sự hiện diện của “Tân Lang Giêsu” trong tâm hồn, như Ngài nói: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9,15: Tin Mừng).
Vậy mỗi khi phạm tội, ta là kẻ khốn nạn nhất, vì đã xua đuổi Tân Lang Giêsu ra khỏi tâm hồn mình, thì ta phải chân thành sám hối, thiết tha cầu khẩn: “Lạy Thiên Chúa một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51/50,19b), lòng sám hối tội mình thể hiện bằng việc ăn chay, tức là giới hạn nhu cầu thân xác, để có điều kiện chia sẻ cho “kẻ bé nhỏ” là làm cho chính Chúa (x. Mt 25,35-40), và phải bỏ bớt công việc trần thế để có thời giờ tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, nhất là khi mắc tội trọng cần phải lãnh Bí tích Giao Hòa mới được hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó là cách ta mời “Tân Lang Giêsu hiện diện trong tâm hồn, vì ta là Hiền Thê của Ngài khởi đi từ lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy (x. 2Cr 11,2; Ga 3,29). Nhưng để được rước Lễ, Hội Thánh buộc ta phải ăn chay ít là trước một giờ, trừ nước lã và thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên đối với người bệnh tật và già yếu thì không buộc phải giữ chay.
Đó là Giáo Lý Mới của Đức Giêsu. Ta biết “rượu mới Đức Giêsu ban tại tiệc cưới Cana thì ngon hơn rượu cũ” (x. Ga 2,1-10), là dấu chỉ về Giáo Lý Mới của Ngài ban làm hoàn hảo Giao Ước cũ Chúa đã lập với dân Israel, vì Giao Ước Mới được lập bằng Máu của Ngài (x. Lc 22,20). Có thế ta mới hiểu được Lời Ngài nói: "Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.” (Mt 9,17: Tin Mừng).
Qua lời dạy này, Đức Giêsu cho chúng ta phải xác tín rằng: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, mọi sự tốt đẹp: Chân – Thiện – Mỹ, đều phát xuất từ Thiên Chúa, nơi Ngài không bao giờ có sự thay đổi (x. Gc 1,17). Nhưng Chúa mạc khải Chân Lý cho Hội Thánh tiệm tiến theo thời gian, vươn đến sự hoàn hảo vào ngày cánh chung. Bởi thế đừng đồng hóa điều vẫn có với sự hoàn hảo. Vì chính Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,12-13). Thế nên “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27: Tung Hô Tin Mừng).
Giám mục Marcel Lefebvre không đồng ý với chân lý trên, nên không tùng phục giáo huấn của Công Đồng Vat. II cải cách Phụng Vụ: Chủ tế dâng Lễ quay xuống giáo dân và đọc bằng tiếng địa phương, để người tham dự hiểu tăng thêm sốt sắng. Nhưng ông Lefebvre cho rằng đó là trò của ma quỷ bày ra, nên ông cố thủ truyền thống Phụng Vụ của Hội Thánh từ thời Đức Giáo hoàng Pio X: Chủ tế dâng Lễ quay mặt lên Chúa và phải đọc bằng tiếng La Tinh, lối cử hành Phụng Vụ này đã lôi kéo một số người theo, đưa đến nguy cơ ly khai với Giáo Hội Công Giáo.
Mục đích của Giao Ước Mới làm cho ta được “mặc lấy Chúa Kitô” (x. Gl 3,27) để được trở nên công chính, dù thân xác ta có chết vì tội đã phạm (x. Rm 8,10). Nhìn cách ăn mặc của một người, ta biết phần nào về nhân cách của người đó, thì chẳng ai đủ nhân cách bằng người đã được mặc lấy Chúa Kitô, hơn xưa Chúa lột da thú may áo mặc cho nguyên tổ Adam, Eva (x. St 3,21), thay cho những chiếc lá họ dùng để che thân (x. St 3,7). Vì thế Đức Giêsu nói: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm.” (Mt 9,16: Tin Mừng).
Xưa kia ông Esau chỉ vì mê ăn tô cháo của em là Giacob, mà bằng lòng bán quyền trưởng nam (x. St 25,29-34), và thêm vào lý do Esau đã lấy vợ dân ngoại, thì làm sao ông giữ vững được Đức Tin chỉ tôn thờ Thiên Chúa, nên đã làm cho ông Isaac và bà Rêbecca là cha mẹ ông khổ tâm (x. St 26,34), và còn đau lòng hơn nữa là phúc lành của Chúa hứa ban cho dòng giống từ tổ phụ Abraham lại tuôn sang dân ngoại! Vì những lý do đó mà bà Rêbecca phải lập mưu đánh lừa ông Isaac: lấy áo Esau mặc cho Giacob, để khi Giacob đưa cháo mẹ đã nấu cho cha ăn, vì ông Isaac bị mù, nên ông ngửi mùi áo Giacob tưởng là Esau,và ông đã chúc lành cho Esau là con trai trưởng, ngờ đâu lại là Giacob! Thánh Ambrosiô đã hiểu việc bà Rebecca lấy áo con cả mặc cho con thứ, chính là hình ảnh Mẹ Maria lấy mọi phúc lộc của Chúa đã hứa cho Israel cũ mà trao cho chúng ta là con cái của Mẹ, con của Hội Thánh Chúa Kitô (x. St 27,1-5. 15-29: Bài đọc năm lẻ). Chỉ những ai được phúc lành Chúa hứa ban cho dòng giống tổ phụ Abraham, mới cùng nhau cất lời kinh: “Ca tụng Chúa đi, vì Chúa nhân hậu” (Tv 135/134,3a: ĐC năm lẻ).
Phúc lành ấy Thiên Chúa hứa qua miệng ngôn sứ Amos loan báo: “Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đavid, bít kín các lỗ hổng của tường thành, tái thiết những gì đã tan hoang, xây dựng nó như những ngày xưa cũ; Này đây sắp đến những ngày thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy. Ta sẽ đổi vận mạng của Israel dân Ta: chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó;chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác. Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở, và chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng” (Am 9,11-15: Bài đọc năm chẵn). Chúa làm như thế cho dòng giống nhà Đavid, vì chính Chúa Giêsu là Vua thuộc dòng Đavid, Ngài sẽ thực hiện cho những ai ở trong Vương quốc Ngài, nhất là cho người Công Giáo khi đến dự tiệc Thánh Thể Ngài đã dọn sẵn, nơi đây người ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x. Ga 1,16).
Quả thật, “điều Chúa phán là Lời chúc bình an cho dân Người” (Tv 85/84,9b: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Mục đích ăn chay là phải tìm lại được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn (x. Mt 9,15).
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,5).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH