Vị thánh trong ngày _ 07/5



Chân Phước Rose Venerini
(1656 - 1728)  
Ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức "ở ngoài đời". Sau cái chết của ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội.
Chân Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Ðại Lợi, năm 1656. Cha ngài là một bác sĩ. Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện nhưng chỉ được vài tháng cô đã phải về nhà để chăm sóc người mẹ goá sau khi cha cô từ trần.
Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường quy tụ các thiếu nữ trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục dòng Tên linh hướng, là người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức "ở ngoài đời" hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự trợ giúp của hai người khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.
Cô Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và huấn luyện giáo chức. Cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Không bao lâu, cô được nổi tiếng và năm 1692, Ðức Hồng Y Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở các trường học trong địa phận. Chính ở đây cô trở nên một người bạn và là cô giáo của Lucia Filippini, là người sáng lập dòng và được phong thánh năm 1930.
Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối có lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713, cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được chính Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen ngợi.
Người giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm 1952 ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di dân người Ý.
Suy niệm hạnh Chân Phước Rose Venerini
theo Lm.
Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ