Lời Chúa cnps 4a _ để cho chiên được sống

ĐỂ CHO CHIÊN ĐƯỢC SỐNG
Cái điên rồ và yếu đuối của Thiên Chúa chính là tình yêu vượt trên mọi tình yêu, một tình yêu ngự đến chăm sóc sự sống con người như chính sự sống của mình...
Lm. HK
Khi còn nhỏ, ở bên cha mẹ, chẳng ai thấy mình yếu đuối; ngày lớn lên, đứng trên hai bàn chân của mình mà bước vào đời, người ta mới thấy rõ sự yếu đuối của mình: Hoàn toàn bất lực trước dòng chảy của thời gian và tuổi tác, mang nhiều tật bệnh, yếu đuối trước thiên nhiên có nhiều thay đổi thật khó lường trước, và yếu hèn ngay cả với chính mình để biết được con đường phải đi, và có sức mà theo đến cùng: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7,15). Như thế, khát vọng về một hạnh phúc thật như nằm ngoài tầm tay của bất cứ ai, từ một người giàu nứt đố đổ vách cho đến một kẻ cùng khốn đói nghèo, từ những vị vua ngự trên toà cao cho đến một nô bộc hèn mọn. Trên miệng con người chỉ còn một lời kêu xin lòng Chúa thương xót: “Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời.” (Tv 6,3).
Cùng cực thay phận con người! Nhưng lại phúc thay cho ai biết tựa nương vào Chúa “vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25). Cái điên rồ và yếu đuối của Thiên Chúa chính là tình yêu vượt trên mọi tình yêu, một tình yêu ngự đến chăm sóc sự sống con người như chính sự sống của mình: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá … vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành”!!! (1Pr 2,24).
Tình yêu Chúa thật bao la! Và xiết bao hạnh phúc cho mỗi người khi biết rằng không có một biên giới nào cho tình yêu Chúa: Cũng một tình yêu bao la dành cho toàn thể nhân loại là tình yêu dành cho mỗi người, hiện sinh và sống động như tình yêu của người mục tử dành cho mỗi con chiên: “Anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra”, tình yêu của người mục tử bỏ 99 con trong hoang địa để đi tìm một con chiên lạc!
Victor Hugo, một văn sĩ Pháp nổi tiếng, trong tác phẩm “Những kẻ khốn cùng” đã minh hoạ tình yêu mục tử của Đức Kitô một cách tuyệt diệu qua hình ảnh Giám mục Myriel, một người sống triệt để tinh thần mục tử của Đức Kitô: “Tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào”
Bọn cướp của Gatpa trước đây thường quấy nhiễu vùng núi Ônliun. Sau khi chúng bị tiêu diệt, một trong các tay đầu mục là Cravat lẩn tránh vào núi. Y cùng một số lâu la, dư đảng của Gatpa ẩn náu một thời gian tại quận Nice, rồi tràn sang vùng Piémont, và đột nhiên lại xuất hiện ở địa phận nước Pháp. Có lần y dám đến tận Ambrun và đang đêm xông vào nhà thờ vơ sạch đồ lễ. Cảnh binh được giao trách nhiệm lùng bắt, nhưng vô hiệu. Lần nào y cũng trốn thoát, cũng có lúc y chống cự mãnh liệt. Rõ là một tên khốn kiếp táo tợn. Đương cơn kinh hoàng ấy thì ĐGM Myriel tới. Đức Cha đi kinh lý. Khi đến Sattelat thì ông xã trưởng đề nghị Đức Cha trở về, vì Cravat đang chiếm cứ vùng này. Đi sẽ nguy hiểm cho dù có hộ tống, và có thể phải hy sinh cách vô ích ba bốn người lính bất hạnh.
-      Cũng vì thế mà tôi định không lấy người hộ tống.
-      Đức Cha lại nghĩ thế à?
-      Tôi nghĩ thế lắm cho nên tôi nhất định không lấy sen đầm, và một giờ nữa thì tôi đi.
-      Đức Cha đi một mình à?
-      Đi một mình.
-      Thưa Đức Cha, Đức Cha đừng làm như vậy.
-      Trên núi này có một xóm nhỏ chỉ bấy nhiêu mà đã ba năm nay tôi chưa đến thăm. Những người chăn dê hiền lành và lương thiện ấy, họ là những người bạn tốt của tôi. Họ cũng cần nghe lời Chúa. Vậy mà một giám mục yếu bóng vía thì họ sẽ nghĩ thế nào?
-      Nhưng mà, thưa Đức Cha, có cướp! Sợ Đức Cha gặp cướp!
-      Tôi cũng vừa nghĩ đến điều ấy. Ông nói có lý. Tôi có thể gặp họ lắm. Những người ăn cướp này cũng cần nghe nói tới Chúa.
-      Thưa Đức Cha, nhưng mà chúng là một lũ cướp, một bầy chó sói!
-      Ông xã trưởng ạ, có lẽ chính vì bầy thú ấy mà Chúa Giêsu cho tôi làm kẻ đi chăn. Ai biết đâu đường nẻo của Chúa?
-      Thưa Đức Cha, chúng sẽ cướp hết đồ đạc của Đức Cha.
-      Tôi chẳng có gì cả.
-      Chúng giết Đức Cha mất.
-      Giết một ông cha vừa đi vừa đọc kinh? Chà chà! Để làm gì chứ?
-      Lạy Chúa, rủi Đức Cha gặp chúng thật?
-      Tôi sẽ xin họ làm phước cho kẻ khó của tôi.
-      Đức Cha đừng đi, nguy đến tính mạng mất.
-      Dứt khoát chỉ có thế thôi à? Tôi có mặt trên thế gian này không phải để gìn giữ tính mệnh mà để chăn giữ các linh hồn.
Đành phải để mặc Đức Cha. Đức Cha ra đi chỉ có một em bé tình nguyện đi theo dẫn đường. Việc Đức Cha khư khư đòi đi ấy đồn đại khắp xứ làm người ta vô cùng hoảng sợ. Đức Cha cưỡi con la, đi suốt qua núi chẳng gặp một ai và đến với những người chăn dê, bạn tốt của Đức Cha, một cách bình an. Đức Cha ở lại với họ nửa tháng, dạy giáo lý, ban phép Thêm sức, và dạy chữ cho họ.
Hôm sắp từ biệt xứ này, Đức Cha quyết định tổ chức một buổi lễ tạ ơn với nghi thức đại trào Giám mục. Đức Cha ngỏ ý với Cha xứ. Nhưng làm thế nào? Chẳng có đồ lễ của Toà Giám mục. Chỉ có thể đưa cho Đức Cha dùng một bộ đồ lễ nhà xứ nghèo nàn với mấy chiếc áo choàng lụa đã sờn đính tua vàng giả. Đức Cha nói: “Không sao, Cha xứ à! Đến giờ giảng chúng ta cứ báo tin về buổi lễ đi. Mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy.”
Người ta lùng các nhà thờ quanh vùng. Tất cả các thứ sang trọng ở các xứ đạo nghèo này nhập lại cũng không lọc ra được một bộ lễ phục tạm coi được cho một Thầy Sáu hát Phúc âm, chứ đừng nói cho một vị Giám mục.
Đang lúng túng như vậy thì có hai người lạ mặt đi ngựa mang một cái hòm to, đặt ở trước nhà Cha xứ rồi quay đi ngay. Mở hòm ra thì thấy một áo choàng dạ vàng, một chiếc mũ gầu nạm kim cương, một Thánh giá Tổng giám mục, một chiếc gậy tuyệt đẹp. Tất cả những phẩm phục này bị mất trộm một tháng trước ở kho nhà thờ Đức Bà Ambrun. Trong hòm còn có một mảnh giấy đề mấy chữ: “Cravat gửi tặng Đức Cha Myriel.”
Thấy thế, Đức Cha nói: “Tôi đã nói mọi việc rồi đâu sẽ vào đấy mà”
Không có ai yếu hèn hơn tôi, nhưng cũng chẳng có ai mạnh mẽ hơn tôi nếu tôi đặt tất cả cuộc đời tôi trong niềm tin vào sức mạnh của Đức Kitô, Đấng đã đến để cho tôi được sống và sống dồi dào: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5) 
Lm. HK