Suy niệm hạnh thánh _ 07/5


Chân phước ROSE VENERINI
 (1656-1728)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Chân Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Đại Lợi, năm 1656. Cha ngài là một bác sĩ. Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện nhưng chỉ được vài tháng cô đã phải về nhà để chăm sóc người mẹ góa sau khi cha cô từ trần.
Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường quy tụ các thiếu nữ trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục dòng Tên linh hướng, là người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức "ở ngoài đời" hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự trợ giúp của hai người khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.
Cô Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và huấn luyện giáo chức. Cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Không bao lâu, cô được nổi tiếng và năm 1692, Đức Hồng Y Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở các trường học trong địa phận. Chính ở đây cô trở nên một người bạn và là cô giáo của Lucia Filippini, là người sáng lập dòng và được phong thánh năm 1930.
Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối có lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713, cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được chính Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen ngợi.
Người giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm 1952 ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di dân người Ý.
Suy niệm 1: Chết
Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện.
Cái chết của một người thân, đặc biệt của một vị hôn phu luôn là một mất mát trầm trọng cho người còn lại, đến mức làm cho người sống mất đi phương hướng không còn biết tiếp tục quãng đời còn lại thế nào. Nhưng với chân phước Rose thì khác. Cô đã không ngã quỵ, nhờ cố tìm đọc được ý nghĩa cái chết của vị hôn phu như một lời mời gọi của Thiên Chúa trong một sứ mạng mới. Cô gia nhập một tu viện, nhưng chưa đúng hướng, nên đã về đời và huấn luyện giáo chức theo tài ăn nói hoạt bát Chúa ban cho.
Theo gương cô Rose, sau cái chết của người giáo chức tận tụy này, các giáo chức trong các trường của  ngài đã không ngã quỵ mà bỏ cuộc, nhưng cùng quy tụ thành một tu hội, nỗ lực phát triển, để rồi ngày nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di dân người Ý.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm đọc được ý nghĩa Chúa muốn, khi đối diện với bất cứ cái chết nào.
Suy niệm 2: Độc thân
Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân.
Sau cái chết của vị hôn phu, cô Rose vẫn tiếp tục sống độc thân, chứ không tiến thêm bước nữa, vì cô chân nhận được các lợi ích của nếp sống độc thân: dễ dàng “chuyên lo việc cầu nguyện” (1Cr 7,5), cũng như “lo được ích chung” (1Cr 12,7), chớ không như “người có vợ chỉ lo tìm cách đẹp lòng vợ” và “người có chồng thì lo tìm cách đẹp lòng chồng” (1Cr 7,33-34b).
Với ơn gọi mới (1Cr 7,24), người góa bụa không còn bị ràng buộc bởi đời sống vợ chồng nữa, mà có thể dành quãng đời còn lại để sống địa vị góa bụa với toàn thời giờ cũng như toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa và tha nhân, theo gương bà An-na với cuộc đời đêm ngày phụng thờ Chúa trong đền thờ (Lc 2,37), bà Tabitha có nghĩa là Linh Dương , một bà góa đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm (Cv 9,36-41).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các góa phụ theo gương bà Giu-đích tự nguyện sống đời góa bụa và khổ hạnh (Gđt 8,4-8;16,22), vì đừng tái giá thì có phúc hơn (1Cr 7,40).
Suy niệm 3: Ơn gọi
Ơn gọi của cô Rose là trở nên 1 giáo chức "ở ngoài đời" hơn là 1 nữ tu chiêm niệm trong dòng.
Ơn gọi tu dòng hay ở đời đối với Chúa đều có tầm quan trọng như nhau. Điều chủ yếu, đó là sống trọn vẹn ơn gọi của mình theo như Thiên Ý. Chính vì thế sau cái chết của vị hôn phu, Rose quyết định gia nhập một tu viện nhưng không đúng Thiên Ý, nên chỉ được vài tháng Chúa sắp xếp cô phải về nhà để chăm sóc người mẹ góa sau khi cha cô từ trần, để từ đó có thể hoàn thành sứ mạng huấn luyện giáo chức và mở trường học.
Cũng thế Thánh Phanxica Rôma sinh tại Trastevere, thuộc gia đình giàu có và đạo đức. Mặc dầu ao ước được trở thành nữ tu, ngài phải thành hôn với Laurenzo Ponziano lúc mới 13 tuổi. Quả vậy nhờ làm vợ mà ngài đã hỗ trợ tinh thần của chồng cũng như em rễ và em dâu trong việc phục vụ người nghèo tại Rôma. Vào năm 1425 sau khi hai người con qua đời, với sự hậu thuẫn của đức lang quân, bà Phanxica bắt đầu thành lập một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ, được gọi là Hiến Sĩ của Đức Maria. Họ chỉ dâng mình cho Chúa và cho sự phục vụ người nghèo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra ơn gọi mình theo Thiên Ý và hết mình chu toàn.
Suy niệm 4: Trường học
Cô Rose mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.
Nhà tù được xã hội tạo lập nên nhằm giam cầm những tội nhân để tạo thời gian cho họ sám hối lỗi lầm, quyết tâm từ bỏ con đường xấu xa mà cải tà quy chánh. Nhưng không thiếu trường hợp một khi ra khỏi tù thì ngựa quen đường cũ, vì hình phạt mà thiếu vắng tình thương thì chỉ có kết quả trước mắt và tức thời chứ không thể lâu dài và tận căn được.
Chính vì thế không một tôn giáo nào chủ trương xây dựng nhà tù cho các tín đồ sai phạm của mình, mà chọn một trong các phương cách khác, đó là mở trường học nhằm giúp con người tu nhân tích đức và hạn chế các nết hư tật xấu đến mức thấp nhất ngay từ thuở còn bé. Phòng bệnh vẫn luôn tốt hơn là chữa bệnh. Như thế mở một trường học chân chính thì có hiệu năng là đóng cửa một nhà tù.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các học sinh không chủ trau dồi học vấn ở trường mà còn tu nhân tích đức để thành nhân và nhất là trở thành thánh nhân.
Suy niệm 5: Cố vấn
Đức Hồng Y Barbarigo đã mời cô Rose làm người cố vấn.
Với chức vụ Hồng Y, Đức Barbarigo lại chọn cô Rose làm người cố vấn, dĩ nhiên do lòng khiêm tốn thẳm sâu của ngài. Nhưng chắc chắn không phải ngài khuất phục trước tài ăn nói hoạt bát Chúa ban cho giáo chức Rose mà là sự thánh thiện của cô được xác nhận qua các phép lạ, vì từ tâm hồn đạo đức sẽ luôn phát xuất ra những lời tốt đẹp và hữu ích (Mt 12,34).
Đàng khác vai trò đúng nghĩa của người cố vấn là nhằm góp ý xây dựng cũng như nêu lên những ý kiến soi sáng, chứ không mang tính quyết định. Chính người hỏi ý phải tự mình quyết định thực hiện theo lời mách bảo hay không, để rồi phải tự đảm nhận lấy trách nhiệm về mình. Nên việc ngài chọn cô Rose làm người cố vấn như một hổ trợ là điều dễ hiểu thôi.
* Lạy Chúa Giêsu. xin giúp chúng con khiêm tốn lắng nghe những lời mách bảo, nhưng phải anh dũng tự quyết chứ đừng xử sự cách thụ động.
Suy niệm 6: Chống đối
Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối quyết liệt.
Đời người không ai không gặp khó khăn. Với Rose, một trong những khó khăn cô Rose đã gặp phải, đó là bị chống đối và không chỉ về mặt tinh thần mà nhất là bằng bạo lực, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhưng cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại.
Một nhà giáo dục đại tài khác cũng từng bị kẻ thù nghịch gây khó khăn bằng việc dùng vũ lực mà chống đối, đó là thánh Gioan Boscô. Một hôm có số kẻ xấu bày mưu lập kế mời ngài đi xức dầu bệnh nhân. Vừa đến nơi, họ liền dùng gậy gộc vây quanh đánh ngài. Nhưng may thay, được ơn Chúa mách bảo, ngài phát hiện quỷ kế, nên kín đáo ra tay làm hiệu cho một số học trò khoẻ mạnh âm thầm đi theo, nhờ đó đã kịp thời giải cứu ngài an toàn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tín thác vào tình thương quan phòng bảo vệ chở che của Chúa, như Chúa đã từng bảo vệ các tông đồ xưa (Ga 18,8).