Emmanuel-
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta
John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau
nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải
hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn.”
Một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời
đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ
với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các
bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy.
Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang
chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của
cha John. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu giây bên kia là giọng nói của
chàng thanh niên năm nào: “Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở
về cùng Giáo hội.”
-
Chuyện gì xảy ra cho anh vậy?, Vị linh mục
hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó
nên vội dọn mình ra đi.
Nhưng anh ta trả lời:
-
Thưa
cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều.
Vị linh mục ngạc nhiên:
-
Mẹ
nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để
gặp riêng anh?
-
Vâng
thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có
con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con.”
Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên
hơn nữa:
-
Ủa,
đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết
phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa?
Anh thanh niên chậm rãi giải thích:
-
Thưa
cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả
con tim của mình.
Một câu nói không phát ra từ một công thức
có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn
thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và
truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Trong một Thánh lễ, biết bao lần vị linh
mục đọc lên cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị
em,” nhưng thử hỏi có mấy lần lòng tôi bồi hồi xúc cảm vì sung sướng trước
sự kiện này? Rất nhiều lần tôi nghe, đáp, hát, đọc những lời kinh nguyện có
cùng một nội dung như thế, nhưng có mấy lần tôi cảm nhận được Thiên Chúa hiện hữu
thật sự trong cuộc đời của mình? Tôi không có, phải chăng vì đã chưa đọc và
nghe với tất cả tâm hồn?
Nếu thấu hiểu được thế nào là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” chắc chắn
sẽ không có một tác nhân gì có thể làm cho con người phải run sợ bất an hay ưu
sầu lo lắng.
Ngày xưa, khi Môisen đang chạy trốn người
Aicập, tránh né bàn tay ác độc của Pharaô, Giavê đã hiện ra và bảo ông trở về đất
Ai để giải thoát dân Israel. Trước một trách nhiệm lớn lao cùng bao hiểm nguy
cho tính mạng như thế, Moisen can đảm lên đường, vì Thiên Chúa đã nói với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3:12).
Rồi khi Giêrêmia được Giavê kêu gọi ra
đi làm tiên tri cho các dân tộc, ông đã tìm cách thoái thác: “Tôi đâu có biết nói năng gì. Tôi chỉ ú ớ
như một đứa trẻ con.” Nhưng Chúa nói: “Đừng
sợ, vì Ta ở cùng ngươi” (Gr 1:8). Với lời hứa ấy của Giavê, Giêrêmia lên đường.
Trong Tân ước, khi Chúa Giêsu sai các
môn đệ đi vào thế gian rao giảng Tin mừng. Sứ mạng chất đầy gian nan, không
khác chi như chiên con đi giữa sói rừng. Ấy thế mà sự bảo đảm lại chỉ là một lời
hứa: “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho
đến tận thế” (Mt 28:20). Vậy rồi các ông ra đi.
Sẽ không lời hứa nào bày tỏ trọn vẹn nỗi
lòng yêu thương của một con người cho bằng lời hứa “ở cùng người yêu,” và sẽ không có nỗi lòng khát khao nào mãnh liệt
cho bằng được “sống chung với người yêu.”
Một chàng thanh niên có thể hứa với người con gái: “Anh sẽ mua cho em một chiếc nhẫn kim cương làm quà Giáng sinh; anh sẽ
cố học thành tài để em không phải lam lũ sau này...,” nhưng nếu không có lời
hứa “ở cùng em” thì vô ích hết. Cao
điểm hạnh phúc trong ngày thành hôn của hai người nam nữ không phải nơi chiếc áo
cưới soirée lộng lẫy, cũng chẳng phải nơi chiếc nhẫn cưới hay lời chúc tụng của
thân hữu đôi bên, nhưng là nơi giao ước tình yêu đã được thiết lập. Trong giao
ước đó họ hứa “ở cùng nhau suốt đời.”
Một linh mục đã nhận xét: “ở cùng” chính là ngôn ngữ của tình yêu,
vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở
cùng.”
Vì yêu nên mới có việc Thiên Chúa đến “ở cùng” con người, mới có danh hiệu
Emmanuel, mới có cảnh Giavê mang kiếp lầm than để thông chia nỗi đau của con
người, và chưa hết, mới có danh hiệu Giêsu, nghĩa là Giavê cứu thoát.
Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa
muốn cứu thoát. Để cứu thoát, Ngài đã đến ở cùng. Có lẽ không nỗi đợi chờ hay một
thoả mãn nào đáng giá hơn hình ảnh của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, hiện
thân của tình yêu ở cùng.
Danh hiệu Emmanuel không chỉ gợi lên
trong tôi ý thức về ân phúc tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, về những lời
cầu chúc được lập đi lập lại trong các Thánh lễ đang cần được nói và nghe với tất
cả tâm hồn, nhưng còn là lời mời gọi bạn và tôi hãy ở cùng tha nhân, hãy xích lại
gần nhau và sống thân ái hơn trong tình người.
Như Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn
cách, dù đó là sự ngăn cách vô biên--giữa Tạo hoá và loài thụ tạo, giữa trời
cao với đất thấp, giữa vô hình và hữu hình--chúng ta cũng được mời gọi hãy phá
đổ những ngăn cách giữa con người với con người, để việc tôi “ở cùng” tha nhân trong an hoà sẽ là một
phản chiếu rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.