CHÚA LÀ PHẦN
GIA NGHIỆP CỦA CON
Đừng sợ
chi khi bước theo Chúa với hai bàn tay trắng, vì “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết đường
lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu
Chúa tới muôn đời.” (Tv 15,11)
Thánh
Paulinô, giám mục thành Nôla (357-431), sau khi thu xếp xong việc gia đình, từ
bỏ chức lãnh sự ở Rôma, đã sống một cuộc đời tu đức khổ hạnh, sau làm giám mục.
Khi quân Goths chiếm đóng xứ ngài và bắt nhiều người làm nô lệ, ngài đã bán tất
cả gia sản để nuôi người nghèo và chuộc nhiều kẻ nô lệ trong số đó. Tới lúc
quân Vandales tiến đến, ngài không còn gì để bán nữa nên đã hy sinh đi làm nô lệ
thay cho con trai của một bà goá, và bị điệu sang Phi châu.
Mãi
lâu sau, ngài mới được trả tự do và trở về giáo phận Nôla trước niềm hân hoan cảm
phục của mọi giáo hữu.
Ai
cũng khao khát được tự do. Có người đi tìm cảm giác tự do trong sức mạnh của tiền
bạc, người khác thấy trong chức quyền, trong sự thoả mãn những đam mê xác thịt.
Nhưng càng đuổi bắt tự do, người ta lại càng ràng buộc chính mình vào những điều
không phải là mình.
Chỉ cần
thẳng thắn nhìn lại chính mình, ai cũng có thể thấy ngay sự ràng buộc đó: trong
cuộc sống thường nhật có nhiều thay đổi, những thay đổi nào làm cho tôi thấy
đau khổ, mất mát nhất? Tuổi tác, sức khoẻ, tiền tài, chức vị, khoái lạc, công
việc, bạn bè, tình duyên… ?
Có những
người tự vẫn khi thất tình, thi rớt, phá sản… Những người đó thật đáng thương
vì họ để cuộc sống mình chịu ràng buộc quá lớn vào những yếu tố dễ thay đổi. Họ
đã trở nên nô lệ cho chính mình vì hạnh phúc của họ đặt trên một cái nền lung
lay và biến động.
Nhìn
lại thánh Paulinô, ai cũng thấy ngài là một người nô lệ “tự do.” Kiếp nô lệ
không thể nào làm cho ngài đau khổ; xiếng xích nô lệ không thể ràng buộc được
tình yêu trong tâm hồn ngài. Được dựng nên theo hình ảnh Chúa nên khi hoàn toàn
sống yêu thương theo tiếng gọi của Thiên Chúa, ngài là một người tự do ngay
trong cảnh nô lệ.
Khi
làm nô lệ để đem lại tự do cho một cậu con trai. Ngài theo sát gương Đức Kitô,
Đấng đã mang lấy thân phận nô lệ để cứu độ cả nhân loại. “Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải
thoát chúng ta.” (Gl 5,1)
Sự giải
thoát mà Đức Kitô đem lại là từ bỏ những đam mê xác thịt mà sống đức bác ái:
“Anh em hãy lấy bác ái của Thánh Thần mà phục vụ lẫn nhau. Vì chưng tất cả lề
luật tóm lại trong lời này: "Ngươi
hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi.” (Gl 5, 13-14)
Con
đường Chúa mời gọi chúng ta bước vào là con đường tình yêu. Đó là con đường đem
lại cho chúng ta sự tự do không phải chịu một ràng buộc nào, một tâm hồn bình
an trong mọi hoàn cảnh, và một hạnh phúc bất chấp mọi yếu tố trần gian: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người
không có chỗ gối đầu.” (Lc 9,58)
Yêu
thương là lời mời gọi đích danh Chúa gửi đến từng người. Chúa gọi tên Maisen
khi muốn ông làm người dẫn đưa dân Chúa ra khỏi Ai cập, gọi tên Samuel khi muốn
ông làm tiên tri, gọi tên Êlisê khi muốn sai ông làm người kế tục tiên tri
Êlia,… Chúa cũng gọi đích danh mỗi người chúng ta trong ơn gọi Kitô hữu, khi muốn
chúng ta đi theo Ngài.
Yên
thương là một lời mời gọi mang tính dứt khoát và triệt để: Êlisê đang cày ruộng
thì trở ngay về nhà, “bắt một đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi đốt quay thịt
cho dân ăn. Đoạn ông đi theo làm đầy tớ Êlia.” Đức Kitô đòi hỏi những ai muốn
theo Ngài phải đưa cuộc sống cũ vào quá khứ: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”, và quyết một lòng sống cuộc sống mới:
“Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau
lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,60-62)
Tại
sao những đòi hỏi gắt gao thế mà vẫn lôi cuốn được nhiều người? Vì nằm bên dưới
những đòi hỏi gắt gao đó là một niềm hạnh phúc vững vàng đến từ tình yêu, từ sự
sống của tâm hồn, từ chính Thiên Chúa: “Con
thưa cùng Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc?” (Tv
15,2) Mọi quyến rũ hấp dẫn của trần gian luôn chao đảo và biến đổi sánh làm sao
được với hạnh phúc Nước Trời?
Trong
“Những người lữ hành trên đường hy vọng”, ĐHY Nguyễn Văn Thuận kể chuyện “Ông Cha Ba Xu”:
Cách
đây 40 năm, có một cha Việt Nam sống rất nghèo khó và đạo đức. Đặc biệt với số
tiền tiết kiệm từng xu năm này sang năm khác, ngài đã cùng hai người thợ dần
dân xây xong một ngôi nhà trang an, sáng sủa.
Mỗi
ngày ngài ăn hai bữa, mỗi bữa ba xu và tự nấu ăn lấy: một xu gạo, một xu mắm
tôm và một xu tráng miệng bằng một mẩu bánh hình ông Phật mà dân địa phương vẫn
gọi là bánh “Tam ích.” Lúc nào cũng có người dâng cúng dư tiền mua vật liệu thì
công việc tiến hành mạnh hơn, đến lúc sạch túi thì tạm đình chỉ. Tiền bổng lễ mỗi
ngày mấy hào ngài cũng dành để trả công thợ.
Lúc mới
khởi công ai cũng nói:
“Biết bao giờ mới xong được!.”
Đến
ngày khánh thành, mọi người đều hoan hỉ, cảm phục và tặng cho vị linh mục một
biệt hiệu đơn sơ nhưng nói lên tất cả lòng thương mến biết ơn: “Cha Ba Xu.” Vì
quá lao lực và cam khổ, chỉ vài năm sau, “Cha Ba Xu” qua đời giữa sự thương tiếc
của mọi người. Trước lúc nhắm mắt lìa trần, ngài nói: “Tôi sung sướng vì đã hy sinh tất cả để làm việc Chúa, tử lao bất tử
lao.”
Ngày
nay, ngôi thánh đường vẫn còn sừng sững trước mặt mọi người như tấm gương phản
chiếu đức thanh bần và hồn tông đồ sáng chói của vị linh mục.
Đừng
sợ chi khi bước theo Chúa với hai bàn tay trắng, vì “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở
trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn đời.” (Tv 15,11)
Lm.
HK