Học làm người _ xấu hổ với văn hóa ăn cắp

Cách sống người Việt
đi ngược với văn hóa Nhật
“Không chỉ ở chuyện dối trá, ăn trộm ăn cắp, mà tác phong, cách sống của người Việt cũng đi ngược lại với văn hóa Nhật”, chị Nguyễn Quyên chia sẻ.
Kim Minh (Vietnamnet)
Để làm sáng tỏ thông tin về tấm biển cảnh cáo cấm ăn cắp vặt viết bằng tiếng Việt xuất hiện tại thành phố Saitama (Nhật Bản), VietNamNet đã liên hệ với một số trí thức đang học tập và sinh sống tại Nhật Bản.
Chị Nguyễn Quyên, một trí thức đang sinh sống ở tỉnh Ibaraki cho biết, tấm biển cảnh cáo cấm ăn cắp vặt viết bằng tiếng Việt xuất hiện ở bên Nhật là có thật.
“Cộng đồng người Việt Nam bên này có đủ loại người. Số người ăn cắp, ăn trộm, đi tàu trốn vé nhiều không kể xiết. Bạn nào nói đó chỉ là một tấm biển thông thường thì suy nghĩ quá dễ dãi và bao biện. Người Việt Nam về cơ bản không chấp nhận nhìn thẳng vào sự xấu xí của dân tộc mình để tự thấy hổ thẹn mà thay đổi.
“Một tấm biển như thế này thực sự là một cái tát vào dân Việt Nam. Ở Nhật cũng có chuyện người Nhật ăn cắp, nhưng không nhiều. Nếu có biển thì họ chỉ ghi biển tiếng Nhật là chúng tôi đang dùng camera theo dõi đó. Còn viết hẳn bằng tiếng Việt tức là chỉ đích danh dân Việt Nam hay ăn cắp rồi. Vì đối tượng ăn cắp cũng nhiều người không biết tiếng Nhật, là tu nghiệp sinh. Họ còn phải viết rõ là phạt tù, báo cảnh sát đó”, chị Quyên chia sẻ.
Chị Quyên cho biết, chị sống ở Nhật đã vài năm, chị thấy truyền hình Nhật đưa nhiều phóng sự về ăn cắp vặt trong đó có người Việt Nam, hùng dũng lái xe vào siêu thị ăn cắp cả bao gạo đi ra. Bên Nhật đưa hẳn trực thăng đi càn quét.
“Chuyện người Việt đi tàu trốn vé thì nhiều không kể xiết. Đặc biệt là dân du học sinh thì nhốn nháo, đủ loại người. Người Nhật xưa nay trung thực, ít ai trốn vé. Nhưng vì người nước ngoài trong đó có người Việt Nam trốn vé nhiều nên ở những ga lớn như Ueno ở Tokyo, người ta có nhân viên đứng canh cửa soát vé, nhưng dân mình vẫn đủ trò lách luật được”, chị Quyên kể.
Chị Quyên cho biết, với các hành vi ăn cắp vặt, gian lận vé tàu, khi bị bắt thì họ phát hành chính, phạt tiền, còn nếu làm găng họ mới báo về trường, về công ty. “Nói chung là cái ảnh hưởng về vật chất không lớn nhưng sĩ diện và tự trọng thì bị ảnh hưởng lớn”, chị nói.
Người Nhật không bày tỏ thái độ ra bên ngoài, nhưng theo chị Quyên, họ vẫn kỳ thị người Việt, bởi không chỉ chuyện gian dối, dối trá, ăn cắp, ăn trộm, mà tác phong, cách sống của người Việt cũng đi ngược với văn hóa Nhật. Người Việt hay tụ tập ồn ào, nói to oang oang, còn người Nhật thì không thế.
Hơn 8 năm sinh sống ở Nhật, chị Nguyễn Việt Anh (hiện đang cư trú ở Chi Ba, giáp Tokyo) cho biết, mấy năm nay do tiếng Nhật kém nên nhiều người sang đây không có việc làm, vấn đề việc làm đang rất nóng hổi. Có thể vì không có việc làm, không đủ tiền chi tiêu nên đẩy người Việt vào nạn ăn cắp vặt.
“Nhiều người không tìm hiểu kỹ khi đi Nhật nên cứ nghĩ sang đây là miền đất hứa. Nếu người Việt mình sang Nhật mà không chịu khó học tập thì sang đây là địa ngục”, chị Việt Anh bày tỏ.
Tuy tấm biển cho thấy hình ảnh xấu xí của người Việt, nhưng chị Việt Anh cho biết, ở bên đó vẫn còn số đông người Việt chăm chỉ và được người Nhật quý mến. Bằng chứng là ở khu chị sống có khoảng 100 người Việt nhưng không thấy ai bị kỳ thị và bị người Nhật ghét cả.
“Tôi thấy buồn vì một số cá nhân làm cho cái nhìn của người Nhật về con người Việt bị dần xấu đi. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn số đông người Việt ở Nhật chăm chỉ và phấn đấu lao động học tập được người Nhật quý mến và trân trọng. Nên cuộc sống muôn màu, giống như xã hội Việt Nam thu nhỏ vậy. Những con sâu làm rầu nồi canh kia không sớm thì muộn sẽ bị xã hội Nhật loại bỏ. Những người đó không sớm thì muộn sẽ bị bắt và trục xuất thôi. Nếu là người có visa vĩnh trú thì đi tù vài tháng. Nếu là visa ngắn hạn thì họ cắt luôn cho về nước”, chị Việt Nam chia sẻ.