Nếu
chính mình chưa cảm thấy Tin Mừng đã ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống mình, chưa
thật sự thay đổi đời sống mình, mà mình lại đi rao giảng Tin Mừng... thì có
khác gì “cho đi cái mình chẳng có”?
Thông thường, những lời cuối cùng của một người trước khi người ấy từ
giã cõi đời, là những điều hết sức quan trọng mà người ấy muốn những người thân
yêu ở lại thực hiện. Và những người ở lại thường coi những lời người sắp từ giã
thế gian trăn trối như một điều linh thiêng cần thực hiện cho bằng được.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã căn dặn các tông đồ: “Phải nhân danh
Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem…” Như vậy, sứ điệp quan
trọng nhất mà Đức Kitô muốn trao gửi lại cho các môn đệ, và cho mọi Kitô hữu là:
hãy tiếp tục sứ mạng loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trước mọi người,
mọi dân tộc trên thế giới.
Thế nhưng thế nào là loan Tin Mừng?
Nhiều người nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là tỏ cho người khác biết mình
là Kitô hữu, là làm dấu thánh giá nơi quán ăn, là can đảm xưng mình là người
Thiên Chúa giáo trong các tờ lý lịch bất chấp những bất lợi sẽ xảy ra. Kẻ khác
nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là cố gắng sống cho thật đạo đức, năng đi lễ, năng
chịu các bí tích, với mục đích làm gương sáng cho người chung quanh, đồng thời
khuyên mọi người làm như vậy. Người khác nữa thì gặp những người ngoại đạo mình
quen biết, liền tìm cách gạ gẫm, thuyết phục họ vào đạo, bằng cách nói cho họ
biết vào đạo thì được Chúa ban ơn này ơn kia…
Kết quả của những việc đó có thể là chúng ta lôi kéo được một số người
vào đạo, hoặc làm cho nhiều người khô khan năng đi lễ, năng đến nhà thờ, năng
chịu các bí tích hơn, hoặc làm cho đời sống gia đình của họ trở nên đầm ấm hơn,
hạnh phúc hơn…
Tất cả những điều đó là những điều nên làm, cần làm, nhưng chưa phải là
loan báo Tin Mừng đúng nghĩa. Muốn loan báo Tin Mừng cho đúng nghĩa, chính người
loan báo phải biết Tin Mừng là gì, phải cảm thấy Tin mình loan báo là điều đã
làm mình hạnh phúc, vui tươi, làm cho đời sống mình trở nên có ý nghĩa. Nếu
không như thế, thì mình chỉ làm công việc “mù mà lại dắt mù”, và kết quả là “cả
hai sẽ lăn cù xuống hố”.
Thật vậy, nếu chính mình chưa cảm thấy Tin Mừng đã ảnh hưởng tốt đẹp
trên đời sống mình, chưa thật sự thay đổi đời sống mình, mà mình lại đi rao giảng
Tin Mừng, muốn Tin Mừng ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống người khác, thì có khác
gì “cho đi cái mình chẳng có”? Như thế thì người nhận sẽ nhận được gì?
Vì thế, chúng ta cần phải năng học hỏi về Tin Mừng, nhất là suy gẫm Tin
Mừng, để Tin Mừng thấm sâu vào tư tưởng, lời nói, việc làm và đời sống của ta.
Có như thế, việc loan báo Tin Mừng của ta mới có sức thuyết phục.