Chỉ
là một nhịp đập của tim
Đoạn 15 của Phúc Âm thánh Gioan là “điệu
nhạc chậm rãi” của một đại hòa tấu ca ngợi Đức Ái. Không phong phú về từ ngữ bằng
Thánh thi ca ngợi Đức Ái của thánh Phaolô, đoạn Phúc Âm của thánh Gioan có những
chuyển điệu tha thiết hơn, với những dấu nhạc, những âm thanh không thể nào
quên được. Đoạn này trích trong diễn từ thứ hai của Chúa Giêsu ở bữa Tiệc ly,
mà chúng ta đọc hôm nay, mở ra cho chúng ta tư tưởng thân mật của Chúa. Đề tài
thực đơn sơ, đơn sơ như một nhịp đập của con tim, song nhịp đập đó đã làm sống
cả thân thể. Thiên Chúa là tình yêu. Người yêu tất cả mọi người trong Đức Giêsu
Kitô. Loài người yêu Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Loài người phải yêu
thương nhau trong Đức Giêsu Kitô. Giáo huấn đó được ban ra qua những khúc phục
tấu nhịp nhàng, thanh thản, nhẫn nại và trìu mến với giọng điệu tâm sự:
1) Chúa muốn truyền đạt niềm vui của người
cho các môn đệ. Ta nói điều đó để sự vui mừng của Ta ở trong các con và sự vui
mừng của các con nên trọn. Niềm vui của Chúa Giêsu là niềm vui nào? Niềm vui đó
hệ tại nơi việc Chúa tự biết mình là Con Thiên Chúa, là khả năng loan báo cho mọi
người biết Tin Mừng ơn cứu độ; là mạc khải Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu không
phải là không biết cuộc Khổ nạn của mình đã gần kề, nhưng Người biết rằng, nhờ
cuộc Khổ nạn ấy, Chúa cứu chuộc loài người. Người nghĩ đến sự Phục Sinh của Người
và mầu nhiệm đời sống mới Người sẽ thiết lập trên trái đất. Chúa Giêsu sống
trong bầu không khí thiêng liêng trong đó ngự trị niềm vui trọn vẹn: Người phó
thác trong tay Chúa Cha, Người múc lấy nơi Thân Phụ lòng can đảm và niềm an ủi,
linh hồn Nguơì mở rộng ra thành những lời cảm tạ và không khen. Đó là tất cả những
gì Người muốn truyền đạt cho các môn đệ Người.
Người ta vui mừng, khi người ta cảm thấy
trong toàn thân mình chiếm hữu được một của gì. Niềm vui ấy trọng vẹn, nếu người
ta biết rõ ràng: của ấy quý giá và nếu người ta biết chắc chắn của ấy thuộc về
mình vĩnh viễn. Vậy thì niềm vui ấy chính là niềm vui của Chúa Giêsu. Là Con
Thiên Chúa, Người có được của cải tuyệt đối, viên mãn, không nhuộm bóng lo âu.
Của cải tuyệt đối là tình yêu của Chúa Cha. Người muốn mở lòng các môn đệ Người
cho tình yêu âý. Nhờ đó, Người muốn đặt niềm vui của Người vào các môn đệ. Con
người đón nhận niềm vui của Thiên Chúa, từ lúc mà họ ý thức là họ được Thiên
Chúa yêu thương. Biết mình được yêu, biết chắc chắn điều đó, và tự nhủ mình là
được Thiên Chúa Cha yêu, đó là nguồn gốc của niềm vui lớn lao nhất.
2) Thày gọi chúng con là bạn hữu, vì
Thày đã tỏ cho chúng con biết mọi điều Thày đã nghe nơi Cha Thày. Chúa Giêsu
không ngần ngại nhắc nhở cho các môn đệ Người, là họ là những tôi tớ, và hơn thế
nữa là những tôi tớ không cần thiết. Nhưng Người đã chọn họ. Chính Thày đã chọn
các con. Sự chọn lựa của Chúa Giêsu dành cho một người nào thì nâng người đó
lên đến độ cao của những lý lẽ chứng minh cho sự chọn lựa ấy. Vậy những lý lẽ ấy
là những lý lẽ nào? Điều cốt yếu là tỏ ra cho biết tình yêu của Thiên Chúa Cha.
Tức khắc, họ không còn là những kẻ thừa hành mệnh lệnh mà họ chẳng hề hiểu ý
nghĩa lẫn lý do. Họ là những sứ giả của tình yêu sống động và truyền cảm qua
trái tim của Đức Kitô. Chúa Giêsu nâng các môn đệ Người lên đến độ cao của trái
tim Người, và gọi họ là bạn hữu.
Bởi thế cho nên Người dẫn dắt họ vào tận
chỗ thâm sâu của tư tưởng Ngườì. Người cho họ biết những gì Người đã học được từ
nơi Cha Người. Sau này, công việc soi sáng và thêm sức nơi họ, sẽ do Chúa Thánh
Thần hoàn tất. Nhưng ngay từ bữa Tiệc ly, họ đã là những kẻ tham gia và là chứng
tá cho tình yêu cao cả, họ trở nên bạn hữu. Ngày nay Chúa có gọi chúng ta là bạn
hữu không? Điều đó tuỳ thuộc chúng ta.