Thánh PANCRATIUS
Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Pancratius là vị
tử đạo thời tiên khởi mà chúng ta biết rất
ít về ngài. Truyền thuyết nói rằng ngài sinh vào cuối thế kỷ thứ ba và được
người chú ở Rôma nuôi dưỡng sau khi cha mẹ mất
sớm. Sau đó, hai chú cháu theo Kitô Giáo. Trong thời gian cấm đạo của Hoàng Đế
Diocletian, Pancratius bị chặt đầu năm 304,
lúc ấy ngài mới 14 tuổi.
Ngài được chôn trong
một nghĩa địa mà sau này mang tên của ngài.
Thánh Pancratius được nước Anh đặc biệt sùng kính vì Thánh Augustine ở
Canterbury đã dâng hiến một nhà thờ ở đây cho Thánh Pancratius, và thánh tích của ngài được tặng
cho vua xứ Northumberland.
Suy niệm 1: Tử đạo
thời tiên khởi
Thánh Pancratius là vị tử đạo thời tiên khởi mà chúng ta biết rất ít về
ngài.
Thánh Pancratius là vị tử đạo thời tiên khởi. Còn vị tử đạo tiên khởi trong
lịch sử Hội Thánh phải nêu lên, đó là Thánh Phó Tế Têphanô. Ngài được chọn để
thay Nhóm Mười Hai lo việc phân phát lương thực hằng ngày cho cộng đòan giáo
hội sơ khai (Cv 6,1-5). Một vài người Do Thái thời ấy, là thành viên của hội
đường nhóm nô lệ được giải phóng lên án ngài và ném đá ngài đến chết (Cv 7,59).
Còn vị thánh tông đồ tử đạo tiên khởi lại là Thánh Giacôbê là anh của Thánh
Gioan, con ông Dêbêđê. Ngài đã được vinh dự là vị Tông Đồ đầu tiên hiến mạng
sống cho Tin Mừng. Khoảng năm 43 hay 44, vào trước ngày Lễ Phục Sinh, Vua
Hêrôđê Agrippa I đã xử trãm ngài (Cv 12,1-2), đúng như lời Đức Giêsu đã phán:
“Con sẽ uống chén đắng của Ta” (Mt 20,23).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn là người tiên phong trong việc dấn thân
phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Suy niệm 2: Mồ côi
Pancratius được người chú ở Rôma nuôi dưỡng sau khi cha mẹ mất sớm.
Nỗi đau đi liền với nỗi thất vọng về một tương lai đen tối trước thảm cảnh
cha mẹ mất sớm của Pancratius đã được xoa dịu nhờ vào sự nuôi dưỡng của một
người chú ở Rôma.
Nhất là sự nuôi dưỡng này không chỉ dừng lại ở mặt thân xác, trí tuệ, nhân
bản mà còn về mặt đạo đức và tôn giáo, khi cả hai chú cháu đều đồng thuận theo
Kitô Giáo, ngay trong thời gian cấm đạo của Hoàng Đế Diocletian.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh ý thức về bổn phận phải đáp ứng những
nhu cầu thể xác và tâm linh của con cái (Sách Giáo Lý số 2252).
Suy niệm 3: Tử đạo
Pancratius bị chặt đầu năm 304, lúc ấy ngài mới 14 tuổi.
Chặt đầu có thể nói là một trong những cách hành hình mà các bạo vương bách
đạo thường dành cho các anh hùng tử đạo ở mọi nơi và mọi thời. Thời Vua Hêrôđê
Agrippa I tại đất nước Ítraen, Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như Thánh Giacôbê anh
của Thánh Gioan cũng đã bị chém đầu (Mc 6,16;Cv 12,1-2).
Tại đất nước Việt Nam, dười triều vua Tự Đức, linh mục Laurensô Hưởng gốc
xứ Kẻ Sải, trên đường đi kẻ liệt đã bị bắt và bị chém đầu tại pháp trường Ninh
Bình. Cũng thế, linh mục Phaolô Lê văn Lộc sinh tại làng An Nhơn tỉnh Gia định.
Ngài nhận chức Bề Trên Tiểu chủng viện Thị Nghè giữa cơn cấm đạo gắt gao của
Vua Tự Đức. Ngài đã bị bắt và cũng bị chém đầu.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững sống niềm xác tín không chỉ đầu mà cả toàn
thân chúng con đều luôn thuộc trọn về Chúa.
Suy niệm 4: Tuổi
Pancratius bị chặt đầu năm 304, lúc ấy ngài mới 14 tuổi.
Nếu tài năng không lệ thuộc vào tuổi tác với sự hiện diện của các thần
đồng, thì sự thánh thiện cũng như thế. Chẳng những thánh Pancratius được hồng
phúc tử đạo vào lứa tuổi 14, mà còn thánh nữ đồng trinh Anê cũng chịu chết vì
đạo khi lên 13 tuổi. Ngoài ra thánh trẻ Đaminh Saviô dầu không tử đạo nhưng
cũng sống và chết cách thánh thiện vào lúc 15 tuổi.
Thông thường người đời đều ưa thích cái đẹp và ai cũng mong muốn sớm chiếm
hữu cho mình. Đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, chắc hẳn Thiên
Chúa cũng thủ đắc sở thích này, và muốn sớm hái về vườn hoa thiên đàng những
đóa hoa tươi thắm và xinh đẹp, để bụi đời không có đủ thời gian làm cho chúng
phải phai màu hoặc kém sắc.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống thánh và kiên trì sống thánh đến cùng dầu ở
bất cứ độ tuổi nào.
Suy niệm 5: Tên
Pancratius được chôn trong một nghĩa địa mà sau này mang tên của ngài.
Trẻ nhỏ thường bị lãng quên trong một xã hội tôn vinh chức quyền và địa vị
với bao thành quả vĩ đại trong đời. Để lưu danh lâu dài, nhiều con đường, nhiều
tượng đài cũng như nhiều công trình đã được mang tên các vị danh nhân ấy.
Thật phúc và thật vinh dự cho Pancratius. Ngài không phải là một trẻ vô
danh tiểu tốt. Nhờ hồng phúc tử đạo mà ngài được cả nước Anh đặc biệt sùng kính
qua việc Thánh Augustine ở Canterbury đã dâng hiến một nhà thờ ở đây cho ngài,
và thánh tích của ngài được tặng cho vua xứ Northumberland, cũng như một nghĩa
địa mà sau này mang tên của ngài.
Suy niệm 6: Thánh
tích
Thánh tích của Thánh Pancratius được tặng cho vua xứ Northumberland.
Việc tôn kính các thánh tích là một trong các hình thức đạo đức của Hội
Thánh (Sách Giáo Lý số 1674). Chúng ta tôn thờ Đức Kitô vì Ngươi là Con Thiên
Chúa. Còn chúng ta tôn kính các vị tử đạo vì các ngài là những môn đệ và những
người noi gương Chúa (Thánh Pôlicáp).
Các ngài đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa, đang ca ngợi Người và không ngừng
quan tâm đến những kẻ còn ở trần gian... Chuyển cầu là công việc cao cả nhất
của các ngài theo ý định của Thiên Chúa. Chúng ta có thể và có bổn phận xin các
ngài chuyển cầu cho chúng ta (Sách Giáo Lý số 2683).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con, khi tôn kính các thánh nhân qua các thánh tích
của các ngài, thì không chỉ xin ơn mà nhất là noi gương các ngài.