THỨ TƯ – TUẦN THÁNH
Bài đọc 1
Tôi đã đưa lưng cho
người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị
mắng nhiếc phỉ nhổ (Is 50,6).
Họa sĩ người Pháp Henri Matisse chết vào năm 1954, ở tuổi 86. Trong
những năm cuối đời, chứng viêm khớp làm tay ông bại liệt, vì vậy ông rất đau
đớn khi cầm cọ. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục vẽ bằng cách đặt miếng vải giữa những ngón
tay để cho chiếc cọ khỏi bị trượt. Một hôm có người hỏi ông tại sao lại hiến
thân vì chuyện đau đớn như vậy? Matisse trả lời: “Đau đớn qua mau, những vẻ đẹp vẫn còn.” Cũng vậy, nỗi đau đớn mà
Chúa Giêsu phải chịu trong thập hình sẽ qua đi, nhưng vẻ đẹp của những gì Ngài
thực hiện sẽ tồn tại mãi mãi.
Tôi có nhớ lần nào đã hiến thân vì nỗi đau đớn để
đạt được một điều tốt đẹp không?
Những đau khổ chúng ta
phải chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi
chúng ta (Rm 8,18).
Tin Mừng _ suy niệm 1
Đang dùng bữa, Chúa
Giêsu nói… “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”… Giuđa, kẻ nộp Ngài cũng hỏi:
“Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Chính anh nói đó” (Mt
26,21.25).
Giuđa có thể che dấu âm mưu của mình với người khác, nhưng không
thể che giấu đối với Chúa Giêsu được. Và điều này cho chúng ta thấy Thiên Chúa
xử lý nhẹ nhàng thế nào đối với kẻ tội lỗi. Một trong những huyền nhiệm của
cuộc sống đó là sự tôn trọng khác thường. Thiên Chúa chiều theo ý muốn của con
người, Ngài không buộc chúng ta phải thay đổi. Ngài mời gọi chúng ta thay đổi,
tạo cho chúng ta nhiều cơ hội để mở lòng trước sức mạnh của ân sủng. Chúa Giêsu
cũng tôn trọng Giuđa như vậy. Ngài làm cho Giuđa trở nên quý giá trong nhóm.
Ngài cho Giuđa một chỗ vinh dự trong Bữa Tiệc Ly.
Đâu là thí dụ về việc Thiên Chúa xử lý với tôi một
cách nhẹ nhàng?
“Đây là người tôi trung
của Ta… Ta cho thần khí Ta ngự trên Người… Cây lau bị dập Người không bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi (Is 42,1.3)
Tin Mừng _ suy niệm 2
[Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giêsu nói với
các môn đệ:] “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt
26,21).
Một lá thư George Washington gửi cho vợ đề ngày 4-3-1797. Bức thư
được viết ít lâu sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc. Ông sắp xếp giấy
tờ để quyết định xem loại nào giữ lại, và loại nào vứt đi. Ông viết cho vợ: “Em không thể tưởng tượng được cảm xúc của
anh khi đọc lá thư cuối cùng của Thomas Paine. Anh ấy và anh đã từng là bạn của
nhau. Nhưng chỉ vì anh nghĩ rằng anh ấy không đủ khả năng để làm tổng giám đốc
ngành bưu chính, nên anh ấy đã buộc tội anh là “kẻ phản bội.”
Cũng như Chúa Giêsu,
Washington đã rất đau khổ khi một
người bạn quay lưng chống lại mình. Nhưng ông vẫn phải làm điều mà ông cho là
đúng.
Tôi thường để cho tình bạn ngăn cản tôi làm theo lẽ
phải như thế nào?
Bất cứ ai cũng có thể
chống lại kẻ thù. Hãy cho tôi một người có thể chống lại một người bạn.
(William Gladstone)