Bài 26. TÔN TRỌNG SỰ THẬT
(ĐIỀU RĂN THỨ VIII)
203. Không tôn trọng thanh danh người khác là gì?
- Đó là tội võng đoán, còn gọi là phán đoán hồ đồ, là "khi không có đủ cơ sở mà minh nhiên hay mặc nhiên cho rằng một người có lỗi về mặt luân lý" [1] như thấy người hàng xóm mua nhiều đồ đạc mà đoán họ là thủ phạm vụ mất trộm mới xảy ra v.v...
Để tránh những phán đoán liều lĩnh này, chúng ta phải hết sức giải thích theo ý ngay lành tất cả mọi lời nói, hành động của tha nhân.
- Đó là nói hành, nói xấu, là tỏ bày cho người khác biết những tật xấu và lỗi phạm của một ai, khi không có lý do khách quan chính đáng như phải khai trước tòa án, phải báo cho nhà chức trách những âm mưu phạm tội, báo cho cha mẹ biết những cư xử sai lỗi của con cái để sửa dạy…
Người chủ ý nghe nói hành cũng có tội. Thánh Bênađô còn đi xa hơn rằng ngài sẽ không quyết định tội nào nặng hơn, giữa người nói hành và người nghe nói hành.
- Vu khống là dùng những lời sai sự thật để làm hại thanh danh một ai và làm cho mọi người nghĩ xấu về người đó. Tội vu khống cũng là nói những điều xấu về người khác. Ở tội nói hành thì những điều xấu đó là có thực, còn ở tội vu khống thì những điều xấu đó là bịa đặt. Người ta thường phạm tội vu khống theo những cách sau:
* Tố cáo một tội, hay gán một nết xấu cho ai mà ta biết là không có.
* Nói tăng lỗi lầm của người khác lên: Gọi một người là chuyên môn ăn cắp khi mới thấy người đó ăn cắp một, hai lần.
* Nghĩ xấu cho một việc tốt của người khác, hay gán cho việc tốt đó những ý xấu, như gọi một người siêng năng đi lễ là đạo đức giả v.v...
"Nói xấu và vu khống làm mất thanh danh và danh dự của người khác. Danh dự là bằng chứng xã hội tôn trọng phẩm giá con người, và mọi người tự nhiên có quyền được tôn trọng thanh danh. Do đó, nói xấu và vu khống là phạm đến công bình và bác ái". [2]