Bài 26. TÔN TRỌNG SỰ THẬT
ĐIỀU RĂN THỨ TÁM
195. Điều răn thứ tám dạy ta những gì?
Điều răn thứ tám dạy ta tôn trọng sự thật bằng cách sống sự thật, làm chứng cho sự thật, và tôn trọng danh giá người khác:“Ngươi không được làm chứng gian chống lại đồng loại” (Xh 20,16).
196. Tại sao ta phải tôn trọng sự thật?
Sự thật là yếu tố cần thiết làm nền tảng cho đời sống con người và xã hội. Mọi người, nhất là các Kitô hữu, đều phải tôn trọng sự thật, vì:
- Sự thật làm tăng triển con người: Là sinh vật có lý trí, bản tính tự nhiên của con người luôn hướng về chân lý: "Họ thấy mình phải tha thiết với sự thật ngay khi nhận biết sự thật và điều chỉnh toàn bộ đời sống theo các đòi hỏi của sự thật" [1]
- Sự thật rất cần cho đời sống chung: "Người ta không thể sống chung với nhau được nếu không tín nhiệm nhau, nghĩa là nếu không cho nhau biết sự thật" [2] Xã hội con người sẽ bị lung lay tận gốc rễ nếu mọi người không buộc phải thành thật với nhau.
- Không thành thật là sự bất trung sâu xa nhất đối với Thiên Chúa, Sự Thật Tuyệt Đối, mà mọi người chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Ngài.
197. Những tội nào xúc phạm đến sự thật?
Có nhiều tội xúc phạm đến sự thật, mà đáng kể ra đây các tội sau: nói dối, làm chứng dối và thề gian, khoe khoang khoác lác và mỉa mai, xu nịnh, không tôn trọng thanh danh của người khác như võng đoán, nói xấu và vu khống, xâm phạm bí mật, và không làm chứng cho đức tin.
198. Nói dối là gì ?
Nói dối là "nói sai sự thật, với ý định đánh lừa kẻ khác", [3] là nói những điều ngược với sự tin tưởng của mình và có ý xâm phạm đến quyền được biết sự thật của người nghe. Người nói sai sự thật vì sự tưởng lầm ngay ý, hay nói“tôi không biết” để tránh không nói sự thật cho người không có quyền biết sự thật đó, thì không phải là nói dối.
Nói dối là xúc phạm trực tiếp đến sự thật, làm cho người có quyền biết sự thật phải sai lầm. Vì thế, nói dối xúc phạm đến những mối liên hệ căn bản nhất giữa nhân loại, và làm phát sinh sự chia rẽ giữa các tâm trí. Nói dối là một tai họa nguy hiểm cho xã hội, nó phá hủy sự tin tưởng lẫn nhau và cắt đứt mọi liên lạc hình thành nên xã hội con người. [4]
"Tội nói dối nặng hay nhẹ tùy theo mức độ làm sai lạc chân lý, tùy theo các hoàn cảnh và ý định của kẻ nói dối, tùy theo những thiêt hại mà nạn nhân của nó phải hứng chịu. Ngay cả khi nói dối là một tội nhẹ, cũng trở thành tội nặng nếu vi phạm nặng nề đến đức công bình và bác ái". [5]
199. Thế nào là làm chứng dối và thề gian ?
"Công khai nói nghịch với sự thật là một lỗi nặng. Trước tòa án, lời nói như thế là chứng dối. Khi nói dối mà còn thề, thì đó là thề gian. " [6]
Khi nói nghịch với sự thật một cách công khai trước mặt những người có thẩm quyền, thường là trong các tòa án, người ta đều có ý làm sai lệch công lý: buộc tội cho người vô tội hoặc chối tội cho phạm nhân. Có nhiều hình thức làm chứng dối:
- Làm chứng là thật điều mình biết là không thật.
- Tuyên bố là chắc chắn điều mình còn nghi ngờ.
- Dùng áp lực, tiền bạc, sai khiến người khác làm chứng dối.
- Không nói toàn bộ sự thật: Không nói hết những gì mình biết có liên quan đến vấn đề được hỏi.
200. Làm chứng dối và thề gian là tội nặng hay nhẹ ?
Làm chứng dối là tội đáng ghê tởm, vì nó phạm đến tính công bằng của bản án, và gây thiệt hại về danh giá cũng như tài sản cho người vô tội.
Tội làm chứng dối chẳng những xúc phạm đến sự thật, đến sự công bằng và đức ái, mà còn có thể phạm cả đến đức thờ phượng khi có kèm theo lời thề.
Vì thế, Chúa đã lên án gắt gao tội làm chứng dối với những hình phạt nghiêm khắc nhất: Sách Thánh thuật lại việc vua Akhab đã mua chuộc hai kẻ làm chứng gian, cáo tội Nabod, và làm cho ông phải chết, để chiếm lấy vườn nho của ông. Bản án vừa xử xong, thì tiên tri Êlia được Chúa sai đến báo cho Akhab biết rằng: Những con chó liếm máu vô tội của Nabod sẽ liếm máu nhà vua ngay tại đó; và lời nguyền rủa của Chúa đã được thực hiện đúng từng chữ theo nghĩa đen.
“Người chứng gian sẽ diệt vong” (Cn 21,28)
201. Xu nịnh là gì ?
Xu nịnh còn gọi là nịnh hót, a dua, tâng bốc hay lấy lòng là những lời nói hay thái độ a dua, tán dương những việc làm xấu. Tội xu nịnh khuyến khích và ủng hộ người khác phạm tội. Nếu a dua chỉ để làm vui lòng, để tránh sự tai hại, để thoát khỏi tình thế bó buộc, hoặc để có được những lợi ích chính đáng thường là tội nhẹ. Còn a dua cho những nết xấu lớn hay cho những tội nặng là tội nặng. [7]
202. Khoe khoang và mỉa mai là gì?
"Khoe khoang hoặc khoác lác là một lỗi nghịch với sự thật. Mỉa mai cũng là tội khi có ý châm biếm một cách cư xử nào đó của người khác để hạ giá họ" [8]
203. Không tôn trọng thanh danh người khác là gì?
- Đó là tội võng đoán, còn gọi là phán đoán hồ đồ, là "khi không có đủ cơ sở mà minh nhiên hay mặc nhiên cho rằng một người có lỗi về mặt luân lý" [9] như thấy người hàng xóm mua nhiều đồ đạc mà đoán họ là thủ phạm vụ mất trộm mới xảy ra v. v. . .
Để tránh những phán đoán liều lĩnh này, chúng ta phải hết sức giải thích theo ý ngay lành tất cả mọi lời nói, hành động của tha nhân.
- Đó là nói hành, nói xấu, là tỏ bày cho người khác biết những tật xấu và lỗi phạm của một ai, khi không có lý do khách quan chính đáng như phải khai trước tòa án, phải báo cho nhà chức trách những âm mưu phạm tội, báo cho cha mẹ biết những cư xử sai lỗi của con cái để sửa dạy…
Người chủ ý nghe nói hành cũng có tội. Thánh Bênađô còn đi xa hơn rằng ngài sẽ không quyết định tội nào nặng hơn, giữa người nói hành và người nghe nói hành.
- Vu khống là dùng những lời sai sự thật để làm hại thanh danh một ai và làm cho mọi người nghĩ xấu về người đó. Tội vu khống cũng là nói những điều xấu về người khác. Ở tội nói hành thì những điều xấu đó là có thực, còn ở tội vu khống thì những điều xấu đó là bịa đặt. Người ta thường phạm tội vu khống theo những cách sau:
* Tố cáo một tội, hay gán một nết xấu cho ai mà ta biết là không có.
* Nói tăng lỗi lầm của người khác lên: Gọi một người là chuyên môn ăn cắp khi mới thấy người đó ăn cắp một, hai lần.
* Nghĩ xấu cho một việc tốt của người khác, hay gán cho việc tốt đó những ý xấu, như gọi một người siêng năng đi lễ là đạo đức giả v. v. . .
"Nói xấu và vu khống làm mất thanh danh và danh dự của người khác. Danh dự là bằng chứng xã hội tôn trọng phẩm giá con người, và mọi người tự nhiên có quyền được tôn trọng thanh danh. Do đó, nói xấu và vu khống là phạm đến công bình và bác ái". [10]
204. Tại sao chúng ta phải làm chứng cho đức tin?
Luật tôn trọng sự thật buộc mọi Kitô hữu phải làm chứng cho sự thật, nhất là những chân lý đức tin. Đó là:
- Làm cho mọi người thấy niềm tin của mình bằng lời nói và gương sáng đời sống.
- "Trong những hoàn cảnh cần phải làm chứng cho đức tin, người Kitô hữu phải tuyên xưng không úp mở, theo gương thánh Phaolô trước mặt các thẩm phán". [11]
205. Tội xâm phạm bí mật là gì?
Không phải chân thật là nói hết mọi sự thật, "người chân thật vừa lương thiện, vừa cẩn mật: nói điều phải nói và giữ kín điều phải giữ kín". [12]
"Trong những hoàn cảnh cụ thể, giới luật này đòi hỏi mỗi người phải suy xét xem có nên hay không nên tỏ bày sự thật theo yêu cầu". [13]
Tội xâm phạm bí mật là việc tiết lộ những điều mà người biết buộc phải giữ kín theo sự thỏa thuận, hoặc công khai hoặc ngấm ngầm: công khai là khi có lời hứa sẽ giữ kín bí mật được trao phó, ngấm ngầm là khi sự thinh lặng được đòi buộc bởi chính bản tính của điều được uỷ thác.
Có bí mật đời tư và bí mật nghề nghiệp,
Giữ bí mật đời tư là không được nghe lén điện thoại; đọc thư riêng, đọc nhật ký của người khác, hay tiết lộ những điều mình được biết khi nghe ai tâm sự;
Một số người phải giữ bí mật nghề nghiệp. Đó là những người làm nghề chính trị, y sĩ, luật sư, công chứng viên, buộc phải giữ kín những điều được biết;
Chỉ được nói ra điều bí mật "khi việc giữ bí mật sẽ gây ra cho người nói, người nghe, hoặc một đệ tam nhân, những thiệt hại rất nghiêm trọng, và chỉ có thể tránh được những điều đó bằng việc nói ra sự thật" [14]
Riêng bí mật tòa giải tội là thánh thiêng và không được tiết lộ vì bất kỳ lý do nào. "Bí mật tòa giải tội là bất khả vi phạm; do đó tuyệt đối cấm linh mục giải tội tiết lộ về hối nhân bất cứ điều gì, bằng lời nói hoặc một cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì". [15]
206. Tội phạm đến sự thật phải đền trả thế nào?
Mọi vi phạm đến đức công bằng đều phải đền trả.
Phạm đến thanh danh người khác không chỉ là phạm đến sự thật mà còn phạm đến đức công bằng nữa; bởi đó, người phạm tội buộc phải bồi thường để được tha tội, nếu không thể sửa lại thiệt hại cách công khai thì phải sửa lại cách kín đáo.
Người phạm đến thanh danh người khác phải làm hết sức có thể để lấy lại tiếng tốt cho người bị xúc phạm, như đính chính lại những điều bịa đặt theo võng đoán ác ý của mình với những người đã nghe, nói tốt cho những người đã bị nói xấu; và nếu sự mất thanh danh đó làm hại cho ai về của cải vật chất, thì cũng phải đền trả sự thiệt hại đó theo phép công bằng đã nói trong bài về điều răn thứ 7 và thứ 10.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải đền trả cho các thiệt hại gây ra cho người khác bởi những lời nói dối, làm chứng dối, hay bởi việc xâm phạm bí mật người khác v. v. . .