Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 26. TÔN TRỌNG SỰ THẬT
(ĐIỀU RĂN THỨ VIII)
205.          Tội xâm phạm bí mật là gì?
          Không phải chân thật là nói hết mọi sự thật, "người chân thật vừa lương thiện, vừa cẩn mật: nói điều phải nói và giữ kín điều phải giữ kín". [1]
          "Trong những hoàn cảnh cụ thể, giới luật này đòi hỏi mỗi người phải suy xét xem có nên hay không nên tỏ bày sự thật theo yêu cầu". [2]
          Tội xâm phạm bí mật là việc tiết lộ những điều mà người biết buộc phải giữ kín theo sự thỏa thuận, hoặc công khai hoặc ngấm ngầm: công khai là khi có lời hứa sẽ giữ kín bí mật được trao phó, ngấm ngầm là khi sự thinh lặng được đòi buộc bởi chính bản tính của điều được uỷ thác.
          Có bí mật đời tưbí mật nghề nghiệp,
          Giữ bí mật đời tư là không được nghe lén điện thoại; đọc thư riêng, đọc nhật ký của người khác, hay tiết lộ những điều mình được biết khi nghe ai tâm sự;
          Một số người phải giữ bí mật nghề nghiệp. Đó là những người làm nghề chính trị, y sĩ, luật sư, công chứng viên, buộc phải giữ kín những điều được biết;
          Chỉ được nói ra điều bí mật "khi việc giữ bí mật sẽ gây ra cho người nói, người nghe, hoặc một đệ tam nhân, những thiệt hại rất nghiêm trọng, và chỉ có thể tránh được những điều đó bằng việc nói ra sự thật" [3]  
          Riêng bí mật tòa giải tội là thánh thiêng và không được tiết lộ vì bất kỳ lý do nào. "Bí mật tòa giải tội là bất khả vi phạm; do đó tuyệt đối cấm linh mục giải tội tiết lộ về hối nhân bất cứ điều gì, bằng lời nói hoặc một cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì". [4]