Lễ tro _ lỗi tại tôi

Thứ Tư Lễ Tro
LỖI TẠI TÔI
để thành tâm sám hối khi được xức tro trên đầu, để thực sự đổi mới cuộc sống, để sinh hoa kết quả cho một mùa xuân mới của tâm hồn, bước đầu tiên là nhận biết sai lỗi của mình, nhận biết để đổi mới: “lỗi tại tôi mọi đàng”
Lm. HK
Giả sử có một người không đồng tín ngưỡng với chúng ta, một ngày nào đó, một dịp nào đó, đến dự thánh lễ. Chúng ta thử đặt câu hỏi xem nghi lễ nào trong thánh lễ có thể làm cho họ, một người chưa có niềm tin, thấy đồng cảm và thán phục nhất?
Có lẽ đó là nghi thức mở đầu thánh lễ, nghi thức thống hối.
Thực vậy, mở đầu thánh lễ, dù thánh lễ do chính Đức Giáo hoàng hay do một Đức Giám mục chủ sự thì mọi người tham dự, từ vị Giáo hoàng hay Giám mục đó cho đến một em nhỏ, đều lớn tiếng tự thú nhận lầm lỗi của mình. Tất cả đều cúi mình, đấm vào ngực ba lần và nói: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Đấm ngực và tự thú nhận lỗi mình một lần chưa đủ, hai lần cũng chưa đủ, mà phải đến lần thứ ba và lớn tiếng thứ nhận: “Lỗi tại tôi mọi đàng”
Nhưng đáng buồn thay! Vừa xong thánh lễ, ai về nhà nấy, thì đã có thể: chồng đổ lỗi cho vợ, vợ đổ lỗi cho chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em đổ lỗi cho nhau. Hàng xóm láng giềng, người trong một khu, một xứ chỉ trích, trách móc lẫn nhau v.v… Tóm lại, trong nhà thờ ta đấm ngực trước mặt Chúa và nhận lỗi về ta mọi đàng, mà ra khỏi nhà thờ thì ta lại “phản cung”, chỉ thấy lỗi lầm của người khác, không thấy tội của mình.
Dale Carnegie có viết: “Trì trích, cáo trách người, buộc lỗi cho người thì kẻ điên nào cũng biết, nhưng hiểu người và tha thứ cho người thì đòi hỏi phải có một tâm hồn cao cả, một sức tự chủ mạnh mẽ”
Vua Hoàn công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong một cái hang, thấy có một ông lão bèn hỏi rằng: “Hang này tên gọi là hang gì?” Ông lão thưa: “Tên là hang Ngu công”
-      Tại sao mà đặt tên như thế?
-      Tại kẻ hạ thần đây mới thành có tên ấy
-      Coi hình dáng lão không phải là ngu, sao lại đặt cái tên như thế?
-      Hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đem đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm có một chàng thiếu niên đến, lấy lý ‘bò không đẻ ra ngựa được’ bèn bắt con ngựa con đem đi. Hạ thần chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho hạ thần là ngu, mới gọi hang hạ thần ở đây là hang Ngu công.
Hoàn công nói: “Lão thế thì ngu thật”.
Chiều hôm sau, Hoàn công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe. Quản Trọng nói: “Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược, lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu công mà đành để mất ngựa, chắc là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kíp chỉnh đốn các chính sự lại”.
Đức Khổng nghe thấy, nói: “Đệ tử ta đâu, ghi lấy việc ấy. Hoàn công là bá quân, Quản Trọng là hiền thần. Tuy đã vào bậc khôn ngoan, mà còn tự cho là ngu dại.” (Khổng tử tập ngữ)
Quản Trọng tuy sống cách đây đã nhiều ngàn năm mà vẫn còn được ca tụng, chính là vì Quản Trọng biết nhận tội.
Nhân dịp khai mạc Năm Thánh 2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi Giáo hội Việt Nam một sứ điệp (17/11/2009) có những lời nhắn nhủ quí giá: “Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý tưởng đó, chúng ta (GHVN) nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và đồng bào, và xin mọi người tha thứ …”
Hợp với tinh thần của ĐTC, các ĐGM đã có một cái nhìn bao quát và khoan dung về tương lai thích ứng với hiện tại. Trong lễ khai mạc Năm Thánh (24/11/2009) tại Sở Kiện, các ngài can đảm xin lỗi và mời gọi mọi tín hữu Công giáo xin lỗi “...các anh em lương dân không cùng một tôn giáo với mình, xin lỗi tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh, mọi thành phần xã hội và tôn giáo vì chúng tôi chưa đủ hòa mình và đồng hành. Xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật đau khổ, vì chúng tôi chưa đủ quan tâm”
Giáo hội Công giáo Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận về “...những thiếu sót của mình đối với dân tộc và quê hương, đất nước… cách riêng đối với Chúa và anh chị em của mình...”
Năm Thánh đã qua, nhưng những lời kêu gọi đó vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong ngày lễ tro hôm nay, mời gọi mỗi người thẳng thắn xét duyệt lại cuộc sống của mình, để thành tâm sám hối khi được xức tro trên đầu, để thực sự đổi mới cuộc sống, để sinh hoa kết quả cho một mùa xuân mới của tâm hồn, bước đầu tiên là nhận biết sai lỗi của mình, nhận biết để đổi mới: “lỗi tại tôi mọi đàng”