MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH
Nếu
tôi thấy mình bất hạnh, hãy hỏi mình tại sao, và tôi sẽ thấy ở đáy sâu của sự đau
khổ đó là một con quỷ vị kỷ khổng lồ luôn đòi phải được quan tâm, phải được chăm
sóc!
Những hành khách trên xe buýt nhìn một cách thông cảm một người phụ nữ
trẻ xinh đẹp với một chiếc gậy màu trắng làm vật chỉ đường. Cô ấy trả tiền vé rồi
dùng bàn tay chạm vào từng dãy ghế để tìm chỗ ngồi. Sau đó cô ngồi xuống, đặt
túi xách lên đùi và tựa chiếc gậy vào thành ghế.
Ðã một năm trôi qua kể từ ngày Susan, tên người thiếu phụ, trở nên mù
lòa. Một sự chẩn đoán sai lầm trong y học đã cướp đi ánh sáng của cuộc đời cô,
đưa cô vào thế giới của đêm tối, giận dữ, thất vọng và tự ti. Tất cả cô đều
trông chờ vào Mark, người chồng yêu quý của mình.
Mark làm việc ở hãng hàng không quốc gia. Anh yêu vợ chân thành. Khi
nhìn thấy nàng chìm dần trong sự ủ rũ và tuyệt vọng, anh rất đau lòng và quyết
định giúp nàng trở nên tự tin và độc lập.
Cuối cùng Susan cũng sẵn lòng trở lại làm việc, nhưng làm cách nào để
nàng đến được sở làm? Nàng vẫn thường đi xe buýt nhưng bây giờ việc đi lại trên
đường một mình khiến nàng rất hoảng sợ. Mark sẵn lòng đưa vợ đến sở làm mỗi
ngày mặc dù nơi họ làm việc rất xa nhau. Lúc đầu điều ấy cũng an ủi được những
nỗi đau mà Susan phải gánh chịu cũng như khiến Mark cảm thấy mình không là
người vô dụng. Về sau, Mark thấy mình cần phải sắp xếp lại mọi thứ và anh nhận
thấy Susan phải đi xe buýt trở lại, không thể suốt ngày nàng cứ dựa dẫm vào
anh. Anh muốn vợ phải độc lập và tự tin như ngày xưa. Ðiều này đã khiến Susan
giận dữ như thế nào và nàng cho rằng Mark đang dần bỏ rơi mình. Nàng đã khóc
thật nhiều. Trái tim Mark đau nhói khi nhìn thấy những giọt nước mắt của nàng
nhưng anh muốn nàng phải cứng rắn hơn, phải chấp nhận hoàn cảnh mà vẫn vui
sống. Một vài ngày đầu, Mark dạy nàng cách bước lên xe buýt và sử dụng những
giác quan khác để thích nghi với điều kiện sống hiện tại. Ðiều đó càng làm
Susan cảm thấy khổ sở. Nàng luôn cảm thấy mình vô dụng và bị bỏ rơi khi phải
một mình đối diện với thế giới hỗn độn bên ngoài mà không có sự che chở của
người chồng thương yêu.
Mọi việc ban đầu rất khó khăn cho Susan nhưng cô cũng dần quen và thích
nghi được. Một buổi sáng nọ, Susan vẫn đi làm như mọi khi và lúc cô đưa tiền
vé, người tài xế nói: "Tôi cảm thấy
ganh tị với cô đấy.”
Susan không chắc người tài xế đang nói với mình. Có ai trên đời này lại
đi ganh tị với một người luôn phải chật vật với cuộc sống không như những người
bình thường khác.
Cô hỏi một cách tò mò: "Ông
đang nói chuyện với tôi ư? Tại sao ông lại ganh tị?”
Người tài xế trả lời: "Chắc
cô cảm thấy rất hạnh phúc khi người khác quan tâm chăm sóc nhiều đến như thế.”
Susan lắc đầu: "Tôi không
hiểu ý ông.”
"Ôi, cô không biết à? Cứ mỗi sáng,
tôt thấy một người đàn ông rất đẹp trai đứng ở góc đường nhìn cô xuống xe buýt
và băng qua đường. Anh ta đứng đó để chắc chắn rằng cô qua đường một cách an
toàn và chỉ lái xe đi khi bóng cô khuất nơi văn phòng làm việc. Anh ta vẫn
thường nhìn cô một cách trìu mến và mỉm cười với cô. Cô thật là một người phụ
nữ may mắn.”
(Theo Tuổi trẻ CN, số 48/2002)
Câu
chuyện thật đẹp. Đẹp trong những nỗ lực của Susan, nhưng nét đẹp tỏa sáng của
câu chuyện là sự tận tụy quên mình của Mark. Quên mình chỉ mong một điều là
Susan được hạnh phúc, được lớn lên.
Tình yêu
là bài giáo lý đầu tiên của Đức Kitô: “Quả
thế, đây là lời loan báo anh em đã nghe từ lúc khởi đầu: chúng ta hãy yêu
thương nhau” (1Ga 3,11)
Thế
nhưng tình yêu chân thực cốt ở nơi việc làm: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu
môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga
3,18).
Đúng
thế, “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay
khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương
chúng ta.” (Rm 5,8). Chúa đã yêu chúng ta và đã dạy chúng ta cũng hãy làm
như vậy: “Đây là điều răn của Thầy: anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Mặc dù
gặp phải nghịch cảnh, nhưng nghịch cảnh không phải là điều làm cho Susan phải
bất hạnh mà chính là những tư tưởng vị kỷ nảy sinh trong lòng cô. Những tư
tưởng đó làm cho cô không nhận ra hạnh phúc nơi mình, cô đã khóc thật nhiều vì
cho rằng Mark đã bỏ rơi cô. Còn Mark, mặc dù vất vả cực nhọc, nhưng anh luôn
hạnh phúc. Anh hạnh phúc vì anh luôn bận tâm với câu hỏi của tình yêu, “tôi phải làm gì đây cho người tôi yêu?”
Nếu tôi thấy
mình bất hạnh, hãy hỏi mình tại sao, và tôi sẽ thấy ở đáy sâu của sự đau khổ đó
là một con quỷ vị kỷ khổng lồ luôn đòi phải được quan tâm, phải được chăm sóc!