GLCG - thảo kính cha mẹ

Bài 16. THẢO KÍNH CHA MẸ
ĐIỀU RĂN THỨ TƯ
113.      Điều răn thứ tư dạy ta những gì?
Ngay sau ba điều răn đầu trong bia đá thứ nhất dạy ta phải kính mến Thiên Chúa, bia đá thứ hai bắt đầu với điều răn thứ tư dạy ta phải thảo hiếu với cha mẹ. “Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những vị chúng ta phải chịu ơn về sự sống, và là những vị đã lưu truyền cho chúng ta sự nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng buộc phải tôn kính tất cả những người được Thiên Chúa trao ban quyền bính của Ngài để mưu ích cho chúng ta”. [1] 
Điều răn thứ tư dạy ta sống đúng chức phận của mình trong đời sống gia đình, Giáo Hội và xã hội, mà trước hết là thảo kính cha mẹ cho tròn chữ hiếu.
Điều răn này còn mở rộng tới các mối tương quan: giữa thầy - trò, chủ - thợ, trên - dưới, giữa công dân với tổ quốc và những người điều hành, cai trị đất nước [2]
114.          Điều răn thứ tư được lập ra với mục đích gì?
Điều răn này nhằm bảo vệ thể chế các cộng đoàn trong xã hội, như gia đình, làng xóm, công xưởng, nhà nước. . . “Điều răn này được trình bày dưới hình thức tích cực, ấn định những bổn phận phải chu toàn, và chuẩn bị cho những điều răn tiếp theo, đòi buộc con người phải tôn trọng sự sống, hôn nhân, của cải trần thế và lời nói. Đấy là một trong những nền tảng của học thuyết xã hội của Hội Thánh”. [3]
Vì thế, việc tuân giữ điều răn này sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho mọi người đang sống trong “một xã hội”, vì nó gìn giữ, kiện cường, và làm nẩy sinh hoa trái là sự an hòa, thịnh vượng ở đời này; cũng như phần thưởng cho cuộc sống thiêng liêng đời sau: “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi để ngươi được sống lâu trên phần đất mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5,16). Trái lại những ai không tuân thủ giới luật này, và cả cái xã hội mà họ sống trong đó, sẽ chịu thiệt hại lớn lao về nhiều phương diện.
115.          Tại sao con cái phải thảo kính cha mẹ?
Con cái phải thảo kính cha mẹ, vì:
a. Cha mẹ là người thay quyền Chúa  mà nuôi nấng, dưỡng dục ta. “Lòng tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha và mẹ mình được nuôi dưỡng bằng tình cảm tự nhiên xuất phát từ mối dây kết hợp họ.
"Lòng tôn kính đó được đòi buộc bởi một điều răn của Thiên Chúa” [4] vì những gì cha mẹ làm để nuôi dưỡng, dậy dỗ con cái là làm công việc Thiên Chúa; ngược lại, những gì con cái cư xử với cha mẹ mình cũng có thể xem là cư xử với Thiên Chúa: Trong Cựu Ước, chữ trọng kính (Kabbod) được dùng chung cho Thiên Chúa, đền thờ, sách thánh và cha mẹ; con cái phạm tội bất hiếu với cha mẹ cũng phải chịu cùng một hình phạt với tội nguyền rủa Thiên Chúa:
“Bởi chưng người nào, bất cứ ai, mà rủa cha mẹ mình, tất phải chết” (Lv 20,9),
“Bất cứ ai, nguyền rủa Thiên Chúa của nó. . . , tất phải chết” (Lv 24,15-16).
b. Sau Thiên Chúa, cha mẹ là những đại ân nhân của con cái: “Lòng tôn kính cha mẹ dựa trên sự biết ơn đối với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên, về sự khôn ngoan và ân sủng”. [5]
Tục ngữ có câu: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” để diễn tả những nỗi vất vả, cực khổ, thức khuya dậy sớm của cha mẹ để chăm sóc cho con cái được miếng ăn ngon, được giấc ngủ yên, được học hành, được vui chơi. . . Tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cái thật vô cùng lớn lao, đúng như câu ca dao: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Con cái phải kính mến cha mẹ bao nhiêu cho đủ được!
“Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng” (Hc 7, 27-28).
116.          Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ?
Con cái phải thảo kính cha mẹ, nghĩa là phải kính mến, vâng lời, và giúp đỡ cha mẹ, khi còn sống cũng như khi đã qua đời.
117.          Ta phải kính mến cha mẹ như thế nào?
Sự kính mến cha mẹ trước hết là ở trong lòng: Chúng ta phải quí mến cha mẹ trên hết mọi sự ở đời. Dù cha mẹ có già yếu, nghèo hèn, tật nguyền, thô lỗ. . . kẻ làm con vẫn phải một niềm kính mến những người thay mặt Chúa, cũng là những đại ân nhân của mình.
“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung túc mà khinh dể người” (Hc 3,12-13).
Lòng kính mến đó lại phải được tỏ ra bên ngoài qua những lời nói lễ độ, hành vi nhũn nhặn thảo kính. Tránh xa lời nói, hành vi tỏ ra bất kính với cha mẹ, như ăn nói thô lỗ, ngạo mạn với cha mẹ, khinh miệt lời dạy bảo của cha mẹ, không dám nhìn nhận cha mẹ vì cha mẹ nghèo hèn, chế nhạo các khuyết điểm của cha mẹ, chửi mắng, nguyền rủa, đánh đập cha mẹ, bỏ nhà ra đi làm ô danh gia đình, hay cầu cho cha mẹ chết sớm để hưởng gia tài …
118.          Ta phải vâng lời cha mẹ như thế nào?
“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).
“Bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy liên quan đến lợi ích bản thân hoặc của gia đình”, [6] nhất là khi còn ở dưới tuổi thành niên.
“Khi trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ, phải biết đón trước điều cha mẹ mong muốn, sẵn sàng hỏi ý kiến và đón nhận những lời khuyên bảo chính đáng của cha mẹ. Không còn vâng lời đối với cha mẹ như khi còn sống chung với cha mẹ nữa, nhưng lòng tôn kính thì không như thế, mà phải tồn tại mãi mãi”. [7]
Đối với người giám hộ, chúng ta cũng phải vâng lời như là đối với cha mẹ vậy: “Con cái cũng phải theo những lời dạy bảo hữu lý của những người giáo dục chúng, và của những người cha mẹ đã giao phó chúng cho họ chăm sóc. Nhưng nếu người con theo lương tâm, thấy vâng theo một lệnh truyền nào đó là làm điều xấu về mặt luân lý, thì không được vâng lời”. [8]
119.          Con cái phải giúp đỡ cha mẹ như thế nào?
Con cái có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ trong những nhu cầu của thân xác và linh hồn, nhất là trong những lúc nghèo khó, ốm đau, già yếu. . .
Về phần xác, người con hiếu thảo phải tuỳ khả năng của mình mà lo  liệu cơm nước, thuốc men, cho cha mẹ trong lúc tuổi già sức yếu;
Về phần hồn, con cái phải thăm viếng, an ủi khi cha mẹ già yếu, đau bệnh; nếu cha mẹ khô khan việc đạo, phải cầu nguyện và khuyên can cha mẹ với lòng tôn kính.
Khi cha mẹ đau nặng thì con cái phải lo giúp cho các ngài được lãnh nhận các bí tích cần thiết, khi qua đời thì lo chôn cất, cầu nguyện, xin lễ cho các ngài, và có bổn phận thực hiện những gì cha mẹ đã di chúc lại.
“Như người lộng ngôn, kẻ bỏ bê cha, kẻ khinh rẻ mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,16).
120.          Ích lợi của sự thảo hiếu với cha mẹ là gì?
Người con biết kính mến, vâng lời, và giúp đỡ cha mẹ sẽ làm đẹp lòng Chúa và mua lấy cho mình những phước lành của Thiên Chúa, như lời Ngài đã phán: “Hãy kính trọng cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên thửa đất Yavê Thiên Chúa của ngươi sắp ban cho ngươi” (Xh 20,12), “Ai tôn kính cha mẹ mình sẽ được hưởng niềm vui nơi con cái của bản thân mình, và trong ngày nó cầu, nó sẽ được nhận lời” (Hc 3,2-6).
Hơn nữa, sự tôn kính cha mẹ là nguồn mạch cho sự hòa hợp, an vui, trong gia đình; vì làm sao có thể có bất hòa nghiêm trọng giữa những người con thảo hiếu của cùng một cha mẹ? “Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái chính là người cha” (Cn 17,6).
Trái lại, những kẻ bất hiếu sẽ lãnh lấy hoa trái cay đắng mà chính tay nó đã gieo hạt, vì “kẻ rủa cha rủa mẹ, sẽ thấy đèn mình tắt lụi giữa tối tăm” (Cn 20,20).


[1] GLCG 2197
[2] X. GLCG 2199
[3] GLCG 2198
[4] GLCG 2214
[5] GLCG 2215
[6] GLCG 2217
[7] GLCG 2217