GLCG - thánh hóa ngày chúa nhật

Bài 15. THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT
ĐIỀU RĂN THỨ BA
105.      Điều răn thứ ba dạy những gì?
Điều răn thứ ba dạy chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật; nghĩa là dành riêng ngày đó để thờ phượng Chúa:
Trong ngày Chúa Nhật, mọi người sẽ nghỉ ngơi để bồi dưỡng tinh thần, chăm sóc đến đời sống đạo đức và chu toàn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa.
106.      Mục đích của điều răn thứ ba là gì?
Luật thánh hóa ngày Chúa Nhật có nguồn gốc từ ngày Sabat trong Cựu Ước: “Ngươi hãy nhớ ngày Sabat để thánh hoá ngày đó. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là ngày Sabat dành cho Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ngươi sẽ không làm công việc gì trong ngày đó” (Xh 20, 8-10).
Như Sách Thánh đã viết, ngày Sabat được lập ra là để dành cho Chúa; nhưng Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy được ngày Sabat còn có khía cạnh nhân bản của nó nữa: “Ngày Sabat được tạo nên cho con người(Mc 2,27).
a Ngày dành cho Chúa:
Ngày Sabat nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thuộc về Chúa. Chúng ta phải thờ phượng Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa chúng ta, và là mục đích sau cùng của chúng ta.
Con người là một sinh vật có xã hội tính. Vì thế, việc thờ phượng cũng phải mang tính xã hội nữa. Việc dành riêng một ngày trong tuần để cùng nhau thờ phượng Chúa là điều hợp với luật tự nhiên đã ghi tạc trong lòng con người. Con người phải “dâng lên Chúa một sự phụng thờ bên ngoài, dễ thấy, công cộngđều đặn, để tỏ ra sự nhận biết ân huệ phổ quát của Thiên Chúa dành cho mình”. [1]
b. Ngày dành cho con người:
- Con người là hồn và xác. Không thể quá lo cho các nhu cầu của thân xác mà quên đi các nhu cầu của tâm hồn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4,4) mà còn nhờ đến Lời Chúa, đến ân sủng cho đời sống siêu nhiên; hơn nữa, người ta cũng cần đến có thời gian cho giải trí, sách báo, giao tiếp. . . cho đời sống văn hóa tinh thần.
- Vả lại, thân xác cũng cần được nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã nghỉ ngày thứ bảy, thì con người cũng phải nghỉ, phải “thôi làm việc” (Xh 31,17) để "mọi người có đủ thời gian nghỉ ngơi và nhàn rỗi mà vun trồng đời sống gia đình, văn hoá, xã hội và tôn giáo". [2]
Về phương diện này, luật nghỉ ngày Sabat là một cách bảo vệ người lao động khỏi bị bóc lột quá đáng. "Đây là ngày phản kháng lại khía cạnh nô lệ của việc lao động và sự sùng kính tiền bạc". [3] 
- Ngày của gia đình: Ngày Chúa Nhật giải thoát mọi người khỏi những vướng bận của công việc và đem mọi người lại gần nhau, tạo môi trường thuận tiện cho tình gia đình được nuôi dưỡng và tăng trưởng ngày càng đầm ấm.
- Ngày của xứ đạo, là ngày các tín hữu cùng họp nhau trong một hành vi thờ phượng chung và các sinh hoạt tôn giáo chung. Nó tạo nên sự khích lệ lẫn nhau sống niềm tin, cậy, và yêu mến trong tình liên đới với nhau và với toàn Giáo Hội.
107.      Chúa Nhật có liên hệ thế nào với ngày Sabát?
a. Ngày Sabat kỷ niệm công việc sáng tạo vũ trụ, và việc giải thoát Dân Chúa: “Thiên Chúa ban cho Israel ngày Sabat, để họ tuân giữ như một dấu chỉ giao ước vững bền. Ngày Sabat được hiến dâng cho Thiên Chúa, là ngày thánh dành để chúc tụng Thiên Chúa, ca ngợi công trình sáng tạo và những kỳ công Người thực hiện để cứu Israel". [4]
b. Chúa Nhật là sự hoàn tất ngày Sabat: Chúa Nhật được gọi như thế vì nó nhắc ta nhớ đến cuộc sáng tạo mới được bắt đầu bởi sự phục sinh của Đức Kitô, và là ngày giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.
108.      Ta phải làm gì để thánh hoá ngày Chúa Nhật?
Chúng ta thánh hoá ngày Chúa Nhật bằng cách tham dự thánh lễ, nghỉ việc xác. Cũng nên làm thêm những việc lành, như dự giờ kinh chung, làm việc bác ái, việc tông đồ.
"Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ; và hơn nữa, kiêng việc làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác". [5] 
- Dự thánh lễ:
Giữ ngày Chúa Nhật và cử hành Thánh Thể là trung tâm đời sống của Hội Thánh: “Theo truyền thống các tông đồ, ngày Chúa Nhật, ngày cử hành mầu nhiệm vượt qua, phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh như ngày lễ buộc". [6]
"Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ". [7]  Nếu vì lý do khẩn trọng mà không thể tham dự thánh lễ được, thì nên tham dự cử hành phụng vụ Lời Chúa, hoặc dành một thời gian thích hợp để cầu nguyện cá nhân hay cùng với cả gia đình, hoặc cùng một nhóm gia đình. [8] 
Dự bất cứ thánh lễ gì (lễ cưới, an táng …) vào chiều áp lễ buộc được coi là đã giữ luật: "Ai tham dự thánh lễ theo nghi thức Công giáo vào chính ngày lễ hoặc chiều hôm trước, là chu toàn luật buộc dự lễ". [9]
- Nghỉ việc xác:
“Cũng như Thiên Chúa “khi làm xong mọi công việc của Ngài, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2), cuộc sống của con người cũng theo nhịp độ của sự làm việc và sự nghỉ ngơi. Ngày của Chúa được đặt ra góp phần vào việc giúp cho mọi người được nghỉ ngơi và rảng rang để vun trồng đời sống gia đình, sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo”. [10]
Vì thế, trong ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu sẽ "kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở:
- sự thờ phượng Thiên Chúa,
- sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa,
- hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác" [11]  
109.      Ta phải dự thánh lễ Chúa Nhật như thế nào?
Chúng ta có nghĩa vụ phải tham dự thánh lễ Chúa Nhật một cách tích cực, trọn vẹn, và có sự hiện diện cách luân lý.
- Tích cực: Là tham dự một cách ý thức, linh động và hữu hiệu các nghi lễ trong thánh lễ. Ai cố tình chia trí trong một phần quan trọng của thánh lễ được kể là chưa dự lễ nên.
- Trọn vẹn: Là tham dự thánh lễ từ đầu cho đến hết. Không kể là đã dự lễ, nếu chúng ta xem hai phần lễ từ hai lễ khác nhau, hoặc bỏ một phần quan trọng, như đến muộn mất phần phụng vụ Lời Chúa.
- Hiện diện cách luân lý: nghĩa là phải đích thân có mặt và liên kết với cộng đoàn dự lễ. Như thế, chúng ta không thể xem lễ qua tivi, hoặc đứng tách biệt khỏi cộng đoàn.
110.      Khi nào được miễn giữ luật ngày Chúa Nhật?
a. Chúng ta được miễn dự thánh lễ ngày Chúa Nhật khi có những lý do quan trọng như:
- Bệnh tật, không thể đến nhà thờ được.
- Phải ở nhà chăm sóc trẻ sơ sinh, người bệnh, không thể đi lễ được; hoặc ở quá xa nhà thờ, hoặc vì thời tiết quá xấu, hoặc vì kế sinh nhai . . .
Trong những trường hợp không rõ, nên hỏi cha Sở để biết mà giữ cho đúng; còn trong những trường hợp khác, thì có thể xin cha Sở cho phép tha dự lễ, từng lần một. [12]
b. Chúng ta được phép làm việc trong ngày Chúa Nhật khi “có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng”, như:
- Đó là việc khẩn cấp, như gặt lúa khi đến ngày gặt, 
- Vì lợi ích chung của xã hội.
Tuy thế, chúng ta cũng phải cẩn thận “đừng để những miễn chuẩn này dẫn đến thói quen thờ ơ với việc thờ phượng, với cuộc sống gia đình hay sức khoẻ của mình”. [13] 
111.      Các lễ nào cũng buộc giữ như Chúa Nhật?
Chúng ta phải dự lễ và nghỉ ngơi vào mười ngày lễ khác, quen gọi là lễ buộc. Đó là các lễ: Giáng sinh, Hiển linh, Thăng Thiên, Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ hồn xác lên trời, lễ thánh Giuse, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, và lễ Các Thánh. [14]
Tuy nhiên, với sự phê chuẩn của Toà Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chuyển một số lễ buộc trên qua ngày Chúa Nhật, bỏ bớt một vài lễ buộc, để chỉ còn buộc các tín hữu ở miền Nam một ngày lễ buộc là lễ Giáng Sinh (tổng giáo phận Sàigòn và Huế); các tín hữu miền Bắc còn bốn lễ buộc là Giáng Sinh, Thăng Thiên, Đức Mẹ hồn xác lên trời, và lễ Các Thánh (tổng giáo phận Hà Nội).
112.      Có buộc tham dự các lễ trọng không?
Giáo Hội buộc chúng ta tham dự các lễ buộc theo luật như trên; còn các lễ trọng khác, như lễ Truyền Tin, lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả ... đều không buộc. Trong thực tế, nhiều lễ buộc và lễ trọng được dời vào ngày Chúa Nhật để tiện cho mọi người có thể tham dự.


[1] Thánh Tôma Aquinô, S th 2-2, 122,4
[2] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 67
[3] GLCG 2172
[4] GLCG 2171
[5] Giáo luật 1247
[6] Giáo luật 1246, §1
[7] Giáo luật 1247
[8] x. GLCG 2183
[9] Giáo luật 1248, §1
[10] GLCG 2184
[11] Giáo luật 1247
[12] x. Giáo luật 1245
[13] GLCG 2185
[14] Giáo luật 1246, § 1
Câu 105   106   107   108   109   110   111   112