Học làm người _ sống lạc quan

LÀM VUI LÒNG NGƯỜI KHÁC
Khi bắt đầu viết cuốn “Quẳng gánh lo đi”, tác giả đã đặt giải thưởng hai trăm mỹ kim cho ai viết được một câu truyện ích lợi và hứng thú nhất với nhan đề: “Tôi đã thắng được ưu phiền cách nào?”.
Tác giả đã nhận được hai câu truyện thật hay, không phân biệt được hơn kém, nên giải thưởng đã phải chia đôi. Chuyện dưới đây của ông C. R. Burton, là một trong hai chuyện ấy.
Má tôi bỏ nhà hồi tôi chín tuổi, và ba tôi mất lúc tôi 12 tuổi. Ba tôi mất vì tai nạn xe, còn má tôi thì từ khi bỏ nhà đi, đã 19 năm tôi không được gặp. Cả hai đứa em gái nhỏ mẹ tôi dắt theo cũng biệt dạng… Tôi chơ vơ trong tỉnh, tôi rất lo người đời đãi chúng tôi như thường đãi trẻ mồ côi. Nỗi lo sợ đó thực hiện ngay. Trong một thời gian ngắn, tôi sống nhờ một gia đình nghèo trong tỉnh. Nhưng thời buổi khó khăn, vị ân nhân của tôi mất việc, không nuôi tôi được nữa. Sau nhờ được ông bà Loftin dắt tôi về nuôi tại trại ruộng, cách tỉnh độ 13 cây số. Ông Loftin 70 tuổi và đau, phải nằm ở giường hoài, ông bảo tôi: “Hễ không nói dối, không ăn cắp và bảo gì làm nấy, thì ở mãi được”.
Tôi thộc lời ấy như lời Thánh Kinh và theo đúng vậy.
Tôi được đi học, nhưng ngay tuần đầu, mỗi lần trở về nhà, là khóc lóc khổ sở. Những bạn học chọc ghẹo, chế giễu cái mũi lớn của tôi, bảo tôi là đồ ngu và kêu tôi là thằng mồ côi, thò lò mũi xanh…
Ở trường tôi không bao giờ khóc, nhưng về nhà, thường sụt sùi kể lể. Rồi một hôm bà Loftin khuyên tôi một lời mà tôi hết ưu uất, lo buồn. Và từ đó kẻ thù của tôi thành bạn thân của tôi. Bà khuyên tôi thế này: “Raph ơi, bọn đó sẽ không hành hạ con, không gọi con là thằng mồ côi thò lò mũi xanh nữa, nếu con nghĩ tới chúng và tìm cách giúp chúng”.
Tôi theo lời khuyên ấy, tôi rán học chẳng bao lâu đứng đầu lớp.
Cảnh chết chóc và đau lòng xảy tới bên hàng xóm, hai người chủ trại chết rồi một người bỏ vợ. Trong bốn gia đình chỉ có tôi là đàn ông. Tôi giúp những người đàn bà góa trong hai năm. Khi đi học và lúc ở trường về, tôi ghé vào trại họ, giúp họ bửa củi, vắt sữa bò, cho súc vật ăn uống. Thành thử không ai chế nhạo tôi nữa mà cảm tạ tôi. Khi giải ngũ, ở hải quân về, tôi được rõ cảm tình của họ. Ngày đầu tiên tới nhà, hơn 200 người lại thăm tôi. Có những người đi hơn 120 cây số và lòng họ đối với tôi thật chân thành. Vì tôi chịu khó và vui vẻ giúp đỡ người khác, cho nên hết lo lắng và ưu phiền.
Alfred Adler, nhà trị bệnh thần kinh trứ danh, có nói một câu lạ lùng nhất từ trước tới giờ. Ông bảo các người mang bệnh âu sầu rằng: “Chỉ trong hai tuần lễ là ông hết bệnh, nếu ông theo đúng phương thuốc này: rán mỗi ngày kiếm cách làm vui một người nào đó”.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công