GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 6. TỘI LỖI 
44.      Thế nào là tội nặng, thế nào là tội nhẹ?
          Tội phạm được chia thành hai loại: Tội nặng và tội nhẹ. Sự phân chia này là hợp lý vì không thể coi là như nhau giữa một cái đấm và việc giết người, giữa việc ăn cắp 500 đồng và ăn cắp 100.000 đồng...
Mức độ nghiêm trọng của tội tuỳ theo mức độ tác hại gây ra cho đức mến: Tội nặng phá huỷ đức mến trong trái tim con người, do vi phạm nghiêm trọng Lề luật của Thiên Chúa … Tội nhẹ vẫn còn để đức mến tồn tại, mặc dù có xúc phạm và gây tổn thương cho đức mến”. [1]
Một tội được coi là tội nặng khi hội đủ ba điều kiện: chất liệu nặng, ý thức đầy đủtự ý ưng thuận. [2]
           - Chất liệu nặng: là sai phạm các điều được xác định trong Mười Điều Răn: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ quịt của người, hãy thảo kính cha mẹ”. (Mc 10,19)
           - Đầy đủ ý thức: Có biết về luật đó và các hoàn cảnh làm cho tội ra nặng hơn.
           - Tự ý ưng thuận: Tội phạm hoàn toàn do ý muốn tự do của mình, chứ không do áp lực bên ngoài.
Tội được coi là nhẹ khi lỗi phạm một điều có chất liệu nhẹ, hoặc một điều có chất liệu nặng “nhưng không có sự nhận thức đầy đủ, hay không ưng thuận hoàn toàn”.[3]