Bài 6. TỘI LỖI
43. Tội là gì?
Tội là một thực tại bí nhiệm được cảm nghiệm thấy trong cuộc sống, mà người ta mong tìm được câu trả lời trong các tôn giáo: “Con người là chi? Đời người có mục đích gì? Sự thiện và tội ác là chi?” [1]
Theo Giáo lý Công giáo, tội là sự “nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa”, [2] là “một hành vi, lời nói, hoặc ước muốn trái nghịch với Lề luật vĩnh cửu”. [3]
Chúng ta phạm tội khi làm ngược với luật (có luật), một cách ý thức (biết điều mình sắp làm là sai), và cố ý (biết sai mà vẫn làm).
44. Thế nào là tội nặng, thế nào là tội nhẹ?
Tội phạm được chia thành hai loại: Tội nặng và tội nhẹ. Sự phân chia này là hợp lý vì không thể coi là như nhau giữa một cái đấm và việc giết người, giữa việc ăn cắp 500 đồng và ăn cắp 100.000 đồng...
Mức độ nghiêm trọng của tội tuỳ theo mức độ tác hại gây ra cho đức mến: “Tội nặng phá huỷ đức mến trong trái tim con người, do vi phạm nghiêm trọng Lề luật của Thiên Chúa … Tội nhẹ vẫn còn để đức mến tồn tại, mặc dù có xúc phạm và gây tổn thương cho đức mến”. [4]
Một tội được coi là tội nặng khi hội đủ ba điều kiện: chất liệu nặng, ý thức đầy đủ và tự ý ưng thuận. [5]
- Chất liệu nặng: là sai phạm các điều được xác định trong Mười Điều Răn: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ quịt của người, hãy thảo kính cha mẹ”. (Mc 10,19)
- Đầy đủ ý thức: Có biết về luật đó và các hoàn cảnh làm cho tội ra nặng hơn.
- Tự ý ưng thuận: Tội phạm hoàn toàn do ý muốn tự do của mình, chứ không do áp lực bên ngoài.
Tội được coi là nhẹ khi lỗi phạm một điều có chất liệu nhẹ, hoặc một điều có chất liệu nặng “nhưng không có sự nhận thức đầy đủ, hay không ưng thuận hoàn toàn”.[6]
45. Những cách phạm tội thông thường là gì?
Chúng ta phạm tội có khi bằng tư tưởng, lời nói, có khi bằng ước muốn, hành động, bằng sự cộng tác với điều xấu, hay bằng sự thiếu sót.
- Bằng tư tưởng: Khi ta cố ý nuôi dưỡng trong trí khôn những ý tưởng nghịch Lề luật vĩnh cửu, như nghi ngờ những điều phải tin, nghi ngờ lòng nhân lành của Chúa, nuôi dưỡng những ý nghĩ oán ghét, trả thù...
Khi một tư tưởng xấu xuất hiện trong trí khôn, chúng ta hãy lập tức xua đuổi chúng ra khỏi tâm hồn bằng cách suy nghĩ về một điều khác, bằng cách cầu nguyện xin Chúa ban ơn nâng đỡ. Nếu làm như thế, chúng ta chẳng những không mắc tội mà còn làm được một việc lành đáng thưởng.
- Bằng ước muốn: khi ta quyết định làm một việc xấu, như muốn làm điều lỗi luật Chúa... thì ta đã phạm tội, dù có thể là không thực hiện được.
- Bằng lời nói: khi ta nói những điều phạm đến luật Chúa, như nói dối, nguyền rủa, nói chuyện dâm ô, nói hành nói xấu...
- Bằng hành động: Khi ta thực hiện ước muốn tội lỗi bằng một hành vi bên ngoài, như đánh phá người khác, trộm cắp...
- Bằng sự cộng tác với điều xấu. “Chúng ta có trách nhiệm trong các tội do người khác phạm, khi chúng ta cộng tác vào đó bằng cách:
* tham gia cách trực tiếp và tự nguyện;
* ra lệnh, xúi giục, khen ngợi hoặc tán thành
* không tố cáo hoặc ngăn cản, khi có bổn phận phải can ngăn;
* che chở những người làm điều xấu”. [7]
- Bằng sự bỏ sót: Khi không làm điều luật buộc phải làm, như bỏ lễ Chúa Nhật, không cứu giúp người nguy khốn...
Người phú hộ giầu có đã bị phạt vì để Ladarô chết đói ngay trước cửa nhà mình.
46. Tai hại của tội là gì?
“Tội là một hành vi đối nghịch với lý trí. Nó làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại”. [8]
- Tội nhẹ khiến ta giảm bớt lòng mến Chúa, dễ hướng chiều về điều xấu và dễ phạm tội nặng hơn.
- "Tội nặng phá huỷ đức mến trong chúng ta, mà nếu không có đức mến, thì không thể được hưởng vinh phúc vĩnh cửu. Nếu không có sự thống hối, tội nặng kéo theo cái chết muôn đời" [9]
47. Ta phải làm gì để được tha tội?
Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách ban ân sủng tràn đầy để vạch trần tội lỗi nhằm hoán cải lòng ta: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. (Rm 5,20)
Thú nhận tội lỗi là bước đầu tiên để được cứu độ :
Thế giới hôm nay đang mất dần cảm thức về tội lỗi. Đánh mất cảm thức về tội phát triển song hành với sự đánh mất cảm thức về Thiên Chúa, và là một nguyên nhân đáng sợ dẫn đến việc chối bỏ ơn cứu độ.
Đúng thế, chối bỏ tội lỗi, chối bỏ ý niệm tội lỗi là bước đầu tiên dẫn đến việc phủ nhận ơn cứu độ: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội là chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không có ở trong chúng ta”. (1Ga 1,8)
Để được tha tội, trước hết ta hãy tỏ lòng ăn năn bằng việc thú nhận tội lỗi với Chúa: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”. (1Ga 1,9). Sau đó chúng ta hãy đến với các linh mục được Chúa trao quyền tha tội, ở toà giao hoà.
48. Ta phải làm gì để chừa tội?
- “Nguồn gốc của mọi tội lỗi phát xuất từ lòng con người.” [10] Vì thế, việc đầu tiên phải làm để chừa tội là khử trừ bảy nết xấu mà kinh nghiệm Kitô giáo gọi là bảy mối tội đầu vì chúng làm nảy sinh nhiều tội lỗi và thói xấu khác.
Cách khử trừ bảy mối tội đầu tốt nhất là tập các nhân đức đối nghịch với chúng: “Khiêm nhường chớ kiêu ngạo - Rộng rãi chớ hà tiện - Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục - Hay nhịn chớ hờn giận - Kiêng bớt chớ mê ăn uống - Yêu người chớ ghen ghét - Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng".
- Xa tránh dịp tội. "Nếu con có lương tâm tốt lành, con sẽ không quá sợ chết. Xa lánh tội lỗi thì tốt hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con không sẵn sàng, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được ?" (Gương Chúa Giêsu, I, 23, 6-8).
- Bỏ thói quen phạm tội, từng tội một: "Phạm đi phạm lại các tội, dù là các tội nhẹ, sẽ sinh ra những thói xấu, trong đó đặc biệt có các mối tội đầu." [11]
“Bao lâu còn mang thân xác, con người không thể không có ít là các tội nhẹ. Nhưng các tội mà chúng ta gọi là nhẹ, bạn chớ coi thường: nếu bạn coi là nhẹ khi bạn cân chúng, thì bạn hãy run sợ khi bạn đếm chúng. Nhiều vật nhỏ làm thành một khối lớn, nhiều giọt nước làm đầy một con sông, nhiều hạt lúa làm thành một đống lúa. Vậy thì còn hy vọng gì? Trước hết, hãy xưng tội …” [12]
- Siêng năng chịu các bí tích, nhất là bí tích Giao hoà và bí tích Thánh Thể.
49. Chúa có thái độ nào đối với tội nhân?
Chúa không muốn từ chối hạnh phúc Nước Trời cho bất cứ một ai. Vì thế, dù tội nặng đến đâu, không một ai có lòng sám hối ăn năn mà không được tha.
"Mặc dù chúng ta có thể phán đoán một hành vi nào đó tự nó là một lỗi phạm nặng, chúng ta vẫn phải phó thác việc phán xét con người cho sự công bằng và lòng thương xót của Chúa". [13] Vì thế chẳng những chúng ta không thể dựa vào lối sống tội lỗi của ai để lên án họ, là họ phải xa cách Chúa đời đời, mà còn phải thương xót tha thứ, và giúp họ sám hối, cải thiện đời sống.
Chỉ có những ai tự mình không muốn được ơn cứu độ thì mới phải trầm luân đời đời. Đó là những người mà Chúa Giêsu đã gọi là phạm tội không được tha, là tội phạm đến Chúa Thánh Thần (Mt 12,31), là "khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt muôn đời" [14]