GLCG - đức cậy

Bài 8. ĐỨC CẬY 
ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
62.      Đức cậy là gì?
Theo Đức Kitô là bước vào một cuộc sống có nhiều khó khăn và hiểm nguy, với ước mong đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Dù vất vả cực nhọc, nhưng bằng sức riêng mình thì có ai dám tin là mình sẽ đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu?
Thế nhưng, đức cậy giúp chúng ta vững lòng tin rằng, với ơn Chúa phù giúp, chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc đó: “Đức cậy là nhân đức đối thần nhờ đó chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, để xứng đáng hưởng đời sống vĩnh cửu và để kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế”. [1]
63.      Chúa đã hứa ban cho chúng ta những gì?
- Chúa hứa ban ơn cứu độ cho chúng ta: Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ. Đó chính là lý do và ý nghĩa của việc sáng tạo, cũng như sự chết và phục sinh của Đức Kitô.
Nhưng để được cứu độ, chính chúng ta phải muốn điều đó và phải làm tất cả những gì trong khả năng của mình để chiếm được Nước Trời. Nếu chúng ta làm trọn bổn phận của mình, Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta bằng vô vàn ân sủng mạnh mẽ của Ngài. Vì thế bất kỳ ai cũng có thể hy vọng vững vàng về hạnh phúc vĩnh cửu của mình.
           - Chúa hứa sẽ tha thứ tội lỗi của ta: Chúa là Đấng nhân từ vô biên, Ngài đã hứa không chỉ một lần mà còn lập đi lập lại rằng Ngài sẽ tha thứ mọi tội lỗi cho tất cả những ai thực lòng ăn năn tội lỗi của mình.
           - Chúa hứa ban những ơn cần thiết: Vì tự sức mình chúng ta không thể được cứu độ, nên Chúa đã hứa sẽ giúp sức cho chúng ta bằng nhiều ân sủng khác nhau: Bởi ơn thánh hóa mà chúng ta nhận được khi chịu bí tích Rửa tội hay được phục hồi trong bí tích Giao hoà, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa với quyền thừa hưởng Nước Trời; và như mục tử nhân lành, Chúa hứa ở bên ta luôn để giúp ta sống tốt và làm lành lánh dữ trong mọi việc.
           - Chúa hứa nhận lời ta cầu xin: Chúa Giêsu nói với chúng ta: “hãy xin thì sẽ được”; nơi khác, Ngài nói: “bất cứ điều gì anh em xin cùng Cha nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh em”.
Thiên Chúa không từ chối lời chúng ta cầu xin những gì cần thiết cho ơn cứu độ, và cả cho cuộc sống trần thế của chúng ta nữa, như lời Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”.
64.      Dựa vào đâu mà chúng ta vững vàng trông cậy Chúa?
          Chúng ta trông cậy Chúa một cách vững vàng vì Ngài là Đấng toàn năng, nhân từ và trung tín vô cùng.
          Chúa là Đấng toàn năng nên không có gì chúng ta cần mà Ngài không thể ban cho chúng ta; là Đấng nhân từ nên Ngài yêu thương và muốn làm tất cả những gì là tốt cho chúng ta; và là Đấng  trung tín, Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài đã hứa ban.
"Với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đều đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành" (Rm 8,28), mà sự lành tối thượng là hạnh phúc vĩnh cửu Chúa đã hứa ban.
65.      Có những tội nào nghịch cùng đức cậy?
          Để giữ lòng trông cậy, chúng ta cũng phải để ý đến các tội nghịch với đức cậy, là sự ngã lòng và sự tự phụ:
            a. Ngã lòng: là "không còn hy vọng Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho mình, không còn hy vọng những sự trợ giúp để mình đạt tới ơn cứu độ, hay không còn hy vọng ơn tha thứ các tội lỗi của mình". [2]
- Người ngã lòng nghĩ rằng tội mình quá nhiều hay quá lớn không thể được tha thứ nữa.
Cho dù tội ta có lớn và nhiều đến đâu, hãy luôn tin tưởng rằng Chúa sẽ tha hết nếu ta thật lòng ăn năn, vì tình yêu của Chúa còn lớn hơn tội lỗi của ta: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. (Rm 5,20)
- Không hy vọng sẽ sửa chữa được tội lỗi và tật xấu của mình.
Thánh Phaolô dạy: “Thiên Chúa trung thành với lời Ngài hứa, và ngài sẽ không để anh em chiụ cám dỗ vượt quá sức anh em” (1Cr 10, 13).
`- Thiếu tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa trong đời sống trần thế, như luôn sợ thiếu thốn, túng đói... hoặc không cầu xin Chúa ban ơn phù trợ lúc túng cực vì cho rằng cầu xin cũng chẳng ích gì hơn.
-  Không vâng theo ý Chúa trong những biến cố rủi ro, mà so sánh với những người hơn mình để tự dày vò mình và oán trách Chúa.
Trong những lúc cùng cực nhất, chúng ta phải vững tin rằng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, chăm sóc cho mình, và hãy cầu nguyện như ông Gióp: “Đức Chúa đã cho, Đức Chúa đã lấy lại, đáng chúc tụng thay Danh Đức Chúa” (G 1, 21).
          b. Tự phụ: "Có hai loại tự phụ. Hoặc con người quá cậy dựa vào khả năng của mình, hoặc ỷ lại vào sự toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa." [3]
- Quá cậy vào sức riêng: là những người tin rằng mình có thể tự sức mình mà ăn năn trở lại, tự sức mình có thể làm việc lành và xa lánh tội lỗi mà không cần đến Chúa trợ giúp...
- Ỷ lại vào Chúa:
* Tin rằng mình có thể được tha thứ mà không cần hối cải, và được hưởng vinh quang mà không cần lập công, tin rằng Chúa là Đấng nhân lành vô cùng sẽ tha thứ mọi tội lỗi của người ta và sau cùng sẽ cho mọi người được hưởng thiên đàng.
* Đặt mình vào dịp tội, tin rằng Chúa sẽ ban ơn giúp mình không phạm tội, hay sống trong tội mà không có ý muốn hối cải vì tin rằng đến phút chót Chúa sẽ ban cho ơn được ăn năn trở lại.
Đó là các ý tưởng ma quỷ luôn gợi lên để lừa gạt chúng ta. “Hôm nay con không sẵn sàng, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?” [4]
Chúa chỉ hứa tha tội cho người ăn năn, chứ không hứa sẽ ban thời giờ để ăn năn.
* Từ chối uống thuốc khi mắc bệnh nặng, tin rằng Chúa sẽ chữa khỏi bệnh như mình đã cầu xin.


[1] Toát yếu GLCG, câu 387
[2] GLCG 2091
[3] GLCG 2092
[4] Gương Chúa Giêsu I, 23, 8