Hiển thị các bài đăng có nhãn tuanthanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tuanthanh. Hiển thị tất cả bài đăng

SỐNG ĐẠO - HOÁN CẢI

PHÊRÔ LỖI PHẠM
 Thảm kịch Phêrô vấp ngã được Phúc Âm tường thuật lại như sau:
Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.  Ðức Giêsu nói với các ông:
- Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em.
Ông Phêrô liền thưa:
- Dẫu tất cả có vấp ngã đi nữa, con nhất định là không.
Ðức Giêsu nói với ông:
- Thầy bảo thật anh: Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy ba lần.
Nhưng ông Phêrô lại quả quyết:
- Dẫu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy" (Mc 14:26-31).
Ðoạn Kinh Thánh trên đưa thời điểm đau thương của Ðức Kitô vào cuộc đời các tông đồ.  Biến cố ấy sắp xảy đến.  Thực sự sẽ như thế nào, các môn đệ không thể hình dung được.  Họ chỉ thấy bàn bạc một bầu khí u buồn, hoang mang và căng thẳng.  Cứ mỗi lúc thời gian ngắn dần, thái độ của Chúa làm các ông thêm biến sắc.  Chúa đã nói đến những lời trăn trối.  Thầy đã rửa chân vĩnh biệt học trò.  Kẻ dạy dỗ đã căn dặn môn sinh ở lại yêu thương nhau.  Chúa sắp ra đi.  Linh hồn các môn đệ có thể đang dấy lên những thao thức băn khoăn.  Thầy sẽ chết sao?  Ai phản bội Thầy?  Tương lai chúng ta đi về đâu?  Bao nhiêu ngày theo Thầy bây giờ như thế sao?  Rồi đây nhóm chúng ta còn không?  Tất cả vấp ngã nghĩa là gì, tôi cũng vấp ngã à?  Vấp ngã ra sao?
Trong cái căng thẳng ấy, mọi người im lặng hoang mang.  Người lên tiếng trong đám đông này, tối đó, là Phêrô.
Nhìn Phêrô trong đoạn Kinh Thánh trên đây, ta thấy ông khẳng khái một quyết định dứt khoát là ông biết rõ ông hơn ai hết.  Ông hiểu khả năng của ông.  Ông biết ý chí ông.  Ông làm chủ tình hình. Ông đã nói không là không.  Chúa đừng quan tâm.  Phiên dịch một cách khác, ta có thể hình dung được tiếng nói của Phêrô với Chúa:
- Không chuyện gì phải lo.  Có tôi đây, Thầy biết tôi mà!
Qua hành động Phêrô, ta có thể nói bằng ngôn ngữ thế tục, Phêrô đã "vô lễ" khi dám đưa tất cả mọi người ra so sánh.  Ông khẳng khái là không vấp ngã, cũng quá đủ rồi.  Ðó là chuyện của ông.  Nhưng ông bảo cho dù "tất cả" vấp ngã, tôi cũng không.  Làm sao ông dám hạ thấp mọi người xuống để so sánh với chính mình như vậy?
Sau khi ông so sánh mọi người xong, Ðức Kitô không nói với "các ông" nữa mà nói riêng với ông. Lối hành văn của Máccô chỗ này rất là ý nghĩa trong lối dùng chữ chính xác từng chi tiết như sau:
- Thầy bảo thật anh - (Ám chỉ rõ, riêng cá nhân Phêrô).
- Hôm nay - (Xác định thời gian là hôm nay chứ không phải ngày mai).
- Nội đêm nay - (Chi tiết hơn, hôm nay, nhưng là đêm chứ không phải ngày).
- Gà chưa kịp gáy hai lần - (Biết là đêm rồi, nhưng rõ hơn là lúc gà chưa gáy hai lần).
- Thì chính anh - (Quả quyết rõ là Phêrô, không phải người khác).
- Anh chối Thầy ba lần - (Nói cho biết trước sẽ chối, chi tiết là ba lần).
Ðoạn văn tiên tri trên về Phêrô, đề cập những chi tiết chính xác như chuyện đã xảy ra chứ không phải chuyện tương lai.  Ðáng nhẽ Phêrô phải giật mình sợ hãi, nhưng ông không thắc mắc những chi tiết.  Vẫn trong cách xử dụng ngôn ngữ tài tình, Máccô nhấn mạnh là Phêrô càng "nói quả quyết" hơn nữa.  Phải chết tôi cũng không chối Thầy.  Lúc đó, Chúa chỉ còn một cách duy nhất là im lặng, vì hết lời rồi.
Trong cung cách đó, còn gì để nói về con người Phêrô?  Chính Chúa đành lặng thinh.
 Thảm kịch đáng thương trên được Phúc Âm tả tiếp:
Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô:
- Simon, anh ngủ à?  Anh không thức nổi một giờ sao?
Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước.  Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu.  Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông:
- Lúc này mà còn ngủ sao?
Từ chiều, từ lúc hát thánh vịnh xong và Thầy trò lên núi Ôliu đến giờ, từ lúc quả quyết không chối Thầy đến giờ chắc mới vài tiếng đồng hồ.  Ba lần Chúa đến tìm các ông, các ông vẫn ngủ.  Ngôn ngữ chúng ta để ý ở đây mà Máccô cho một chi tiết đặc biệt là các ông ngủ đến độ mắt họ "nặng trĩu" (Mc 14:40).  Ngủ đến độ mắt "nặng trĩu" là như thế nào?  Có thể đây là chi tiết sẽ cắt nghĩa một sự cố lát nữa đây về con người Phêrô.
Lần thứ ba Chúa đến, lúc mắt họ "nặng trĩu" thì Giuđa và thượng tế cùng giáo mác, gậy gộc của đám cơ binh ụp đến bắt Chúa.  Lúc này một "anh hùng" xuất hiện:  Ðó lại là Phêrô.  Ông rút gươm!
Tin Mừng tường thuật, ông chém đứt tai người đầy tớ (Yn 18:10).  Nếu ông anh hùng sao không đượng đầu với bọn lính?  Tội lỗi là đám thượng tế cùng cơ binh chứ đầy tớ, nó làm gì mà chém nó?  Ðứa có khí giới trong tay sao không chém, chém thằng đầy tớ?  Và ngay cả nhát chém cũng vậy, chỉ chém đứt được có cái tai.  Không chém được vào đầu, vào cổ mà chỉ có cái tai thôi sao.
Chi tiết Máccô cho biết lúc nẫy là các ông ngủ đến độ mắt các ông "nặng trĩu".  Phải chăng vì "nặng trĩu" nên đâu còn nhìn thấy gì?  Phải chăng vì "nặng trĩu" cho nên vùng mình dậy thấy nguy cơ thì hốt hoảng chém mà thôi?  Chém trong đôi mắt ngủ "nặng trĩu!"

Chúa bị bắt. tất cả bỏ chạy.
 ***
Bây giờ thì rõ, ai ở lại, ai chạy trốn.
Bây giờ thì rõ ai cứu ai.
Vừa trước đây thề chết với Thầy, giờ bỏ chạy.
Vừa trước đây lên tiếng thách đố, giờ cúi mặt.
Vừa trước đây tự tin, giờ mất tất cả.
Vừa trước đây tưởng mình dũng mạnh, giờ yếu đuối quá đỗi.
Vừa trước đây làm chủ tình hình, giờ nhục nhã.
Vừa trước đây tưởng mình cứu Thầy, giờ Thầy cứu mình.
Vừa trước đây tưởng mình là người lãnh đạo anh em, bây giờ người ta biết rõ sự thật.
 Lạy Chúa, cuộc đời sao quá hoang vu.
Con tưởng mình là thánh nhân mà không phải.
Con tưởng mình có kế hoạch nhưng sao quá vụng về.
Con tưởng ý kiến con thông minh mà sao nông cạn.
Con tưởng người khác kém hơn mình nhưng thật sự họ biết suy nghĩ chín chắn.
Con tưởng không có con là chuyện không thành mà thực sự vì con nên mới hỏng chuyện.

Ôi!  nào đâu con có ngờ.

LM. Nguyễn Tầm Thường - Trích trong “Cô Đơn và Sự Tự Do”

5 phút cho Chúa _ đừng vội trách Giuđa

THỨ TƯ TUẦN THÁNH                                           Mt 26,14-25
19/03/08                                                                           
ĐỪNG VỘI TRÁCH GIUĐA!
Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,25)
Suy niệm: Bằng một câu hỏi, Giuđa đã lừa dối anh em, lừa dối Chúa Giêsu và lừa dối chính bản thân mình. Qua bao năm tháng đồng lao cộng khổ, vậy mà giờ đây Giuđa đã trở mặt phản bội thầy, chối bỏ anh em, làm ngơ trước tiếng nói của lương tâm. Vì sao? Chắc chắn ba mươi đồng bạc không phải là lý do, nhưng đó chỉ là ngưỡng cuối cùng của một tình yêu đã bị lịm tắt. Khi trái tim con người không còn nhạy cảm để đón nhận và sống tình thương của Thiên Chúa, thì chính lúc đó “bóng tối” sẽ hoàn toàn chế ngự tâm hồn để cho tội lỗi mặc sức hoành hành!
Mời Bạn: Bên cạnh một vài mặt nổi về kinh tế, những mặt “nổi cộm” khác cũng thật đáng lo ngại đang bùng phát: nạn nạo phá thai kỷ lục, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, tệ nạn tham nhũng lan tràn, trò đánh thầy, cô giáo đánh trẻ một cách bạo lực (Việt báo 17-1-08). Khi lửa tình yêu dành cho Thiên Chúa không còn, trái tim con người trở nên “chai cứng” để đối xử “lạnh lùng” với tha nhân. Hình ảnh Giuđa không thiếu trong trong xã hội ngày nay và, biết đâu, cả trong bạn, trong mỗi người chúng ta nữa!
Chia sẻ: Để chữa trị căn bệnh dối trá, bất trung và xây dựng nền văn minh tình thương, Mời bạn sử dụng phương thuốc “Ba Thật”: nói thật, sống thật và bảo vệ sự thật.
Sống Lời Chúa: Năng tâm niệm bài hát quen thuộc: “Hãy trở về, trở về với Cha nhân từ. Hãy trở về, trở về để sớm hồi sinh...”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu tử nạn, xin dạy con biết yêu người như Chúa yêu, để con sống trọn tình vẹn nghĩa với Ngài và với anh chị em chung quanh. Amen.

5 phút cho Chúa _ môn đệ Chúa Giêsu

THỨ BA TUẦN THÁNH                                  Ga 13,21-33.36-38
18/03/08                                                                           
MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU
Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. (Ga 13,23)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay tường thuật bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ. Gioan nằm tựa đầu vào lòng Đức Giêsu. Giây phút đó chắc chắn Gioan đã cảm nhận sâu xa tình yêu riêng tư và sâu thẳm của Vị Thiên-Chúa-Làm-Người. Lúc này hơn lúc nào hết, Gioan cảm nhận được mình là “người được Thầy yêu”. Người môn đệ được Chúa yêu đó đại diện cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu cũng yêu từng người bằng một tình yêu riêng tư và sâu thẳm như thế đó. Ai trong chúng ta cũng quí giá và đáng yêu dưới ánh mắt Chúa. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ và rước lễ, chúng ta cũng được tựa đầu vào lòng Đức Giêsu như Gioan thuở xưa, và được nên một với Chúa: “Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa.”
Mời Bạn: Trong cái nhìn của Chúa, bạn cũng như tôi hết sức đặc biệt. Được Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu trao ban chính Thân Mình Ngài cho bạn, Ngài yêu bạn và ở trong bạn. Hãy đáp trả lại tình yêu của Chúa Giêsu bằng sự siêng năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ và chầu Thánh Thể bạn nhé.
Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ tâm tình của bạn khi tham dự Thánh Lễ và rước lễ.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian trong ngày để viếng Thánh Thể và tâm sự với Chúa Giêsu đang ngự trong nhà Tạm và nhất là Ngài đang ở trong tâm hồn bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con xác tín rằng Chúa luôn yêu con, và ban cho con muôn hồng ân. Con cảm tạ Chúa muôn vàn và nguyện yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết tâm hồn. Amen.

5 phút cho Chúa _ sức mạnh của lòng mến


THỨ HAI TUẦN THÁNH                                            Ga 12,1-11
17/03/08                                                                           
SỨC MẠNH CỦA LÒNG MẾN
Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” (Ga 12,8)
Suy niệm: Trước bao nhiêu con mắt dồn về phía mình, cô Maria đã không ngại ngùng hay sợ hãi lấy một cân dầu cam tùng hảo hạng – mà theo Giuđa thì trị giá lên tới ba trăm đồng – để xức chân Chúa rồi lấy tóc mà lau. Một hành động vừa lãng mạn vừa khiêm tốn biểu lộ tình yêu mãnh liệt của cô đối với Thầy Chí Thánh: tình yêu đích thực không ngại hiến dâng tất cả những gì quý báu nhất, cũng không ngại phải bày tỏ bằng cách thức mạnh mẽ nhất. Đây mới chính là điều làm Chúa vui lòng nhất. Câu trả lời của Chúa cho Giuđa vạch rõ bộ mặt thật của người quản lý bất trung này: mượn cớ lo cho người nghèo để che giấu con tim tham lam và tình yêu đã khô cằn của mình. Một cách vô tình, hành động yêu thương của cô Maria đã tiên báo và tôn vinh tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài (Mc 14,3-9; Mt 26,6-13).
Mời Bạn: Chiêm ngắm tình yêu của chị Maria đối với Chúa Giêsu để cũng biết can đảm bày tỏ lòng yêu mến của mình với Chúa. Mời bạn kiểm điểm lại tương quan giữa mình với Chúa: Tôi có thật sự yêu mến Chúa không? Tôi đã làm gì để chứng minh rằng tôi yêu Chúa? Tôi có đặt Chúa vào chỗ nhất trong đời tôi chưa? Và tôi có can đảm, không ngại ngùng để tỏ lộ lòng yêu mến đó?
Sống Lời Chúa: Tự nguyện làm một việc hy sinh, bác ái dù mình không buộc phải làm việc đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương con, Chúa đã không ngại hiến thân chịu chết trên thập giá. Xin cho con biết một lòng đáp trả tình thương ấy qua những can đảm hy sinh của cuộc sống thường ngày.