Hiển thị các bài đăng có nhãn taon. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn taon. Hiển thị tất cả bài đăng

Thư giãn _ du lịch đầu xuân

MỘT PHÚT DU LỊCH ĐẦU XUÂN
Hãy thưởng ngoạn những cảnh kỳ thú trong thiên nhiên...
và dành một phút tạ ơn Chúa, Đấng đã tạo dựng tất cả
CHO TA.

Daily reflection _ extend the invitation


EXTEND THE INVITATION
You and I are represented in the Gospel as the beggars, the crippled, the lame and the blind. That is to say, by those who are not in a position to return God's favor. We have nothing to offer God except our thanks.  
Deacon John Ruscheinsky

Tu đức _ tạ ơn Chúa


TẠ ƠN CHÚA
1. Trong năm, nhất là cuối năm, các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay hay nhắc cho các tín hữu bổn phận phải cảm tạ Chúa về các ơn hồn xác Chúa đã thương ban.
Chính các môn đệ Chúa trong chức vụ mục tử càng ý thức về tầm quan trọng của việc cảm tạ Chúa. Bởi vì các ngài rất biết Chúa đã ban cho mình và cho cộng đoàn của mình biết bao ơn lành cao quý.
Cùng với mọi tín hữu, đặc biệt là trong tinh thần hiệp thông với các mục tử, tôi đến với Chúa Giêsu để cảm tạ Người.
Với đức tin, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu trước mặt tôi. Chúa Giêsu trước mặt tôi cũng chính là Chúa Giêsu mà thánh sử Luca mô tả trong đoạn 10 của Phúc Âm Ngài. Theo đoạn đó thuật lại, Chúa Giêsu lắng nghe các môn đệ kể ra những thành tích các ngài đã đạt được do những việc các ngài làm nhân danh Chúa. Nghe xong, Chúa Giêsu không khen các ngài. Nhưng nhân dịp ấy, Chúa khuyên dạy các ngài mấy điều quan trọng phải quan tâm thực hiện, để cảm tạ Chúa.
Chúa cũng nhắc lại cho tôi những điều quan trọng đó, khi tôi kể ra những ơn Chúa đã ban. Tôi xin phép được chia sẻ vắn tắt.
2.
Điều quan trọng thứ nhất Chúa Giêsu nhắc bảo tôi là hãy làm các việc đạo đức dưới cái nhìn của Cha trên trời.
Khi thấy các môn đệ vui sướng vì nhiều thành tích, Chúa Giêsu liền nói với họ: “Các con chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục các con, nhưng hãy mừng vì tên các con được ghi trên trời” (Lc 10,20).
Với lời Chúa phán trên đây, tôi hiểu điều tôi nên mừng là phần thưởng trên trời. Việc tên tôi được ghi trên trời là do Chúa. Chính Chúa nhìn thấy việc tôi làm. Chính Chúa đánh giá việc tôi làm. Chính Chúa thưởng công cho tôi.
Chỉ có Chúa mới có quyền ghi tên tôi trên trời. Nên, khi tôi làm bất cứ việc gì, nhất là các việc đạo đức, tôi phải có ý hướng trong sáng. Nghĩa là ý hướng của tôi phải hướng về Chúa một cách trọn vẹn. Phải làm vì Chúa mà thôi. Chứ, nếu làm để tìm tiếng khen đời này, thì Chúa sẽ không thưởng công. Trái lại, Chúa sẽ nói với tôi, như xưa Chúa đã nói với dân chúng khi họ bố thí cầu nguyện và ăn chay mà có ý phô trương: “Anh em đã được thưởng công rồi” (x. Mt 6,1-18).
Tôi cảm tạ Chúa đã dạy tôi điều quan trọng trên đây. Tôi đem Lời Chúa soi vào các việc đạo đức tôi làm, thì thấy ý hướng của tôi nhiều khi bị vẩn đục, do chủ ý thì ít mà do vô tình thì nhiều. Tôi khiêm tốn thành khẩn xin Chúa tha thứ cho tôi.
3.
Điều quan trọng thứ hai Chúa Giêsu nhắc bảo tôi là hãy làm các việc đạo đức với ý thức mình là kẻ bé mọn.
Phúc Âm thánh Luca viết: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21).
Với lời cầu nguyện trên đây, Chúa Giêsu cho các môn đệ Người thấy rõ sự thực này: Nếu các ngài làm được các việc đạo đức đúng theo thánh ý Chúa, thì chính vì ơn Chúa thương. Mà Chúa thương các ngài, không phải vì các ngài thông thái khôn ngoan, nhưng chỉ vì các ngài bé mọn.
Sự thực trên đây mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ xưa, được Người nhấn mạnh với tôi một cách tha thiết và dứt khoát. Bởi vì tôi được đào tạo, xem ra để nên người khôn ngoan thông thái. Đào tạo đó nhiều khi không chủ ý chuẩn bị cho việc sống bé mọn. Hơn nữa, môi trường văn hoá xã hội luôn đề cao người thông thái khôn ngoan. Thêm vào đó, là giáo sĩ, tôi thuộc về một bậc cơ chế được coi là quyền cao chức trọng, phải có trình độ cao. Với thực tế trên đây, tôi sẽ sống bé mọn thế nào theo ý Chúa? Và, cho dù biết sống bé mọn theo lý thuyết, nhưng sẽ phải làm thế nào, để đưa lý thuyết đó ra thực hành trong cuộc sống?
Tôi nhớ lời Chúa phán: “Không có Cha, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Với tất cả sự nghèo khó nội tâm, tôi xin Chúa xót thương tôi, để biết thực thi ý Chúa. Chính từ việc cầu nguyện như thế, tôi bắt đầu sống bé mọn. Nhưng đó mới là một bước khởi đầu.
4.
Điều quan trọng thứ ba Chúa Giêsu nhắc bảo tôi là: Chúa sẽ mạc khải cho tôi nhiều điều huyền nhiệm về Chúa, khi tôi phục vụ những người bé mọn.
Lời Chúa phán: “Chúa mạc khải cho những người bé mọn” có ý khuyên tôi phải bé mọn. Ngoài ra lời đó cũng còn dạy tôi là hãy phục vụ những người bé mọn, thì sẽ được Chúa mạc khải cho  nhiều điều về Chúa.
Tôi nhớ tới nhiều người môn đệ Chúa phục vụ các người nghèo khổ bé mọn. Họ không coi mình là dụng cụ chuyển ơn thánh cho những người khổ đau. Trái lại, họ nhận thức là chính họ nhận được nhiều ơn Chúa qua những người nghèo khổ bé mọn. Chính vì thế, họ phục vụ như người đầy tớ. Họ ca ngợi những việc lạ lùng Chúa làm nơi những người bé mọn, nghèo khó. Họ học nơi người bé mọn nghèo khó nhiều giá trị cao quý.
Riêng đối với tôi, giá trị mà tôi cho là cao quý nhất tôi học được nơi họ, chính là nhiều người trong họ sống như một của lễ. Hơn nữa, họ thường có đức tin đơn sơ và rất mạnh, hay chạy lại với Chúa, đem gánh nặng đời mình đặt vào tay Chúa. Họ vui mừng nhận ra Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường. Đúng như lời Chúa phán: “Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho. Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,28-29).
Với cái nhìn trên đây, tôi cảm tạ Chúa đã sai tôi đi phục vụ những người bé mọn nghèo khổ.
5.
Ba điều quan trọng trên đây thường được Chúa nhắc nhở tôi, trong những lễ tạ ơn và trong mọi cuộc hồi tâm có mục đích tạ ơn Chúa.
Nghe những nhắn nhủ của Chúa, tôi thường thầm thĩ van xin: “Lạy Chúa, xin thương ban thêm đức tin cho con”. Bởi vì tôi thấy rõ ràng: Tôi chỉ có thể thực hành những điều Chúa dạy như trên nhờ tin vào Chúa mà thôi.
Tôi thường kết thúc việc tạ ơn bằng lời cầu xin dâng lên Chúa Cha. Lời đó cũng chính là lời cầu xin của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha mọi đàng” (Lc 22,43).
Lời cầu của Chúa Giêsu trên đây đem lại cho tôi sự bình an. Tôi ra đi, dấn thân vào một tình hình hỗn độn. Hiện nay, rất nhiều ý riêng tự phong là ý Chúa. Nhiều lễ tạ ơn bị Chúa chê bỏ (x. Dt 10,8).
Tôi chỉ tạ ơn Chúa thực sự, khi tôi tập trung vào Chúa, và với tất cả sự tự do mà nói với Chúa: “Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10). Và như thế, suốt đời tôi là thánh lễ tạ ơn.
ĐGM GB Bùi Tuần

Sống đức tin _ cảm tạ Chúa

CẢM TẠ CHÚA
Trên đường về trời, người môn đệ Chúa luôn hướng về Chúa. Có một sức thiêng thường xuyên thu hút lòng họ đến với Chúa. Họ không biết lúc nào sẽ bước vào cõi sau. Nhưng bất cứ lúc nào còn trên cõi đời này, họ vẫn cảm tạ Chúa nhân lành.

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - THÁNH LỄ

1. Thánh lễ bắt nguồn từ đâu?
Trong Giáo Hội Công Giáo, với phong trào canh tân phụng vụ khởi phát ít lâu trước Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), được thảo luận rộng rãi trong Công Đồng, và dần dần được áp dụng với những thay đổi mà ta đã thấy khá quen thuộc như hiện nay, người ta càng ngày càng ý thức sâu sắc hơn về ý nghĩa đích thật của thánh lễ như là hành vi cảm tạ, ngợi khen và hân hoan. Thật vậy, thánh lễ là hiến tế tạ ơn. Cách gọi này đã xuất hiện từ lâu và gợi lên lịch sử của thánh lễ. Thánh lễ bắt nguồn từ một nghi thức của Do-thái, nghi thức vọng lễ Vượt Qua, trong đó mỗi gia đình người Do-thái dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã thương giải phóng dân tộc của họ thoát khỏi ách nô lệ của Ai-cập, cảm tạ Người vì những cuộc giải cứu khác về mặt thiêng liêng mà cuộc giải phóng đầu tiên này là dấu chỉ. Nghi thức Vượt Qua cũng loan báo Đấng Cứu Tinh sẽ đến, là Đấng Thiên sai sẽ chiến thắng sự chết và tội lỗi, và sẽ đưa Lịch Sử thánh đến sự hoàn tất.
Diễn tiến của nghi thức này cũng chính là diễn tiến mà chúng ta gặp trong thánh lễ hôm nay : nhắc lại những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Người, tiếng hát và lời tạ ơn, chúc tụng và chia sẻ bánh, rượu.
Bạn đừng ngạc nhiên về những điểm giống nhau của thánh lễ với nghi thức Vượt Qua của người Do-thái : bởi trong chính một buổi cử hành lễ Vượt Qua, Chúa Kitô đã lập bí tích Thánh Thể. Thay vì chỉ chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho bánh, rượu và mọi điều hạnh phúc, Chúa Giêsu "cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói : "Này là Mình Thầy, chịu phó nộp vì các con : các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy". Cũng vậy sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói : "Chén này là Giao Ước mới trong máu Thầy ; mỗi lần các con uống, các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy" (1 Cor 11, 23-25).
Như vậy, chúng ta thấy rõ bữa Tiệc Ly bắt nguồn từ một nghi thức tạ ơn của người Do-thái được cử hành để tưởng nhớ cuộc giải phóng của dân riêng Thiên Chúa. Nhưng dù vẫn giữ lại ý nghĩa của nghi thức này, Chúa Kitô lại làm phong phú thêm bằng một ý nghĩa mới mang tầm vóc hoàn vũ. Chính Người, là Đấng Cứu Tinh mà mọi người mong đợi, đang thực hiện cuộc giải phóng dân mới của Chúa, tức là Giáo Hội, được cứu độ bởi Thánh Giá và sự phục sinh của Người. Từ bữa Tiệc Ly đó, các Kitô hữu dâng lên Chúa Cha, mỗi ngày và mọi nơi, của lễ hy sinh và tạ ơn của chính Chúa Kitô.