Hiển thị các bài đăng có nhãn tự lập. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tự lập. Hiển thị tất cả bài đăng

GIÁO DỤC

TỰ LẬP CHO CON,
BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU ?

Trong gia đình, nhiều phụ huynh vẫn đau đầu với việc con mình không tự giác trong nhiều việc. Chị P. Thanh, đồng nghiệp của tôi, có lần ngồi than thở: “Ai đời thằng con tôi học lớp 12 mà chưa biết đi xe đạp. Hôm đầu hè, tìm cho nó chiếc xe đạp để tập, thấy nó chạy được vài vòng khu tập thể, mình yên tâm để nó tự tập, về nhà lo cơm nước. Đến giờ cơm chưa thấy con về, đâm lo không biết có chuyện gì, tôi chạy ra khu tập thể kiếm.
Lùng sục một hồi, tôi phát hiện ra chiếc xe đạp bị nhét trong hốc tường. Hỏi mấy đứa nhỏ quanh quẩn ở đó “ Mấy con có thấy anh Bi đâu không?”, đám nhỏ nói: “Ảnh trong tiệm net hồi sáng giờ mà cô!” . Biết có đánh, có la con cũng chẳng xong, tôi chuyển qua giọng tình cảm, tác động đến sĩ diện của nó. Tôi nói: “Các bạn của con đi học đều tự đi xe đạp hết. Con để mẹ chở hoài con không mắc cở hà?”. Bi đáp liền: “Có gì đâu mắc cở, tụi nó ghẹo con nói: vậy mấy bạn có ai còn được mẹ chở đi không?”. Bây giờ tôi “bó tay” với nó luôn rồi”.
Hôm rồi, tôi có việc ghé nhà chị Thanh, mới đến ngoài cổng đã nghe tiếng chị: “đã bao nhiêu lần mẹ nói con phải tự dọn phòng của con đi chứ. Quần áo, đồ đạc bừa bãi dơ bẩn thế này! Mẹ phải dọn dẹp cho đến bao giờ hả Bi?”. Thấy tôi, chị phân trần: “ Không biết thằng con tôi giống ai nữa, cái gì cũng ỷ lại người khác”.
Tôi chợt nhớ, trước đây khi còn ở cạnh nhà chị, trong mắt tôi, chị Thanh là người phụ nữ rất chu đáo với con cái. Lúc Bi gần 3 tuổi, đi nhà trẻ về, nó đòi tự xúc cơm ăn, chị phản đối: “ Tự gì mà tự, miệng không đút, cứ đút vô mắt vô mũi, để mẹ đút cho!”. Buổi sáng trước khi đi học, tôi hay nghe mẹ con cãi nhau, mẹ bảo mặc cái này, con không chịu đòi cái khác, mẹ quát: “ Con biết gì mà lựa với chọn, mẹ lấy cái nào thì mặc cái đó đi”.
Đến hôm nay gặp tôi, chị lại có nỗi niềm khác nữa: “Năm nay Bi thi đại học, chị đang tính toán xem cho nó thi trường nào đây”. Tôi vừa cất lời: “nó lớn rồi chị nên hỏi ý kiến…” thì chị nói luôn: “Lớn xác thôi chứ đã biết gì, chuyện này quan trọng cả đời mà”.
Có lẽ, chị Thanh không phải là phụ huynh cá biệt, vì có lần tôi hỏi một số sinh viên năm nhất của một trường đại học: “Vì sao các em chọn trường này?”, một em đã trả lời: “Ba má em chọn chứ em đâu có chọn!”.
Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp cho con mình, nhưng nhiều cha mẹ lại cho rằng tự tay mình làm thay con là tốt nhất. Khi con còn bé, cha mẹ giành phần làm thay con, đến khi con lớn, lại quay sang hỏi tại sao con không biết tự giác, tự lập? Như vậy, chẳng khác nào đánh đố con mình!.
Đối với một số người trưởng thành, khi tham gia bất cứ hoạt động nào trong xã hội, dù là học tập, làm việc hay vui chơi đều được yêu cầu cao về tính độc lập, tự giác. Nhiều lý luận về sự phát triển tâm lý, ý thức, nhân cách đều cho rằng trẻ em bắt đầu phát triển sự tự ý thức từ tuổi lên 3. Khi đó, trẻ bắt đầu tự mình dấn thân vào các quan hệ xã hội, phát triển ý thức về bản thân và về người khác, khẳng định cái tôi của mình.
Vì vậy, nếu các bậc cha mẹ muốn con mình lớn lên có đủ tính tự lập cần thiết thì nên định hướng, giúp đỡ, hướng dẫn cho con từ bé. Đừng để như chị Thanh…../. 
Tác giả bài viết: Thạc sĩ tâm lý Linh Trang

GIÁO DỤC _ giúp trẻ độc lập

GIÚP TRẺ ĐỘC LẬP

Tại sao trẻ luôn muốn cha mẹ làm điều gì đó cho chúng? Làm sao giúp chúng có tính độc lập, không ỷ lại?
Bé Minh, 4 tuổi, là một đứa bé thành thạo và năng động. Vấn đề là nó không chịu tự làm. Chị Kim, mẹ bé Minh, nói: “Nó không chịu mặc áo, dọn dẹp đồ chơi, thậm chí còn tè ra quần!”.
Khi trẻ tự làm có thể trẻ sợ làm sai, hoặc muốn được chú ý nhiều. Cũng có thể trẻ chỉ quen người khác làm giúp nên lười biếng và ỷ lại vào người khác. TS Becky Bailey, tác giả cuốn Easy to Love. Difficult to Discipline, nói: “Bất kỳ lý do gì thì trẻ cũng sẽ khá hơn nếu trẻ được giúp sống độc lập hơn. Hãy thử áp dụng 3 quy luật này:
Khuyến khích. Chẳng hạn cha mẹ có thể nói: “Con mang một chiếc trước, rồi mang chiếc kia sau”. Sau đó hãy khuyến khích: “Giỏi quá, con tự mang giày được rồi đó!”.
Gợi lòng tự ái. Lúc yên tĩnh, hãy bảo trẻ nói ba điều mà nó có thể tự làm. Sau đó bảo trẻ thực hiện điều trẻ vừa nói. Nếu trẻ ngần ngại, hãy khuyến khích trẻ tiếp tục thực hiện.
Vui chơi. Trẻ muốn cha mẹ chú ý, đó là yêu cầu của nó được bảo đảm. Nhưng nếu trẻ muốn cha mẹ chơi với nó, hãy dành chút thời gian chơi với nó rồi nhẹ nhàng phân tích để trẻ dần hiểu giá trị của tính độc lập.
Nhiều cha mẹ nói con cái họ không biết làm cái này, cái nọ. Họ nuông chiều con cái mà cứ tưởng là thương chúng, và rồi lại than phiền và so sánh con mình với con người khác. Hãy nhớ rằng không ai sinh ra đã biết làm thành thạo, cần phải có thời gian và nỗ lực bản thân để tự hoàn thiện. Không biết làm và lười biếng hoặc ỷ lại là những điều khác nhau. Không biết mà không chịu làm thì không bao giờ biết, và tất nhiên không thể thành thạo.
Văn ôn, võ luyện. Ngay cả những kỹ năng mà chúng ta gọi là năng khiếu hoặc thiên phú, nếu không tích cực trau dồi thì cũng sẽ mai một. Không biết mà chịu khó trau dồi thì cũng sẽ khá hơn. Thiên tài thần đồng âm nhạc Wolfgang Mozart (27/1/1756 – 4/12/1791) là nghệ sĩ dương cầm lúc 6 tuổi và là nhà soạn nhạc tài danh lúc 18 tuổi, nhưng ông chỉ khá hơn sau khi được học thêm về âm nhạc. Học và hành rất quan trọng, nhất là với trẻ.
Hãy dạy trẻ biết sống độc lập để lợi ích cho chính bản thân chúng và không là gánh năng của người khác. Cái gì cũng có thể trở thành thói quen, vấn đề đó là thói quen tốt hay xấu.
Với người Công giáo, dạy trẻ độc lập về tín ngưỡng cũng là điều quan trọng: Dạy trẻ biết cầu nguyện và cảm tạ Chúa, cầu nguyện không chỉ cho riêng mình, cho gia đình, cho dân tộc,… mà còn cầu nguyện cho những người khác dù có vẻ “không liên quan” tới mình – chẳng hạn các nạn nhân sóng thần, động đất, lũ lụt, tai nạn, cầu nguyện cho các linh hồn và cho người mới qua đời mà mình biết, dù chỉ khi đi đường nhìn thấy. 
 
Đó là tình hiệp thông của 3 giáo hội (vinh quang, chiến đấu, và đau khổ). Hãy khuyến khích trẻ biết cảm nhận về Lòng Thương Xót Chúa qua cuộc sống đời thường, và còn nhiều điều khác cần thiết cho đời sống đức tin của một con người…
Trầm Thiên Thu 4/14/2011