GIÁO DỤC

TỰ LẬP CHO CON,
BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU ?

Trong gia đình, nhiều phụ huynh vẫn đau đầu với việc con mình không tự giác trong nhiều việc. Chị P. Thanh, đồng nghiệp của tôi, có lần ngồi than thở: “Ai đời thằng con tôi học lớp 12 mà chưa biết đi xe đạp. Hôm đầu hè, tìm cho nó chiếc xe đạp để tập, thấy nó chạy được vài vòng khu tập thể, mình yên tâm để nó tự tập, về nhà lo cơm nước. Đến giờ cơm chưa thấy con về, đâm lo không biết có chuyện gì, tôi chạy ra khu tập thể kiếm.
Lùng sục một hồi, tôi phát hiện ra chiếc xe đạp bị nhét trong hốc tường. Hỏi mấy đứa nhỏ quanh quẩn ở đó “ Mấy con có thấy anh Bi đâu không?”, đám nhỏ nói: “Ảnh trong tiệm net hồi sáng giờ mà cô!” . Biết có đánh, có la con cũng chẳng xong, tôi chuyển qua giọng tình cảm, tác động đến sĩ diện của nó. Tôi nói: “Các bạn của con đi học đều tự đi xe đạp hết. Con để mẹ chở hoài con không mắc cở hà?”. Bi đáp liền: “Có gì đâu mắc cở, tụi nó ghẹo con nói: vậy mấy bạn có ai còn được mẹ chở đi không?”. Bây giờ tôi “bó tay” với nó luôn rồi”.
Hôm rồi, tôi có việc ghé nhà chị Thanh, mới đến ngoài cổng đã nghe tiếng chị: “đã bao nhiêu lần mẹ nói con phải tự dọn phòng của con đi chứ. Quần áo, đồ đạc bừa bãi dơ bẩn thế này! Mẹ phải dọn dẹp cho đến bao giờ hả Bi?”. Thấy tôi, chị phân trần: “ Không biết thằng con tôi giống ai nữa, cái gì cũng ỷ lại người khác”.
Tôi chợt nhớ, trước đây khi còn ở cạnh nhà chị, trong mắt tôi, chị Thanh là người phụ nữ rất chu đáo với con cái. Lúc Bi gần 3 tuổi, đi nhà trẻ về, nó đòi tự xúc cơm ăn, chị phản đối: “ Tự gì mà tự, miệng không đút, cứ đút vô mắt vô mũi, để mẹ đút cho!”. Buổi sáng trước khi đi học, tôi hay nghe mẹ con cãi nhau, mẹ bảo mặc cái này, con không chịu đòi cái khác, mẹ quát: “ Con biết gì mà lựa với chọn, mẹ lấy cái nào thì mặc cái đó đi”.
Đến hôm nay gặp tôi, chị lại có nỗi niềm khác nữa: “Năm nay Bi thi đại học, chị đang tính toán xem cho nó thi trường nào đây”. Tôi vừa cất lời: “nó lớn rồi chị nên hỏi ý kiến…” thì chị nói luôn: “Lớn xác thôi chứ đã biết gì, chuyện này quan trọng cả đời mà”.
Có lẽ, chị Thanh không phải là phụ huynh cá biệt, vì có lần tôi hỏi một số sinh viên năm nhất của một trường đại học: “Vì sao các em chọn trường này?”, một em đã trả lời: “Ba má em chọn chứ em đâu có chọn!”.
Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp cho con mình, nhưng nhiều cha mẹ lại cho rằng tự tay mình làm thay con là tốt nhất. Khi con còn bé, cha mẹ giành phần làm thay con, đến khi con lớn, lại quay sang hỏi tại sao con không biết tự giác, tự lập? Như vậy, chẳng khác nào đánh đố con mình!.
Đối với một số người trưởng thành, khi tham gia bất cứ hoạt động nào trong xã hội, dù là học tập, làm việc hay vui chơi đều được yêu cầu cao về tính độc lập, tự giác. Nhiều lý luận về sự phát triển tâm lý, ý thức, nhân cách đều cho rằng trẻ em bắt đầu phát triển sự tự ý thức từ tuổi lên 3. Khi đó, trẻ bắt đầu tự mình dấn thân vào các quan hệ xã hội, phát triển ý thức về bản thân và về người khác, khẳng định cái tôi của mình.
Vì vậy, nếu các bậc cha mẹ muốn con mình lớn lên có đủ tính tự lập cần thiết thì nên định hướng, giúp đỡ, hướng dẫn cho con từ bé. Đừng để như chị Thanh…../. 
Tác giả bài viết: Thạc sĩ tâm lý Linh Trang