Hiển thị các bài đăng có nhãn Mt 22:15-21. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mt 22:15-21. Hiển thị tất cả bài đăng

Lời Chúa cntn 29a _ trả về


TRẢ VỀ
Một thương gia tuổi đã trung niên, vừa đáp máy bay xuống phi trường sau một chuyến đi làm ăn xa trở về. Bà vợ ra phi trường đón chồng ngay tại cửa máy bay. Vừa bước ra khỏi cửa, người chồng gặp cô chiêu đãi viên hàng không trẻ đẹp và hấp dẫn đi ngang qua. Với vẻ mặt rạng rỡ, ông thương gia nói với cô chiêu đãi viên hàng không rằng: “Tôi hy vọng chúng mình sẽ bay chung với nhau nữa, cô Saunders”. “Làm sao anh biết tên cô ấy?” Bà vợ liền hỏi chồng. Ông chồng trả lời ngon lành, “Em nhìn thấy không, tên của cô ấy được ghi trên bảng ngay phía trước máy bay, dưới tên của người phi công chính và phi công phụ”. Căn cứ vào lời chồng nói, bà vợ hỏi tiếp, “Thế hả, vậy anh nói cho em biết tên của người phi công chính và phi công phụ đi?” Ông thương gia đỏ mặt lúng túng. Sự gian dối, giả hình đã bị lộ tẩy.
Phúc âm hôm nay, cho chúng ta thêm một ví dụ nữa về lòng dạ gian dối của những người Pharisêu khi họ cố tình gài bẫy Chúa Giêsu. Ngài thường lên án sự giả hình và gian dối của họ bằng những lời lẽ thật nặng nề: “Tại sao các người lại thử Ta, hỡi những kẻ giả hình!” “Khốn cho các ngươi, hỡi những người Pharisêu!”
Trong chương trình “Late Show” kể chuyện hài hước trên tivi, Jay Leno nói về bài diễn văn nhận chức tổng thống của tổng thống George Washington kéo dài chỉ có một phút rưỡi mà thôi. Leno đã nói: “Tôi đoán rằng sẽ chẳng có chuyện gì nhiều để nói nếu bạn là một nhà chính trị mà lại không nói dối!”
Những người Pharisêu là những chức sắc trong tôn giáo, mặt trong họ chống lại chính quyền Lamã đang cai trị dân Do Thái, mặt ngoài họ thoả hiệp với chính quyền để củng cố và duy trì địa vị. Họ đã bàn tính với những người thuộc phái Hêrôđê, đang điều hành guồng máy chính quyền Lamã thu thuế ở Palestine, hỏi Chúa Giêsu rằng: “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không?”. Nếu trả lời không, Chúa sẽ bị chính quyền Lamã bắt vì tội phản loạn. Nếu trả lời có, Chúa sẽ bị những người Do Thái ái quốc và quần chúng đang theo Ngài bỏ rơi. Trả lời cách nào Chúa cũng bị thiệt thòi, theo như họ đã nghĩ. Một cách khôn ngoan, Chúa không trả lời “không” hay “có”, nhưng chỉ vào đồng tiền có hình Cêsarê mà nói: “Trả về Cêsarê cái gì của Cêsarê, và trả về Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa”.
Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta không nên giải thích rằng Thiên Chúa và Cêsarê nằm trên hai đường thẳng song song, không nên nghĩ rằng Thiên Chúa và xã hội trần gian sẽ không bao giờ gặp gỡ nhau. Thiên Chúa luôn nắm giữ quyền tối thượng trên mọi sinh hoạt của con người.
Một câu chuyện huyền thoại cổ kể về một ông vua đầy quyền lực và tàn bạo có thể điều khiển thuộc hạ phải làm theo ý mình tất cả mọi việc. Nhưng trừ một điều nhà vua không thể làm được là phá huỷ niềm tin của họ vào Thiên Chúa. Do đó, vua cho gọi ba nhà cố vấn thông thái nhất nước đến và hỏi: “Tôi có thể dấu Thiên Chúa ở đâu để dân chúng sẽ không thể tìm thấy Ngài?” Nhà thông thái thứ nhất trả lời: “Hãy dấu Thiên Chúa vào các hành tinh thật xa trong không gian, dân chúng sẽ không tìm ra Ngài”. Nhà thông thái thứ hai không đồng ý: “Như thế không được! Một ngày nào đó dân này sẽ nghiên cứu cách bay vào không gian, tới những hành tinh đó, và họ sẽ tìm thấy Thiên Chúa của họ. Tốt hơn hết là dấu Ngài xuống đáy đại dương”. Người thứ ba phản đối: “Như thế cũng không được! Một ngày nào dân này sẽ biết cách lặn xuống đáy biển, và họ sẽ tìm thấy Thiên Chúa. Tốt hơn hết, hãy dấu Ngài trong đời sống hằng ngày của mỗi người; không ai có thể tìm thấy Ngài cả!”
Thiên Chúa hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, và con người, một loài thụ tạo, có bổn phận phải nhận biết và yêu mến Thiên Chúa như sách Giáo lý Công giáo đã dạy ở số 1. bắt đầu sách giáo lý rằng: “Trong một dự tính hoàn toàn do lòng nhân hậu, Thiên Chúa vô cùng toàn hảo và hạnh phúc nơi bản thân mình, đã tự ý sáng tạo nên con người để cho con người được thông phần vào sự sống diễm phúc của Ngài. Bởi vậy, ở mọi nơi và mọi thời, Ngài muốn ở gần con người. Ngài kêu gọi con người, giúp con người tìm kiếm Ngài, nhận biết và yêu mến Ngài hết sức mình”.

Lời Chúa cntn 29a _ con người, hình ảnh Thiên Chúa

CON NGƯỜI -
HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
Trong Phật giáo có một câu chuyện nổi tiếng:
Có một người đàn ông cao ngạo chẳng biết sợ ai, luôn coi thường đạo lý. Nghe Đức Phật dạy rằng đừng bao giờ lấy ác báo ác và một ngày kia, hắn đến gặp Đức Phật và dự tính xem Phật có sống được điều Ngài giảng không. Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời thóa mạ Ngài và gọi Ngài là tên đần độn. Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ thì Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Chờ hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Ngài mới lên tiếng: "Này con, nếu một người không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho thì món qùa ấy sẽ đi về đâu"? Gã cay cú đáp: "Thằng điên nào mà chẳng biết, dĩ nhiên là món ấy sẽ trở về lại với người đem cho". Đức Phật liền nói: "Hỡi con, con vừa tặng ta rất nhiều lời thóa mạ nhưng ta chẳng nhận đâu nhé". Gã kia câm miệng không thốt ra lời nào nữa. Đoạn Đức Phật nói tiếp: "Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc nhổ ra không làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn gương mặt của chính hắn. Cũng thế kẻ nào thóa mạ một người nhân đức thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ chỉ bay vào mắt hắn mà thôi." (Trích tuyển tập chuyện hay, Giấc mộng vàng trang 167)
Câu chuyện trên là một minh họa cho cuộc tranh luận nổi tiếng giữa các Pharisiêu, Luật sĩ và Chúa Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay.
Nhóm Biệt phái bàn mưu để làm cho Đức Giêsu lỡ lời mắc bẩy. Họ hợp tác với phe Hêrôđê để chất vấn Người về vấn đề nộp thuế. Nhóm Biệt phái ghét cay ghét đắng người Rôma đang đô hộ Israel, còn phe Herôđê thì lại nịnh bợ các quan bảo hộ để được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Dù không ưa nhau nhưng họ lại liên kết với nhau để chống lại Đức Giêsu. Một mình đối nghịch với Đức Giêsu trong lãnh vực tôn giáo, nhóm Biệt phái không làm được gì đến Người, họ muốn nhờ bàn tay chính quyền là phe Hêrôđê để gài bẫy Người trong vấn đề chính trị: "Chúng tôi có được nộp thuế cho Xêda hay không?" 
Câu hỏi đặt Đức Giêsu trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bẫy gài sắc như con dao hai lưỡi. Trả lời có cũng mắc bẫy, không có cũng mắc bẫy. Nếu Đức Giêsu bảo không thì nhóm Hêrôđê tố cáo là không trung thành với Hoàng đế. Còn nếu Người bảo có thì Người sẽ bị nhóm Pharisiêu tố cáo là không trung thành với dân tộc. Hai đàng, đàng nào cũng trọng tội. Trước gọng kềm đang siết chặt, Đức Giêsu rất bình tĩnh, rất tự chủ, không ngạo mạn khiêu khích nhưng cũng không khúm núm sợ sệt. Người bảo họ đưa cho xem đồng tiền và hỏi: hình va danh hiệu này là của ai?. Khi được trả lời là "của Xêda" Đức Giêsu liền tuyên bố "thế thì của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Câu trả lời của Người làm cho 2 phe nhóm bẽ bàng hụt hẫng. Đức Giêsu phân biệt đâu ra đó: của Hoàng đế hãy trả cho Hoàng đế, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Đức Giêsu không dùng miệng lưỡi mình để kết án họ, nhưng bắt chính họ phải tự tuyên án cho mình như có lời chép rằng: Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án (Mt 12, 37).
Sứ mạng của Đức Giêsu khi đến trần gian là sứ mạng tôn giáo, là đưa nhân loại về với Thiên Chúa chứ không phải là chính trị. Chính Người đã từ chối làm vua, làm Messia đánh đông dẹp bắc theo mong đợi của người Do Thái. Câu trả lời của Đức Giêsu làm nổi bật chân lý ấy. Với sứ mạng tôn giáo, Đức Giêsu nhắc cho họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa. Những kẻ chất vấn muốn nhìn Đức Giêsu dưới gốc độ chính trị thì Người làm cho những kẻ có lập trường chính trị phải thấy Người là con người tôn giáo.
Một cuộc đối thoại giữa thần quyền và thế quyền, giữa Thiên Chúa và Xêda. Cũng như sau này trong cuộc đối thoại với Philatô, Đức Giêsu trịnh trọng tuyên bố: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi sẽ chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. Qua lời tuyên bố này Đức Giêsu có vẻ như khẳng định vương quyền của mình, một vương quyền mà Philatô chưa có thể hiểu thấu.
Mối tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, giữa đạo và đời đã xảy ra từ thời Chúa Giêsu cũng như từ muôn thưở. Đức Giêsu không muốn được coi như vị cứu tinh chính trị theo ý của người Do thái. Người không đến để nắm lấy chính quyền, thống trị như một vị hoàng đế Xêda hay như vua Hêrôđê. Trong thực tế Người phân biệt rõ thần quyền và thế quyền, tuy công nhận quyền hành chính trị như một điều tất nhiên nhưng Người tự đặt mình vào mức độ khác. Nước Trời mà Người đang rao giảng, đang thể hiện hoàn toàn khác biệt và không cạnh tranh với đế quốc của Xêda, vì Nước Trời là vương quốc trường tồn của Thiên Chúa dành cho tất cả, nơi đó không có áp chế, không có thống trị, chỉ có niềm vui, bình an và hạnh phúc miên trường.
Những gì của Xêda hãy trả cho Xêda. Xêda là hiện thân cho một đế quốc hùng mạnh và giàu có của một thời lịch sử đã qua. Xêda cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc, tham vọng quyền bính và danh lợi dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với mọi người.
Những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Đức Giêsu đã khéo léo nhắc đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Ngài? Phải trả cho Thiên Chúa những gì mang hình ảnh Ngài, những gì được khắc ghi tên Ngài trên đó. Hình ảnh nổi bật nhất là con người (St 1, 26). Toàn bộ con người mang dấu ấn Thiên Chúa và cả vũ trụ cũng tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa. Trả con người lại cho Thiên Chúa là dâng nó cho Ngài, là nhìn nhận chủ quyền của Ngài. Trả vũ trụ trong lành cho Thiên Chúa cũng là trả lại cho con người món quà lớn lao mà Ngài đã trao tặng.
Mỗi người Kitô hữu luôn hãnh diện vì mang trong bản thân mình hình ảnh cao quý của Thiên Chúa và luôn sống phong cách của Ngài: quảng đại chia sẻ, yêu thương trao hiến, bao dung tha thứ, khiêm tốn phục vụ. Được như thế, mỗi người chúng ta sẽ luôn làm cho hình ảnh Thiên Chúa ngày càng rõ nét trong cuộc đời mình.
Lm. Nguyễn Hữu An 

Lời Chúa cntn 29a _ nên nộp thuế chăng?


NÊN NỘP THUẾ CHĂNG?

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ – R. Veritas)
Đi hỏi xem Đức Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn? Stalin đã có lần thốt lên như thế khi nhắc đến người có vai trò trung gian của Tòa thánh trong chiến trường quốc tế. Không đầy một thế kỷ sau, một vị Giáo hoàng đến từ Đông Âu đã làm lung lay tận gốc rễ chế độ của Liên xô. 
Quả thật, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tỏ ra là một con người đáng sợ đối với rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị và người cuối cùng hẳn phải là chủ tịch Phidel Castro, người đã đặt tất cả nhân loại dưới bờ vực của chiến tranh nguyên tử từ đầu thập niên 60. Dưới mắt giới truyền thông, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chỉ là một con người bảo thủ, bênh vực giá trị truyền thống. Thế nhưng, nếu ta cần chứng kiến khi những giá trị truyền thống ấy bảo đảm cho phẩm giá con người thì không ai tỏ ra thẳng thắn, can đảm cho bằng ngài.
Người ta vẫn còn nhớ khi đến Pháp lần đầu tiên từ năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không ngần ngại hỏi từng người dân Pháp, kể cả vị nguyên thủ quốc gia của nước này như sau: “Hỡi nước Pháp, tôi đã làm gì với phép rửa của ngươi?”. Câu hỏi ấy ngài đi thẳng vào lương tâm mỗi người dân Pháp: “Đâu là chỗ đứng của niềm tin tôn giáo trong cuộc sống của mỗi người?”.
Một câu hỏi như thế cũng có thể được nêu lên cho mỗi một người Kitô hữu chúng ta. Người có tôn giáo dễ có khuynh hướng phân chia cuộc sống thành nhiều ô độc lập với nhau, ô ở Công giáo, ô ở phố chợ với nhau, ô ở nhà thờ v.v. Sự phân chia ấy dễ tạo nên hai bộ mặt tương phản nơi người tín hữu. Một bộ mặt rất đạo đức ở nhà thờ hay khi cầu kinh và một bộ mặt phi đạo đức bên ngoài nhà thờ.
Khi tuyên bố: “Của Xêda hãy trả lại cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa”, Chúa Giêsu không những đã thoát được cái bẫy thâm độc của những người Biệt phái và phe Hêrôđê. Ngài còn khẳng định về chỗ đứng trong cuộc sống con người: “Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”.
Thiên Chúa không phải là một vị thần, hay vị thần của thế giới thần linh. Thiên Chúa không phải là món đồ trang sức cho con người, nhưng Thiên Chúa là Chủ tể, là gia nghiệp, là tất cả của con người. Ngài không chiếm chỗ nhất trong cuộc sống con người, mà con người phải tìm kiếm Ngài trong tất cả mọi sự. Ngài không chỉ ngự một góc nào đó trong nhà thờ, Ngài không chỉ hiện diện trong một buổi cầu kinh nào đó. Ngài gặp gỡ con người ở khắp mọi nơi, trong mọi sinh hoạt của cuộc sống con người. “Của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa”, có nghĩa là hãy dành chỗ nhất cho Ngài trong cuộc sống, tìm kiếm Ngài, gặp gỡ Ngài, yêu mến Ngài trong tất cả mọi sự.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm và xác định lại sự chọn lựa căn bản của chúng ta. Niềm tin tôn giáo không phải là một sinh hoạt xa xỉ tùy tiện, được giản lược trong bốn bức tường của nhà thờ, hay chỉ trong bài diễn văn đặc biệt trong năm hay trong suốt một đời người. Niềm tin ấy phải thấm nhập vào toàn bộ cuộc sống và hướng dẫn mọi chọn lựa, suy nghĩ và hành động của người Kitô hữu.
Khi niềm tin được sống một cách triệt để như thế, thì Giáo Hội không chỉ có một vài sư đoàn, mà sẽ là một đạo binh có sức cải tạo và thay đổi bộ mặt của xã hội. Khi người tín hữu Kitô sống cho đến cùng những đòi hỏi của niềm tin, họ sẽ tìm được bình an và hạnh phúc đích thực cho cuộc sống, bởi vì họ có Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời.
R. Veritas

Lời Chúa cntn 29a _ trả về Thiên Chúa


TRẢ VỀ THIÊN CHÚA

(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
"Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?"
Câu hỏi sắc như một con dao hai lưỡi.
Nếu Đức Giêsu bảo phải nộp, ắt Ngài chẳng yêu nước yêu dân. Thứ thuế thân nộp cho đế quốc Rôma thật là điều ô nhục. Nhưng nếu Ngài bảo đừng nộp, hẳn Ngài sẽ bị tố cáo.
"Cho tôi xem đồng tiền dùng để đóng thuế."
Khi đưa cho Đức Giêsu đồng bạc có hình Xê-da, những kẻ giương bẫy thú nhận họ có dùng thứ tiền này, và như thế họ đã mặc nhiên nhìn nhận quyền của Xê-da.
Khi biết hình và dòng chữ trên đồng bạc là của Xê-da, Đức Giêsu đã nói một câu không dễ hiểu: "Vậy hãy trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da". Ngài nhìn nhận một sự độc lập nào đó của ông. Ông có quyền điều hành đế quốc của ông như ông muốn. Đối với người Do Thái sử dụng đồng bạc của Xê-da, Đức Giêsu không hề ngăn cản họ nộp thuế cho ông ấy, như sau này có kẻ tố cáo (x. Lc 23,2). Nhưng Ngài cũng không buộc mọi người phải nột thuế cho Xê-da, vì có người coi việc nộp thuế thân cho hoàng đế Rô-ma là phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Chẳng những Đức Giêsu không bị mắc bẫy mà Ngài còn nhân cơ hội đi lên một bình diện cao hơn: "Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa." Đây mới thật là vấn đề Ngài hết sức quan tâm.
Chúng ta tự hỏi: có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Ngài?
Phải trả lại cho Xê-da đồng tiền mang hình và tên ông, nhưng phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang hình Ngài, những gì đã được ghi khắc tên Ngài trên đó.
Hình ảnh nổi bật nhất là con người (x. St 1,26). Toàn bộ con người mang dấu ấn của Thiên Chúa. Không ai được khinh miệt phụ nữ, thai nhi hay người già. Không ai được làm hoen ố sự trong sáng của lương tâm. Xúc phạm con người là phạm đến nơi sâu thẳm của Thiên Chúa.
Mọi quyền bính đạo đời đều nhằm phục vụ con người, đều nhằm làm sáng lên hình ảnh Thiên Chúa nơi nó. Trả con người lại cho Thiên Chúa là dâng nó cho Ngài, là nhìn nhận chủ quyền của Ngài trên đời ta.
Cả vũ trụ cũng tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa: đất, rừng, sông biển, không khí, tài nguyên và muôn sinh vật. Hãy trả lại cho Thiên Chúa vũ trụ trong lành, hiền hậu, nghĩa là trả lại cho con người món quà Ngài đã tặng.
Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (x.Ga 19,11). Chúng có giá trị và sự tự lập, nếu phù hợp với ý Ngài, cũng là phù hợp với quyền lợi chính đáng của con người.
Chúng ta có chiếm đoạt điều gì của Thiên Chúa không?
Hình ảnh của Thiên Chúa nơi tôi rõ hay mờ nhạt?
Có lớp bụi nào che khuất khuôn mặt Chúa nơi tôi?
Ước gì tôi đọc được tên Thiên Chúa, tên Đức Giêsu trên những người tôi gặp, những biến cố tôi sống mỗi ngày.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn nghĩ gì về những điểm giống nhau và khác nhau giữa quyền của quốc gia và quyền của Hội Thánh? Theo bạn, đâu là giới hạn của những quyền này?
Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người nhiều khi đã bị che lấp và những hình ảnh khác đã chiếm chỗ. Theo bạn, đâu là những hình ảnh khác đang in dấu trên con người hôm nay?
Cầu Nguyện
Lạy Cha,
Có những người bạn trẻ thích xăm hình lên người, hay muốn ăn mặc, đi đứng theo kiểu một ngôi sao thể thao hay điện ảnh. Họ vui khi thấy mình giống hệt những thần tượng mà mình yêu thích.
Xin Cha giúp chúng con biết hãnh diện vì mang nơi mình hình ảnh cao quý của Cha và sống theo phong cách của Cha:
Cha quảng đại mở ra để chia sẻ hạnh phúc thần linh,
Cha khiêm tốn tôn trọng tự do của con người,
Cha yêu thương đến nỗi dám trao hiến Người Con Một chí ái,
Cha bao dung tha thứ trước những tâm hồn hoán cải,
Cha luôn tận tụy làm việc để nâng đỡ cả thế giới.
Ước gì người ta biết Cha trên trời, khi gặp chúng con ở dưới đất.
Ước gì người ta đọc thấy tên Cha trong tim của chúng con, và nhận ra chúng con là con Cha. Amen.

Lời Chúa cntn 29a _ của Thiên Chua trá cho Thiên Chúa

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA
Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:
Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.
Thứ hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.
Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.
Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách vua chúa đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.
Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.
Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.
Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).
Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.
Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.
Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.
Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (x. Mt 18,21-22).
Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Ban đã phải trả cho César những gì thuộc về César. Nhưng bạn có thực sự trả cho Chúa những gì thuộc về Người không?
2- Bạn làm gì để nên giống Chúa?
3- Qua bí tích Thánh Thể, bạn có thể hiểu được gì về tình yêu Chúa đối với bạn?
TGM. Ngô Quang Kiệt

Lời Chúa cntn 29a _ viễn vọng kính

VIỄN VỌNG KÍNH

Vua nước Đức Frederic tự cho mình là học rộng tài cao, lấy làm hãnh diện đã khám phá ra một phương pháp mới, khả dĩ làm cho nền kinh tế quốc gia phát triển mạnh. Ông ngồi trong phòng tính đi tính lại: Cứ mỗi năm chim sẻ ăn hết hai triệu thùng thóc trên toàn lãnh thổ. Vì thế, ông truyền phát động chiến dịch bài trừ sẻ. Giết được một con chim là được một phần thưởng.

Lời Chúa cntn 29*a _ chú giải


1. Chú giải của Noel Quesson
Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với nhau người phe Hê-rô-đê đến gặp Đức Giêsu…