Tại sao chúng tôi YÊU QUÝ TÍNH DỤC CỦA MÌNH

22

Tại sao chúng tôi YÊU QUÝ TÍNH DỤC CỦA MÌNH

Vài năm trước, một chương trình truyền hình mang tên The Pickup Artist là chương trình đào tạo “nghệ thuật” quyến rũ phụ nữ cho các trang nam nhi có phần vụng về trong xã hội, để rồi sau khóa đào tạo đó họ có thể tranh đua với nhau. Mỗi tuần các chàng trai sẽ được gửi ra ngoài, với những người quay phim giấu mặt theo sau, và ai bắt được nhiều phụ nữ nhất sẽ là người chiến thắng trong cuộc tranh đua của tuần đó. Một người bạn gọi cho tôi và bảo rằng tôi phải xem tập mới nhất.

“Tại sao tôi lại cần phải xem một chương trình rác rưởi như thế?” tôi hỏi.

“Bởi vì có em gái của anh trong chương trình tuần này!”

Tôi bật tivi lên và đúng rồi, một anh chàng vụng về đội một cái mũ cao bồi khổng lồ đang cố chào đón em gái tôi. Tôi hét lên, “Em ơi, đừng làm thế! Đừng cho thằng sở khanh này số điện thoại của em!" Nhưng em tôi đã cho rồi.

BỊ ÁM ẢNH VỚI TÍNH DỤC?

Nhiều người nghĩ rằng Giáo hội Công giáo bị ám ảnh bởi tính dục hay dạy rằng tính dục thì dơ bẩn; nhưng các chương trình như The Pickup Artist cho thấy rõ nền văn hóa của chúng ta thực sự bị ám ảnh bởi tính dục. Hãy nghĩ đến các tạp chí ở cửa hàng tạp hóa cam kết “874 mẹo cho quan hệ tính dục tuyệt vời!” Hay sự kiện 70 phần trăm chương trình truyền hình chứa nội dung tính dục.[1] Giáo hội chỉ có vẻ bị ám ảnh bởi tính dục bởi vì đó là tác động qua lại phải có trong một nền văn hóa luôn nói về tính dục.

Và trái với suy nghĩ của nhiều người, Giáo hội Công giáo không dạy rằng tính dục là xấu hay dơ bẩn. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thậm chí còn dạy rằng người chồng có một nghĩa vụ đạo đức giúp vợ đạt cực khoái để chuyện chăn gối giữa họ có thể là một sự kết hợp thực sự thân mật.

ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI VỀ
NIỀM VUI TÍNH DỤC HỖ TƯƠNG

“Dù sao đi nữa, một ông già độc thân ở Rôma thì biết được gì về tính dục?” Thực sự là biết rất nhiều! Sau một vài năm tư vấn cho các cặp vợ chồng như một linh mục quản xứ, vị Giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II đã viết một cuốn sách mang tên Tình yêu và Trách nhiệm. Trong chương sách về “tính dục học,” ngài viết, “cần nhấn mạnh rằng giao hợp không được đơn thuần dùng đến như một phương tiện cho phép hưng phấn tính dục đạt đến cực điểm ở một bên, tức là chỉ ở một mình người nam, mà cực điểm đó phải đạt được một cách hài hòa, không phải bởi công sức của một bên mà cả hai bên đều tham gia một cách trọn vẹn.”[2]

Khi người ta hỏi tôi tại sao Giáo hội dạy rằng tính dục ngoài hôn nhân là sai, tôi không nói đó là vì tính dục là xấu hay vì tính dục khiến cho ai đó trở nên “không trong sạch" mà thay vào đó tôi trả lời, “Vì gian dối là điều sai trái và Chúa muốn chúng ta sống trung thực trong tính dục.”[3]

Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC

Vào thế kỷ II sau Chúa Kitô, triết gia và hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã mô tả tính dục như sau: “Đó là sự cọ xát của các mẩu ruột với nhau, rồi đến sự co thắt bài tiết ra một ít chất nhờn.”[4] 1.800 năm sau, triết gia Peter Singer cũng không khá hơn. Trong cuốn sách giáo khoa Đạo đức Thực hành, Singer nói đạo đức của tính dục không khác gì đạo đức của tài xế lái xe vì trong cả hai trường hợp, không có gì quan trọng hơn hai chữ “an toàn." Thậm chí ông còn nói, “Các vấn đề đạo đức nảy sinh khi lái ô tô... còn quan trọng hơn nhiều so với các vấn đề cho tính dục an toàn.”[5]

Nhưng hầu như ai cũng biết rằng tính dục quan trọng hơn lái xe và tính dục đâu chỉ là một chuyện giải trí như đi xem phim.

Nếu tôi nói với bạn rằng tôi đã xem 500 bộ phim trong quãng đời trưởng thành tương đối ngắn ngủi của mình, bạn có thể sẽ không nghĩ gì về nó; nhưng nếu ai đó nói anh ta đã quan hệ tính dục với 500 người thì hầu hết chúng ta sẽ thấy choáng. Nếu tính dục không đặc biệt hơn lái xe, thì tại sao hành vi đó lại gây sốc cho chúng ta? Rốt cuộc, chúng tôi không bị sốc bởi các tài xế Uber, bởi những người đã lái xe cho cả ngàn người, vậy thì tại sao lại bị sốc bởi những người đã ngủ với cùng một con số cả ngàn người?

Hay là hãy coi rằng một trong những điều tồi tệ nhất bạn có thể làm trong một mối quan hệ lãng mạn là "lừa tình" hay có chăn gối thân mật với một người khác. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy bị phản bội nếu người kia của mình lại dám xin phép “qua đò” với một ai khác. Nhưng vì sao? Lời giải thích duy nhất là không bao giờ tính dục lại chỉ là chuyện qua đò; mà nó mang một ý nghĩa thiêng liêng, bất biến được thể hiện qua ngôn ngữ của thân thể.

Ví như, một cái bắt tay thay cho lời "Rất vui được gặp anh"; một cái ôm nói rằng, “Em ở đây vì anh"; còn hành động của toàn thân là lời thổ lộ, “Em trao cả đời em cho anh. Em muốn nên một với anh và ở bên anh cho đến hết đời"? Hành vi tính dục muốn nói lên một ý tưởng mạnh mẽ như sự trao hiến vĩnh viễn, trung thành, và trọn vẹn bản thân mình cho người khác, một ý tưởng chỉ có thể được thể hiện về mặt thể chất thông qua cách thế mạnh nhất để gắn kết hai người với nhau - quan hệ tính dục.

PHIM ẢNH KHIÊU DÂM SAI Ở CHỖ NÀO?

Những gì Giáo hội nghĩ về phim ảnh khiêu dâm được tóm lại cách tốt nhất trong một câu trích dẫn được cho là của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Phim ảnh khiêu dâm không sai vì phô bày quá nhiều, mà sai vì nó phô bày quá ít." Phim ảnh khiêu dâm hạ thấp con người xuống thành mấy kẻ lố lăng chỉ nhằm thỏa mãn cho bao ham muốn của khách tiêu dùng; nó cũng uốn nắn bộ não của người dùng nên phấn khích bởi sự mới lạ về tính dục và bởi sức mạnh trên thân thể của người khác. Thế nhưng thái độ này thật tai hại cho hôn nhân, nơi mà niềm vui của tính dục đến từ sự hiến thân cho một người duy nhất, không thể thay thế.

Nếu bạn hay ai đó mà bạn biết đang vật lộn với phim ảnh khiêu dâm, hãy biết rằng Chúa yêu bạn và muốn giải thoát bạn khỏi thứ tội này, và bạn có thể thực hiện các bước để biến điều đó thành hiện thực. Ngoài việc tìm kiếm Chúa trong bí tích giải tội, tôi khuyên bạn nên tìm kiếm trên Internet để "đào tạo lại bộ não" từ các chương trình Công giáo. Các khóa học này sử dụng các bài tập “tái lập trình” bộ não của bạn để bạn có thể tìm thấy khoái lạc trong niềm vui tính dục chính thức hơn là bao hứa hẹn hão huyền của ngành công nghiệp khiêu dâm.


MỘT XƯƠNG MỘT THỊT

Kinh Thánh nói rằng khi Thiên Chúa tạo ra Adam và Êva, “cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25). Chúa không muốn chúng ta hổ thẹn về cơ thể Ngài đã trao cho chúng ta hay về niềm vui đến từ việc kết hợp cơ thể với người phối ngẫu của mình. Chúa có thể đã trù liệu để chúng ta sinh sản mà không có tình dục, thế nhưng Ngài đặc biệt muốn cho vợ chồng trở nên “một xương một thịt ” (St 2:24, Mt 19:6).

Trở nên một xương một thịt có nghĩa là gì?

Hãy nghĩ về thời điểm một người được ghép tim. Dù trái tim có DNA khác nhau, nó thực sự trở thành một phần của cơ thể người đó. Cơ thể và trái tim “trở nên một” bởi vì mỗi phần đều đóng góp cho một điều gì đó vĩ đại hơn chính mình (ở đây là giữ cho người đó còn sống).[6]

Tương tự như vậy, khi người nam và người nữ có quan hệ tính dục, hệ thống sinh sản của họ, tự nó là còn thiếu, nay trở nên thành toàn bằng cách đóng góp cho một điều gì đó lớn hơn chính nó; cơ thể của đôi vợ chồng trở nên một vì qua hành vi giới tính, cả hai được sắp đặt hướng về việc tạo dựng một con người mới.

THÂN XÁC CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CỦA THÁNH THẦN

“Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt...’ Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1Cr 6:16, 19-20).

Không phải hành vi giới tính nào cũng sinh con, nhưng mỗi hành động thể hiện nơi thân xác những gì đôi bạn đã bày tỏ qua lời thề trong đám cưới của họ: Tôi trao toàn thân tôi cho anh và chỉ cho một mình anh mà thôi cho đến khi “cái chết chia lìa chúng ta.” Thực ra, hành vi tính dục được gọi theo truyền thống là làm tình vì mọi hành vi tính dục đều là hành động của tình yêu đôi lứa dành cho người kia.

Điều này giải thích tại sao sự gian lận làm cho rất nhiều người chấm dứt tương giao: thông qua cơ thể của họ, kẻ lừa tình không chỉ "tiết ra một số chất nhờn" với người khác; cho dù có ý định hay không, họ đã dùng cơ thể mình để trao nghi thức và lời cam kết thiêng liêng nhất của tình yêu cho người khác.

Ngay cả khi một cặp đôi lứa đồng thuận quan hệ tính dục ngoài hôn nhân, thân xác của họ vẫn nói dối nhau. Nào có gì là đáng kể khi một người chưa kết hôn có tha thiết đến đâu, “Mãi mãi yêu em,” vì chàng hay nàng luôn có thể tùy ý bước ra khỏi mối tình đó. Như tôi đã nói với một nhóm các cặp vợ chồng mà tôi cố vấn gần đây, “Để hủy bỏ lời hứa hôn bạn chẳng cần phải ly hôn.” Dù vậy, quyền tự do đó biến mất, sau khi người ta công khai tuyên hứa lời này trước cộng đoàn, giáo xứ, trước nhà nước, và trước Chúa.

Sau khi kết hôn, sự kết hợp tính dục của một cặp vợ chồng bày tỏ lòng thành về tình gắn bó thủy chung suốt đời với nhau của họ. Đôi vợ chồng thậm chí có thể được chúc phúc với dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tình dục hướng tới sự kết hợp một xương một thịt lâu dài: thường thì một đứa con sẽ trải qua tình yêu này và là nhân chứng của tình yêu đó cho toàn thế giới.

THẾ NÀO LÀ QUÁ XA?

Ngay cả khi không có liên quan gì đến việc giao hợp, các hành vi khác như kích thích bộ phận sinh dục và thậm chí là mơn trớn tính dục thì chỉ thích đáng trong hôn nhân vì chúng kích thích cho cơ thể được sẵn sàng để quan hệ tính dục.

Thực hiện những hành vi này mà lại kiêng quan hệ tính dục thì cũng như lái xe lên đường chuyển vào đường cao tốc rồi phanh gấp ngay trước khi xe vào đường cao tốc. Ở bên ngoài hôn nhân, các hành vi này trở nên một hình thức khác của gian dâm, và thực hiện càng nhiều thì sự “hãm phanh” bất thường càng trở nên khó khăn hơn và không để cho các hành vi đó đạt tới mục đích của chúng qua sự giao hợp.

Bởi đó mà câu hỏi chúng ta phải đặt ra không phải là "Tôi có thể đi xa đến đâu?" nhưng đúng hơn là, “Tôi có thể làm gì để bảo vệ người yêu của tôi?”

Mặt khác, khi một cặp vợ chồng chưa kết hôn mà có thai, họ thường phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã rằng, dù muốn hay không, họ đã mãi mãi gắn bó không chỉ với người bạn đời của họ (ngay cả khi đó chỉ là “người yêu cũ đã có con với tôi”), nhưng còn gắn bó với người thứ ba. Thật không may cho đứa trẻ - người thứ ba đó, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các cặp vợ chồng có con khi chưa kết hôn có nhiều khả năng chia tay hay ly hôn sau khi kết hôn hơn các cặp vợ chồng có con sau kết hôn.[7]

NỖI SỢ VÀ TÌNH YÊU HOÀN HẢO

Trong 1Ga 4:18 có viết, “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi.” Đây là lý do tại sao tôi sẽ không hề hối tiếc về việc chờ đợi cho đến khi kết hôn mới có quan hệ tính dục. Khi vợ tôi và tôi gặp nhau lần đầu, không sợ bệnh tật, không sợ có thai ngoài ý muốn, không sợ tôi sẽ bỏ cô ấy nếu cô ấy không đáp ứng nhu cầu tính dục của tôi, và không sợ những gì người ta nghĩ về chúng tôi. Niềm vui đặt cho đúng chỗ chỉ đơn giản là nhận biết rằng chúng tôi không chỉ được tự nguyện trao tặng chính mình cho nhau, mà chính xác đó là những gì Chúa muốn chúng tôi thực hiện giờ đây, khi chúng tôi đã nên vợ nên chồng.

Kế hoạch của Chúa về tính dục không bao giờ gồm chứa nỗi xấu hổ, bệnh tật, dối trá, đau lòng, trẻ em bị bỏ rơi, hay nạo phá thai. Con người đã đưa mấy thứ đó vào tính dục qua tội gian dâm. Nếu bạn hay người quan trọng của bạn đã có quan hệ tính dục, thì tôi hy vọng bạn sẽ tìm được thuốc chữa và ơn bình an qua bí tích giải tội và qua một cam kết đổi mới để nên liêm chính về tính dục.

Bất kể kinh nghiệm trong quá khứ của bạn là gì, Chúa yêu bạn và muốn bạn được hạnh phúc khi để dành sự gần gũi tính dục cho hôn nhân. Bằng cách đó, nếu bạn được gọi sống đời hôn nhân, sự thân mật tính dục của bạn sẽ không bị ám ảnh bởi nỗi xấu hổ, nhưng là một cơ hội để bạn luôn có thể chân thành nói với người yêu của mình: “Tất cả đời anh dành cho em, và chỉ cho một mình em, chừng nào cả hai chúng ta còn sống."

TÍNH DỤC ĐỒNG GIỚI THÌ SAO?

Một lần, tôi đang chạy bộ ở Công viên Balboa ở San Diego thì thấy cuộc diễu hành cho niềm tự hào đồng tính hàng năm của thành phố đang diễn ra. Tôi quyết định hỏi mọi người xem họ nghĩ gì về những người Công giáo xuống đường biểu tình, và cuối cùng tôi đã có một cuộc trò chuyện với ba người tự nhận mình là đồng tính nam. Một người đồng tính hỏi tôi, “Vậy Giáo hội Công giáo nói gì về việc tôi là người đồng tính?” Tôi đã trả lời:

“Giáo hội có sự phân biệt giữa ước muốn và việc làm của một ai đó. Chúng ta không điều khiển được dục vọng của mình, thế nên các dục vọng đâu có phải là đặc điểm của chúng ta. Bạn không thể nói một ai đó phạm tội chỉ vì họ có một ham muốn nào đó vì, như tôi đã nói, bạn không kiểm soát được chúng. Thế nên tôi sẽ không nói rằng tôi là người bình thường hay bạn là người đồng tính, nhưng tôi sẽ nói chúng ta là những con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa với những ham muốn chăn gối khác nhau.”

Họ gật đầu, vì vậy tôi tiếp tục.

“Dục vọng của chúng ta không định hình chúng ta, nhưng chúng ta có thể chịu trách nhiệm về cách chúng ta hành xử với các dục vọng đó. Một người chồng có thể ham muốn mấy người phụ nữ khác mà anh không cưới, nhưng điều đó không có nghĩa là anh sẽ hành động theo ham muốn đó. Giáo Hội dạy rằng chúng ta không được làm tình không đúng với mục đích của tính dục, điều đó có nghĩa là mọi hành vi đồng tính đều là sai đối với bất kỳ một ai - ngay cả khi họ là người bình thường.”

Họ nhướn mày trước mấy lời bất ngờ của tôi, vì vậy tôi nói tiếp.

“Ví dụ, nếu một nam nhi bình thường đã ở tù trong một thời gian dài và anh chỉ muốn giải tỏa tính dục, rất có thể anh ta sẽ có quan hệ tính dục với một người đàn ông, mặc dù anh không phải là người đồng tính. Nhưng điều đó là sai, bởi vì tính dục không chỉ để thỏa mãn các ham muốn của chúng ta. Đối với tôi, câu hỏi lớn mà tôi đặt ra khi nghĩ về mấy vấn đề hóc búa như sự thu hút của tính dục đồng giới, câu hỏi đó là: Tính dục để làm gì?”

Trước sự ngạc nhiên của tôi, một trong mấy chàng trai trẻ đã nói, “Để sinh sản?”

Mắt tôi sáng lên.

"Đúng! Bạn có thể yêu bất cứ ai mà không cần có quan hệ tính dục với người đó, nhưng với tôi thì điều đó có nghĩa là tính dục không phải là biểu hiện của một loại tình yêu nào; mà là một lời bày tỏ tình yêu chỉ có giữa người nam và người nữ, và lời bày tỏ đó đạt tới sự toàn hảo của nó trong việc tạo ra một đời người mới.”

Thay vì bị xúc phạm, các thanh niên này suy nghĩ về những gì tôi nói và có vẻ đánh giá cao tính hợp lý của nó, cũng như sự kiện tôi đã không trích dẫn Kinh Thánh để kết thúc vấn đề. Trước khi chia tay, tôi đã đưa cho họ trang web của một nhóm Công giáo mang tên Lòng can đảm (www.couragerc.org).

Trang Lòng can đảm không cố gắng thay đổi xu hướng tính dục của con người. Thay vào đó, các thành viên của nhóm này giúp đỡ những người bị thu hút bởi các thành viên đồng tính để tìm hiểu kế hoạch của Chúa dành cho họ như là một con người toàn diện, bao gồm cả bản năng giới tính của họ. Thậm chí họ còn sản xuất một bộ phim tài liệu có tên Mơ ước về Nơi An Dưỡng Vĩnh Cửu (Desires of Everlasting Hills) kể về ba người có sức hấp dẫn đồng giới đã trở lại Giáo hội Công giáo. Bạn có thể xem trực tuyến miễn phí tại https://everlastinghills.org.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

TÍNH DỤC LƯƠNG THIỆN

* Giáo hội Công giáo không dạy rằng tính dục là xấu xa hay ô uế, mà đúng hơn đó là một món quà tuyệt hảo Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

* Tính dục diễn tả qua cơ thể lời hôn ước bằng cách làm cho hai vợ chồng nên “một xương một thịt.” Quan hệ tính dục ở bên ngoài bối cảnh này, gồm có quan hệ tính dục bằng miệng và thủ dâm, bao hàm một lời nói dối, khi cơ thể bày tỏ tình yêu hôn nhân mà không chịu ràng buộc bởi hôn nhân.

* Kế hoạch của Thiên Chúa về tính dục và hôn nhân không nhằm mục đích làm cho chúng ta xấu hổ, nhưng để giải thoát chúng ta khỏi xấu hổ và ban cho chúng ta sự bình an và niềm vui trong những mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Juve Shiver, Jr., “Television Awash in Sex, Study Says,” Los Angeles Times, November 10, 2005.

[2] Karol Wojtyla, Love and Responsibility (San Francisco: Ignatius Press, 1993), 272.

[3] Đối với lập luận đặc biệt này, tôi mang ơn những bài viết của Karol Wojtyla, Christopher West, Janet Smith, và Alex Pruss.

[4] Marcus Aurelius, Meditations, 6:13.

[5] Peter Singer, Đạo đức thực hành (New York: Cambridge University Press, 2011), 2.

[6] Ví dụ này đến từ Sherif Gergis, Robert George, và Ryan Anderson, Hôn nhân là gì? đàn ông và đàn bà: Một sự phòng vệ (New York: Encounter Books, 2012), 25.

[7] Daniel T. Lichter, Katherine Michelmore, Richard N. Turner, và Sharon Sassler, “Con đường dẫn đến một sự kết hợp ổn định? Mang thai và Sinh con giữa các cặp sống thử và kết hôn,” Population Research and Policy Review, 35, no. 3 (June 2016), 377-99.