Tại sao chúng tôi BẢO VỆ HÔN NHÂN

23

Tại sao chúng tôi BẢO VỆ HÔN NHÂN


Cách đây vài năm, tôi đang nghiên cứu về vấn đề hôn nhân, và tình cờ xem được một clip từ chương trình truyền hình Sesame Street. Đó là cuộc trò chuyện giữa một cậu bé tên là Jessie và nhân vật Grover, clip bắt đầu với câu hỏi Grover đặt ra cho Jessie, “Anh có biết hôn nhân là gì không?" rồi chương trình tiếp tục như sau:

Jessie: Hôn nhân là khi hai người kết hôn, phải không?

Grover: Đúng. Giỏi. Đó là hôn nhân. Họ làm gì khi cưới nhau?

Jessie: Họ hôn.

Grover: Họ hôn nhau, đúng; còn có gì khác nữa khi họ kết hôn?

Jessie: Họ ôm nhau.

Grover: Đúng. Tốt đấy. Còn gì nữa không?

Jessi: Dạ không.

Grover: Thế à?

Jessie: Vâng.

Grover: Họ cũng là bạn của nhau à?

Jessie: Vâng.

Grover: Ồ, có rất nhiều người kết hôn, phải không? Hôn nhau, ôm nhau, bạn bè của nhau, giúp đỡ nhau, hết mọi thứ đó. Vâng. Chà, tôi cho đó là tất cả những gì thuộc về hôn nhân.

Nhưng đây không phải là tất cả những gì thuộc về hôn nhân. Tại sao Grover không nói về lời hứa “giữ lòng chung thủy với nhau,” khi "thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe,” trong “mọi ngày suốt đời tôi"? Tại sao không đề cập đến nuôi dạy con cái hay sống tình gia đình? Những gì Sesame Street đang mô tả không phải là hôn nhân; mà là sống thử.

Ngược lại, Giáo hội Công giáo xác định “do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái.”[1]

Tôi biết đó không phải là định nghĩa lãng mạn nhất, nhưng điểm cốt lõi của định nghĩa này cho thấy hôn nhân không chỉ là một hợp đồng pháp lý. Thay vào đó, một cuộc hôn nhân Công giáo là một giao ước, hay một cam kết thiêng liêng về lòng trung thành giữa con người với nhau. Trong hôn nhân, người nam và người nữ không chỉ đưa ra sự đồng thuận hợp pháp của họ; họ trao cho nhau toàn bộ cuộc sống của mình vì lợi ích của cả hai và vì lợi ích của bất kỳ đứa con nào mà họ có được.

Chính vì vậy, trước sự phản đối gay gắt của cả thế giới, thậm chí của cả các giáo phái Kitô giáo khác, Giáo hội Công giáo vẫn duy trì chương trình của Thiên Chúa dành cho hôn nhân là vĩnh viễnmở cửa cho sự sống.

"MỌI NGÀY SUỐT ĐỜI TÔI"

Năm 1969, Ronald Reagan, khi đó là thống đốc bang California, đã thông qua đạo luật đầu tiên của tiểu bang cho phép ly hôn vô tội. Thay vì phải chứng minh người kia đã phạm tội như ngoại tình hay lạm dụng, một cuộc hôn nhân có thể bị chấm dứt chỉ vì cặp đôi có “sự khác biệt không thể hòa giải.” Nhưng hậu quả của việc định nghĩa lại về hôn nhân này là gì?

Sau khi đạt đỉnh cao vào những năm 1980, tỷ lệ ly hôn đã trở lại mức trước khi có luật ly hôn vô tội, nhưng đó chỉ là vì ngày càng có nhiều người chọn không kết hôn - chính xác là tăng thêm 11 phần trăm.[2] Tuy vậy điều đó không có nghĩa là ngày càng có thêm nhiều người ngừng kết hôn.

Năm 1963, chỉ có 7 phần trăm trẻ em được sinh ra ngoài giá thú. Đến nay, con số đó là 40 phần trăm và trong một số cộng đồng kinh tế xã hội, nó cao tới 71 phần trăm.[3] Trung bình, cứ bốn trẻ em ở Hoa Kỳ thì có một trẻ sống xa cha hay mẹ ruột của nó.[4] Cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ từ các gia đình đã ly dị hay chưa kết hôn có nhiều khả năng sống trong nghèo đói và có nhiều khả năng bị lạm dụng hơn so với trẻ em từ các cuộc hôn nhân ổn định.

MÓN QUÀ TỐT NHẤT CHO MỘT ĐỨA TRẺ

Child Trends, một nhóm nghiên cứu phi đảng phái đã nghiên cứu về gia đình trong bốn thập kỷ qua, cho biết trẻ em trong các hộ gia đình có cha mẹ đã kết hôn “nhìn chung có sức khỏe tốt hơn, tiếp cận nhiều hơn với chăm sóc sức khỏe và có ít vấn đề về cảm xúc hay hành vi hơn trẻ em sống trong các môi trường gia đình khác.”[5] Ngược lại, một đứa trẻ có cha mẹ chung sống nhưng không kết hôn có nguy cơ bị lạm dụng cao gấp bốn lần. Một đứa trẻ có mẹ sống với bạn trai trong cùng nhà có nguy cơ bị lạm dụng cao gấp mười một lần.[6] Món quà tốt nhất bạn có thể tặng con mình không phải là một món đồ chơi hay trò chơi mới nhất; mà là một người cha người mẹ đã kết hôn với nhau, những người sẵn sàng giải quyết các vấn đề của họ một cách lành mạnh.

Bên cạnh bằng chứng khoa học xã hội cung cấp cho thấy sự tốt đẹp của cuộc sống hôn nhân, Kinh Thánh cho biết rằng kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân luôn bao gồm sự trường tồn. Chúa Giêsu nói rằng khi một người nam và một người nữ kết hôn, “cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10:8-9). Để làm rõ hơn quan điểm của mình, Chúa nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10,11-12).[7]

Giáo hội Công giáo cho phép sự ly thân hợp pháp, kể cả ly hôn dân sự trong các trường hợp có ngược đãi vợ chồng.[8] Tuy nhiên, nếu cả hai vợ chồng đều là Kitô hữu đã được rửa tội, thì theo lời Chúa Giêsu dạy, họ vẫn là vợ chồng hợp pháp và vì vậy Giáo hội cấm một trong hai người tái hôn. Thậm chí nếu hôn nhân tan vỡ vì ngoại tình hay lạm dụng, tội lỗi không thể hủy bỏ những gì Chúa đã kết hợp; thế nhưng ân sủng có thể chiến thắng tội lỗi.

Ân sủng ban cho những ai đã ly hôn sức mạnh để chịu đựng các tội ác đã gây hại cho họ, và mang lại cho những người phối ngẫu mà hôn nhân của họ đang gặp khó khăn sự khiêm tốn để tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp và tinh thần. Hôn nhân không dễ dàng, nhưng như Thánh Phaolô đã nói, “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi [Đức Kitô], tôi chịu được hết.” (Pl 4:13).

LY HÔN VÀ TIÊU HÔN

Tại thời điểm này, một số người sẽ nói: “Tôi biết rất nhiều người đã ly dị nhưng đã tái hôn trong Giáo hội. Tất cả những gì họ cần phải có là một sự tiêu hôn! Nhưng tiêu hôn không phải là "ly hôn Công giáo" (Catholic version of divorce).

Không giống như ly hôn, là sự cố gắng hủy bỏ một cuộc hôn nhân thành sự, tiêu hôn là cho biết rằng cuộc hôn nhân đó chưa hề thành sự ngay từ đầu. Cặp đôi có vẻ như đã kết hôn vào ngày cưới của họ, nhưng hôn ước của họ đã thiếu mất một yếu tố thiết yếu của hôn nhân, yếu tố thiết yếu bị thiếu đó có thể là:

1. Sự hiểu biết về hôn nhân: Bạn không thể nói “Tôi đồng ý” một cách có hiệu lực trừ khi bạn biết bạn đang nói “Tôi đồng ý” với điều gì. Nếu một người kết hôn với điều kiện (“Tôi sẽ kết hôn miễn là chúng tôi sống gần gia đình tôi”) hay không biết rằng anh ta hay cô ấy đồng ý sống với nhau trong một sự kết hợp suốt đời, một vợ một chồng, có sinh sản, thì cuộc hôn nhân đó ngay từ đầu có thể là vô hiệu, hay là chưa hề kết hôn, và bởi đó mà được khẳng định là “bất thành”

2. Sự đồng ý kết hôn: Nếu một người bị ép buộc hay kết hôn để làm hài lòng người khác, thì không được tự do, và do đó cuộc hôn nhân có thể là bất thành. Một thanh niên (trong một "đám cưới chạy thai") kết hôn với bạn gái đang mang thai của mình vì sợ gia đình cô ấy là một ví dụ về sự thiếu tự do; còn sự có mặt của một chứng rối loạn tâm lý hay thậm chí say rượu trong ngày cưới của một người có thể khiến hôn nhân trở nên bất thành, vì người đó không thực sự tự do để nói "Tôi đồng ý."

3. Khả năng kết hôn: Một người đã kết hôn hợp pháp mà có tuổi nhỏ hơn tuổi kết hôn, hay có liên hệ họ máu hoặc họ con nuôi với người sắp cưới (và nhiều tình huống khác), thì người đó không có khả năng đưa ra lời cam kết như hôn nhân đòi hỏi, và do đó sẽ khiến bất kỳ một khế ước hôn nhân nào trong tương lai cũng trở nên vô hiệu nếu những hoàn cảnh đó -điều mà Giáo hội gọi là ngăn trở- vẫn còn.

TẠI SAO TÔI PHẢI KẾT HÔN TRONG GIÁO HỘI?

Cũng như một cuộc hôn nhân dân sự không có giá trị trừ khi được cử hành với sự có mặt của đại diện nhà nước (một thẩm phán hay một mục sư được chấp thuận) và tuân thủ luật pháp của tiểu bang, một cuộc hôn nhân Công giáo không thành sự nếu không được cử hành với sự hiện diện của đại diện Giáo hội và theo luật của Giáo hội.

Đám cưới thường phải diễn ra trong một nhà thờ Công giáo (trừ khi giám mục có cho phép ngoại lệ), vì hôn nhân là một trong các trách nhiệm thiêng liêng nhất mà một người sẽ đảm nhận trong đời và vì vậy nó phải bắt đầu ở một nơi linh thánh. Giáo hội cũng muốn đảm bảo rằng cặp vợ chồng thực sự hiểu lời hôn ước là vĩnh viễn, một vợ một chồng, và sẵn lòng sinh con mà họ đang đồng thuận với nhau, đó là lý do tại sao Giáo hội thường không cho phép đám cưới diễn ra ở nhà thờ một giáo hội khác hay ở những địa điểm thế tục có quan điểm về hôn nhân khác với Giáo hội.

Một người Công giáo kết hôn ngoài Giáo hội sẽ là một hôn nhân vô hiệu (và do đó sẽ phạm tội khi có quan hệ tình dục). Tuy nhiên, tình trạng này có thể được giải quyết bằng cách xin hợp thức hóa hôn nhân đó, hay xin được Giáo hội chính thức công nhận.

“ĐẦU TIÊN LÀ TÌNH YÊU, RỒI ĐẾN HÔN NHÂN, RỒI...”

Giáo hội không đòi hỏi các cặp vợ chồng phải có nhiều con cái để làm một đội bóng rổ riêng, cũng không nói với họ, như nước Trung Hoa nói với công dân của mình, rằng họ chỉ được phép có một số lượng con cái tối đa là bao nhiêu. Giáo lý chỉ đơn giản nói rằng cha mẹ nên thể hiện “lòng quảng đại chính đáng của bậc làm cha mẹ có trách nhiệm.” (GLCG 2368), và rằng họ không nên sử dụng các phương tiện trái đạo đức, như phá thai hay ngừa thai, để lập kế hoạch sinh sản cho gia đình của họ.

Trên thực tế, nhiều hình thức tránh thai phổ biến - như vòng tránh thai và thậm chí một số thuốc tránh thai nội tiết tố - có thể giết chết một đứa trẻ chưa sinh bằng cách ngăn chặn nó được cấy vào tử cung của mẹ mình như một phôi thai. Nhưng ngay cả khi một biện pháp tránh thai không có khả năng gây sảy thai (ví dụ như bao cao su), thì cũng vẫn là sai trái, bởi vì đó là một hình thức khác của quan hệ tình dục bất chính.

Chúng ta đã thấy tình dục có ý nghĩa nội tại trong hôn nhân như thế nào. Khi một cặp vợ chồng chưa kết hôn mà có quan hệ tình dục, họ diễn tả nơi thân xác một lời thề như là vĩnh viễn, mà chưa có, và vì thế họ trao cho nhau một lời nói dối với cơ thể của họ. Một trong những lời thề Giáo hội yêu cầu nơi các cặp vợ chồng trong ngày cưới của họ là “yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban.” Mỗi khi thân mật chăn gối, các cặp vợ chồng không cần phải rán cho có một đứa trẻ được thụ thai, chỉ cần họ hứa không trực tiếp làm mất khả năng sinh sản qua việc dùng các biện pháp tránh thai.

KINH THÁNH NÓI GÌ?

Dù là bao tránh thai được biết là đã có ở Ai Cập cổ đại, người Do Thái tin rằng khả năng sinh sản là một món quà từ Thiên Chúa vì vậy họ đã không ủng hộ việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Thật ra, Kinh Thánh chỉ ghi lại một hành động tránh thai, khi Onan “rút” khỏi quan hệ tình dục trước khi lên đỉnh. Sáng thế ký 38:10 nói, “Hành động của cậu không đẹp lòng Đức Chúa, nên Người cũng khiến cậu chết.”[9]

Nhưng vì sao với lời thề hứa “mở cửa cho sự sống”, hai vợ chồng không được cho phép đôi lúc sử dụng biện pháp tránh thai, dù chỉ là đôi lúc thôi?

Câu trả lời: Cũng vì lý do đó mà đôi lứa không giữ lời thề “chung thủy” hay một vợ một chồng với nhau khi chỉ “đôi lúc"ngoại tình. Như chúng ta đã biết, để tình dục trở thành sự kết hợp một xương một thịt, đó phải là một sự tự hiến hoàn toàn (không một điều gì bị giữ lại, kể cả khả năng sinh sản), và phải hướng về một điều chi đó ngoài cảm xúc riêng tư của vợ chồng; phải hướng về sự hình thành đời sống của một con người mới.

Nhưng nếu đúng là thế, thì các cặp vợ chồng phải tuân theo lời Giáo hội dạy họ lập kế hoạch gia đình một cách có trách nhiệm làm sao? Câu trả lời là hãy kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên (PPTN).

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
THEO PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN

Tôi luôn ngạc nhiên rằng chính những người lo lắng về việc mua thực phẩm hữu cơ tại cửa hàng tạp hóa thường không phản đối việc sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố, mà Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã phân loại là chất gây ung thư nhóm một (hay thứ được biết là gây ung thư ở người).[10] Đó là lý do tại sao tôi thích PPTN là một phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không hormone, không bao cao su, cho vợ chồng tôi (cùng với hàng triệu các cặp vợ chồng khác) để tạo khoảng cách cho các lần sinh con của chúng ta.

Trong khi khả năng sinh sản của đàn ông còn tốt mãi cho đến khi đặt một chân xuống mồ, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm mạnh rõ ràng khi có tuổi và chỉ xuất hiện vào một số ngày nhất định mỗi tháng. PPTN sử dụng công nghệ theo dõi khả năng sinh sản vì vậy nếu một cặp vợ chồng muốn có một em bé khác, họ có thể chọn chăn gối vào các ngày dễ thụ thai của người phụ nữ. Mặt khác, nếu thấy không sẵn sàng cho một em bé khác, thì chỉ đơn giản chọn chăn gối vào một ngày hiếm muộn.

PPTN yêu cầu cả hai vợ chồng làm việc với nhau để theo dõi khả năng sinh sản và quyết định khi nào để chăn gối; thành thật mà nói, chờ đợi ngày vô sinh có thể khó khăn; dù vậy, trong thời gian kết hôn ngắn ngủi, tôi thấy sự nhẫn nại và giao tiếp mà PPTN buộc các cặp vợ chồng phải làm đã giúp giải quyết xung đột và cải thiện sức khỏe hôn nhân. Có lẽ đây là lý do tại sao các cặp vợ chồng sử dụng PPTN có tỷ lệ ly hôn chỉ từ 1 đến 3 phần trăm.[11]

Phải chăng PPTN chỉ là cách ngừa thai của người Công giáo? Cả trong phương pháp tự nhiên và nhân tạo, cả hai vợ chồng đều làm một điều gì đó để không có con. Dù có vẻ giống nhau, nhưng chúng lại chẳng giống nhau một chút nào. Đây là một câu chuyện tương tự cho thấy sự khác biệt giữa hai phương pháp, và tại sao PPTN thì hợp đạo đức còn các phương pháp ngừa thai khác thì không.

Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng chọn ngày cưới, thấy ngày cưới lại đúng vào thời điểm mấy người anh em họ của vợ bạn đang học trung học có một trận bóng đá lớn. Nếu bạn thực sự muốn họ tham dự đám cưới, bạn sẽ chọn một tuần trước trận đấu của họ. Nhưng cứ cho là ngân sách của bạn eo hẹp và bạn không còn chỗ cho họ trong danh sách khách mời. Bạn có thể chọn lên lịch đám cưới vào thời gian diễn ra trận đấu lớn của họ và gửi lời mời như một dấu hiệu cho thấy bạn vẫn coi trọng mối quan hệ. Nếu họ cứ đến, có thể là hơi căng một chút, nhưng bạn sẽ vui vì họ đã đến.

Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn không muốn đợi một tuần và hoàn toàn không muốn những người anh em họ đến dự đám cưới. Để chắc chắn rằng họ sẽ không đến, bạn gửi cho họ một "lời chối từ", "Xin đừng đến dự đám cưới của chúng tôi, chúng tôi không mong bạn đến!"

Chuyện này có liên quan đến PPTN như thế nào?

Chọn ngày phù hợp nhất cho anh em họ cũng như chăn gối trong một ngày dễ thụ thai; bạn đã tạo điều kiện tối ưu cho con trẻ đến. Hoãn lại đám cưới trước một tuần giống như chờ đợi để được thân mật vào một ngày hiếm muộn. Mấy đứa nhỏ có thể không đến được, nhưng nếu chúng đến được thì vẫn rất tuyệt!

Còn gửi lời từ chối thì cũng như sử dụng biện pháp tránh thai nhân tạo. Cũng như bạn nói với anh em họ của bạn, "Chúng tôi muốn ngày này, thế nên đừng xuất hiện và phá hỏng nó!" Sử dụng biện pháp tránh thai là gửi tin nhắn đến đứa con tương lai của bạn (cũng như gửi cho Chúa, người đang chịu trách nhiệm về mọi phước lành của thai kỳ), “Chúng tôi muốn vui niềm vui tình dục vào thời gian cụ thể này, đừng có đến và phá hỏng nó!" Nhưng con trẻ đâu có phá hỏng niềm vui tình dục, chúng là sự hoàn thành của niềm vui đó, vì vậy chúng ta đừng bao giờ làm cái việc gửi một tin nhắn cho đứa trẻ mà Chúa có thể chọn để ban phước cho chúng ta để nó biết rằng sự hiện diện của nó là điều chúng ta không muốn.

CÁC THÁNH ĐÃ KẾT HÔN?

Vào năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho cặp vợ chồng hiện đại đầu tiên, Louis và Zelie Martin. Ngài nói họ “sống đời phục vụ của Kitô hữu trong gia đình, ngày qua ngày tạo ra một môi trường đức tin và tình yêu nơi đã nuôi dưỡng ơn gọi của các cô con gái của họ, trong số đó có Thánh Têrêsa [Lisieux].”[12]

Không có gì lạ khi các cuộc hôn nhân trở nên căng thẳng sau cái chết của một đứa trẻ và gia đình Martin đã chịu đựng cái chết của bốn đứa trẻ sơ sinh. Thay vì tuyệt vọng, họ sống như một mẫu mực của sự thánh thiện hôn nhân cho năm đứa con còn lại. Ngày của họ được chia thành thời gian cầu nguyện, làm vườn, và thư giãn, phần lớn là ở vùng nông thôn nơi Têrêxa thừa hưởng tình yêu hoa cỏ cũng như thiên nhiên của cha mình.

Sau khi vợ qua đời, Louis phải vật lộn với sự cô đơn khi từng người trong số năm cô con gái của ông vào tu viện và trở thành nữ tu. Ông vẫn nói, “Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi khi Chúa nhân từ mong muốn lấy hết các con của tôi. Nếu có điều gì tốt hơn, tôi sẽ không ngần ngại dâng cho Chúa.”[13]

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

HÔN NHÂN

* Hôn nhân không phải là một hợp đồng pháp lý giữa hai người trưởng thành, mà là một giao ước thiêng liêng giữa người nam và người nữ, giữa các Kitô hữu đã được rửa tội, là một sự hợp nhất bất khả phân ly.

* Một cặp vợ chồng luôn lặp lại lời thề hôn nhân của họ trong sự thân mật tình dục, bao gồm cả lời thề “yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban.”

* Để sinh con cách nhau với tinh thần trách nhiệm cao, các cặp vợ chồng được khuyến khích dùng đến các phương pháp kế hoạch hóa gia đình một cách tự nhiên, không gây hại cho vợ hay chồng, cũng không mâu thuẫn với ý nghĩa linh thánh của hành vi hôn nhân.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Bộ Giáo Luật, 1055.

[2] Wendy Wang và Kim Parker, “Tỷ lệ kỷ lục người Mỹ chưa từng kết hôn,” Nghiên cứu của Pew Trung tâm, ngày 24 tháng 9 năm 2014, www.pewsocialtrends.org/2014/09/24/record-share-of-americans-havenever-married/.

[3] “Năm 1963, khi Tổng thống Lyndon Johnson phát động Cuộc chiến Chống Nghèo đói, 7 phần trăm trẻ em Mỹ được sinh ra ngoài vòng hôn nhân... Theo CDC, con số kỷ lục 40,6 phần trăm trẻ em sinh ra trong năm 2008 được sinh ra ngoài vòng hôn nhân—tổng cộng là 1,72 triệu trẻ em.” Hiệu trưởng Robert, “Tạp chí Quốc gia: Ngoài giá thú,” NPR, ngày 12 tháng 4 năm 2010, www.npr.org/templates/story/story.php?storyId=125848718. “Tỷ lệ phụ nữ chưa lập gia đình sinh con là 40,2% vào năm 2014, giảm từ 40,6% vào năm 2013, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Tỷ lệ này đạt đỉnh vào năm 2009 là 41,0%. Trong năm 2014, tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân rất khác nhau giữa các nhóm dân cư, từ 16,4% đối với các bà mẹ [Người Châu Á Thái Bình Dương] đến 70,9% đối với các bà mẹ da đen không phải gốc Tây Ban Nha.” Hamilton, và cộng sự. “Số ca sinh: Dữ liệu cuối cùng cho năm 2014” Báo cáo thống kê quan trọng quốc gia Tập 64, Số 12, ngày 23 tháng 12 năm 2015, https://www.cdc.gov/nchs/data/nvsr/nvsr64/nvsr64_12.pdf.

[4] Rose M. Kreider và Renee Ellis, “Sắp xếp cuộc sống của trẻ em: 2009,” Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, tháng 6 năm 2011, https://www.census.gov/prod/2011pubs/p70-126.pdf.

[5] D. L. Blackwell, “Cấu trúc gia đình và sức khỏe trẻ em ở Hoa Kỳ: Kết quả từ Khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia, 2001-2007,” Trung tâm thống kê y tế quốc gia, Thống kê sức khỏe quan trọng 10 (2010), 246. Được trích dẫn trong Family Structure, December 2015, www.childtrends.org/wpcontent/uploads/2015/03/59_Family_Structure.pdf.

[6] W. Bradford Wilcox, “Làm khổ những đứa trẻ nhỏ: Sống chung và lạm dụng trẻ em ở Mỹ,” Public Discourse, ngày 22 tháng 4 năm 2011, www.thepublicdiscourse.com/2011/04/3181/.

[7] Trong đoạn song song trong Matthêu 19:9, Chúa Giêsu nói, “Ai mà rẫy vợ mình - trừ phi là nố dâm bôn - cưới vợ khác, tức là phạm tội ngoại tình.” Các học giả tranh luận về ý nghĩa của từ “dâm bôn”, nhưng từ đó có thể ám chỉ việc ngoại tình diễn ra sau thời kỳ hứa hôn, trước khi hôn nhân hoàn hợp, hoặc có thể ám chỉ những cuộc hôn nhân trái luật hôn nhân có liên hệ với họ hàng thân thiết.

[8] Theo Sách Giáo lý, “Giữa hai người đã chịu Bí Tích Thánh Tẩy, "hôn nhân đã ký kết và hoàn hợp thì không thể bị tháo gỡ bởi bất cứ quyền lực nhân loại nào, bất cứ vì lý do gì, ngoại trừ cái chết.’ Trong một số trường hợp đã được Giáo Luật dự liệu, đôi vợ chồng có thể được phép ly thân nhưng vẫn còn duy trì dây liên kết hôn nhân. Nếu việc ly hôn về phần đời là phương cách duy nhất còn lại để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, chăm sóc con cái hoặc bảo vệ gia sản, thì có thể tạm chấp nhận mà không lỗi về luân lý.” Dù vậy, Sách Giáo lý tiếp tục khẳng định rằng “Ly dị vi phạm nghiêm trọng luật tự nhiên, phế bỏ khế ước mà vợ chồng đã tự do ưng thuận để sống với nhau cho đến chết.” (GLCG 2382-84).

[9] Toàn bộ bản văn: “Ông Giu-đa bảo Ô-nan: "Con hãy ăn ở với chị dâu con, hãy chu toàn nhiệm vụ của một người em chồng, và làm cho anh con có người nối dõi." Ô-nan biết rằng dòng dõi sinh ra sẽ không phải là của mình, nên khi ăn ở với chị dâu, thì cậu lại cho tinh rơi xuống đất, để không cho anh cậu có người nối dõi.10 Hành động của cậu không đẹp lòng Đức Chúa, nên Người cũng khiến cậu chết." (Stk 38:8-10). Thông thường trong Cựu Ước hình phạt không nuôi con đối với người anh trai đã khuất (hay thực hành luật hôn nhân Levirate) sẽ bị lăng nhục trước công chúng (Đnl 25:5-10). Sự thật rằng Chúa đã giết Ô-nan là bằng chứng cho thấy Ngài không hài lòng với cách Ô-nan không tuân theo luật pháp của Chúa, nghĩa là bằng cách ngừa thai.

[10] “Các chất gây ung thư đã biết và có thể xảy ra ở người,” Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 11 năm 2016, www.Cancer.org/Cancer/Cancercauses/othercarcinogens/Generalinformationaboutcarcinogens/known-andprobable-human-carcinogens.

[11] M. A. Wilson, “Thực hành kế hoạch hóa gia đình tự nhiên so với việc sử dụng kiểm soát sinh sản nhân tạo: Các vấn đề về gia đình, đạo đức và tình dục,” Tạp chí Khoa học Xã hội Công giáo, 7 (2005), 185-211.

[12] “Thánh lễ và phong thánh cho các Chân phước: Vincenzo Grossi, Mary of the Immaculate Conception, Ludovico Martin và Maria Azelia Guérin,” Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 18 tháng 10 năm 2005, w2.vatican.va/content/francesco/en/ bài giảng/2015/documents/papa-francesco_20151018_omeliacanonizzazioni.html..

[13] Ferdinand Holböck, Các Thánh và Chân phước đã Kết hôn: Qua các Thế kỷ (San Francisco: Ignatius Press, 2002), 411.