Tại sao chúng tôi BẢO VỆ SỰ SỐNG

Phần 5. LUÂN LÝ VÀ SỐ PHẬN

21

Tại sao chúng tôi BẢO VỆ SỰ SỐNG

Thời La Mã cổ đại, người cha có quyền gần như vô hạn đối với gia đình của họ. Các gia trưởng chuyên quyền (paterfamilias) này, như tên gọi của họ, thậm chí có thể bắt đứa con của chính mình và bỏ rơi trong vùng hoang dã nếu không ưa chúng; đôi khi một khách lữ hành tìm thấy mấy đứa trẻ này và nuôi chúng như nô lệ, nhưng thường thì chúng bị thú vật xé xác hay chết dần vì đói.

Trong nỗi kinh hoàng này, các thành viên của một tôn giáo mới gọi là Công giáo có một lập trường khác; giáo lý của họ cấm giết trẻ em trước và sau khi sinh, một số tín hữu còn giải cứu các đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và nuôi nấng chúng như con của mình.[1] Những người cha trong Đế chế La Mã có quyền quyết định trong hết mọi sự xảy ra với gia đình họ, còn các Kitô hữu lại nói rằng không ai có quyền trực tiếp giết một người vô tội “tùy thích."

Ngày nay việc giết đi mấy đứa trẻ mình không ưa vẫn diễn ra, nhưng không diễn ra trong hoang địa; mà trong các bệnh viện và phòng khám, nơi nó được gọi là “quyền lựa chọn.” Nhưng đúng như cách đây 2.000 năm, Giáo hội Công giáo phản đối việc giết hại các thai nhi chưa được sinh ra, và phản đối các lập luận phi tôn giáo mà bất kỳ một ai có lý trí cũng đều thấy được.

CÓ PHẢI LÀ ÁP ĐẶT ĐẠO ĐỨC?

Một vài người nói: “Không thích phá thai thì đừng phá thai!” hay, “Đừng áp đặt bài học đạo đức của anh cho tôi!" Thế nhưng nền văn minh nhân loại lúc nào cũng bắt nhau giữ đạo đức; chúng ta bắt phải nhận ăn cắp là sai với những kẻ giả làm khách mua hàng để ăn cắp, bụng nghĩ thầm “có đáng chi đâu"; chúng ta bắt phải nhận rằng hành hạ trẻ em là sai với những bậc cha mẹ cho rằng việc họ đánh con “không phải là việc của người khác." Điều quan trọng là Giáo hội không áp đặt đạo đức, mà chỉ nhẹ nhàng đề xuất một cách sống tôn trọng và nhân hậu với tất cả mọi người.

“Nhà nước không được áp đặt tôn giáo, mà phải bảo đảm tự do tôn giáo và sự hài hòa giữa các tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau.”[2] - ĐTC Bênêđictô XVI

Có lần khi tôi đang thuyết trình tại một trường đại học thế tục, một phụ nữ trong thính phòng hỏi tôi nếu tôi từ chối phá thai cho một phụ nữ mang thai đã có ba đứa trẻ thì cô ấy khó mà nuôi cho nổi. Tôi đồng ý với cô ấy rằng nghèo đói là một nỗi khó khăn đáng sợ, nhưng sau đó tôi hỏi, “Liệu người phụ nữ này có sai trái không khi giết một trong mấy đứa trẻ đã ra đời, đứa trẻ hai tuổi chẳng hạn, để có thêm nguồn tài chính cho đứa con chưa sinh?" Cô ấy nói, "Tất nhiên điều đó là sai", tôi chỉ đơn giản hỏi "Tại sao?"

“Bởi vì anh không thể giết một con người thực sự,” cô ấy trả lời.

Ý nghĩ đó mới là vấn đề, chứ không phải sự nghèo đói. Nếu thai nhi không phải là con người thực sự, thì phá thai chỉ là một phẫu thuật bình thường và chuyện phản đối phá thai với tư cách cá nhân cũng kỳ lạ như phản đối phẫu thuật tim với tư cách cá nhân; nhưng nếu thai nhi là con người như bạn hay tôi, thì sự phản đối cá nhân với việc phá thai là chưa đủ. Nếu quan tâm đến công lý và bình đẳng, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ của mọi người để tính mạng của các em bé chưa sinh có thể được pháp luật bảo vệ.

NIỀM HY VỌNG CHO MỘT NGƯỜI SAU PHÁ THAI

Giáo Hội dạy rằng lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa không bao giờ xa rời một người nam hay nữ hối lỗi vì đã tham gia vào một tiến trình phá thai. Trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết lời nhắn nhủ này cho các phụ nữ sau phá thai:

"Đừng buông xuôi chán nản và đừng mất hy vọng. Thay vào đó hãy cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra và thành thật đối diện với nó. Nếu bạn chưa làm như vậy, hãy khiêm tốn và tin tưởng vào sự sám hối. Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót sẵn sàng ban cho bạn ơn tha thứ và bình an của Người trong bí tích hòa giải. Với niềm hy vọng chắc chắn, bạn hãy phó thác con của bạn cho Chúa và lòng thương xót của Người. Với sự giúp đỡ chuyên môn và khuyên bảo thân thiện của người khác và như một hậu quả của kinh nghiệm đau thương, bạn có thể trở nên một trong những người mạnh mẽ bảo vệ quyền sống của mọi người.[3]

ĐIỀU GÌ LÀM CHO CHÚNG TA THÀNH CON NGƯỜI?

Nếu bào thai hay thai nhi đang phát triển, thì người đó phải được sống. Nếu một bào thai có cha mẹ nhân loại và chuỗi DNA nhân loại, thì người đó phải là con người. Thai nhi con người đâu có phải là một bộ phận cơ thể như tế bào da, tinh trùng hay trứng. Nó là một con người toàn thể chỉ cần thời gian, chất dinh dưỡng và môi trường phù hợp để phát triển thành một con người trưởng thành toàn diện (cũng là những điều bạn và tôi cần có để phát triển thành con người trưởng thành toàn diện).

Văn bản tiêu chuẩn y học Human Embryology & Teratology nêu rõ: “Sự thụ tinh [còn gọi là thụ thai] là một bước ngoặt quan trọng bởi vì, trong những trường hợp bình thường, một cơ thể con người mới, riêng biệt về mặt di truyền, đã được hình thành.”[4]

XÁC ĐỊNH RANH GIỚI SỰ SỐNG

* Embryo: Từ ngữ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “phôi thai đang phát triển”; một hữu thể nhân loại từ khi thụ thai cho đến tuần thứ tám của đời sống.

* Fetus: Từ ngữ tiếng Latinh có nghĩa là “thai nhi trẻ”; một hữu thể nhân loại từ tuần thứ tám của cuộc đời cho đến khi sinh ra.

Một số người nói rằng ngay cả khi một bào thai (fetus) là một thành viên của nhân loại, nó cũng không phải là một "nhân vị", không phải là "con người đầy đủ." Nhưng “nhân vị” là gì? Đó là điều làm cho chúng ta thành "con người đầy đủ"

Nếu khả năng suy nghĩ hay cảm nhận khiến ai đó trở thành một nhân vị, thì trẻ sơ sinh và một số người bẩm sinh khuyết tật sẽ trượt bài kiểm tra nhân vị đó. Trẻ sơ sinh không thể suy nghĩ hay cảm nhận nhiều hơn các động vật không phải là con người như con bò hay con chuột, nhưng chúng ta đối xử với các em bé đó tốt hơn những con vật này chỉ vì chúng là con người về mặt sinh học. Kể từ khi khoa học chứng tỏ rằng những đứa trẻ chưa sinh ra cũng thuộc về loài người, điều này có nghĩa là chúng ta phải coi trọng những đứa trẻ chưa chào đời giống như cách chúng ta coi trọng những đứa trẻ mới sinh, và bảo vệ chúng khỏi bị giết bằng cách phá thai.

Người khác lại nói rằng một đứa trẻ chưa sinh không thể sống được cho đến khi được sinh ra, vì vậy nó không phải là một con người vì nó cần cơ thể mẹ để sống; nhưng chúng ta lấy từ đâu cái quyền bắt một người có thể sống được trong môi trường này phải sống trong một môi trường mà người ấy không thể sống nổi? Hãy tưởng tượng nếu một nhóm người sao Hỏa dịch chuyển chúng ta đến hành tinh của họ, ngay lập tức chúng ta chết ngạt vì thiếu oxy. Thử hỏi hành động của họ có hợp lý không khi người trái đất không “sống được” trên sao Hỏa? Tất nhiên là không! Cũng y như thế, con người chưa sinh ra có quyền sống trong môi trường được chỉ định để duy trì sự sống của chúng: tử cung của mẹ chúng.

Về điểm này, một số người nói: “Được rồi, đó là một đứa trẻ. Nhưng tôi có quyền làm những gì tôi muốn với cơ thể của tôi.”[5] Nếu đúng là thế thì các bác sĩ không được từ chối thuốc dành cho phụ nữ mang thai như thalidomide, có hiệu quả trong việc giảm buồn nôn khi mang thai, mà cũng có thể làm cho trẻ sinh ra không tay chân. Thậm chí còn ngớ ngẩn hơn, khi cho rằng sẽ không có gì sai khi đưa một đứa trẻ sinh non, lành mạnh ra khỏi lồng ấp bệnh viện, đặt trở lại vào tử cung của mẹ, rồi giết nó, vì một người phụ nữ có thể làm “bất cứ điều gì” với cơ thể của chính mình.

Đúng là chúng ta có quyền kiểm soát cơ thể mình, nhưng điều đó không cho chúng ta quyền sử dụng cơ thể của chúng ta để làm tổn thương người vô tội khác. Điều này đặc biệt đúng với những con người nhỏ bé, chưa ra đời được một người nam và một người nữ giúp cho hình thành. Nếu chúng ta mong đợi người cha phải chịu trách nhiệm và trả tiền cấp dưỡng cho đứa trẻ họ sinh ra, thì chẳng lẽ chúng ta không được mong đợi người mẹ cũng cùng chịu trách nhiệm như thế cho đứa trẻ đó sao? Chẳng lẽ các bà mẹ lại không "cấp dưỡng cho con" qua thân thể được thiết kế một cách tự nhiên để chăm sóc đứa trẻ đó sao?

TRƯỜNG HỢP BỊ HIẾP DÂM THÌ SAO?

Phụ nữ không bao giờ có lỗi nếu cô ấy bị hãm hiếp và cô ấy không bao giờ phải bị trừng phạt vì những gì đã xảy ra. Thật không may, trong nền văn hóa của chúng ta, đôi khi chúng ta đổ lỗi cho phụ nữ về những tội xúc phạm đến họ; và ở các nền văn hóa khác, phụ nữ còn phải bị hành quyết vì mang thai do bị cưỡng hiếp. Thật dã man và sai trái; không một ai vô tội phải chịu đau khổ vì tội ác của người khác.

Nhưng còn đứa trẻ được thụ thai trong vụ hiếp dâm thì sao? Nó cũng vô tội như mẹ nó, mà chúng ta lại nói cứ để nó chịu đau khổ vì tội ác của người khác thì không sao cả. Thay vì thế, tại sao chúng ta không dành cho các nạn nhân bị hãm hiếp sự chăm sóc dịu dàng, không thành kiến, và chỉ trừng phạt mấy kẻ chịu trách nhiệm cho hành động bạo lực này?

CÓ ĐƯỢC SẢN XUẤT TRẺ EM KHÔNG?

Mặc dù ủng hộ công nghệ giúp cha mẹ thụ thai cách tự nhiên, Giáo hội phản đối sự thụ tinh trong ống nghiệm, hay IVF. Tiến trình này bao gồm việc trộn tinh trùng với trứng trong phòng thí nghiệm rồi cấy phôi thai mới hình thành vào cơ thể người phụ nữ. Đôi khi người phụ nữ này là mẹ của đứa trẻ, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ là một người lạ đóng vai trò “đẻ thuê” cho em bé.

Giáo hội phản đối IVF vì trẻ em có quyền được thụ thai và lớn lên trong dạ mẹ mình. Không được chế tạo chúng trong một phòng thí nghiệm bởi các kỹ thuật viên coi chúng như một sản phẩm. Hơn nữa, thường sẽ có nhiều hơn một phôi được tạo ra, nghĩa là đứa khỏe nhất sẽ được sống trong khi anh chị em của nó bị diệt trừ.

Một số người thấy khó mà hiểu cho được tính sai trái của việc sát hại phôi thai. Họ hình dung con người được chế tạo trong bụng mẹ cứ như một chiếc ô tô được chế tạo trong nhà máy: Chúng ta sẽ không nói đó là một chiếc ô tô khi chiếc đai ốc và bu-lông đầu tiên được vặn vào nhau, thì làm sao chúng ta có thể nói đó là một con người khi các tế bào đầu tiên đến với nhau? Nhưng sự so sánh này là không chính xác, bởi vì con người đâu có phải là do nhiều vật thể ghép lại; mà là các nhân vị đang phát triển. Sau đây là một ví dụ giáo sư luật Richard Stith đưa ra để minh họa sự khác biệt (giữa phôi thai trong dạ mẹ và ôtô trong nhà máy).[6]

Vào thế kỷ 20, máy ảnh Polaroid đã in ảnh trên giấy có sẵn bên trong máy ảnh. Khi tờ giấy hiện ra từ máy ảnh sau khi ảnh được chụp, hình ảnh thoạt tiên trông cứ như một vết nhòe màu nâu. Sau vài phút hình ảnh mới bắt đầu hiện rõ hơn trên giấy, cho đến khi nó được thành hình đầy đủ.

Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đang đi thuyền trên một hồ nước nổi tiếng ở Scotland và bạn đã chụp một tấm hình con Quái vật hồ Loch Ness từ máy ảnh Polaroid. Bạn đưa tấm hình Polaroid của con Quái vật hồ Loch Ness cho người bạn xem, người này sau đó đã ném tấm hình xuống biển và nói: “Thật đáng tiếc, đó chỉ là một hình nhòe màu nâu chứ đâu có phải là Quái vật hồ Loch Ness.”

Bạn sẽ trả lời thế nào cho người bạn đó? Bạn sẽ tức giận và hét lên, "Không! Đó là hình ảnh Quái vật hồ Loch Ness; bạn đã không cho nó có đủ thời gian thành hình để bạn thấy được nó, và bây giờ nó đã ra đi mãi mãi!”[7]

Mọi thứ là hình ảnh của Quái vật hồ Loch Ness đều có trong tấm hình đó, đúng như mọi thứ là con người mới đều có trong phôi thai nhỏ bé.

Cũng như thế, một phôi thai hay bào thai bị hủy bỏ đơn giản là một con người đang sống chưa tăng triển đến “giai đoạn sơ sinh” dễ thấy của cuộc đời. Phá hủy một phôi thai hay bào thai không kết thúc cuộc sống của một tiềm thể người mà là kết thúc đời sống của một con người với tiềm năng lớn.

Những con người nhỏ bé này, đang ở trong một giai đoạn cuộc đời mà tất cả chúng ta đều đã trải qua, sở hữu cùng một phẩm giá trong mỗi con người từ khi thụ thai cho đến khi chết đi một cách bình thường. Phẩm giá này đáng được pháp luật thừa nhận và tôn trọng, đó là lý do tại Giáo hội đấu tranh cho quyền sống của hết mọi người, đặc biệt là những con người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất.

NGƯỜI PHÁ THAI ĐÃ THAY ĐỔI SUY NGHĨ

Bác sĩ Bernard Nathanson là bác sĩ đã giám sát 60.000 ca phá thai: thậm chí ông còn cho xem ca phá thai trên chính con trai của ông.[8] Năm 1969, ông đồng sáng lập NARAL, một tổ chức chuyên bãi bỏ các luật cấm phá thai. Tuy nhiên, vào những năm 1980, Tiến sĩ Nathanson đã nhìn thấy chứng cớ rõ ràng từ siêu âm và hình ảnh thai nhi cho thấy sự phá thai hủy hoại cuộc sống của những con người nhỏ bé như thế nào.

Sau đó, ông tham gia phong trào ủng hộ sự sống và thừa nhận rằng ông và các người ủng hộ phá thai đã nói dối về số phụ nữ đã chết vì phá thai chui -bất hợp pháp- để có thể thay đổi luật cấm phá thai. Ông viết, “luôn có từ '5.000 đến 10.000 ca tử vong mỗi năm.’ Tôi thú nhận rằng tôi biết đó là những con số hoàn toàn bịa đặt, và tôi cho rằng người khác cũng làm như thế nếu họ đã không muốn suy nghĩ về điều đó; nhưng đó là một con số hữu ích cho tính 'đạo đức' của cuộc cách mạng của chúng ta.”[9].

Nathanson từ nhỏ là người Do Thái nhưng đã cải đạo sang Công giáo vào năm 1996. Ông nói: “Tôi tin vào tương lai, cho dù có chuyện gì đi nữa, bởi vì tôi đã trao đời mình cho Đức Kitô; tôi không còn quyền kiểm soát, và tôi không muốn kiểm soát. Tôi đã làm nó rối tung lên; không ai có thể làm cho nó tồi tệ hơn những gì tôi đã làm. Tôi thực sự ở trong tay Chúa.” [10] Thẻ cầu nguyện được phát tại lễ rửa tội của ông có câu Kinh Thánh: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2:4).

Tiến sĩ Nathanson đã qua đời vào ngày 21 tháng 2 năm 2011.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

BẢO VỆ SỰ SỐNG

* Người Công giáo không áp đặt các nguyên tắc đạo đức nhưng đề ra những nguyên tắc đạo đức là đối xử với hết mọi người với phẩm giá và lòng tôn trọng.

* Các phôi (embryo) và thai (fetus) người là những cá thể người sinh học. Không có sự khác biệt luân lý tương thích nào giữa con người được sinh ra và chưa được sinh ra.

* Trẻ em chưa được sinh ra không phải là những tiềm thể người mà là những con người với tiềm năng lớn phải chịu chết oan khi bị phá thai.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Didache, 2.

[2] Đức Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, 28.

[3] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 99.

[5] Một số người hiểu tại sao phá thai là sai, nhưng vẫn cho rằng trợ tử thì được. Họ nói, “Trẻ sơ sinh không hề có sự lựa chọn, nhưng phải chăng ai đó đang đau đớn khủng khiếp thì không được phép chết nếu đó là điều anh ta muốn?” Người Công giáo tin rằng mọi người đều xứng đáng được tôn trọng và được đến với các phương thuốc giảm đau; thậm chí có thể cho một người sắp chết uống thuốc giảm đau, mặc dù thuốc đó có một tác dụng phụ ngoài ý muốn là làm cho mau chết hơn. Nhưng chúng ta đã cướp đi phẩm giá của các bệnh nhân khi nói rằng những người khỏe mạnh xứng đáng được bàn về việc tự tử vì họ có “cuộc sống đáng sống”, còn với mấy người đau bệnh hay tàn tật thì tốt hơn hết là nên kết thúc cuộc sống của họ. Hợp pháp hóa việc giúp một người nào đó kết thúc cuộc đời của mình, là gây áp lực cho các bệnh nhân và người tàn tật khác, có thể làm cho họ cảm thấy họ là gánh nặng cho mấy người thân yêu của họ, để rồi họ cũng muốn kết thúc cuộc đời mình. Chúng ta gây chết êm dịu cho gia súc bị bệnh hay không muốn nuôi dù là chúng ta không muốn chúng phải chịu đau nhưng vì chúng ta không tin rằng việc điều trị đau bệnh cho chúng bằng thuốc đắt tiền hay được chăm sóc suốt ngày đêm là thích đáng. Nhưng chẳng lẽ con người không được nhận sự chăm sóc con người trong mức độ thích đáng sao? Đó là lý do tại sao Giáo hội khuyến khích các bác sĩ loại trừ bệnh tật hay loại trừ nỗi đau, nhưng không loại trừ bệnh nhân của chính họ.

[6] Richard Stith, “Arguing with Pro-Choicers,” First Things, 4/11/2006, www.firstthings.com/onthesquare/2006/11/stith-arguing-with-pro-choicer.

[7] Trong bài tiểu luận gốc của Stith, anh sử dụng ví dụ về một con báo đốm đã nhảy trở lại vào tán lá rừng rậm. Bạn tôi và cũng là đồng nghiệp phò sự sống Stephanie Gray kết hợp lập luận của Stith với ví dụ về quái vật hồ Loch Ness.

[8] Bernard Nathanson, The Hand of God (Washington, D.C.: Regnery Publishing, 1996), 58-60. Nathanson thừa nhận rằng vào thời điểm đó, “Tôi không có cảm giác gì ngoài cảm giác thành tựu, niềm tự hào về chuyên môn.”

[9] Bernard Nathanson, Aborting America (Những cuốn sách đỉnh cao, 1981), 193.

[10] Nathanson, The Hand of God, 202.