Tại sao chúng tôi TIN VÀO SỰ PHỤC SINH

7

Tại sao chúng tôi 

TIN VÀO SỰ PHỤC SINH


Kinh Thánh nói rằng nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, thì đức tin Kitô giáo thật là hão huyền (1Cr 15:17). Dù vậy, nếu Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, thì chúng ta tin Chúa Giêsu có thể giữ lời hứa ban sự sống đời đời cho những ai theo ngài (1Ga 2:25). Nhưng làm sao chúng ta biết được Chúa Giêsu đã thực sự sống lại từ cõi chết và bài mô tả của Kinh Thánh về phép lạ này không phải chỉ là một câu truyện do một ai đó bịa đặt ra?

Có một cách để xác nhận Sự Phục Sinh là cho người ta thấy đó là lời giải thích duy nhất cho bao sự kiện xung quanh cái chết của Chúa Giêsu, bao sự kiện mà hầu hết mọi người, kể cả những kẻ hoài nghi, phải đồng ý đó là một sự kiện có tính lịch sử. Ngay cả các học giả không cho rằng Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa cũng thừa nhận đó không phải là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Chẳng hạn, học giả hoài nghi John Dominic Crossan phủ nhận việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, nhưng ông nói, “Ngài bị đóng đinh là một sự kiện lịch sử chắc chắn như bao sự kiện lịch sử khác.”[1]

Cũng thế, học giả Tân Ước vô thần Gerd Lüdemann nói: “Có thể coi là chắc chắn về mặt lịch sử rằng Phêrô và các môn đồ đã có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu hiện ra với họ như là Đức Kitô phục sinh, sau cái chết của Chúa Giêsu.”[2] Lüdemann không nghĩ rằng Chúa Giêsu thực sự sống lại từ cõi chết, mà cho rằng trải nghiệm của các tông đồ là một ảo giác. Dù vậy, ông thực sự cho rằng các tông đồ nghĩ rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh, và sự kiện lịch sử này cần được giải thích.

Khi xem xét các lý thuyết khác nhau được đưa ra dưới đây để giải thích mấy sự kiện này, bạn sẽ thấy rằng chỉ có một lý thuyết có thể giải thích được cho: 1) Cái chết do khổ hình thập giá của Chúa Giêsu; 2) ngôi mộ trống của Ngài; 3) những cuộc hiện ra với các môn đệ sau khổ hình thập giá; và 4) các môn đệ sẵn sàng chịu chết vì tin rằng Chúa Giêsu thực sự sống lại từ cõi chết.

THUYẾT BẤT TỈNH

Một cách để giải thích mấy sự kiện này là cho rằng Chúa Giêsu chưa hề chết thực sự. Có thể Ngài chỉ bất tỉnh trên thập giá và tỉnh dậy trong ngôi mộ; rồi Chúa Giêsu đã gặp lại các môn đệ và họ cứ lầm tưởng rằng Người đã sống lại từ cõi chết. Nhưng cứ cho là bằng cách nào đó Chúa Giêsu vẫn còn sống sau khi bị đóng đinh thì các tông đồ sẽ không bao giờ nghĩ rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết một cách thần kỳ, và khi nhìn thấy cơ thể đẫm máu, bị cắt xẻo của Ngài, mà nghĩ là Chúa Giêsu đã thoát chết, họ sẽ hết tuyệt vọng, và mau mắn chữa trị ngay cho Ngài.

Hơn nữa, Chúa Giêsu hầu như không thể sống sót sau khi bị đóng đinh. Năm 1986, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xuất bản một bài báo phân tích những ghi chép cổ xưa về Khổ Hình Thập Giá.[3] Người ta đi đến kết luận rằng Chúa Giêsu hầu như không thể sống sót sau trận đòn quần quật xé toạc da ra khỏi cơ thể, cũng như bị ngạt thở do chịu đóng đinh vào thập giá.

THUYẾT BỊ BỎ RƠI

Biết đâu Chúa Giêsu không những bị ném vào một ngôi mộ vô danh mà còn bị lãng quên cho đến khi các môn đồ tưởng tượng thấy Ngài còn sống? Chúng ta sẽ thảo luận về một giả thuyết cho rằng các môn đệ đã bị ảo giác trong một khoảnh khắc, nhưng trước hết chúng ta hãy xem đến ý tưởng cho rằng Chúa Giêsu đã bị chôn cất một cách nhục nhã và thi thể của ngài bị bỏ rơi trong một nấm mồ chung cho các tội nhân.

Đnl 21:22-23 cấm người Do Thái bỏ lại tội phạm treo trên cây, vì vậy Chúa Giêsu phải được chôn ngay sau khi chịu chết trên thập giá. Thực ra, bộ xương duy nhất mà các nhà khảo cổ có được là bộ xương từ một nạn nhân bị đóng đinh vào thế kỷ thứ nhất được tìm thấy trong một ngôi mộ, chứ không phải là ở một miếng đất trong nghĩa địa của phạm nhân.[4] Việc chôn cất Chúa Giêsu trong một ngôi mộ cũng được mô tả trong cả bốn Phúc âm và được chứng thực trong thư thứ nhất của Phaolô gửi cho người Côrintô.

Các Phúc âm nói Giuse thành Arimathea, một thành viên của hội đồng kết án tử hình cho Chúa Giêsu, đã chôn cất Ngài (mặc dù Ga 3:1-2 cho chúng ta biết Giuse là một môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng là môn đệ trong bí mật, vì sợ các nhà lãnh đạo Do Thái khác). Nếu các tác giả Tin Mừng đã bịa ra câu chuyện Chúa Giêsu được chôn cất trong một ngôi mộ, họ sẽ chôn cất thủ lĩnh của họ một cách danh dự trong tay của bạn bè và gia đình.

Điều này cho chúng ta có được bằng chứng lịch sử xác đáng rằng sau khi chịu đóng đinh, cơ thể Chúa Giêsu được đặt trong một ngôi mộ có thể xác định và không chỉ tiêu tan trong một nghĩa địa chung.

THUYẾT ẢO GIÁC

Hầu hết các sử gia đều đồng ý là các môn đệ nghĩ rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh. Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với họ không phải là một huyền thoại phát triển vào nhiều thế kỷ sau đó mà được tông đồ Phaolô ghi lại ngay (1Cr 15:3-7). Hầu hết các sử gia công nhận rằng Phaolô đã thấy, chúng ta có các lá thư ông viết, và Phaolô có biết những ai khẳng định đã thấy Chúa Giêsu phục sinh (Gl 1:18-19). Nhưng có phải các trải nghiệm đó chỉ là một ảo giác được gây ra do nỗi đau khủng khiếp mà những người này phải chịu khi Chúa Giêsu bị hành quyết không?

Trước hết, những người thường trải nghiệm ảo giác là những cá nhân, không phải là các nhóm. Nhiều tác giả Kinh Thánh xác nhận rằng nhiều nhóm môn đệ của Chúa Giêsu khẳng định họ đã nhìn thấy Ngài sau khi Ngài chết (Lc 24:36-49, 1Cr 15:5-6). Nhà tâm lý học Gary Collins viết, “Về bản chất, chỉ có một người có thể thấy một ảo giác nhất định vào một thời điểm. Họ chắc chắn không thể thấy một ảo giác bởi một nhóm người.”[5]

Thứ đến, giả thuyết cho rằng các môn đồ thất vọng của Chúa Giêsu có ảo giác về sự phục sinh của ngài không giải thích được tại sao bao kẻ thù của Giáo hội lại tin vào Sự Phục sinh. Ví dụ nổi tiếng nhất là thánh Phaolô, một nhà lãnh đạo Do Thái đã bắt bớ Giáo hội cho đến khi có cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh khiến ngài gia nhập "nhóm Do Thái lạc đạo" mà ngài đã bắt bớ. Lời giải thích tốt nhất cho một cuộc biến đổi đột ngột như thế là Chúa Giêsu thực sự đã hiện ra với Phaolô, giống như Ngài đã hiện ra cho các môn đệ khác sau khi Ngài sống lại.

MỘT NHÀ VÔ THẦN THỪA NHẬN:
CÓ VÔ VÀN BẰNG CHỨNG

Antony Flew từng là một trong những nhà vô thần nổi tiếng nhất ở thế giới phương Tây. Bài tiểu luận của ông “Thần Học Và Sự Bóp Méo Sự Thật” là một trong những tiểu luận được in rộng rãi nhất trong lịch sử triết học thế kỷ XX. Đó là lý do tại sao có một điều đáng được xem xét đến là ngay cả ông cũng thừa nhận trong cuộc tranh luận với một Kitô hữu rằng “bằng chứng về Sự Phục Sinh mạnh hơn bao phép lạ được công bố trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Bằng chứng đó trổi vượt rõ rệt về chất lượng và số lượng.”[6]

Ví dụ, Kinh Qur'an không ghi lại việc Muhammad làm phép lạ, và các nguồn tài liệu sớm nhất về Đức Phật nói rằng Ngài đã từ chối làm phép lạ.[7] Cả hai được mô tả là đã làm phép lạ chỉ có trong truyền thuyết được viết hàng thế kỷ sau cái chết của họ. Điều này trái ngược hoàn toàn với những lời tường thuật về sự phục sinh của Đức Kitô mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh; không giống như chuyện kể về các người làm phép lạ ngày xưa, những bài tường thuật Kitô giáo này được viết ra hàng thập kỷ (chứ không phải hàng thế kỷ) sau các sự kiện họ mô tả, và được lưu giữ trong nhiều nguồn.

NGÔI MỘ TRỐNG

Ngay sau khi một người bạn thân của tôi qua đời cách đây vài năm, tôi đã có một giấc mơ sống động thấy cô ấy còn sống. Nếu tôi còn thức mà thấy cô ấy xuất hiện, thì tôi sẽ đi kiểm tra mộ của cô ấy và, nếu nó trống rỗng, thì tôi biết rằng mình không bị ảo giác. Điều này đưa chúng ta đến lập luận đơn giản nhất để chống lại thuyết ảo giác: bất cứ lúc nào các tông đồ cũng có thể thăm mộ Chúa Giêsu để xem có thi thể nào trong đó hay không, việc làm đó sẽ cho họ biết rằng Giêsu mà họ tưởng mình thấy chỉ là ảo giác mà thôi.

Chúng ta đã thấy về mặt lịch sử Chúa Giêsu chắc chắn đã được chôn cất trong một ngôi mộ có thể xác định vị trí. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng vào Chúa Nhật sau Cuộc Phục Sinh, một nhóm phụ nữ đã phát hiện ra ngôi mộ trống. Nhưng tại sao chúng ta phải tin ngôi mộ của Chúa Giêsu đã trống rỗng và các tác giả của các sách Phúc âm không bịa ra điều này? Thực sự có ba lý do có thể được tóm tắt trong từ viết tắt JET.[8]

Thứ nhất, các môn đệ rao giảng về ngôi mộ trống ở thành Jerusalem. Nếu ngôi mộ không trống, kẻ thù của Giáo hội sơ khai có thể dễ dàng lấy xác ra khỏi mộ và chứng minh Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết.

Thứ hai, những kẻ thù (Enemy) đầu tiên của Giáo hội đã đồng ý rằng ngôi mộ của Chúa Giêsu là trống. Phúc Âm Matthêu nói rằng các nhà lãnh đạo Do Thái vào thời của ông (khoảng bốn mươi đến năm mươi năm sau khi bị đóng đinh) tin rằng thi thể của Chúa Giêsu đã bị đánh cắp khỏi ngôi mộ (Mt 28:11-15). Nhà văn Kitô giáo thế kỷ thứ hai, Thánh Justinô Tử đạo, cũng nói rằng những người Do Thái vào thời của ông tin rằng thi hài của Chúa Giêsu đã bị đánh cắp.[9] Tôi sẽ giải thích một cách vắn tắt tại sao thuyết đó bị thất bại, nhưng hãy lưu ý rằng những người chỉ trích này đã không nói là các môn đệ bị ảo giác – vì họ phải giải thích tại sao ngôi mộ của Chúa Giêsu lại trống rỗng.

Cuối cùng, các Phúc âm kể lại lời chứng (Testimony) của các phụ nữ đã phát hiện ra ngôi mộ trống rỗng. Vào thời Chúa Giêsu, lời chứng của một phụ nữ được coi là chỉ đáng tin như lời của một đứa trẻ hay một tội phạm. Một bộ sưu tập trí tuệ Do Thái cổ đại được gọi là Talmud nói, “Thà đốt những lời kinh Torah còn hơn là tin vào phụ nữ.”[10] Sử gia người Do Thái Josephus nói rằng “tính nhẹ dạ và liều lĩnh” của phụ nữ khiến lời chứng của họ không đáng tin.[11] Nếu các tác giả Phúc âm đã bịa ra câu chuyện về ngôi mộ của Chúa Giêsu được tìm thấy trống rỗng, thì họ sẽ dùng đến các nhân vật đáng tin như Phêrô hay Gioan. Chi tiết gây trở ngại về việc phụ nữ khám phá ngôi mộ trống được đưa vào câu chuyện đơn giản vì đó là điều thực sự đã xảy ra.

LĂNG MỘ CỦA CHÚA GIÊSU
CÓ THẬT SỰ TRỐNG RỖNG HAY KHÔNG?

J - (Jerusalem) Các tông đồ rao giảng ở Giêrusalem là nơi ngôi mộ trống có thể bị chứng minh là sai.

E - (Enemies) Kẻ thù của đức tin đồng ý rằng ngôi mộ trống.

T - (Testimony) Lời chứng không đáng tin của phụ nữ sẽ không được viện dẫn bởi những kẻ bịa đặt.

THUYẾT LỪA GẠT

Phải chăng các môn đệ đã lấy trộm xác Chúa Giêsu rồi bảo cho mọi người rằng Đấng Cứu Thế của họ đã sống lại từ cõi chết? Không phải là không có thể, nhưng thuyết này tỏ ra cực kỳ không chắc chắn. Đó là vì không có bằng chứng nào về một sự thông đồng bị tiết lộ - không hề có ai ghi nhận được dù chỉ là lời thừa nhận của một Kitô hữu rằng tất cả thực ra chỉ là một trò lừa bịp; hơn nữa, việc gian lận thường được thực hiện vì lợi ích cá nhân. Điều duy nhất các môn đệ nhận được từ sự lừa đảo của họ là chịu bắt bớ và chịu chết. Vì chẳng một ai sẵn lòng chết vì một lời dối trá, chúng ta có thể tin chắc rằng các môn đồ Chúa Giêsu thực lòng tin vào sự Phục sinh mà họ rao giảng cho người khác.[12]

Tất nhiên, trong dòng lịch sử, nhiều người đã chết vì những điều họ cho là đúng đắn. Những kẻ đánh bom tự sát Hồi giáo chết cho niềm tin Hồi giáo vì họ tin Chúa sẽ ban thưởng cho họ trên thiên đường, nhưng lòng chân thành của họ không chứng tỏ đạo Hồi là đúng đắn. Tuy nhiên, điểm khác biệt then chốt là những kẻ đánh bom tự sát Hồi giáo ở trong một vị thế không thể biết được liệu Hồi giáo có sai lầm hay không (họ không hề có tương tác với nhà tiên tri Muhammad của Hồi giáo, người sống trước họ nhiều thế kỷ); ngược lại, các tông đồ ở một vị thế có thể biết được liệu Kitô giáo có sai lầm hay không bằng cách kiểm tra ngôi mộ của Chúa Giêsu và xem thi thể của ngài có còn ở đó hay không.

Làm gì có chuyện tất cả đều bị lừa dối hay tất cả đều chọn cái chết đau đớn để lừa người khác. Còn gì chắc chắn phải đúng hơn là sự phục sinh của Chúa Giêsu đã thực sự xảy ra và đã trao cho họ lòng can đảm để chia sẻ tin mừng này khi đối mặt với áp bức. Họ biết rằng ngay cả khi phải chết, họ sẽ được sống mãi nhờ Đức Kitô. Chúng ta cũng có thể có được sự sống đời đời nếu chúng ta tin vào lời hứa của Thiên Chúa và quyết định lãnh nhận bí tích thánh tẩy trong Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô (Rm 6:3-5).

“CON ĐÃ SẴN SÀNG TRỞ NÊN MỘT KITÔ HỮU"

Tôi nhớ về một đêm không ngủ ở trường trung học để xem mấy cuộc tranh luận trên Internet giữa các Kitô hữu và những người vô thần. Một câu hỏi cứ làm tôi băn khoăn: Tất cả bắt đầu như thế nào? Kitô giáo đã không bắt đầu với một người có thị kiến về Chúa mà không ai khác có thể xác nhận, mà Kitô giáo đã bắt đầu với lời khẳng định công khai rằng một người đã sống lại từ cõi chết. Lời khẳng định đó được kèm theo với các bằng chứng lịch sử, như ngôi mộ trống rỗng đã chứng minh rằng đây không phải là một trò lừa bịp hay ảo giác. Đêm đó tôi nhận ra Chúa Giêsu thực sự đang sống và Ngài là Thiên Chúa ở “ngoài kia” mà tôi đã lờ mờ nghĩ đến trong nhiều năm. Rồi tôi cúi đầu mở rộng lòng bàn tay và nguyện xin: “Chúa ơi, nếu Chúa có thật, xin giúp con tin. Con đã sẵn sàng để trở nên một Kitô hữu.”

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

SỰ PHỤC SINH

* Ngay cả những kẻ hoài nghi cũng thừa nhận rằng Chúa Giêsu đã bị đóng đinh, đã được chôn cất, ngôi mộ của Ngài đã được phát hiện trống rỗng, các môn đệ của Ngài đã gặp gỡ Ngài sau khi Ngài qua đời và họ sẵn sàng chết vì sự thật đó.

* Những lời giải thích khác, như ảo giác hay lừa đảo, chỉ giải thích được một vài sự kiện mà thôi.

* Lời giải thích hợp lý nhất cho hết mọi chuyện này là Chúa Giêsu đã thực sự sống lại từ cõi chết.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] John Dominic Crossan, Jesus: A Revolution Biography (San Francisco: HarperCollins, 2009), 163.

[2] Gerd Lüdemann, Điều gì thực sự xảy ra với Chúa Giêsu?, trans. John Bowden (Louisville, Ky.: Westminster John Knox Press, 1995), 80.

[3] William Edwards, Wesley Gabel, và Floyd Hosmer, “Về Cái Chết Thể Lý của Chúa Giêsu Kitô,” Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, 255, số. 11 (21-3-1986), 1457.

[4] Bộ xương thuộc về Yehohanan ở làng Giv’at Ha-Mivtar. Matthew W. Maslen và Piers D. Mitchell, “Các lý thuyết y học về nguyên nhân cái chết khi bị đóng đinh,” Journal of the Royal Society of Medicine 99, no. 4 (2006), 185-88.

[5] Gary R. Habermas và J.P. Moreland, Sự bất tử: Phía bên kia của cái chết (Nashville, Tenn.: Nelson, 1992), 60.

[6] Gary R. Habermas và Antony Flew, “Chuyến hành hương của tôi từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa hữu thần: Cuộc phỏng vấn độc quyền với Cựu giáo sư vô thần người Anh Antony Flew,” Faculty Publications and Presentations of Liberty University Paper, 2004, 333.

[7] Lời Đức Phật đã nói được ghi lại trong Sutta 11.5 của Digha Nikaya, “Thấy sự nguy hiểm của những phép lạ như vậy, tôi không thích, từ chối và coi thường chúng.” Sura 13:7 của Kinh Qur'an nói, "Những người không tin nói, 'Tại sao không có một dấu hiệu nào được gửi xuống cho ông từ Chúa của ông?’ Ông chỉ là một người cảnh báo, và là một người hướng dẫn cho mọi người. Vai trò của Muhammad chỉ đơn giản là rao giảng về Allah, không phải là thực hiện bất kỳ một phép lạ nào.

[8] Gary Habermas và Michael Licona, Trường hợp về sự Phục sinh của Chúa Giêsu (Grand Rapids, Mich.: Kregel Publications, 2004), 70.

[9] Thánh Justin Tử đạo, Đối thoại với Trypho, chương CVIII.

[10] Talmud, Sotah 3:4, 19a (được trích dẫn trong Rachel Keren, “Nghiên cứu Torah,” trong Phụ nữ Do Thái: Bách khoa toàn thư lịch sử toàn diện, ngày 20 tháng 3 năm 2009, Jewish Women’s Archive, http://jwa.org/encyclopedia/article/torah-study); and Talmud Rosh Hashanah, 22a.

[11] Josephus, Phong tục đời xưa của người Do Thái, 4.8.15.

[12] Thánh Giáo hoàng Clêmentê, một môn đệ của Thánh Phêrô, đã viết trong thư gửi tín hữu Côrintô rằng chẳng hạn như Thánh Phêrô, “vì chịu đố kị bất chính, đã phải chịu đựng không phải một hai lần mà là vô số lao nhọc, và cuối cùng khi phải chịu đựng tử vì đạo, đã lên đường đến nơi vinh quang dành cho mình. Vì bị ghen tị, Phaolô cũng đã nhận được phần thưởng là sức chịu đựng kiên nhẫn. và chịu tử đạo dưới quyền các thủ lãnh” (Clement I, 5:4-5). Thánh Polycarp thành Smyrna, một môn đệ của Thánh Gioan, mô tả sự chịu đựng của Chúa Giêsu cho đến chết và tương tự như vậy, khuyến khích các tín hữu “thực hành tất cả sự chịu đựng, điều mà chính mắt anh em đã thấy nơi thánh Ignatius và Zosimus và Rufus, và nơi những người khác, những người đến từ anh em, cũng như nơi chính Phaolô và các sứ đồ còn lại” (Thư gửi tín hữu Philip, 9.1). Vì đích thân Clêmentê và Polycarpô biết các tông đồ, nên chúng ta có thể mạnh tin vào lời chứng của các ngài rằng Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã thực sự tử vì đạo. Cuối cùng, Josephus kể rằng Giacôbê, mà ông mô tả là “em của Chúa Giêsu,” đã bị thầy thượng phẩm Caipha ném đá vì vi phạm luật pháp (Phong tục đời xưa của người Do Thái, 20.9.1).