Tại sao chúng tôi TIN VÀO CHÚA BA NGÔI

8

Tại sao chúng tôi TIN VÀO CHÚA BA NGÔI


Khi đi bộ về nhà sau giờ học với người bạn là Adam, tôi nói với anh ta về những gì tôi đã thảo luận với các sinh viên tại nhóm thanh niên Công giáo.

Tôi nói: “Chúng tôi đang nói về Chúa Giêsu và họ nghĩ rằng Ngài là Thiên Chúa.”

“Ý anh định nói Ngài là Thiên Chúa Đấng tạo dựng muôn loài?”

"Vâng."

Adam nhìn xuống để cân nhắc về điều này rồi nói: “Nhưng tôi nghĩ họ tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa.”

“Đúng thế,” tôi trả lời, “nhưng tôi không chắc về sự khác biệt. Tôi sẽ xem xét điều đó.”

Sau đó, tôi đọc sách, đặc biệt là Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo. Về cơ bản đây là cuốn sách giải thích những gì người Công giáo tin. Theo Giáo lý, các Kitô hữu tin vào một Thiên Chúa hiện hữu như là một Thiên Chúa trong Ba Ngôi vị thần linh - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tức là, “Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn.” (GLCG 253).

Nhưng làm sao có thể có một Thiên Chúa mà lại có ba ngôi vị? Đó không phải là một mâu thuẫn sao?

TAM VỊ NHẤT THỂ LÀ GÌ?

Để hiểu Tam Vị Nhất Thể, chúng ta phải hiểu ba từ khóa: hữu thể, ngôi vị, bản tính.

Một hữu thể là một thực thể đang hiện hữu, hay là “cái đó”; một ngôi vị là một cá thể có lý trí hay là ai”; và một bản tính đề cập đến là "." Ví dụ, bạn đang hiện hữu nên bạn là một loại hữu thể (trong trường hợp này bạn là một sinh vật). Bạn cũng là một ngôi vị có một bản tính con người, tức là bạn có năng lực hành động theo một cách thế đặc trưng của con người. Vì vậy, bạn là một hữu thể, hữu thể đó là một ngôi vị sở hữu một bản tính nhân loại.

LÀM RÕ CÁC HẠN TỪ:

* Hữu thể: Một thực thể đang hiện hữu (là cái đó).

* Ngôi vị: Một mối liên hệ hay cá thể có lý trí (là ai).

* Bản tính: Các tính chất và mục tiêu của một hữu thể (là ).

Thiên Chúa là một hữu thể hiện hữu trong ba ngôi vị, mỗi ngôi vị đều sở hữu trọn vẹn bản tính thần linh.

Thế thì điều này có liên quan như thế nào với Thiên Chúa? Kitô hữu không tin Thiên Chúa là một ngôi vị với vô số thuộc tính. Niềm tin đó, như người Do Thái và người Hồi giáo tin, được gọi là thuyết nhất thể. Các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa là một hữu thể hiện hữu trong ba ngôi vị, mỗi ngôi vị sở hữu trọn vẹn bản tính thần linh. Các Kitô hữu không theo thuyết nhất thể mà là tam vị nhất thể. Họ tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và Kinh Thánh cho biết Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa và Chúa Thánh Linh là Thiên Chúa, điều này có nghĩa là một Thiên Chúa phải là ba ngôi vị. Phúc âm Mt 28:19 gợi ý về thực tại này khi nói Chúa Giêsu đã ra lệnh rửa tội nhân danh (số ít) Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

CHÚA THÁNH THẦN
CÓ PHẢI LÀ THIÊN CHÚA KHÔNG?

Nhiều người nghĩ Thánh Thần chỉ là một sức mạnh nào đó, nhưng Kinh Thánh mô tả Chúa Thánh Thần nói với mọi người có câu cú, chứng tỏ Ngài là một ngôi vị (Cv 13: 2). Kinh Thánh cũng nói Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta “tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13), và chỉ có Thánh Linh mới hiểu được ý nghĩ của Thiên Chúa (1Cr 2:11). Ngoài Thiên Chúa, nào ai có thể biết hết mọi sự thật hay hiểu được ý nghĩ của Thiên Chúa?

Tông đồ Phêrô cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa khi ông hỏi Kha-na-ni-a, người đã nói dối và giữ lại một phần tiền khi giao tiền cho các tông đồ, "Anh Kha-na-ni-a, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa." (Cv 5:3-4).

Không chỉ Chúa Thánh Thần mới là ngôi vị bị lừa dối, mà lừa dối Chúa Thánh Thần cũng là lừa dối Thiên Chúa, vì Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba trong Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta không thể hiểu được Tam Vị Nhất Thể nếu chúng ta đồng hóa “hữu thể” và “ngôi vị” với nhau, coi hữu thể cũng là ngôi vị. Nếu chúng ta biết rằng có những hữu thể không là ngôi vị (giả như gỗ đá và cây cỏ) và có những hữu thể là một ngôi vị (giả như con người và các thiên thần), thì chúng ta cũng thấy rằng có thể có một hữu thể là ba ngôi vị, hay Thiên Chúa.

THIÊN CHÚA HAY MỘT THIÊN CHÚA?

Có một cách để hiểu tường tận hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi là nhìn đến các niềm tin đã hiểu sai về Chúa Ba Ngôi. Giả dụ như khi tôi nói chuyện với hai nhà truyền giáo Mormon, chúng tôi thảo luận liệu xem họ có tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa hay không. Họ nói, “Chính xác, Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa.” Rồi tôi hỏi xem họ có cầu nguyện với Chúa Giêsu không, họ có vẻ rất khó chịu và nói: “Không, người Mormon không làm như thế.”

Lý do khiến người Mormon không cầu nguyện với Đức Giêsu là vì họ tin rằng Chúa Ba Ngôi là một sự tập hợp của ba hữu thể thần linh tách biệt, chứ không phải ba ngôi vị trong một hữu thể, và rằng Chúa Cha đã tạo ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[1] Thậm chí họ còn tin Chúa Giêsu là “anh cả” của chúng ta, và nếu chúng ta làm theo những gì Giáo hội Mormon dạy, chúng ta sẽ trở thành “các vị thần”, y như Chúa Giêsu và Chúa Cha “đã trở thành các vị thần” vào một thời điểm trong quá khứ.[2] Điều này, tất nhiên, mâu thuẫn với bằng chứng mà chúng ta đã thảo luận trước đó, cho thấy rằng Đấng Tạo Hóa của vũ trụ phải vô hạn trong hiện hữu và do đó mà chỉ có thể có duy nhất một Thiên Chúa vô hạn mà thôi; điều này cũng mâu thuẫn với lời chứng của Kinh Thánh nói rằng chỉ có một Thiên Chúa (Đnl 4:39, Is 45:5, Ga 17:3).[3]

Sau khi nghe điều này, tôi đã nói với những nhà truyền giáo: “Tôi đánh giá cao việc các anh đang cố gắng chia sẻ đức tin của các anh, nhưng tôi muốn trở nên một Kitô hữu. Lý do khiến tôi không bao giờ có thể trở thành một người Mormon là vì tôi có thể sẽ bỏ lỡ mối quan hệ với Chúa Giêsu Kitô. Tôi yêu thích cầu nguyện với Chúa Giêsu và tôi biết rằng ngài không phải là 'một thiên chúa', nhưng như tông đồ Tôma đã nói, ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28).

Nhân Chứng Giêhôva cũng phủ nhận Chúa Ba Ngôi vì họ tin rằng chỉ có một “Thiên Chúa chân thật” hay “quyền năng”, là Chúa Cha. Họ nói Đức Giêsu chỉ là “một thiên chúa” do Chúa Cha tạo nên, vì Đức Giêsu đã nói: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14:28). Nhưng khi Đức Giêsu nói điều này, Ngài muốn nói Chúa Cha lớn hơn Ngài về vị trí; vì lúc bấy giờ, Chúa Cha vinh quang ngự trị trên trời còn Đức Giêsu khiêm nhường phục vụ dưới đất.

Khi Chúa Con làm người, Ngài “bị thua kém các thiên thần” (Dt 2:9), nhưng Đức Giêsu không phải là một con người trổi vượt hay là một thiên sứ nào đó. (Nhân Chứng Giêhôva nghĩ rằng Đức Giêsu và tổng lãnh thiên thần Michael cũng là một.)[4] Dt 1:4-6 nói Đức Giêsu trổi hơn nhiều so với các thiên thần như danh hiệu của Ngài cao cả hơn danh hiệu các thiên thần. Vì Thiên Chúa chưa hề nói với một thiên thần nào rằng: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con?" hay lập lại, “Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta?" Và lập lại một lần nữa, khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Ngài nói, “Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.”.[5]

Các thiên thần không tôn thờ các thiên thần khác; họ tôn thờ Thiên Chúa duy nhất. Nhưng nếu con của một con thú là một con thú, con của một con người là một con người, thì con của Thiên Chúa phải là Thiên Chúa. Nếu chỉ có một Thiên Chúa, thì Thiên Chúa phải hiện hữu theo cách có nhiều hơn một ngôi vị để có thể được tôn thờ: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

THIÊN CHÚA CÓ THỂ CHẾT KHÔNG?

Có người hỏi: “Làm sao Chúa Giêsu có thể là Thiên Chúa nếu Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa? Làm sao Đức Giêsu có thể là Thiên Chúa nếu Ngài chịu chết trên thập giá?

Nói rằng “Chúa Giêsu là Thiên Chúa” có nghĩa Chúa Giêsu là một ngôi vị thần linh, một trong ba ngôi vị thần linh thuộc về Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không làm người, nhưng Chúa Con đã làm người. Khi làm người, Chúa Giêsu vẫn là một ngôi vị thần linh, với đầy đủ bản tính thần linh, nhưng Ngài cũng mang thêm bản tính con người. Vì vậy, bất cứ điều gì đúng với Chúa Giêsu thì cũng đúng với Thiên Chúa, cho dù điều đó mới nghe có vẻ lạ lùng. Ví như, khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, thì cũng đúng là Thiên Chúa chết trên thập giá, vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, Thiên Chúa không ngừng hiện hữu, nhưng chết không phải là ngừng hiện hữu. Sự chết xảy ra khi các bộ phận của một hữu thể đang sống bị phân ly thành các nguyên tố cơ bản, hay bị phân hủy. Linh hồn của Chúa Giêsu đã bị phân ly khỏi thể xác nên Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã chết. Chúa Giêsu đã không ngừng hiện hữu, nhưng linh hồn của Ngài đã thực sự phân ly với thân xác. Tuy nhiên, nhờ thần tính của Chúa Giêsu, Ngài đã có thể tái hợp thân xác và linh hồn và làm cho mình trỗi dậy từ cõi chết.[6] Chúa đã chết trên thập giá, nhưng Ngài cũng đã trỗi dậy từ cõi chết để bước vào cuộc sống vinh quang vĩnh cửu.

Cũng như thế, khi Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa, Ngài không nói chuyện với chính mình – Ngài cầu nguyện với Chúa Cha. Vì Thiên Chúa không chỉ là một ngôi vị, nên không có mâu thuẫn trong việc Chúa Con làm người và cầu nguyện với Chúa Cha, Đấng ngự trên thiên đường. Chúa là cha đã nhận chúng ta làm nghĩa tử (Rm 8:15), nhưng là cha của Chúa Giêsu theo bản tính (Ga 1:18), vì cả Cha và Con đều là thần linh như nhau. Thực ra Kinh Thánh cho chúng ta biết người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Ngài “nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.” (Ga 5:18).

MỘT NGÔI HAY BA NGÔI?

Một sự hiểu lầm khác xảy ra khi người ta nói rằng Chúa Ba Ngôi cũng giống như một người vừa là cha, vừa là chồng, vừa là con trai cùng một lúc. Đây không phải là thuyết ba ngôi, nhưng là dị giáo của hình thái luận, cho rằng Chúa Ba Ngôi được tạo thành từ ba khía cạnh hay hình thái của Thiên Chúa, mỗi ngôi có một vai trò khác nhau. Ý tưởng này rất phổ biến trong các Kitô hữu được gọi là những Kitô hữu “chỉ có Chúa Giêsu” hay là những người Ngũ Tuần Hiệp Nhất.

Họ nói chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa tỏ mình ra như là Cha vào một vài thời điểm, như là Con và Thánh Thần vào các thời điểm khác. Nhưng điều này làm cho các đoạn Kinh Thánh mô tả Đức Giêsu nói chuyện với Chúa Cha (Ga 17), nói rằng Ngài sẽ trở về cùng Chúa Cha (Ga 14:12), hay Chúa Con sẽ sai Thánh Linh thay thế cho Ngài (Ga 14:16-17, Cv 2:33) trở nên vô lý.

Vì vai trò làm chồng và làm cha của tôi không thể nói chuyện với nhau, nghĩa là Con Thiên Chúa không phải là một “vai diễn” của Thiên Chúa. Ngài là một ngôi vị Thiên Chúa, hay là ngôi vị của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa không phải là một ngôi vị mà là một hữu thể với ba ngôi vị bằng nhau, vĩnh cửu.

MỘT ẢNH HƯỞNG CỦA NGOẠI GIÁO?

Một vài tín hữu giáo phái Nhân Chứng Giêhôva nói rằng các Kitô hữu đầu tiên không tin Chúa Ba Ngôi. Họ nói khi Kitô giáo trở nên tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ tư, các lương dân cải đạo đã mang theo họ ý tưởng dị giáo về Thiên Chúa này. Nhưng trước đó một trăm năm, văn sĩ Tertullian của giáo hội đã nói, “Sự hiệp nhất được phân phối trong Chúa Ba Ngôi. Ba ngôi xếp theo thứ tự, là Cha, Con, và Thánh thần.”[7]

Dù sao đi nữa, xét cho cùng đó là một mầu nhiệm nằm ngoài lý trí của nhân loại, nhưng học thuyết về Chúa Ba Ngôi không chỉ là một số vấn đề về từ ngữ thần học. Thật vậy, học thuyết này thể hiện một trong những thuộc tính tuyệt vời nhất của Thiên Chúa: rằng Ngài là tình yêu (1Ga 4:8).

Thiên Chúa không phải là một hữu thể đơn độc tự mình hiện hữu từ ngàn xưa. Là tình yêu, Thiên Chúa là mối tương quan vĩnh viễn trao và nhận tình yêu với nhau giữa các ngôi vị. Tình yêu của Thiên Chúa bao la rộng lớn đến nỗi Người muốn chia sẻ tình yêu đó với mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu đã đưa ra quan điểm này khi nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14:23).

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

CHÚA BA NGÔI

* Kinh Thánh dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa.

* Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba ngôi riêng biệt cùng chia sẻ một bản tính thần linh - nghĩa là mỗi ngôi trong ba ngôi đều là Thiên Chúa.

* Vì vậy, Thiên Chúa là một hữu thể hiện hữu như một Thiên Chúa trong Ba Ngôi thần linh bằng nhau và hằng hữu đời đời.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Một số người Mormon cho rằng lý do khiến họ chỉ cầu nguyện với Chúa Cha (người mà họ gọi là “Cha Trên Trời”) là vì Chúa Giêsu đã dạy các môn đồ cầu nguyện với “Cha chúng ta” và vì Chúa Giêsu đã bảo các môn đồ của ngài “hãy cầu xin Chúa Cha nhân danh ta.” Dĩ nhiên, chỉ vì Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách cầu nguyện không có nghĩa đó là cách duy nhất để cầu nguyện. Xét cho cùng, những người Mormon tạ ơn Cha Trên Trời mặc dù Chúa Giêsu không hề cho những người theo Ngài biết cách phải tạ ơn Thiên Chúa thế nào qua Kinh Lạy Cha. Có nhiều khả năng người Mormon chỉ cầu nguyện với Chúa Cha vì tuân theo quy định trong Sách Mormon, khi Chúa Giêsu phán: “Các ngươi phải luôn luôn cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh ta” (3 Nephi 18:19).

[2] Người Mormon tin rằng tất cả chúng ta (cùng với Chúa Giêsu) đều là con cái tinh thần của Thiên Chúa. Nhưng như một trang web biện giải của người Mormon thừa nhận: “Nói một cách máy móc thì đúng là Chúa Giêsu và Satan là ‘anh em’, theo nghĩa cả hai đều có cùng một người cha tinh thần, là Chúa Cha” (en.fairmormon.org/Jesus_Christ/Brother_of_Satan). Niềm tin chúng ta sẽ trở thành các vị thần là hệ quả của việc người Mormon tin rằng Chúa và con người thuộc về những loài như nhau. Con người chỉ đơn giản là những vị thần kém phát triển và có tiềm năng được “nên cao cả” hay trở thành các vị thần - miễn là họ tuân theo những lời dạy của Giáo hội Các Thánh Hiện Đại (Church of Latter-day Saints). Joseph Smith đã nói trong Bài giảng King Follett, “Vậy thì, đây là cuộc sống vĩnh cửu - biết Thiên Chúa chân thật và thông sáng duy nhất; và bạn phải học làm thế nào để trở thành các vị thần, và trở thành các vị vua và thầy tư tế của Thiên Chúa, như tất cả các vị thần đã làm trước bạn, tức là, bằng cách đi từ trình độ nhỏ sang trình độ khác, và từ khả năng nhỏ đến khả năng lớn; từ ân sủng đến ân sủng, từ cao cả đến cao cả.” Để biết thêm chi tiết, hãy xem tập sách 20 câu trả lời về đạo Mormon của tôi.

[3] Trong Is 44:8 Thiên Chúa phán: “Hỏi có thần nào khác, ngoại trừ Ta? Ta biết chắc là không.” Nếu Chúa của thế giới này là Đấng biết hết mọi sự, vậy chẳng lẽ Ngài không biết về vị Thần mà Ngài tôn thờ khi Ngài là một con người sao? Chúa cũng làm cho rõ ràng trong Is 43:10 rằng "Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành, và sau Ta cũng vậy." Điều này không thể quy về các vị thần giả hay ngẫu tượng, bởi vì cho đến ngày nay nhiều thứ đó vẫn còn được “tạo thành." Thay vào đó, Kinh Thánh dạy rằng không có Thiên Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa chân thật duy nhất đã hiện hữu, và sẽ không có Thiên Chúa nào khác hiện hữu. Sách Tân Ước cũng kiên quyết dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Chúa Giêsu mô tả Thiên Chúa là “Thiên Chúa duy nhất” (Ga 5:44) và “Thiên Chúa duy nhất và chân thật” (Ga 17:3). Thánh Phaolô mô tả Thiên Chúa là “chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí” (Rm 16:27) và chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử. (1 Tm 6:16).

[4]Kinh Thánh chỉ cho thấy Chúa Giêsu Kitô phục sinh như là thủ lĩnh của tất cả các thiên thần - Tổng lãnh thiên thần Michael.” “Tổng lãnh thiên thần Michael là ai?” Hãy thức tỉnh! Ngày 8 tháng 2 năm 2002, 17,
http://wol.jw.org/en/wol/d/r1/lpe/102002085. Dù vậy, Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giêsu không phải là một thiên sứ, vì vậy khẳng định này là sai (Dt 1:4-6).

[5] Từ “con đầu lòng” trong tiếng Hy Lạp, prototokos, có thể ám chỉ một vị trí đặc biệt mà một người nào đó có được xứng đáng với danh dự và đặc quyền, và không chỉ thứ tự sinh giữa các anh chị em theo nghĩa đen. Ví dụ, trong Tv 89:28 Thiên Chúa phán về Đa-vít, “Ta sẽ đặt Người làm trưởng tử, cao cả hơn vua chúa trần gian.” Rõ ràng, David không phải là vị vua đầu tiên trị vì trong số các vị vua trên mặt đất. Thay vào đó, ông được đặt ở một vị trí ưu việt hay uy quyền trên tất cả các vị vua khác. Nhưng cũng giống như con đầu lòng của các vị vua là người cai trị các vị vua, theo đó con đầu lòng của sự sáng tạo, hay Chúa Giêsu, như Cl 1:15 mô tả về ngài, là người nắm quyền cai trị mọi loài thụ tạo.

[6] Khi Kinh Thánh viết, “Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết,” câu đó ám chỉ Chúa Cha, Chúa Con (Ga 2:19-21), và Chúa Thánh Thần tất cả đều làm cho Người sống lại từ cõi chết. Xem thêm GLCG 648.

[7] Tertullian, Chống lại Praxeas, 2.