Tại sao chúng tôi TIN VÀO CHÚA GIÊSU

 PHẦN 2: CHÚA GIÊSU & KINH THÁNH

6

Tại sao chúng tôi 

TIN VÀO CHÚA GIÊSU


Nhiều người tin có một Thiên Chúa, hay ít nhất là tin có một “quyền lực trên cao” đã dựng nên vũ trụ. Họ không tin là phải theo đạo thì mới biết Thiên Chúa; họ thắc mắc: “Tại sao tôi phải theo một tôn giáo như Kitô giáo với hết mọi thứ lề luật và thói đạo đức giả của nó? Tôi thà giữ đạo tại tâm còn hơn là theo một tín ngưỡng."

TÂM LINH KHÁC VỚI TÍN NGƯỠNG

Trước hết, đời sống tâm linh không phải là điều xấu. Một người có đời sống tâm linh là người biết rằng vạn vật có nhiều chuyện hơn là chuyện vật chất; thậm chí họ có thể tạ ơn Chúa vì thế giới xinh đẹp mà Ngài đã sáng tạo; nhưng cũng như phần lớn nhân loại ai cũng ưa thích gặp vị nghệ sĩ mình ái mộ, một người thực sự có đời sống tâm linh sẽ muốn biết đến vị nghệ sĩ đã tạo nên toàn bộ vũ trụ này. Tiến trình nhận biết Thiên Chúa và đáp lại sự mặc khải của Ngài chính là bản chất của tôn giáo.

KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ TÔN GIÁO?

“Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian." (Gc 1,26-27)

Đạo đức giả, bạo lực và “hàng loạt danh sách dài lề luật” không phải là lý do chính đáng để từ chối một tổ chức tôn giáo, hay bất kỳ một hoạt động có tổ chức nào của con người. Hãy tưởng tượng có ai đó nói rằng, “Tôi không thể tin vào các tổ chức thi đấu thể thao. Các giải đấu thể thao đầy kẻ gian lận và những người hâm mộ toàn là những kẻ ngớ ngẩn đáng ghét. Một số thậm chí còn gây ra bạo lực khi nổi loạn sau các trận đấu. Và có rất nhiều quy tắc vô lý! Tôi có thể chơi thể thao một mình mà không thèm chơi, thậm chí là không thèm xem các giải thể thao được tổ chức.”[1]

Bạn có thể thấy mấy lời chỉ trích này có cùng một giọng điệu với mấy lời chỉ trích đối với các tổ chức tôn giáo.

Sẽ là không công bằng khi nói rằng tất cả các vận động viên đều gian lận hay tất cả những người hâm mộ thể thao đều là đồ khốn, cũng sẽ không công bằng khi bôi nhọ tất cả các Kitô hữu là những kẻ đạo đức giả; điều này cũng đúng khi xem đến các khẳng định về bạo lực tôn giáo, cũng như ý kiến cho rằng “tôn giáo phải chịu trách nhiệm cho hầu hết các cuộc chiến tranh.” Những kẻ bạo loạn thể thao không đại diện cho hết mọi người hâm mộ thể thao và những kẻ bạo lực tôn giáo không đại diện cho hết mọi tín hữu; hầu hết các cuộc chiến tranh không phải là chiến đấu vì tôn giáo nhưng vì các lý do phi tôn giáo, chẳng hạn như bảo vệ đất đai hay tài nguyên thiên nhiên.

Còn mấy lề luật được cho là quê mùa của tôn giáo thì sao?

Trước hết, mọi nền văn hóa đều có nhiều kỳ vọng về cung cách ứng xử mà nếu muốn viết xuống hết, bạn sẽ có một danh sách quy tắc khá dài. Nói “xin vui lòng” và “cảm ơn”, không dùng điện thoại khi ăn, cởi giày khi vào nhà, đừng lặn xuống phía cạn của hồ bơi, v.v. Sách luật chính thức của Giải Bóng bầu dục Vô địch Quốc gia dài hơn 300 trang - mà đó chỉ là dành cho một trò chơi! Vì Chúa yêu chúng ta, và cuộc sống phức tạp hơn phép ứng xử trên bàn ăn hay trong bóng đá, nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy lời mặc khải của Chúa bao gồm một số khá lớn nhiều nguyên tắc giúp chúng ta được hạnh phúc và có sức mạnh trong tâm hồn.

Nhưng làm sao để biết được rằng các nguyên tắc này thực sự đến từ Thiên Chúa chứ không phải là do người ta đặt ra? Làm sao chúng ta biết được mình phải theo mặc khải nào hay nguyên tắc tôn giáo nào? Chúng ta có thể tìm ra câu trả lời bằng cách tập trung chú ý vào nhân vật quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

CÂU HỎI GIÊSU

Khi quyết định xem mình có nên theo đạo Công giáo hay không, tôi thấy tôi phải chắc chắn được rằng mình đã đọc thật nhiều về các tôn giáo khác, đọc nhiều hết sức có thể. Lúc đầu, tôi thấy nặng nề không chịu nổi khi so sánh giáo lý Công giáo với các giáo huấn về đức tin của Hồi giáo, Ấn giáo và Phật giáo, nhưng rồi tôi nhận ra có một điểm chung trong giáo huấn của các tôn giáo kia để so sánh: các tôn giáo đó đều có một bài giáo huấn về Chúa Giêsu Kitô.

Hầu hết mọi tôn giáo lớn trên thế giới đều có lời dạy về nhân vật Giêsu. Người Do Thái nói rằng Giêsu là thầy dạy của nhân loại, người Hồi giáo nói rằng ngài là một nhà tiên tri, và người theo Ấn giáo và Phật giáo nói rằng Giêsu là một “người đã giác ngộ." Về cơ bản, tất cả họ đều nói một điều giống nhau: Giêsu là một vĩ nhân, nhưng không phải là Thiên Chúa. Như vậy, nếu Giêsu thực sự là Thiên Chúa thì các tôn giáo này dù có các giáo huấn tốt đến đâu đi nữa thì vẫn không phải là sự mặc khải của Thiên Chúa. Theo tôi, làm sao họ có thể là lời mặc khải của Thiên Chúa nếu họ không thể nói gì về giây phút đáng kinh ngạc khi Thiên Chúa nhập thể làm người trong con người Giêsu Kitô?

BẰNG CHỨNG NGOÀI KINH THÁNH CHO CHÚA GIÊSU

Josephus, sử gia Do Thái vào thế kỷ thứ nhất nói rằng Chúa Giêsu là một người khôn ngoan bị Pontius Pilate kết án đóng đinh vào thập giá.[2] Vào đầu thế kỷ thứ hai, sử gia người La Mã là Tacitus cho biết Kitô hữu nhận được tên của họ từ “Christus”, người “đã bị xử tử bởi Pontius Pilate, tổng trấn của Judea ở triều đại của Tiberius.”[3] Bart Ehrman, một học giả theo thuyết bất khả tri, là chuyên gia hàng đầu về Kinh Thánh, đã viết, “Hầu hết mọi chuyên gia trên trái đất đều cho rằng Chúa Giêsu đã hiện diện.”[4]

Chẳng đáng ngạc nhiên sao khi ngay cả cái tên Giêsu Kitô cũng có thể gây ra căng thẳng và khó chịu? Một số người nói rằng cái tên đó gợi ra cho người ta về bao kinh nghiệm tiêu cực họ đã biết trong giáo hội hay trong lịch sử Kitô giáo đầy bạo lực. Nhưng mấy từ “Kitô giáo” hay “Giáo hội Công giáo” không gây nên sự bất an như thế. Tôi sẽ cho thấy cái tên này khơi dậy nhiều cảm xúc mạnh mẽ trong lòng người vì bản thân cái tên này có sức mạnh; và cái tên Giêsu có sức mạnh vì người mang cái tên đó chính là Thiên Chúa trong thân xác con người và có quyền năng vô biên.

Tại sao chúng ta phải tin vào một khẳng định lạ thường như vậy? Đây là ba lý do:

1. Chúa Giêsu tin Ngài là Thiên Chúa, và chúng ta có thể tin Ngài.

Chúa Giêsu tự xem mình còn hơn một nhà tiên tri hay thầy dạy của loài người. Ví dụ, Đức Phật nói: “Hãy là ngọn đèn cho chính mình... hãy níu chặt vào sự thật như một nơi ẩn náu,”[5] trong khi Chúa Giêsu lại phán, “Tôi là ánh sáng thế gian.” (Ga 8:12). Chúa Giêsu cũng nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6).

Một manh mối khác về danh tính thần linh của Chúa Giêsu là Chúa Giêsu đã hành xử như là Thiên Chúa. Chẳng hạn, Ngài đã tha thứ tội lỗi, đã làm công việc dành riêng cho một mình Thiên Chúa (Mc 2:5-7). Trong Ga 20:28, môn đồ của Chúa Giêsu là Tôma gọi ngài là “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Chúa Giêsu dã không sửa lỗi Tôma, vì những gì Tôma đã nói là đúng.

NHỮNG GÌ BÊN TRONG MỘT CÁI TÊN?

* Giêsu: Từ tiếng Do Thái יֵשׁוּעַ Yeshua, nghĩa là “Chúa cứu.”

* Kitô: Từ tiếng Hy Lạp Χριστός Christos, một danh hiệu có nghĩa là “người được xức dầu” và có ý nghĩa chung là “vị cứu tinh.”

CHỨNG CỨ KINH THÁNH
CHO THIÊN TÍNH CỦA CHÚA KITÔ

* Chúa Giêsu được gọi là Thiên Chúa (Ga 1:1, Tt 2:13, Cl 2:9)

* Chúa Giêsu hành động như là Thiên Chúa (Mc 2:5–7,
Lc 22:29, Ga 8:58–59).

* Chúa Giêsu được tôn vinh như là Thiên Chúa (Ga 20:28,
Pl 2:5–11, Dt 1:6–8).

Trong Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái, tên của Thiên Chúa được coi là thiêng liêng đến mức không thể được đọc lên. Thậm chí ngày nay, nhiều người Do Thái đánh vần tên “Thiên Chúa” bằng dấu gạch nối (“T-C”) để khỏi bất kính với cái tên này. Nhưng trong Ga 8:58, Chúa Giêsu đã dùng từ ngữ thiêng liêng đó, cái tên không ai được phép đọc của Thiên Chúa cho chính mình.

Ngài nói rằng “trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”, ngụ ý rằng Ngài hiện hữu đời đời như là Thiên Chúa trước Abraham, người đã sống trước đó hàng ngàn năm. Hành động này gây phẫn nộ cho các nhà lãnh đạo Do Thái và thúc đẩy họ giết Chúa Giêsu vì tội báng bổ. Nhưng khi Chúa Giêsu dùng tên Thiên Chúa cho mình thì đó không phải là tội báng bổ, vì Ngài là Thiên Chúa.

Một người có thể nói: “Tôi công nhận Giêsu không phải là một kẻ nói dối (ngài là một bậc thầy tốt), và ông ấy không phải là một người mất trí (ông ấy là một bậc thầy thông thái), nhưng ông ta có thể chỉ là một huyền thoại. Vì làm sao chúng ta biết Giêsu thực sự nói mình là Thiên Chúa? Biết đâu có ai đó đã thêm điều đó vào Kinh Thánh để che đậy câu chuyện về một ông Giêsu chỉ là con người bình thường thì sao?”

Điều này đưa chúng ta tìm đến lý do thứ hai.

2. Chúng ta có thể tin vào các tài liệu Tân Ước.

Hiện nay Tân Ước có hơn 5.500 bản sao các bản thảo bằng tiếng Hy Lạp; ngoài ra còn có 15.000 bản sao theo các ngôn ngữ khác như tiếng Latinh, Coptic, và Syriac. Bản sao hoàn chỉnh đầu tiên của Tân Ước có thể được xác định niên đại trong vòng 300 năm kể từ tài liệu gốc.[6] Bây giờ, ta hãy so sánh Tân Ước với một trong mấy truyện tương đương nổi tiếng nhất của văn học Hy Lạp cổ đại: Tác phẩm Iliad của Homer. Nó được viết vào thế kỷ thứ tám trước Công nguyên và, mặc dù một số đoạn của Iliad có thể có niên đại trong vòng 500 năm sau Homer, bản sao hoàn chỉnh lâu đời nhất được viết trong thế kỷ thứ mười AD, hay 1.800 năm sau!

Bởi vì có rất nhiều bản sao của Tân Ước trong thế giới cổ đại (kể cả hàng ngàn bản khác không còn tồn tại cho đến ngày nay), nên không một ai hay một nhóm người nào có thể tập hợp tất cả lại và thay đổi câu chuyện của Chúa Giêsu. Ngoài ra, không như tiểu sử của những người như Alexander Đại đế hay Đức Phật, được viết nhiều thế kỷ sau khi các nhân vật đó qua đời, lời mô tả về Chúa Giêsu trong Kinh Thánh được viết trong vòng vài thập kỷ sau cái chết của Ngài bởi những người đã chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu hoặc những người từng biết đến các chứng nhân cho sứ vụ của Chúa Giêsu.[7]

Học giả Kinh Thánh F.F. Bruce nói thẳng: “Không có mảng văn học cổ điển nào trên thế giới có được vô số văn bản chứng thực tốt như Tân Ước.”[8]

3. Các Kitô hữu đầu tiên tôn thờ Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Các tác phẩm Kitô giáo đầu tiên cho thấy họ tin Chúa Giêsu là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15); nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện trong thân xác (Cl 2:8-9). Chúa Giêsu có “hình dạng của Thiên Chúa” và một danh xưng mà mọi đầu gối phải quỳ lạy (Pl 2:5-11). Kinh Thánh thậm chí còn gọi Chúa Giêsu là “Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 2:13).

Khi một thủ hiến La Mã ở thế kỷ thứ hai tên là Pliny Trẻ yêu cầu các Kitô hữu tôn thờ các vị thần của Rôma, họ đã từ chối. Trong lá thư giải thích điều này với hoàng đế La Mã, Pliny nói rằng các Kitô hữu “có thói quen gặp nhau vào một ngày cố định trước khi trời sáng, khi đó họ thay nhau hát một bài thánh ca cho Đức Kitô như cho một vị thần, và tự ràng buộc mình vào một lời thề long trọng."

Cũng hãy nhớ rằng các Kitô hữu đầu tiên là những người cải đạo từ Do Thái giáo. Trong hơn 1.000 năm người Do Thái tự làm cho mình khác biệt với các dân tộc ngoại giáo láng giềng của họ bằng cách từ chối tôn thờ một con vật hay một con người như là Thiên Chúa; người Do Thái vào thời Chúa Giêsu không hề tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa cho dù các phép lạ của Ngài, kể cả sự sống lại từ cõi chết của Ngài đã chứng minh cho điều đó.

Vì Chúa Giêsu đã mạnh mẽ chứng minh Ngài là Thiên Chúa nên chúng ta có thể tin vào Ngài khi Ngài nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" (Ga 11:25-26).

BÔNG HOA NHỎ CỦA CHÚA GIÊSU

Năm 1887, Henri Panzini bị kết tội đã giết ba người một cách dã man ở Paris. Têrêsa Martin mười bốn tuổi, con gái út của một gia đình Công giáo sùng đạo, nghe nói anh không sám hối, nên đã ngày đêm cầu nguyện để anh khỏi phải xuống hỏa ngục. Sau đó Têrêsa nhận được tin cho biết khi đầu của Panzini được đặt dưới máy chém, anh đã với lấy cây thánh giá từ tay một linh mục và hôn lên đó ba lần. Chị viết trong thủ bản tự thuật của mình về lời đáp trả của Thiên Chúa cho lời cầu nguyện của chị:

“Thật là một lời đáp trả ngọt ngào không thể nhầm lẫn! Sau ân sủng vô song này, ước muốn cứu độ các linh hồn của tôi lớn dần lên mỗi ngày... cơn khát của linh hồn nhỏ bé đáng thương của tôi đã tăng lên và chính cơn khát cháy bỏng mà Ngài đã trao cho tôi đây là thức uống tuyệt vời nhất cho thỏa được tình yêu của Ngài.”[9]

Têrêxa rất muốn trở thành một nữ tu, nhưng giám mục giáo phận của chị đã từ chối vì chị còn quá trẻ. Vài tháng sau khi Panzini chịu hành quyết, Têrêxa gặp ĐTC Leo XIII, và lời thỉnh cầu của chị đã được chấp thuận. Chị tự gọi mình là “bông hoa nhỏ của Chúa Giêsu” vì chị nghĩ mình không phải là một hoa hồng lộng lẫy, nhưng chỉ như một bông hoa dại đơn sơ Chúa trồng ở đâu thì nở hoa ở đấy.

Mặc dù chị qua đời vì bệnh lao ở tuổi 24, cuốn tự truyện của chị đã truyền cảm hứng cho vô số người đi theo Chúa Giêsu và tôn vinh ngài trong mọi hoàn cảnh, cho dù nhỏ bé đến đâu. Nghịch lý thay, sự khôn ngoan đơn sơ của Bông Hoa Nhỏ lại có tác động sâu sắc đến nỗi, vào năm 1997, Têrêsa được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh. Trong số khoảng 10.000 vị thánh được Giáo hội Công giáo công nhận, chỉ có 33 người được phong danh hiệu này.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

CHÚA GIÊSU

* Nếu Thiên Chúa hiện hữu và tỏ mình ra cho nhân loại thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi Chúa cho chúng ta một cách thức để đáp lại Ngài, mà một số người gọi là “tôn giáo."

* Chúa Giêsu xưng mình là Thiên Chúa. Ngài không thể là kẻ nói dối vì Ngài quá tốt lành, và không thể là một người mất trí vì Ngài quá khôn ngoan.

* Bằng chứng văn bản cho thấy Kinh Thánh đáng tin và lời khẳng định của Chúa Giêsu về thần tính của Ngài không phải là một truyền thuyết được thêm vào Kinh Thánh sau này.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Tôi mang ơn nhà triết học Thiên chúa giáo Randal Rauser để có cái nhìn sâu sắc này.

[2] Josephus, Phong tục đời xưa của người Do Thái, 18.3.3; xem thêm 20.9.1.

[3] Tacitus, Biên niên sử, 15.44.

[4] Bart Ehrman, Chúa Giêsu Có Hiện hữu Không? Luận điểm lịch sử cho Chúa Giêsu người Na-za-rét (New York: HarperOne, 2012), 4.

[5] Từ “Bài từ biệt của Đức Phật” trong Paul Carus, Phúc âm của Đức Phật, Tổng hợp từ Thư tịch cổ (Chicago và London: Open Court Publishing Company, 1915).

[6] Bản sao này được gọi là Codex Sinaiticus vì nó được phát hiện trong một tu viện ở chân núi Sinai.

[7] Để có lời biện hộ cho tính đáng tin của các sách Phúc âm, hãy xem cuốn Tính đáng tin về mặt lịch sử của các sách Phúc Âm của Craig Blomberg (Downs Grove, Ill.: InterVarsity Press, 2007) và Tính đáng tin về mặt lịch sử của Phúc Âm Gioan (Downs Grove, Ill.: InterVarsity Press, 2011).

[8] F.F. Bruce, The Books and the Parchments: How We Got Our English Bible (Grand Rapids, Mich.: Fleming H. Revell Co., 1984), 78.

[9] Therese de Lisieux. Story of a Soul: The Autobiography of St. Thérèse of Lisieux, 3rd ed., trans. John Clarke (Washington, D.C.: ICS Publications, 1996), 100-101.