Tại sao chúng tôi TIN CÓ MỘT HỎA NGỤC

24

Tại sao chúng tôi TIN CÓ MỘT HỎA NGỤC


“Những gì các người làm là gây tổn thương cho trẻ thơ! Các người nên biết xấu hổ cho chính mình!" Một người phụ nữ hét vào mặt tôi khi tôi đang làm việc truyền giáo tại một sân trường đại học.

Thực sự bối rối nên tôi hỏi cô ấy: “Chính xác thì tôi phải xấu hổ về điều gì?" Cô ấy phản pháo, “Đồ khốn kiếp! Dọa tụi nhỏ là chúng có thể xuống hỏa ngục là làm tổn thương chúng!"

Tôi thừa nhận hỏa ngục làm cho tôi sợ! Thật là khó để hình dung cho được sự đau khổ mà một người phải chịu khi nỗi đau khổ đó không chỉ trong một lúc mà là đời đời, là không ngừng sống trong tuyệt vọng và đau đớn. Tuy thế, chúng ta không thể từ chối hỏa ngục chỉ vì không thích nó. Đúng là ta đâu có làm tổn thương cho trẻ khi cảnh báo chúng về “sự nguy hiểm của người lạ” hay về những gì xảy ra nếu chúng lao ra đường, dù đó là một sự thật đáng sợ; cảnh báo về sự thật đâu có phải là hành hạ trẻ em (hay người lớn) về sự nguy hiểm của hỏa ngục – một khi hỏa ngục là có thật.

NHỮNG AI TIN CÓ THIÊN ĐƯỜNG VÀ HỎA NGỤC?

58 % người Mỹ tin có hỏa ngục và 72 % tin có thiên đường. Ngay cả trong số những người không tôn giáo, 36 % tin có hỏa ngục và 50 % tin có thiên đường.[1]

HỎA NGỤC LÀ GÌ?

Trong Tân Ước, từ “hỏa ngục” thường ám chỉ đến nơi ở cuối cùng, và vĩnh viễn cho những kẻ bị đọa đày.[2] Theo Giáo lý, “Chết trong tội trọng mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Ngài đến muôn đời, vì sự chọn lựa tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn như vậy (“auto-exclusio”) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Thánh, được gọi bằng từ “hoả ngục.” (GLCG 1033).

Kinh Thánh sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau để mô tả sự khủng khiếp của hỏa ngục. Chúa Kitô nói đó là nơi có lửa (Mt 5:22), có sâu bọ không chết (Mc 9:48), nơi nghiến răng (Mt 13:42), và tối tăm bên ngoài (Mt 22:13). Matthêu thậm chí còn so sánh với Gehenna (Mt 23:33), là nơi trẻ em bị quăng vào lửa làm hy lễ cho các vị thần ngoại giáo.[3] Vì Chúa Giêsu đã bước ra khỏi ngôi mộ của chính mình, Ngài là một nguồn đáng tin cậy về thế giới bên kia, và vì thế mà chúng ta nên tin những gì Chúa dạy về hỏa ngục.

Khi Đức Kitô dùng những hình ảnh trần thế để truyền đạt các chân lý linh thiêng, chúng ta phải nhớ rằng không có hình ảnh nào trong đó, kể cả hình ảnh về ngọn lửa bất tận, là thiết yếu để mô tả hỏa ngục theo nghĩa đen. Nhưng ngay cả khi hỏa ngục không phải là một nơi đầy lửa theo nghĩa đen, thì đó vẫn là điều tồi tệ nhất mà chúng ta có thể hình dung được; những ai cho rằng địa ngục là nơi vui vẻ vì sẽ có toàn “tội nhân ngầu” ở đó thì nên suy nghĩ lại.

Tội lỗi làm cho đời sống ra đau khổ, như ích kỷ, tham lam, sân hận, và ao ước làm tổn thương người khác để trả thù bởi vì chúng ta đã bị tổn thương, thực sự đó là mấy điều xấu xa làm cho hỏa ngục trở nên “hỏa ngục." Trong hỏa ngục, tội nhân sẽ đời đời nhận được duy nhất một điều mà họ quan tâm nhiều nhất trong đời – là chính họ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói,

Các hình ảnh hỏa ngục Sách Thánh trình bày cho chúng ta phải được giải nghĩa cho chính xác. Chúng cho ta thấy sự thất vọng và hoàn toàn trống rỗng của đời sống không có Thiên Chúa. Thay vì chỉ về một nơi chốn, hỏa ngục chỉ về tình trạng của những người tự ý và dứt khoát xa lìa Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi sự sống và niềm vui.[4]

HỎA NGỤC CÓ CÒN MÃI KHÔNG?

Khía cạnh đáng sợ nhất của hỏa ngục là sự trường tồn của nó. Theo Giáo lý, “Hình phạt chủ yếu của hoả ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có được sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng.” (GLCG 1035). Chúa Giêsu dạy rằng hỏa ngục không phải là tạm thời mà hiện hữu mãi mãi. Ngài nói rằng những kẻ bị nguyền rủa “ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25:46).[5]

Một số người cho rằng nếu Chúa chơi cho đẹp thì hỏa ngục chỉ là tạm thời và cuối cùng thì ai cũng đều có thể "tự đưa mình" ra khỏi đó. Nhưng không ai có thể tự đưa mình ra khỏi hỏa ngục cũng như không thể tự đưa mình lên thiên đường. Ơn cứu độ là một món quà từ Thiên Chúa mà chúng ta “đón nhận được đến đâu” đều tùy ở đời này (Pl 2:12) bằng cách kiên trì để đức tin hoạt động nhờ đức ái (Gl 5:6) cho đến cuối đời (Mt 10:22). Thời gian duy nhất chúng ta có thể nhận được món quà, hay ân sủng miễn phí này từ Thiên Chúa, là tất cả đời sống của chúng ta nơi trần thế này. Sau cái chết, các lựa chọn của chúng ta ở đời này mãi mãi quyết định cho vận mệnh đời sau của chúng ta (Dt 9:27).

Hơn nữa, nếu hỏa ngục là tạm thời, thì sẽ vô cùng bất công. Vì thiên đường bao gồm hạnh phúc tuyệt vời và vĩnh cửu với Thiên Chúa, thì dù cho một người có ở trong hỏa ngục bao lâu thì cũng chỉ như một vài giây so với hạnh phúc vô hạn đang chờ đợi họ trên thiên đường; nói hỏa ngục chỉ là tạm thời cũng như nói với một đứa trẻ vừa cố tình bẻ gãy tay em của nó rằng nó phải “chờ” trong ba mươi giây trước khi nó có thể đến chơi ở công viên giải trí cho đến hết ngày.

Hỏa ngục hẳn cũng là vĩnh cửu vì những người bị đày địa ngục vẫn còn tiếp tục phạm tội và từ chối Chúa sau khi chết. Trong kịch bản này, hình phạt của họ là vĩnh viễn bởi vì chính họ làm cho nó ra như thế và không thể làm khác được. Nếu bạn đã từng ở gần một người tự cho mình là trung tâm, bạn sẽ thấy anh ta hết sức khó chịu khi thấy một người được mọi người khác ngưỡng mộ nhiều hơn. Những kẻ bị đày đọa trong hỏa ngục thậm chí có thể tự ái mộ chính mình và tội lỗi của mình nhiều đến nỗi tình yêu vị tha của Thiên Chúa có thể trở nên không thể chịu đựng được đối với họ; thậm chí họ có thể chọn thà ở lại trong hỏa ngục thì hơn, cho rằng ở đó còn tốt hơn là ở thiên đường.

CÒN VỀ SỰ ĐẦU THAI THÌ SAO?

Sau khi chết, linh hồn sẽ đến thiên đường, hỏa ngục hay luyện ngục; không trở lại trái đất để ở trong một cơ thể khác hay là đầu thai. Chúng ta biết được điều này từ lời chứng của Kinh Thánh, Thánh Truyền, và của cả lý trí con người.

Trước hết, con người không hành xử như thể họ đã sở hữu một linh hồn đã sống trước khi cơ thể của họ sinh ra. Nhà văn giáo hội thế kỷ thứ ba Tertullian diễn đạt như sau, “Nếu các linh hồn ra đi ở các độ tuổi khác nhau của đời người, làm sao lại trở về cùng một lứa tuổi? Vì mọi người được phú cho một linh hồn sơ sinh khi được sinh ra. Nhưng việc một người chết già sống lại như một trẻ sơ sinh thì xảy ra làm sao?”[6]

Thứ đến, nếu những ai ủng hộ cho sự đầu thai, cho rằng đúng là có sự đầu thai và linh hồn không bao giờ được tạo ra hay bị hủy diệt mà chỉ “đầu thai” trong các cơ thể khác, thì tại sao dân số loài người lại tăng lên theo thời gian? Điều này chỉ có thể được giải thích bằng sự tạo ra linh hồn cho những con người mới chứ không phải là sự đầu thai của cùng một nhóm linh hồn trong các cơ thể khác nhau.

Cuối cùng, nếu ký ức của chúng ta từ kiếp trước bị mất khi chúng ta đầu thai, thì, theo cách nói của Thánh Irênê, “Làm sao những người ủng hộ thuyết luân hồi biết rằng tất cả chúng ta đều đã được tái sinh?”[7] Thế thì càng có lý hơn để tin, như Dt 9:27 dạy, rằng, “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.”

CÓ PHẢI HỎA NGỤC LÀ BẤT CÔNG?

Nhiều người hỏi: “Làm sao một Thiên Chúa đầy tình yêu lại có thể đuổi một ai vào hỏa ngục?” Nhưng câu hỏi này, vốn trung thực và quan trọng, lại thể hiện một quan điểm sai lầm về mối quan hệ giữa các lựa chọn trần thế và định mệnh đời đời. Sách Giáo lý nói, “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng.” (GLCG 1037).

Hỏa ngục không phải là một điều Chúa tạo ra với mục đích trừng phạt con người một cách độc đoán; mà đúng hơn, con người tạo ra sự cần thiết phải có hỏa ngục qua bao lựa chọn tội lỗi khiến họ xa cách Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8) và Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ (1Tm 2:4), mà tình yêu thì cho không. Chúa không cứu những ai không muốn được cứu khỏi tội lỗi của họ. Theo Giáo lý, “Chúng ta không thể được kết hợp với Thiên Chúa, nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng chống lại Ngài, chống lại người lân cận của chúng ta hoặc chống lại chính chúng ta.” (GLCG 1033).

Một phản đối khác đối với hỏa ngục, cho là thật không công bằng khi áp dụng hình phạt vô hạn đối với một tội hữu hạn; nhưng đâu có thể lấy thời gian phạm tội là bao lâu để định đoạt hình phạt cho tội phạm phải là gì. Xét cho cùng, đỗ xe trái luật có thể xảy ra trong khoảng vài giờ đồng hồ trong khi một vụ giết người có thể xảy ra trong vài giây. Chính bản chất của tội phạm và ý định của phạm nhân mới có liên quan đến quyết định phải dùng hình phạt nào.

BẢN CHẤT CỦA KẺ BỊ ĐÀY HỎA NGỤC

“Có những con người đã hoàn toàn tiêu huỷ đi tất cả mọi ham muốn sống cho sự thật và luôn sẵn sàng cho tình yêu trong lòng mình, có những con người mà đối với họ mọi sự đều trở thành một lời nói dối, và cũng có những con người đã sống cho thù hận và đè bẹp mọi thứ tình yêu trong lòng họ. Đây là một ý tưởng đáng sợ, nhưng các diện mạo đáng lo ngại như thế có thể thấy được nơi một số nhân vật nhất định trong lịch sử chúng ta. Trong những con người này, mọi sự đã hết thuốc chữa và sự tàn lụi điều thiện trong họ không thể nào đảo ngược lại: đây là ý nghĩa chúng ta muốn nói lên trong từ Hỏa Ngục.”[8] - Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Nhưng các tội ác ở đời này có thực sự nghiêm trọng đến mức đáng phải chịu hình phạt vô cùng ở đời sau? Nhiều người sẵn sàng đồng ý rằng những kẻ độc tài diệt chủng rất kinh khủng hay những kẻ giết người hàng loạt tàn bạo đáng phải xuống hỏa ngục, còn với “người tốt” bình thường phạm tội “hàng ngày” thì không. Nhưng điều gì làm cho một người thành người tốt?

Cô ấy có dành 20 phần trăm thu nhập của mình cho việc từ thiện không? Anh ấy có khi nào buôn chuyện người khác hay có thất hứa không? Trong thư gửi tín hữu Galat, thánh Phaolô nói rằng các tội hàng ngày như ghen tuông, nóng giận, ích kỷ, dâm bôn, và say sưa có thể ngăn cản một người tốt lên thiên đường (Gl 5:19-20).

Thật dễ dàng để xác định tiêu chuẩn của một người tốt cho riêng mình để chúng ta luôn “đạt tiêu chuẩn cần thiết,” nhưng để đáp ứng được tiêu chuẩn của Chúa Giêsu thì khó hơn. Chúa nói, “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48). Dù có cố gắng đến đâu, không ai trong chúng ta “đủ tốt” để tự mình lên thiên đường. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đến món quà ân sủng miễn phí của Thiên Chúa để chúng ta có thể được biến đổi không phải là thành “người tốt,” nhưng thành “dân Chúa”, được chia sẻ sự sống thần linh của Ngài và được chuẩn bị sẵn sàng ở đời này để có thể đời đời nhận được tình yêu bất tận của Ngài.

NGƯỜI CON ĐƯỢC SỐNG LẠI

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về một người con bỏ nhà ra đi và phung phí số tiền người cha đã cho anh. Anh trở nên nghèo đến mức suýt chết đói, nhưng anh không nghĩ rằng cha anh sẽ cho anh về nhà. Anh hy vọng rằng có thể cha anh sẽ cho anh làm người hầu để ít nhất anh có thể có một cái gì đó mà ăn.

Sau đó, người con trai quyết định lên đường trở về nhà, và Chúa Giêsu nói: “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15:20). Người cha sau đó đã tổ chức một bữa tiệc cho con trai bởi vì, như ông nói, “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15:24).

Đây là dụ ngôn (hay câu chuyện) về đứa con hoang đàng. Nhiều người, kể cả những người ngoại đạo, đều đã nghe qua, nhưng có một chi tiết thường bị bỏ quên: người cha nhìn thấy con trai từ xa. Điều này có lẽ là do người cha hằng ngày quan sát, chờ đợi người con trai trở về. Hãy tưởng tượng niềm vui mà ông cảm thấy khi nhận ra bóng dáng từ xa chính là con trai mình - còn sống và an toàn trong vòng tay ông một lần nữa!

Cũng như người cha của đứa con hoang đàng, Thiên Chúa không ép buộc chúng ta phải yêu thương hay vâng lời Ngài. Đây là lý do tại sao hỏa ngục là một điều thực sự có thể đến cho những người chọn ích kỷ và tội lỗi hơn là tình yêu và sự thánh thiện. Nhưng cũng như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài. Đó là lý do tại sao 2Pr 3:9 nói rằng Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta, “không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.”

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

HỎA NGỤC

* Vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không bao giờ ép buộc ai phải yêu mến hay vâng lời Ngài, nhưng cho phép người ta sống xa lìa Ngài mãi mãi, một trạng thái được gọi là hỏa ngục.

* Vì Thiên Chúa công bình, Ngài trừng phạt điều ác bằng cách cho phép các tội nhân không có lòng sám hối được lựa chọn tội lỗi của họ hơn là lòng tốt và sự sống của Ngài.

* Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài cho mọi người một cơ hội để biết Ngài, để từ bỏ tội lỗi, và chọn lấy sự sống đời đời qua Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Caryle Murphy, “Đa số người Mỹ tin có thiên đàng... và địa ngục,” Trung tâm nghiên cứu Pew, ngày 10 tháng 11, 2015, www.pewresearch.org/fact-tank/2015/11/10/most-americans-believe-in-heaven-and-hell/.

[2] Trong Cựu Ước, từ “địa ngục” thường ám chỉ âm phủ, hay nơi ở của người chết. Giáo hội dạy rằng sau khi bị Đóng đinh, Đức Kitô đã rao giảng cho các linh hồn trong âm phủ (1 Pr 4:6), một sự kiện mà Kinhh Tin kính của các Tông đồ gọi là sự “xuống ngục tổ tông” của Đức Kitô. Về sự kiện này, Sách Giáo Lý nói rõ ràng: “Chúa Giêsu không xuống ngục tổ tông để giải thoát những kẻ đã bị kết án hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày, nhưng để giải thoát những người công chính đã đi trước Người” (GLCG 633).

[3] Gehenna ở trong thung lũng Hinnom, mà 2 V 23:10 và Gr 7:31-32 đề cập đến như một địa điểm hiến tế trẻ em.

[4] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Buổi Tiếp Kiến Chung, 28-7-1999.

[5] Trái ngược với quan điểm truyền thống về địa ngục, “những người theo chủ nghĩa hủy diệt” nói rằng địa ngục chỉ là tạm thời và cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt những kẻ bị nguyền rủa. Họ cho rằng từ Hy Lạp được dịch là “đời đời” trong đoạn này, aionios, có nghĩa là “thời đại” hoặc “một khoảng thời gian dài” và không nhất thiết có nghĩa là “mãi mãi." Nhưng Matthêu luôn dùng từ này với nghĩa là “đời đời." Ngoài ra, trong bối cảnh này, Chúa Giêsu so sánh giữa sự sống đời đời mà người công chính sẽ được hưởng mãi mãi và hình phạt đời đời mà kẻ ác sẽ phải chịu mãi mãi. Sự so sánh sẽ không có ý nghĩa gì nếu kẻ ác bị tiêu diệt và không trường tồn như người công chính. Những người khác lập luận rằng từ Hy Lạp được dịch là “sự trừng phạt,” kolasin, có nguồn gốc từ một từ có nghĩa là “cắt tỉa” hoặc “cắt bỏ." Vì vậy, địa ngục chỉ là sự tách biệt khỏi Thiên Chúa bằng cách bị thủ tiêu hoặc hủy diệt. Đó không phải là hình phạt có ý thức, vĩnh viễn. Nhưng việc phân tích ý nghĩa của một từ theo từ nguyên của nó có thể dẫn đến những sai lỗi nghiêm trọng. Xét cho cùng, từ “đức hạnh” có nguồn gốc từ tiếng Latinh vir, có nghĩa là “đàn ông”, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những người có đạo đức đều là những người “nam tính." Như bất kỳ từ điển tiếng Hy Lạp nào cũng sẽ cho bạn biết, kolasin chỉ có nghĩa là “sự trừng phạt” và kolasin aionion có nghĩa là “sự trừng phạt vĩnh viễn” hoặc “sự trừng phạt không dứt."

[6] Tertullian, Luận thuyết về linh hồn, 31.

[7] Thánh Irênê, Chống Dị Giáo, II.33.1.

[8] Đức Bênêđictô XVI, Spe Salvi, 45.