Tại sao chúng tôi HY VỌNG LÊN THIÊN ĐƯỜNG

25

Tại sao chúng tôi HY VỌNG LÊN THIÊN ĐƯỜNG


Nhà truyền giáo nổi tiếng Billy Graham đã từng đến một thị trấn nhỏ để thuyết giảng tại một nhà thờ địa phương. Trước khi đến nhà thờ, ông cần gửi một lá thư về nhà, vì vậy ông đi tìm bưu điện. Ông tấp xe vào lề đường và hỏi một cậu bé đang dắt chó đi dạo và cậu bé đã lịch sự trả lời.

Sau đó, Graham mời cậu bé đến nhà thờ nơi ông sẽ giảng. Ông nói, “Cháu có thể nghe chú nói với mọi người về con đường lên thiên đường nhé.” Cậu bé đơn sơ trả lời: “Con không nghĩ là con sẽ đến đó, vì chú không biết ngay cả con đường đến bưu điện!”[1]

THIÊN ĐƯỜNG GIỐNG NHƯ CÁI GÌ?

“Làm sao để lên thiên đường?” là một trong những câu hỏi quan trọng nhất cho một đời người; nhưng chúng ta muốn nói gì qua từ “thiên đường?”

Trong một vài trường hợp, Kinh Thánh dùng từ “trời” để chỉ bầu trời, hay chỉ về nơi chốn của mặt trời, các vì sao và mặt trăng. Điều này được thấy trong các đoạn văn như Thánh vịnh 19:1, đã viết, "Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa." Những nơi khác, "trời" đề cập đến nơi Chúa ngự, như trong Kinh Lạy Cha, khi chúng ta ngỏ lời “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Mt 6:9). Cuối cùng, “trời” được dùng để chỉ nơi ở vĩnh cửu của những người yêu mến Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói, “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.” (Pl 3:20, NIV).

Nhiều người tưởng tượng thiên đường là một nơi ở trên mây, các thánh và các thiên thần liên lỉ chơi đàn harp ở đó. Nhưng khi Kinh Thánh sử dụng hình ảnh trần gian như tiệc cưới để mô tả thiên đường, thì Giáo lý nói, “Mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Kitô, vượt quá mọi hiểu biết và mọi trình bày.” (GLCG 1027). Phaolô, trích dẫn những lời hứa ban cho ngôn sứ Isaia, đã nói: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1Cr 2:9).

Sự hiểu biết không chính xác của chúng ta về thiên đường không có nghĩa là nói chung chúng ta không biết gì về thiên đường. Theo thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “‘thiên đường' hay 'hạnh phúc' mà chúng ta sẽ tìm thấy là chính mình chứ không phải là một điều trừu tượng cũng không phải là một nơi chốn vật lý trên mây, mà là mối quan hệ cá nhân, sống động với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.”[2] Trên thiên đường, chúng ta không phải là thiên thần; chúng ta sẽ kết hợp nên một trở lại với thân xác của chúng ta và sẽ cảm nghiệm được niềm vui cả về tinh thần lẫn thể xác trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Giáo lý dạy chúng ta, “Thiên đường là mục đích tối hậu và là sự hoàn thành các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn.” (GLCG 1024).

“RỒI TÔI SẼ HIỂU RÕ”

Thánh Phaolô đã từng so sánh sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa ở đời này với sự hiểu biết của chúng ta về chính mình khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chúng ta trong một tấm gương đồng bẩn thỉu. Vào thời điểm thánh Phaolô so sánh, gương thủy tinh mới bắt đầu được phát minh và không được phổ biến như kim loại được đánh bóng. Ngài nói, “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.” (1Cr 13:12). Vì tội lỗi và bản chất con người đã sa ngã của chúng ta, chúng ta chỉ nhận biết Thiên Chúa một cách gián tiếp; mối quan hệ của chúng ta với Chúa thiếu sự thân mật và kỳ diệu sẽ có trên thiên đường.

Thiên đường không phải là một buổi lễ kéo dài mãi mãi của Giáo hội; cứ như thế thì chẳng có ai chịu đựng nổi. Thực ra, bất kỳ hoạt động nào ở trần gian, dù đó là một buổi lễ ở nhà thờ, một buổi nhạc rock, hay một ngày giải trí ở công viên, cũng trở nên hỏa ngục nếu nó được kéo dài cho đến vô hạn. Thiên đường sẽ không bao gồm những niềm vui trần thế bất tận, vì mấy thứ hữu hạn này không thể thỏa mãn lòng khao khát hạnh phúc hoàn hảo và bất tận của chúng ta.

Còn Thiên Chúa, Đấng vô cùng tốt lành, là thực tại duy nhất có thể trao cho chúng ta tình yêu hoàn hảo và sự hiểu biết như lòng chúng ta mong muốn. Trên thiên đường, các tín hữu sẽ mãi mãi tôn thờ Thiên Chúa và liên lỉ tăng triển mà không bao giờ đạt tới điểm tối đa trong lòng mến cao độ với Đấng mà họ ngưỡng mộ.

AI CÓ THỂ LÊN THIÊN ĐƯỜNG?

Thánh Phaolô nói rằng dù là mặc khải thánh không được viết cho những người không phải là dân Do Thái, Thiên Chúa sẽ phán xét họ trên nền tảng của một luật khác. Phaolô nói: “Điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải. Người ta sẽ thấy điều đó, trong ngày Thiên Chúa cho Đức Kitô Giêsu đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng.” (Rm 2:15-16).

Điều này có mâu thuẫn với lời dạy của Chúa Giêsu rằng ngài là “con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) không? Không, vì thừa nhận rằng Đức Kitô là con đường khách quan duy nhất để chúng ta được cứu độ (nghĩa là chỉ có Đức Kitô mới cất đi tội lỗi của thế gian) không có nghĩa là một người không thể được cứu nếu không biết sự thật này về Chúa Kitô. Ví như người ta nói thuốc giải độc là cách duy nhất để được cứu khỏi vết rắn cắn, nhưng một đứa trẻ nhận được thuốc giải độc đâu cần phải biết sự thật này để được cứu khỏi vết cắn.

Tương tự, một người có thể tìm kiếm “con đường” hay “chân lý” và cố gắng hành động với tình yêu hoàn hảo, người ấy làm hết mọi sự mà không nhận ra rằng mình đang vô tình theo đuổi Đức Kitô là “đường đi, sự thật và là sự sống.” Điều này cũng áp dụng cho các Kitô hữu ngoài Công giáo, những người không hiểu sự cần thiết thông thường của việc lãnh nhận các bí tích như Thánh Thể để được cứu độ. Giáo lý nói rằng những người “tin vào Đức Kitô và đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội theo đúng nghi thức, thì cũng hiệp thông một cách nào đó với Hội Thánh công giáo, mặc dầu là sự hiệp thông không trọn vẹn.” (GLCG 838).

Nhưng nếu mọi người có thể được cứu dù là họ không biết Chúa Giêsu hay Giáo hội của Người, thì sao lại bận tâm nói với họ về Đức tin làm chi? Chẳng phải chúng ta lại mạo hiểm với linh hồn của họ khi trao cho họ một dịp để từ chối phúc âm sao?

Hãy nghĩ đến hình ảnh loại suy này. Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng giúp mọi người đi qua con sông đã bị đóng băng một phần. Dòng sông bị bao phủ trong sương mù và khi mọi người chọn đi bộ trên bề mặt băng giá của nó, họ biến mất trong sương mù. Họ có qua được không? Có thể là họ đã qua được an toàn, nhưng cũng chỉ là có thể, nếu không nói là chắc chắn, thì nhiều người trong số họ đã không qua được. Tuy nhiên, hãy nói với họ rằng bạn biết có một cây cầu bắc qua sông an toàn. Dẫu cho họ có thể từ chối lời đề nghị của bạn thì bạn có thôi nói với mọi người về cây cầu đó để họ băng qua sông an toàn và chắc chắn hơn nữa không?

Rao giảng phúc âm không gây nguy hiểm cho các linh hồn bởi vì mọi người không biết đến Chúa Giêsu sẽ không tự động lên thiên đường. Những người đó, giống như bao người khác, bị cám dỗ bởi tội lỗi, và nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, những người này thậm chí còn khó chống lại sự dối trá của ma quỷ hơn. Bởi đó mà Giáo hội quan tâm đến những người này và vì thế mà Giáo hội “thúc đẩy việc truyền giáo một cách cẩn trọng và chú ý.”[3] Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu truyền lệnh những người theo Ngài hãy “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19).

TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN... HẾT MỌI ĐIỀU NÀY

Bài miêu tả về thiên đường mà tôi yêu thích đến từ một bài giảng tôi đã nghe một phó tế kể từ hơn một thập kỷ trước. Khi còn tuổi thơ, phó tế đó sống ở Maine, và một mùa đông nọ, cậu bị viêm họng nghiêm trọng và phải nhập viện. Mẹ của cậu thường ở nhà chăm sóc anh chị em cậu và cha cậu phải đi công tác. Cậu thích đọc những lá thư mà cha cậu gửi cho cậu trên đường đi làm việc, nhưng cậu thường dành rất nhiều thời gian nghe đài một mình hay chỉ nhìn chằm chằm ra bên ngoài cửa sổ.

Một ngày nọ, cậu tỉnh dậy và thấy im lặng xung quanh căn phòng bệnh viện của cậu. Ở đó dường như không có một ai ngoài hành lang. Bên ngoài trời lạnh, nhưng các tia nắng mặt trời sưởi ấm sàn nhà bên cửa sổ. Cậu ra khỏi giường, lê bước đến cửa sổ, và nhìn thấy một chiếc ô tô đỗ bên cạnh một cái cây đang rụng lá.

Khi những chiếc lá vàng cam và nâu nhẹ nhàng rơi xuống đất, cậu nhìn thấy một người đàn ông bước ra ngoài; ông ta mặc một bộ đồ tối màu và một chiếc mũ che khuất khuôn mặt. Khi người đàn ông nhìn lên, cậu bé nhận ra đó là cha mình, về nhà sớm từ chuyến đi của ông; trái tim cậu rộn lên niềm vui và cậu chạy xuống hành lang và cầu thang của bệnh viện; cậu nhảy vào vòng tay của cha mình và hét lớn lên: “Bố ơi, bố đã về!"

Sau đó, ông phó tế nói về thiên đường và những gì mọi người nghĩ về nó. Ông hy vọng rằng đến cuối đời ông sẽ ở nhà và nói lời tạm biệt với vợ, với con và cháu của ông.

Ông tưởng tượng rằng sau khi trút hơi thở cuối cùng, khoảnh khắc tiếp theo ông sẽ mở mắt ra và nhìn thấy cùng một trần nhà trên cùng một chiếc giường bệnh mà ông đang ở bị nhốt vào đó khi còn nhỏ (ông thậm chí còn nghĩ rằng cổ họng của mình có thể bị đau bởi chịu tẩy rửa trong luyện ngục). Tất cả những gì ông nghe thấy là tiếng cọt kẹt của giường khi ông đặt chân lên cùng một sàn gạch được sưởi ấm bởi ánh nắng mặt trời qua cửa sổ.

Áp tay vào mặt kính mát lạnh, ông thấy những chiếc lá nhẹ nhàng rơi xuống và thấy người cha - nhưng giờ đây là Cha trên trời của ông; rồi thì ông chạy; cơ thể ông sẽ nhảy vọt lên như trở lại ngày mười tuổi và trong một cái ôm, ông sẽ cảm nhận được hơi ấm bởi tình yêu toàn năng của Thiên Chúa. Đấu tranh để vượt qua cảm xúc của mình, ông nắm chặt, không bao giờ muốn buông tay ra nữa, và kêu lên, “Bố ơi, con đã về!”

Đây là lý do LÝ DO ĐỂ CHÚNG TA là tín hữu Công giáo; không chạy theo các quy tắc hay nghi lễ tùy tiện, mà chúng ta đang trên đường về nhà. Trong thâm tâm, mọi người đều biết rằng tội lỗi đã làm tổn thương mối quan hệ của mình với Chúa và với nhau. Chúng ta là người Công giáo vì chúng ta muốn bỏ đi những lời hứa suông về tội lỗi và tin vào những lời Chúa đã hứa với gia đình của Ngài, những lời hứa nối kết chúng ta nên một với Chúa qua Giáo Hội mà Con của Chúa đã trao cho chúng ta.

Nếu bạn đã lìa xa Giáo hội, bất kể là bao lâu, hay ngay cả khi bạn không phải là người Công giáo, tôi muốn mời bạn trải nghiệm tình yêu của Chúa và khám phá kế hoạch Chúa dành cho bạn trong Giáo hội Công giáo. Tôi muốn mời bạn lên đường về nhà của mình.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

THIÊN ĐƯỜNG

* Thiên đường là trạng thái hạnh phúc trọn vẹn, nơi chúng ta sẽ tôn thờ Thiên Chúa và thanh thản yên nghỉ trong Ngài cho đến muôn đời.

* Thiên Chúa sẽ phán xét con người dựa trên lời mặc khải họ đã nhận được và Ngài mở rộng ơn cứu độ cho hết mọi người, cho cả những ai chưa bao giờ nghe nói về Đức Kitô hay về Giáo hội của Ngài.

* Vì tình yêu thương đồng loại, người Kitô hữu được mời gọi rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới để bất cứ ai cũng có thể có được mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô và cuối cùng sẽ tìm thấy ơn cứu độ qua Giáo hội của Người.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Harold Myra và Marshall Shelley, Bí quyết lãnh đạo của Billy Graham (Grand Rapids, Mich.: Zondervan, 2005), 49.

[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Buổi tiếp kiến chung, 28-7-1999.

[3] ĐGH Phaolô VI, Lumen Gentium, 16. Đoạn này cũng nói, “Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống. Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa."