CNTN 2B – MẦU NHIỆM ƠN GỌI
Lời
Chúa: Ga
1, 35-42
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa
Giêsu đang đi mà nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói,
liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì
nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa
là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem.” Họ đã đến và
xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê,
em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo
Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã
gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô.” Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa
Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi
là Kêpha, nghĩa là Đá.” Đó là lời Chúa.
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
1. Hãy đến mà xem
Vào
khoảng năm 1965 về trước, thời bấy giờ chưa có vô tuyến truyền hình, nên mỗi lần
có trận giao đấu bóng đá giữa hai đội mạnh, thính giả toàn quốc chỉ được nghe
tường thuật về trận đấu qua làn sóng của đài phát thanh.
Thật
khó hình dung nổi diễn tiến trận đấu với những pha đi bóng gay cấn, những cú
sút ngoạn mục khi chỉ được nghe bằng tai.
Hiện
nay, chuyện theo dõi trận đấu qua đài phát thanh đã thuộc về quá khứ vì ưu thế
vượt trội của kỹ thuật truyền hình. Nhờ đủ dạng sóng truyền hình hiện đại bao
trùm trái đất, người hâm mộ bóng đá từ phần nửa bên nầy địa cầu có thể chứng kiến,
như thể tận mắt, từng chi tiết, từng pha đi bóng của những cầu thủ trong những
trận đấu diễn ra ở nửa bên kia trái đất.
Thế
là từ khi có truyền hình, không ai mê bóng đá lại theo dõi trận đấu qua đài
phát thanh nữa. Từ kỹ thuật truyền thanh chuyển qua truyền hình là cả một bước
tiến vượt bậc.
Tiến
trình mặc khải cũng trải qua hai chặng đường như thế.
“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách,
Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ”
(Dt 1,1a).
“Nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy
chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1b)
2. Tiếng Chúa gọi
Olalla
Oliveros, người mẫu nổi tiếng đã tham gia chụp nhiều bộ ảnh quyến rũ, diễn viên
chính trong nhiều bộ phim, gương mặt của cô xuất hiện trên các tấm biển khắp
Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nữ người mẫu đã quyết định trở thành một nữ tu, gia nhập
Dòng thánh Michael. Mặc dù sự nghiệp vẫn đang phát triển, nhưng Olalla Oliveros
không còn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ.
Ở
tuổi 36, cô quyết định từ bỏ sự nghiệp và khoác lên mình chiếc áo nữ tu sau khi
đến viếng Nhà thờ Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha. Không muốn nói nhiều về quyết định
của mình, Oliveros chỉ cho biết cảm giác khi tới nơi này giống như có một trận
động đất rung chuyển trong người: “Chúa
không bao giờ sai, Ngài hỏi tôi có sẵn sàng theo Ngài và tôi không thể từ chối.”
Trên
một trang web, Oliveros chia sẻ rằng cô đã có những cảm giác rất kỳ lạ. Từ sau
chuyến thăm nhà thờ, hình ảnh bản thân mặc chiếc áo nữ tu luôn hiển hiện trong
tâm trí Oliveros. Vì thế, cô đã quyết định từ bỏ công việc của mình để trở
thành một nữ tu và đổi tên thành Olalla del Sí de María. Trên tờ El Tiempo,
Oliveros chia sẻ: “Là một người mẫu bạn
phải có thân hình chuẩn, là hình mẫu để mọi người noi theo. Tôi cảm thấy áp lực.
Tôi cũng mệt với những lời nói dối, hình thức, một xã hội đầy bạo lực, ngoại
tình, ma túy, rượu, thù oán và một thế giới đề cao vật chất, hưởng thụ, dâm dục,
lừa đảo.” Oliveros cho biết thêm: “Tôi
không lấy việc trở thành một nữ tu để lăng xê tên tuổi của bản thân, mà chỉ muốn
trở thành một hình mẫu đề cao phẩm giá thực sự của người phụ nữ.”
Oliveros
không phải là người mẫu đầu tiên quyết định từ bỏ cuộc sống bận rộn trên sàn
catwalk để chọn lấy một cuộc sống bình lặng trong tu viện. Amada Rosa Pérez là
một trong những người mẫu hàng đầu của Colombia trước khi trở thành một nữ tu
vào năm 2005, vì cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống căng thẳng của mình. (Theo
Daily Mail)
3. Tìm và gặp Chúa trong Kinh
Thánh
Giáo
huấn của Công Đồng Vat. II: “Họ phải biết
tìm gặp Chúa Kitô trong việc trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp
tích cực các Mầu Nhiệm chí thánh của Giáo Hội, nhất là Bí tích Thánh Thể và
Kinh Phụng Vụ” (Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục số 8).
Lần
kia, đại tướng Lew Wallace và đại tá Robert Ingersoll, hai người vô thần đang
nói chuyện với nhau về những người Công Giáo mê tín, tin vào ông Giêsu nào đó,
kẻ bất lực, bị người ta kết án trên thập giá! Và này cuốn lịch sử về hắn mà bọn
Công Giáo gọi là Thánh Kinh, nhưng chúng vẫn mù quáng mà đọc!
Lew
Wallace thề với Robert Ingersoll là sẽ vạch ra cho những kẻ cuồng tín ấy thấy
những điều lếu láo trong Thánh Kinh. Robert chúc cho Lew thành công trong ý định
này. Lew bỏ ra 5 năm nghiên cứu Thánh Kinh, kết quả ngược lại: thay vì ông tìm
thấy những điều mê tín trong đó để khích bác kẻ có Đạo, thì ông lại nhận thấy
ơn cứu độ phát xuất từ thập giá Đức Kitô tuôn xuống, cứu bao kẻ tuyệt vọng. Ông
đã viết lên tác phẩm Benhur và sau người ta đóng thành phim rất nổi tiếng.
Lew
Wallace nhờ lưu lại trong Lời Chúa, ông đã được Ngài cho trở nên chứng nhân Tin
Mừng.
4. Cảm nghiệm gặp gỡ Chúa:
Tiếng
Chúa kêu gọi con người bằng nhiều cách thế khác nhau: Chỉ một vài trường hợp đặc
biệt, Chúa đã thân hiện đến, kêu gọi đích danh, như trường hợp của cậu Samuel,
nhưng hầu hết Chúa đã dùng những cách thế thông thường, như lời khuyên nhủ của
các vị đại diện Chúa, lời giảng dạy của một vị giảng thuyết, một ơn soi dẫn
trong tâm hồn, một giấc chiêm bao hay một biến cố nào đó của cuộc đời. Trong tất
cả mọi hoàn cảnh đó, các Thánh đã mau mắn đáp lại, khi các ngài nhận ra thánh ý
Chúa.
Thánh
Phanxicô thành Assisi, một chàng trai giầu sang háo danh, cũng chỉ vì nghe lời
Chúa phán được trưng lại trong một bài giảng: “Con người được lợi lãi cả thế gian, mà thiệt mất linh hồn mình thì được
ích gì." Ngài đã quyết tâm bỏ mọi sự, sống đời khó nghèo và đã chinh
phục được biết bao người theo ngài, để hiến thân phụng sự Chúa, xây dựng Giáo Hội
và giúp ích cho biết bao linh hồn.
Thánh
Ignatiô, một sĩ quan quân đội bị trọng thương, đang thời gian nằm điệu trị tại
bệnh viện, bất ngờ đọc cuốn truyện các Thánh, ngài cảm thấy thán phục, nên đã
quyết tâm sống theo thánh ý Chúa soi dẫn, lập nên một Hội Dòng lớn với danh hiệu
Dòng Chúa Giêsu, đem lại bao lợi ích cho Giáo Hội và thế giới.
Thánh
Augustinô, từ một chàng trai trụy lạc tội lỗi được cải hóa và đã trở nên một vị
Đại Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội, chinh phục biết bao linh hồn trở về với Chúa,
qua những tác phẩm giáo huấn và lời giảng dạy khôn ngoan của ngài… Còn biết bao
trường hợp tương tự, ơn Chúa đã thực hiện cách lạ lùng nơi đời sống của các
Thánh.
Văn
hào Pháp Paul Claudel: một buổi chiều kia rảnh rỗi Paul Claudel rảo bước dạo
chơi và tình cờ đi ngang một nhà thờ. Từ trong nhà thờ vang ra tiếng hát thánh
ca thanh thoát, siêu phàm. Tiếng Thánh ca ấy đã thu hút ông buớc vào. Ông cảm
xúc và ở lại cho đến hết buổi lễ. Và từ chiều hôm đó trở đi, Paul Claudel đã trở
thành một tín hữu sốt sắng kiên trì trong Đức Tin. Ông viết nhiều quyển sách
truyền bá Đức tin và ca tụng Thiên Chúa, ca tụng Đức Mẹ. Mọi sự bắt đầu vào một
buổi chiều đáng nhớ.
Thomas
Merton: Thomas Merton mồ côi cha mẹ lúc 16 tuổi, năm 20 tuổi ông trở thành đảng
viên cộng sản, ông hoàn toàn không tin gì về những sự siêu nhiên và sống một nếp
sống chạy theo vật chất, nhục lạc. Một đêm kia khi đang ở trong một khách sạn,
tự dưng ông nhìn lại đời mình, thấy nó quá trống rỗng và cũng quá nhầy nhụa, đến
nỗi ông chê chán chính mình. Lúc đó chẳng biết làm gì khác, Thomas Merton quỳ gối
xuống và cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ trước
tới nay tôi chẳng hề tin Chúa và ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết có Chúa hay
không. Nhưng nếu thật có Chúa thì xin Ngài hãy giúp kéo tôi ra khỏi vũng bùn nhầy
nhụa của đời tôi hiện tại."
Đêm
hôm đó lần đầu tiên Thomas Merton cầu nguyện. Ông đã gặp được Chúa và từ đó mãi
mãi gắn bó với Chúa. Sau đó ông đi tu dòng Trappe. Mọi sự bắt đầu từ một đêm gặp
Chúa.
5. Chúa gọi, con người đứng lên
Tháng
3 năm 1998, Đức Cha Gioan Bta Phạm Minh Mẫn, Giám mục phó giáo phận Mỹ Tho, được
Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục tổng giáo phận Saigon. Từ Lyon nước Pháp,
nữ tu Marie Claude Faure, cựu Tổng quyền Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, đã gởi
đến ĐC Gioan Bta những lời khích lệ như sau:
Chúa
cần một người cha cho dân Ngài Ngài đã chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng
lên…
Ngài
cần một người phát ngôn. Ngài đã chọn một kẻ nhút nhát nói năng ngọng nghệu. Thế
là Môsê đứng lên…
Ngài
cần một lãnh tụ dẫn dắt dân Ngài. Ngài đã chọn kẻ nhỏ nhất, yếu nhất. Thế là
Đavít đứng lên…
Ngài
cần một tảng đá để đặt nền cho tòa nhà. Ngài đã chọn một người chối thầy. Thế
là Phêrô đứng lên…
Ngài
cần một gương mặt để nói cho người ta biết tình thương của Ngài. Ngài đã chọn một
cô điếm. Đó là Maria Mađalêna.
Ngài
cần một nhân chứng để hô to sứ điệp của Ngài. Ngài đã chọn một kẻ bách hại đạo.
Đó là Phaolô thành Tarsô…
Ngài
cần ai đó để tập họp dân Ngài và để Ngài đến với những kẻ khác. Ngài đã chọn Đức
Cha: dù Đức Cha run sợ, Đức Cha sẽ có thể không đứng lên sao?
Thật
là một lời khích lệ sâu sắc biết bao! Phải chăng đó cũng là lời khích lệ dành
cho chúng ta hôm nay, để chúng ta cũng biết can đảm đứng lên, sẵn sàng đáp lại
tiếng gọi của Chúa: lên đường thi hành ý Chúa và chu toàn ơn gọi đời mình.
6. Giới thiệu Chúa cho anh em
Nhiều
nhóm binh sĩ có vũ trang từ Syrie xâm chiếm đất Israel. Sau khi bắt dân Israel
làm tù binh, chúng tàn phá thành phố và làng mạc. Chúng bắt những tù binh này
làm việc như những đầy tớ trên đất Syrie. Trong số những người bị bắt, có một
cô gái. Người ta không nói tên của cô ta.
Cô
trở thành đầy tớ của viên sĩ quan nổi tiếng người Syrie, tên là Naaman. Vua
Syrie rất hài lòng về Naaman, vì ông là một sĩ quan rất gan dạ. Rủi thay ông vừa
mắc bệnh phong.
Một
ngày kia, cô tớ gái nói với bà chủ: “Giá
mà ông chủ Naaman được gặp tiên tri Elisa, đang sống ở Samaria, thì ngài sẽ chữa
cho ông chủ tôi khỏi bệnh” Nghe vậy, Naaman xin vua Syrie viết thư giới thiệu
cho vua Israel. Ông cũng mang theo vải vóc, vàng bạc làm quà tặng.
Khi
vua Israel đọc thư, ông rất lo, vì ông nghĩ vua Syrie muốn gây chiến. Nhưng
Elisa nghe biết, ông xin nhà vua để mình chữa bệnh cho Naaman. Elisa không gặp
Naaman, nhưng chỉ gởi một lá thư: “Hãy đi
tắm trong dòng sông Giodan 7 lần và ông sẽ được khỏi."
Naaman
rất tự ái, ông không chịu tắm, nhưng đầy tớ khuyên ông cứ làm như lời nhà Tiên
tri. Và quả nhiên, Naaman đã được chữa khỏi, da của ông trở nên mịn màng như da
đứa trẻ. Naaman dâng cho Elisa quà tặng, nhưng người của Thiên Chúa không nhận,
chỉ chúc cho ông “Hãy về bình an."
Chúng
ta đừng bao giờ quên đứa tớ gái nhỏ bé ở đầu câu chuyện, em đã mau mắn giới thiệu
tiên tri Elisa cho Naaman. Nếu cô bé giữ im lặng, thì Naaman sẽ không bao giờ
được chữa lành.
Hôm
nay, Anrê cũng giới thiệu Phêrô em mình cho Đức Giêsu: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga.1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp
Đức Giêsu.
7. Tìm đời sống toàn hảo
Ở đời
ai cũng muốn đi tìm cái hơn. Muốn giàu có hơn, học hành giỏi hơn, có bằng cấp
cao hơn. Lấy vợ gả chồng đôi khi cũng nhằm chỗ cao hơn mà tính. Thật không may,
người ta chỉ đi tìm cái hơn về vật chất bằng mọi giá, ngay cả bằng những cách bất
chính mà không kể gì đến những giá trị đạo đức tinh thần. Gần đây tôi đọc được
bài thờ trào phúc “Cha và con và… sự đời” của Nguyễn Văn Thắm trên báo Tuổi Trẻ
Cười nói lên cái tâm trạng đó của con người.
Cha:
Con ơi! Lấy vợ xem tông, Lấy chồng chọn giống… mới
mong sang giàu
Chồng mà chức trọng quyền cao, Phong bì, quà biếu… cửa sau rộn ràng.
Vợ mà con cái nhà quan, Mình đi xin việc dễ dàng như chơi.
Con
gái:
Thôi… con sợ lắm cha ơi! Quan mà tham nhũng người đời
dèm pha!
Cha:
Dèm
pha mặc kệ dèm pha. Có xe đời mới, có nhà tầng cao.
Còn hơn cơm mắm, canh rau, Nhà tranh, vách lá chui vào… chui ra!
Con
trai:
Con quan phung phí xa hoa, Thời trang đủ kiểu, cưới
mà làm chi!
Tối ngày kẻ mắt, cắt mi Môi son, má phấn… lấy gì nuôi con?
Cha:
Mày tưởng có bằng là ngon? Thử đi xin việc, cúi lòn…
còm lưng!
Quà thì tay xách, tay bưng Tới lui mỏi gối, mòn chân… hết tiền!
Trong
bài Phúc Âm hôm nay, Gioan 1:35 -42 , khi Chúa Giêsu chú ý thấy hai người môn đệ
của Gioan đi theo Ngài, Ngài quay lại và hỏi họ, “Các ngươi đi tìm gì?” Họ trả lời: “Thưa thầy, thầy ở đâu?” Họ đang là môn đệ của Gioan, lại muốn bỏ
Gioan mà đi theo Chúa Giêsu, để tìm “cái hơn." Giống như chúng ta, họ cũng
muốn sống một đời sống đầy đủ hơn. Nhưng khác chúng ta, chúng ta đi tìm kiếm đời
sống vật chất cao hơn, còn Anrê và Philip lại đi tìm một đời sống tinh thần cao
hơn. Họ muốn có một đời sống đích thực! Và chính Gioan, thầy của họ đã chỉ cho
họ thấy khi Chúa đi ngang qua: “Đây là
Chiên Thiên Chúa." (1:36).
8. Chúa gọi sống điều tốt hơn
Vào
thế kỷ thứ XI, Vua Henry III của vương quốc Bavaria, nay là một tiểu bang thuộc
vùng Tây Nam nước Đức, đã chán ngán làm vua và trở nên quá mệt mỏi trong việc
điều hành đất nước nên ngài ao ước được sống ẩn dật trong một tu viện. Nhà Vua
đi tới một tu viện gần đó để xin ý kiến của vị tu viện trưởng.
Cha
tu viện trưởng nhận ra ngài là vua đã quen với việc điều hành và ra những chỉ
thị nên nói với vua rằng: “Nếu vào sống
trong tu viện như một tu sĩ thì việc trước hết là vua phải vâng lời cha bề trên
tu viện trưởng và phải làm theo lệnh truyền của ngài.” Vua Henry III nhận
thấy điều đó quá dễ dàng, không thành vấn đề. Vua sẵn lòng vâng lời cha bề
trong trong bất cứ chuyện gì.
Cha
bề trên mới nói: “Vậy thì tốt lắm, tôi sẽ
chỉ cho nhà vua điều phải làm. Nhà vua hãy trở về hoàng cung và phục vụ đất nước
trong ngôi vị mà Thiên Chúa đã định đặt cho ngài.”
Theo
ý Vua Henry III, “cái hơn” là vào tu viện sống đời cầu nguyện và chiêm niệm như
một tu sĩ. Nhưng cha bề trên đã giúp cho ngài nhận ra không phải chỉ là “cái
hơn” mà là cái hoàn hảo nhất, sung mãn nhất. Đó là gặp gỡ Đức Kitô ngay trong
cuộc sống của mình, rồi giới thiệu Chúa đến với tha nhân qua việc chu toàn bổn
phận mà Thiên Chúa đã xếp đặt cho ngài: xây dựng một xã hôi công bằng, an bình,
mang lại ích lợi cho toàn dân.
Vua
Henry III đã trở về với công việc bổn phận để gặp gỡ Chúa Giêsu và trở nên người
môn đệ chân chính của ngài (Mt 7:24).
9. Đáp lời Chúa kêu gọi
Sau
9 năm trường giầm gìa trong vũng bùn lầy trụy lạc tội lỗi, Thiên Chúa đã kêu gọi
và thức tỉnh lương tâm Margarita de Cortone, bằng cách cho người cô gái hoang
đàng ấy chứng kiến một cảnh ghê rợn. Một thây chết nát rữa thối tha là tình
nhân của nàng trước đây, tại một góc rừng lúc bất ngờ nàng đi qua. Trước cảnh
hãi hùng đó, khiến nàng rất bàng hoàng xúc động và tự hỏi: “Lạy Chúa, sau đó còn lại cái gì?”
Thế
rồi, người con gái tội lỗi đó đã trở về với gia đình, xin lỗi thân phụ. Để tỏ
lòng ăn năn sám hối, nàng đã tròng một giây thừng vào cổ và đã đến xin các Cha
Dòng Thánh Phanxicô hướng dẫn. Rồi sau 3 năm đầy thử thách, với nhiều đêm ngày
khóc lóc, ăn chay, đền tội, Margarita đã khoác trên mình bộ tu phục Dòng Ba
Thánh Phanxicô, sống cuộc đời thánh thiện.
Để
đáp lại tình Chúa yêu thương và lời kêu gọi của Chúa, Margarita đã biến nhà
mình thành một bệnh xá vừa săn sóc bệnh nhân vừa lao động sản xuất để nuôi họ.
Ma
quỉ căm hờn, dùng trăm phương ngàn kế để cám dỗ Margarita bỏ đàng nhân đức, trở
lại đàng tội lỗi trụy lạc; nhưng Margarita đã toàn thắng và luôn vững tiến trên
đàng nhân đức. Ơn Chúa tuôn trào trên tôi tớ trung nghĩa của Ngài, khiến
Margarita đã làm cho vô số tội nhân cải tà qui chính, bỏ đàng tội lỗi, ăn năn
trở lại với Chúa.
10. Theo Chúa hay theo mình
Người
Ấn Độ kể rằng:
Có
một thanh niên khao khát được nhìn thấy Chúa. Ngày đêm anh cầu nguyện cho ước
mong được thành sự thật. Không bao lâu Chúa hiện đến với anh dưới hình dạng một
người đẹp đẽ, uy quyền và dễ mến. Chúa hỏi anh:
– Con có muốn đi với Ta một quãng đường không?
Người
thanh niên cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh cùng sánh bước như
đôi bạn tri kỷ. Đi được một lúc Chúa hỏi:
– Ta khát nước, con có thể đi tìm cho Ta ít nước
không? Người thanh niên hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hân hoan. Còn gì
sung sướng cho bằng đi tìm nước cho Chúa.
Nhưng
anh đi mãi mà không thấy nước đâu. Anh tiếp tục đi và sau cùng anh tới một dòng
sông, anh đang chuẩn bị lấy nước mang về cho Chúa thì tình cờ xuất hiện một cô
gái xinh đẹp, cô gái đẹp tới độ làm người thanh niên không còn thấy cảnh vật
chung quanh cũng chẳng nghĩ đến mang nước về cho Chúa nữa.
Anh
lân la đến làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh nhiều con cái,
không gì hạnh phúc cho bằng… Thế rồi chuyện không may xảy ra, một cơn ôn dịch xảy
tới, người thanh niên đưa vợ con đi nơi khác. Khi đi qua một chiếc cầu thình
lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên,cuốn cả vợ con anh. Còn anh thì may mắn
bám được vào một gốc cây. Anh khóc thương cho số phận vợ con cũng như kiếp cô
đơn của mình.
Giữa
lúc đó Chúa lại xuất hiện trước mặt anh. Ngài ôn tồn hỏi:
– Này con, con có mang nước về cho ta không? Con làm
gì để Ta chờ đợi cả tiếng đồng hồ vậy!
11. Sinh ra để thua cuộc
Norman
Vincent Peale là tác giả nổi tiếng viết khá nhiều sách trong đó có best-seller
“The Power of Positive Thinking." Một ngày kia, đang dạo phố ở Hồng Kông,
Peale tình cờ đi ngang qua một tiệm xâm hình. Trên khung cửa kiếng trưng bày đủ
loại đủ kiểu xâm nhưng có một hàng chữ đập mạnh vào mắt Peale: “Born to Lose” (sinh ra để thua cuộc).
Không nén nỗi tò mò, Peale đẩy cửa buớc vào, chỉ vào hàng chữ trên rồi nói:
“That one!”
Người
thợ xâm không nói không rằng chỉ lẳng lặng ra hiệu cởi áo ngoài ra thì Peale liền
xua tay: “Không! Tôi không có ý xâm đâu
nhưng chỉ muốn hỏi là đã có ai vào xâm hàng chữ ‘Born to Lose’ kia chưa?” “Cũng
có vài người.” “Ông không đùa đấy chứ?” Peale trố mắt kinh ngạc. Bằng một
giọng lơ lớ tiếng Anh, người thợ xâm bình thản trả lời: “Before tattoo on chest, tattoo on mind.” (Truớc khi xâm trên ngực,
[họ] đã xâm trong đầu rồi)…
Peale
choáng váng mặt mày như không tin vào tai mình nữa. Sao ai lại vào đây và xâm
trên da thịt mình những chữ rất tiêu cực kia? Oái ăm thay! Điều gì cũng có thể
xảy ra dưới ánh mặt trời này!!!
Thực
thế, linh mục tâm lý gia dòng Tên John Powell đã viết là có những người không bao
giờ tin tưởng vào khả năng mình. Giả như có ai nhờ điều gì hoặc cậy việc chi, họ
điều tìm đủ mọi cách từ chối thoái thác. Có thể một phần vì ngại ngùng, nhưng
cũng có thể phần lớn của sự ngại ngùng kia là họ không tin chính vào sức mình.
12. Đức tin đòi được chia sẻ
Cách
đây mấy năm, có một ông lão được nhận vào bệnh viện để điều trị bệnh. Sau khi
ông cụ được dễ chịu, cô y tá hỏi ông lão vài câu hỏi theo thông lệ, vì cô phải
điền vào một trong các giấy tờ thủ tục nhập bệnh viện. Một trong những câu cô hỏi
ông lão là: “Tôn giáo ông quí chuộng hơn
cả là tôn giáo nào?" Cụ già nhìn cô y tá và nói: “Tôi rất vui sướng được cô hỏi câu ấy, tôi luôn luôn muốn là một người
công giáo, nhưng trước đây chưa có ai hỏi tôi như vậy. Chính cô là người đầu
tiên hỏi tôi câu ấy."
Câu
chuyện có thực trên đặt cho chúng ta một vấn đề gây bối rối: Tại sao trong
chúng ta có nhiều người do dự khi phải chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác? hoặc
chúng ta có thể đặt lại câu hỏi này như sau: Nếu chúng ta tin rằng Phúc Âm thực
sự là Tin Mừng, thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ nó với kẻ khác? hoặc nếu
chúng ta tin Đức Giêsu là kho tàng vĩ đại nhất mà chúng ta có thể chiếm hữu được,
thì tại sao chúng ta không chia sẻ với người khác đức tin của mình nơi Đức
Kitô?
13. Học cho biết lắng nghe
William
Arthur Ward (1921-1994) nhận định: “Trước
khi nói, hãy lắng nghe; trước khi viết, hãy suy nghĩ; trước khi chi tiêu, hãy
kiếm được; trước khi đầu tư, hãy tìm hiểu; trước khi phê phán, hãy chờ đợi; trước
khi cầu nguyện, hãy tha thứ; trước khi bỏ cuộc, hãy thử làm; trước khi nghỉ
hưu, hãy tiết kiệm; trước khi chết, hãy cho đi." Thính giác là một
trong ngũ quan, nhưng là giác quan quan trọng nhất. Lắng nghe là một nghệ thuật,
vì còn phải biết cách nghe.
Có
thể nói rằng phải thực sự khiêm nhường mới có thể lắng nghe. Nói là gieo, nghe
là gặt. Nghe có lợi hơn nói: Nói ít thì sai ít, nói nhiều thì sai nhiều, không
nói thì không sai. Người ta ví von:“Người
nói hay không bằng người nghe giỏi."
Công
ty bảo hiểm nhân thọ Prudential có một slogan thật thú vị: “Luôn luôn lắng
nghe, luôn luôn thấu hiểu." Dĩ nhiên lời đó không thể tuyệt đối vì nặng
tính “quảng cáo”, có chút gì đó là “nổ” mà thôi, nhưng qua đó, chúng ta biết được
rằng việc “lắng nghe” có tầm quan trọng riêng. Lắng nghe là nghe thấy và chú ý,
chứ không nghe cho “có lệ”, nghe vì “không điếc." Nghe và hiểu có hệ lụy với
nhau.
Tuy
nhiên, hai động thái “lắng nghe” và “thấu hiểu” lại có một khoảng cách nhất định,
đồng thời còn có những mức độ khác nhau, thậm chí có thể chúng ta vẫn nghe
nhưng không hiểu (x. Lc 8:10), và Chúa Giêsu đã phải nhắc nhở nhiều lần: “Ai có
tai thì nghe” [ai có tai nghe thì (hãy) nghe] (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc
4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35; Kh 13:9).
14. Dòng suối vọng từ xa.
Một nhà thám hiểm nọ, lạc mất giữa sa mạc, đi
từ đụn cát này sang cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia, nơi đâu cũng
chỉ thấy toàn là cát với cát. Lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ, chân ông vấp phải
một cây khô, ông vấp ngã và nằm vùi trên gốc cây, ông không còn đủ sức để đứng
lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu và ông cũng không còn chút hy vọng sống
sót nào.
Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý
thức được sự thinh lặng của sa mạc: bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình, ông
ngẩng đầu lên, trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như
có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới
nhận thức: đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối từ xa vọng lại. Như sống
lại từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối, rồi dùng nguồn
năng lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối.
Cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào, khiến
chúng ta không nghe được tiếng nói và nhận ra sự hiện diện của Chúa. Có thinh lặng
từ cõi lòng chúng ta mới nghe được tiếng mời gọi thì thầm của Chúa trong từng
giây phút của cuộc sống.
15. Thánh Phanxicô Borgia.
Phanxicô Borgia (1510-1572) được cắt cử tháp
tùng thi hài của hoàng hậu Isabelle, một mỹ nhân sắc nước hương trời, đến chỗ
an táng của hoàng tộc. Trước khi hạ huyệt, quan tài được mở ra để được xác nhận.
Cảnh tượng đã làm đảo lộn cuộc đời chàng. Phanxicô từ biệt triều đình, vào dòng
Tên, trở nên vị thánh. Tổng quyền thứ ba của dòng. Ngài nói: ”Từ nay mọi danh vọng và lạc thú trần gian
chẳng dính dáng gì đến Phanxicô nữa”! Phanxicô Borgia đã nghe một tiếng gọi
từ bên trong.
Ngày hôm nay, trên khắp mọi nẻo đường trần
gian, chúng ta vẫn có thể giáp mặt với Đức Giêsu khi Ngài đi ngang qua giữa
chúng ta, như xưa Ngài đãõ “đi ngang qua” giữa các môn đệ bên bờ sông Giorđan.
Đức Giêsu không bao giờ ép uổng, không bao giờ
giăng bẫy rình bắt ai. Ngài chẳng hề làm áp lực, cũng không tìm cách mê hoặc dụ
dỗ người nào. Nguời ta vẫn có thể đi sát bên Ngài mà không hay biết, vẫn có thể
thấy Ngài mà không buồn nhìn theo. Có khi chúng ta phải cần đến cái nhìn hay lời
khuyên của một ai khác, của ai đó thì thầm bên tai “Đây là chiên Thiên Chúa."
Tuy nhiên chỉ có người nào biết tìm kiếm và khát khao chân lý và tình yêu thật
mới có thể nắm bắt, mới có thể lay động và lắng nghe (Fiches dominicales B, tr
66).
16. Lóng bác ái thu hút
Chuyện
kể rằng: một hôm, trên đường trở về nhà xứ, một linh mục kia vừa đi vừa cầm trí
đọc kinh. Có hai thanh niên cùng về chung đường. Khi đã đi cách linh mục kia một
đoạn khá xa, họ gặp một người hành khất ngồi bên lề đường giơ tay xin họ. Một
anh cho ông ấy mấy đồng lẻ trong khi anh kia nảy ra một ý tưởng, anh nói với bạn:
- Ông cha hồi
nãy thế nào cũng đi qua đây. Tôi cá với anh là ông ta chẳng bố thí cho người ăn
mày này đâu, chúng ta thử rình xem.
Cả hai trốn vào bụi cây gần đó. Ít phút sau, vị
linh mục kia đi tới. Ngài đứng lại nhìn người ăn mày, đưa tay lục hết túi trên
túi dưới, rồi nói với người ăn mày:
- Ông bạn
đáng thương ơi, rất tiếc tôi chẳng có đồng nào giúp ông.
Hai thanh niên nghe thấy thế thì khúc khích cười
nói:
- Anh thấy
chưa, tôi nói có sai đâu.
Lúc ấy người ăn mày lại tiếp tục nài xin. Vị
linh mục nhìn người ăn mày rồi bảo ông ta:
- Ông đợi tôi
một chút.
Ngài nhìn trước nhìn sau, rồi chui vào bụi cây
gần đó, loay hoay một hồi rồi bước ra, tay cầm một chiếc quần dài đã cuộn gọn lại.
Ngài đưa cho người ăn mày và ân cần nói:
- Đây, ông bạn
cầm đỡ chiếc quần này, tuy nó hơi cũ lại đang mặc dở dang, nhưng có lẽ nó cũng
giúp phần nào cho ông bạn. Nhớ đừng kể cho ai nghe đấy. Thôi tôi đi nhé.
Hôm sau, có hai người khách lạ đến bấm chuông
nhà xứ rất sớm và xin xưng tội. Vị Linh mục nhận ngồi toà giải tội ngay. Và tất
cả đầu đuôi câu chuyện đã được hai thanh niên thuật lại, lòng hối hận, dạ chân
thành ăn năn. Vị Linh mục ngẩn ngơ thốt lên:
- Ôi Thiên
Chúa nhân lành, chỉ với một chiếc quần cũ thôi mà Ngài đã đem về cho con những
hai linh hồn. Tạ ơn Chúa.
17. Tìm danh
Có
người đã để cả cuộc đời của mình đi tìm danh vọng. Họ sẵn sàng trả mọi giá để
có được nó.
Hêrôđê
là một thí dụ. Ông đã trả một giá khá cao để có được ngai vàng và để bảo vệ
ngai vàng đó ngay từ lúc vừa mới lên ngôi ông đã cho thủ tiêu các thành viên
trong Tòa Án Tối Cao của người Do thái. Sau đó ông đã không ngần ngại tàn sát
các nhân viên trong tòa án mà không cần suy tính trước. Chưa hết vì sợ cả những
người trong gia đình có thể làm nguy hại đến ngai vàng của mình ông đã giết
luôn người vợ là bà Mariamne và người mẹ nàng là bà Alexandra. Giết như vậy
cũng chưa đủ, ông giết luôn người con trưởng là Antipater, và sau đó là hai người
con trai thứ: đó là Alexander và Aristobolus. Giết như vậy ông cũng chưa an
tâm, ngay khi còn trị vì ông đã lên kế hoạch để tàn sát hết các nhân sĩ tại
thành Giêrusalem khi ông lâm chung.
Và
chắc hẳn anh chị em không thể nào quên việc ông đã cho lệnh giết hết các trẻ
thơ từ hai tuổi trở xuống tại thành Bêlem và các vùng phụ cận chỉ vì sợ sau này
một trong những đứa trẻ ấy sẽ chiếm mất ngai vàng của ông!.
Vâng
đó là một thí dụ trong muôn ngàn thí dụ cho chúng ta thấy cái giá phải trả cho
một cho một cuộc săn tìm danh vọng. Thế nhưng rồi cuộc đời của ông sẽ đi về
đâu? Có sống mãi để ngự trên cái ngai vàng mà ông đã phải trả một giá quá đắt để
bảo vệ nó không? Lịch sử cho chúng ta thấy kết cục cuộc đời của ông cũng là chốn
lao tù và ông đã phải nhận một cái chết không toàn thây!
18. Tìm tiền.
Có
người dành suốt đời để tìm tiền bạc. Để biện minh cho việc tìm kiếm tiền bạc là
một điều chính đáng người ta đã mặc cho tiền bạc một giá trị hầu như thần
thánh, có một sức mạnh vô song
Tiền
là tiên là phật.
Là sức bật của lò so.
là thước đo của lòng người.
Là nụ cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của người già.
Tiền là hy vọng.
Là cái lọng che thân
Là cái cân công lý.
Tiền là hết ý.
Tiền
bạc cần thật. Rất cần là đàng khác nhưng nó không phải là thần, là thánh như
nhiều người tưởng.
19. Nô lệ cho tiền của
Vua
Louis XV thăm thống chế De Saxe trong cơn hấp hối.
- Nhà ngươi muốn xin gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho.
- Tâu hoàng thượng xin hoàng thượng cho hạ thần được
sống thêm một giờ nữa để thanh toán các việc cho xong.
Vua
Louis quyền thế nhưng cũng phải ngậm ngùi rút lui.
Ngày
kia, một nhà tỷ phú trên giường chết đã phải tuyên bố:
- Trong 40 năm trời, tôi đã làm việc như người nô lệ
để chất đống của cải lên; sau đó tôi lại phải coi giữ như một thám tử và tất cả
những của cải đó đã cho tôi cái gì? Thức ăn, nhà ở và quần áo…, chỉ có thế chứ
không còn gì hơn nữa.
Tiền
bạc cần nhưng chỉ cần như một giá trị trao đổi chứ không cần như là mục đích.
20. Tìm lạc thú.
Có
người cả đời đi săn tìm lạc thú
Cha
Michel Quoist bảo: "Lạc thú là một
cơn đói không bao giờ biết no, một cơn khát không bao giờ thỏa."
Augustinô
lúc còn trai trẻ đã nếm đủ hết mọi thứ lạc thứ ở trên đời. Nhưng rồi cũng chính
chàng thanh niên đó sau khi đã chán ngán với những thứ mình đã hưởng thụ phải
thốt lên: "Hỡi Augustinô! Khi săn đuổi
lạc thú ngươi đã tìm thấy cái gì?"
21. Phút đầu gặp gỡ
Mấy
vần thơ của Thế Lữ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hầu dễ mấy ai
quên” hẳn cũng diễn tả tâm trạng của hai môn đệ lần đầu gặp gỡ Đức Ki-tô. Khi
nghe Gio-an Tẩy giả giới thiệu Chúa Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai ông
bị cuốn hút và đi theo Ngài. Giây phút họ gặp Chúa thật ấn tượng đến độ họ nhớ
rất rõ: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười."
Như Mô-sê được Đức Chúa thu hút qua ngọn lửa cháy trong bụi gai, ngôn sứ
Giê-rê-mi-a cũng thú nhận: “Lạy Đức Chúa,
Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Đức Ki-tô
có sức thu hút diệu kỳ khiến cho các ông “đến
và ở lại với Ngài." Và các ông đã ở lại mãi và trở thành môn đệ của
Ngài.
ĐTC
Phan-xi-cô nói: “Đức Ki-tô Đang Sống, Ngài không bao giờ là lỗi thời, không bao
giờ mất sự hấp dẫn, trẻ trung, Ngài là Đấng Cứu độ cho nhân loại” (Tông huấn Đức
Ki-tô đang sống). Đó là sức hút của “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần
gian” (Ga 1,29), sức hút của thập giá, của hiến thân chịu chết để bạn được “giải
thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền trống rỗng và cô đơn trong tâm hồn” (số 119). Bạn
có buông bỏ mình để Chúa “quyến rũ” bạn “vác thập giá” và đi theo Ngài không?
Bạn
vác thập giá mình đi theo Chúa bằng cách mỗi ngày bạn làm ít là một việc hy
sinh, phục vụ.
22. Hãy đến mà xem
Có
hai người bạn thân thiết cùng quyết chí lên đường tìm cho kỳ được điều quý giá
nhất trên đời. Mỗi người đi một ngả và hẹn sẽ gặp lại nhau khi đã đạt được ước
nguyện.
Người
thứ nhất lặn lội đi tìm viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất. Ông băng rừng vượt
biển, đi đến bất cứ nơi đâu nghe nói có bán đá quý. Cuối cùng, ông đã thỏa mãn
vì tìm mua được một viên ngọc tuyệt hảo. Trở lại quê hương, ông có ý chờ đợi
người bạn thân, vừa để khoe viên ngọc của mình, vừa tò mò muốn biết điều quý
giá của bạn mình là gì.
Nhiều
năm trôi qua mà người bạn vẫn bặt vô âm tín. Ông đi khắp nơi để mong thụ giáo với
các bậc hiền nhân để hỏi xem: “Muốn tìm gặp được Thiên Chúa thì phải làm gì?”
Ông cũng tìm đọc các sách đạo đức, nghiền ngẫm suy tư, nhưng rồi ông vẫn chưa gặp
được Thiên Chúa... Một ngày kia, đang thơ thẩn đi dọc theo một con lạch nhỏ,
ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con cứ muốn
tách ra đi riêng để mò tôm tép, vì thế, vịt mẹ cứ phải kiên nhẫn lặn lội tìm hết
đứa con này đến đứa con kia, muốn chúng phải quay về với đàn. Ngẫm nghĩ một
lúc, ông chợt mỉm cười rạng rỡ và vội vã lên đường trở về quê hương với hai bàn
tay trắng.
Vừa
gặp lại nhau, người bạn tìm được ngọc quý đã buột miệng hỏi: "Nào, anh hãy
cho tôi xem món đồ quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là một cái
gì tuyệt diệu, bởi vì trông anh thật hạnh phúc mãn nguyện!"
Người
bạn trở về với hai bàn tay trắng nhưng tâm hồn thì tràn ngập hân hoan liền cất tiếng
trả lời: "Tôi đã đi tìm Thiên Chúa, và cuối cùng tôi mới hiểu ra rằng:
chính Thiên Chúa, Người đã đi tìm gặp tôi!"
23. Mầu nhiệm ơn gọi
Trong
cuốn “Trên Đường Lữ Hành”, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã kể
câu truyện “Được Gọi để Gọi.” Câu truyện viết về một chị nữ tu tên Céline, giữ
nhiệm vụ coi nhà khách và trực khách tại tu viện.
Trong
suốt 40 năm trường, chị nữ tu ấy chỉ làm một việc duy nhất: đi gọi người khác để
gặp khách. Chị thường nói đùa: “Tôi chỉ
được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi luôn luôn gọi người khác. Tôi
được gọi để gọi.”
Một
ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng. Công việc của chị bị chẻ thành từng mảnh.
Việc làm của chị luôn bị gián đoạn để tạo nên sự liên lạc cho những người khác.
Mọi người đều “lấy cắp” thời giờ của chị, nhưng chị vẫn vui tươi trong nhiệm vụ.
Thế
rồi, một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã qụy trên
hành lang nhà dòng. Chị bị thổ huyết vì chứng lao phổi, chị thều thào trong hơi
thở cuối: “Chúa đến gọi tôi lần thứ hai
và cũng là lần cuối cùng.” Sau đó, chị đã bình an ra đi theo tiếng Chúa gọi.
Chị
nữ tu Céline đã đáp lại tiếng Chúa gọi và suốt đời trung thành với Ơn Gọi của
mình: “được Chúa gọi để gọi người khác.”
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Gioan cũng thuật lại ơn gọi của thánh Gioan, Anrê
và Phêrô. Qua lời giới thiệu của thánh Gioan Tẩy Giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, Gioan và Anrê đã bỏ thầy mình là Gioan Tẩy
Giả để đến với Chúa và trở thành môn đệ của Chúa. Sau khi đã gặp gỡ Chúa, Anrê
lại trở về gọi anh mình là Simon Phêrô đến gặp gỡ Chúa và đi theo Ngài.
24. Tìm gì thế?
Nước
Tống có người được hòn ngọc, đem biếu quan Tư thành là Tử Hãn. Tử Hãn không nhận,
người biếu ngọc thưa rằng:
- Ngọc này tôi đã cho thợ ngọc xem, quả là một thứ
ngọc rất báu nên mới dám dâng quan lớn. Xin quan lớn nhận cho tôi vui lòng.
- Ngươi cho ngọc là của báu, ta cho tính không tham
là của báu. Ngươi đem ngọc cho ta, nếu ta nhận thì hai bên cùng mất cả của báu.
Âu là ngươi cứ đem về. Ai giữ lấy vật báu của người ấy, như thế vật báu của hai
người còn cả. Thế chẳng hơn ư?
Người
biếu ngọc cúi đầu thưa:
- Chúng tôi là thường dân mà lại có ngọc quí này, chỉ
sợ bị trộm cướp mà có khi hại đến thân.
Tử
Hãn thấy thế, lưu người ấy lại, gọi thợ ngọc đến giũa ngọc, bán được tiền rồi,
bèn đưa cho người ấy để làm giàu.
Sống
niềm tin vào Đức Kitô không nhất thiết là thông hiểu giáo lý, mà cốt yếu ở tại
biết mình tìm điều gì, và phải làm gì. Tin theo Đức Kitô, do đó, không chỉ đơn
giản là lời tuyên xưng niềm tin ngoài miệng mà đòi phải thay đổi cả cuộc sống.
Các môn đệ đầu tiên của Đức Kitô là những kiểu mẫu cho hành trình tin theo Đức
Kitô: Khi đến với Gioan Tẩy giả, họ tỏ ra khao khát tìm một lẽ sống; khi Đức
Giêsu được giới thiệu với họ, họ “liền đi theo Đức Giêsu.” Điều kiện đầu tiên của
đức tin, do đó, là một tâm hồn sẵn sàng, như Sa-mu-en dù đang lúc ngủ say mà
nghe Chúa gọi liền thưa: “Dạ, con đây” và chạy ngay để tìm biết Chúa muốn gì.
Thầy
Rabbi Samlai thuyết giảng: Sáu trăm mười ba điều luật đã được ban cho Mô-sê (…)
Rồi Đa-vít rút gọn lại còn mười một điều. Sau đó đến tiên tri Isaia rút lại còn
sáu điều. Rồi đến tiên tri Mica rút lại chỉ còn ba. Một lần nữa tiên tri Isaia
lại rút chúng lại thành hai điều, là sống chính trực và công minh, như đã được
viết: “Đức Chúa được suy tôn, vì Người ngự trên chốn cao vời. Người làm cho
Xi-on được đầy chính trực công minh” (Is 33,5). Và cuối cùng là đến tiên tri Amốt
rút lại chỉ còn một điều, là “Hãy tìm Ta thì các ngươi sẽ được sống” (Am 5,4).
Thiên
Chúa là điều tôi cần và phải tìm suốt đời. Thành bại đời tôi là ở đó, nhưng có
nhiều lúc tôi phải tự hỏi lại mình: “Tôi
tìm gì thế?”
Thường niên V-GS C-PS Ngoại lịch