THỨ BA - TÌNH YÊU LÀ CỐT LÕI CỦA LỀ LUẬT
Lời
Chúa: Mc 2, 23-28
Vào một
ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức
thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày
Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?"
Người
trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài
và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế
Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn,
và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?"
Và
Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài
người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
TRUYỆN KỂ
1. Thích giữ luật dễ
Một
cha xứ mới được bổ nhiệm đến một nhà thờ ở tiểu bang Kentucky, không mấy xa trường
đua Churchill Downs nổi tiếng. Vào ngày Chúa nhật đầu tiên, cha xứ mới đã giảng
về cái xấu của cờ bạc, đánh cá độ và những tai họa do cờ bạc gây nên cho một số
gia đình. Sau thánh lễ, ông chủ tịch hội đồng Giáo xứ liền đến bên cha tân
chánh xứ và bảo rằng, những người dâng cúng cho nhà thờ đa số là những người
đua cá ngựa và cờ bạc…
Vào
Chúa nhật thứ hai kế tiếp, cha xứ giảng về nạn hút thuốc và những tai họa do
hút thuốc gây nên, như bị ung thư phổi và chết sớm... Cũng như lần trước, ông
chủ tịch lại kéo cha xứ riêng ra và bảo rằng đa số những người dâng cúng rộng
rãi cho nhà thờ là những người trồng cây thuốc lá và tiểu bang Kentucky là nổi
tiếng nghề này.
Vào
Chúa nhật thứ ba kế tiếp, cha xứ giảng về nạn uống rượu bia và tai họa do rượu
bia gây nên cho các gia đình, như gây tai nạn xe cộ và đập phá nhà cửa. Cũng
như lần trước, ông chủ tịch lại kéo cha xứ lại và bảo rằng, đa số những người
dâng cúng rộng rãi cho nhà thờ là những nhà nấu rượu và tiểu bang Kentucky nổi
tiếng về công việc này.
Cha xứ
thất vọng mới hỏi lại ông chủ tịch rằng: “Vậy tôi có thể giảng về vấn đề gì?”.
Ông chủ tịch liền trả lời: “Hãy giảng chống lại các nhà chính trị lừa đảo, mà
trong Giáo xứ chúng ta không có những hạng người này”.
Giữ đạo
hình thức, theo cách suy diễn của cá nhân bỏ lề luật Chúa để giữ những điều con
người tự coi là đúng… Chúa Giêsu đã nói với những người biệt phái về cách sống
đạo hình thức ấy như sau: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên,
mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).
2. Mắt đền mắt, răng đền răng
Một
người thợ xây đang ở trên giàn ráo cao thì bị xẩy chân rớt xuống, chẳng may
trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là anh thợ chỉ
bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi
chết khi người ta đưa vào bệnh viện.
Chiếu
theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội
vụ ra tòa đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan tòa từ lâu đã thấy cái vô lý
trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối
cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố:
- Việc
gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng
tôi thấy phải nói rõ. Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào,
thì các ông cũng phải giết anh ta bằng
cách đó, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn ráo, nhảy
xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.
Nghe
tòa phân xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được
tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa
phương mình, dân chúng trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách “mắt đền mắt,
răng đền răng” trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.
3. Dấu hiệu của tình yêu
Trong
thế chiến vừa qua, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang
quằn quại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể
đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ:
"Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy! "Thế
là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh trên vai và đưa sang phần đất
mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi
chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan
Anh.
4. Cả lớp đội mũ
Susan
là một em bé gái rất đáng yêu. Nhưng thật không may, vừa mới tập tễnh bước chân
vào cấp một thì bác sĩ đã phát hiện ra một khối u quái ác trong đầu của em. Em
cần phải nhập viện để chữa trị bằng phương pháp xạ trị trong vòng ba tháng. Sau
khi xuất viện, em bé vốn dĩ đã ốm yếu, bây giờ trông còn thảm hại hơn. Trước
đây, em có một mái tóc vàng rất đẹp, giờ thì đã bị rụng sạch. Dầu vậy, với sự động
viên của mọi người, em đã cố gắng vươn lên. Em đã trở lại trường để học phụ đạo,
bù cho những bài đã mất. Mỗi ngày em đều đến trường với bộ não vừa bị phẫu thuật.
Em phải đội một chiếc mũ để che cái đầu trọc của mình. Đối với một em bé sáu tuổi
mà phải chịu như vậy thì thật tội nghiệp.
Cô
giáo hiểu rất rõ nỗi đau của em. Trước khi Susan chính thức quay trở lại trường,
cô giáo nhiệt tình và trịnh trọng tuyên bố với toàn thể các em học sinh của
mình rằng: “Kể từ học kỳ sau, chúng ta sẽ học nhận biết về các loại mũ. Cho nên
các em học sinh đều phải đội chiếc mũ yêu thích của mình đến trường, càng mới lạ
càng tốt”.
Sau
ba tháng vắng mặt, đây là lần đầu tiên Susan quay trở lại nơi quen thuộc này.
Em đứng trước cửa lớp, từ từ đi vào, trong lòng đầy lo lắng, lưỡng lự vì chiếc
mũ mình đang đội.
Thế
nhưng, điều khiến em không thể ngờ được là trong lớp tất cả các bạn đều đội mũ,
đủ kiểu đủ loại, đầy màu sắc. Susan cảm thấy mình và các bạn khác đều như nhau.
Lòng em thấy nhẹ nhõm. Một nụ cười rất xinh đẹp đã nở trên môi em.
5. Có gieo có gặt
Đức cha
Harry Flynna ở Lafayette, địa phận Louisiana, thăm viếng một trại tù. Khì ngài
sắp từ biệt ra về, một tù nhân hỏi xin ngài một cỗ tràng hạt. Trong túi Đức cha
có một cỗ tràng hạt bằng cẩm thạch của xứ Ireland. Dù không muốn bỏ mất nó,
nhưng ngài đã cho anh ta. Khi trở về nhà, có người đang chờ ngài với một món
quà tặng. Nhìn thấy món quà, Đức cha Flynna như không thể tin vào mắt mình nữa.
Đó là cỗ tràng hạt giống hệt cỗ tràng hạt đã cho tù nhân kia.
Lần
cuối cùng tôi đặc biệt cho đi thời giờ, tiền bạc, và những vật sở hữu của tôi
là lúc nào?
Hãy
cho đi những gì tốt nhất, rồi những gì tốt nhất sẽ lại đến với bạn.
6. Việc đạo đức vô hồn
Một
người già ở một thị trấn bên Âu Châu thường làm dấu Thánh Giá khi đi ngang qua
một bức tường. Người ấy không thể lý giải tại sao mình làm như thế, ngay cả những
người già khác cũng làm như vậy. Ngày nọ, các công nhân lau rửa bức tường,
trong lúc cạo những chỗ dơ họ thấy trên tường có bức họa Mẹ Maria và Hài nhi
Giêsu.
Thật
ra, trước kia người ta làm dấu là có lý do. Còn bây giờ, người ta làm một cách
mù quáng, chỉ đơn giản như một nghi thức thôi. Một số người Do Thái xưa kia
cũng thế. Tôn giáo của họ bị hóa thành nghi thức cứng nhắc. Chúa Giêsu phản đối
thứ tôn giáo ấy.
Tôi
phải cố gắng thế nào đây để giữ tôn giáo của tôi khỏi trở thành một nghi thức,
nhưng là một cử chỉ của yêu thương?
Khi cầu
nguyện, thà có trái tim rung cảm hơn là chỉ có những lời nói suông (John
Bunyan).
7. Luật trọng nhất là luật yêu
thương
Một
linh mục dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, trong tác phẩm “Đấng đang đến”, đã thuật lại
câu chuyện của ngài như sau:
Tại
Benie Alpes, trong mùa lạnh, thỉnh thoảng có dân du mục đến dựng lều sinh sống,
họ toàn là những người nghèo. Một phụ nữ Pháp đến đó tĩnh tâm, thấy một cô gái
người Taures đang run lên vì lạnh, chị hỏi: “Sao chị không mặc áo ấm cho đỡ lạnh?”
“Em
không có áo ấm”, cô gái Taures trả lời.
Nói
chuyện rồi, chị đi ngay đến tịnh xá của cha Charles de Foucauld kẻo trễ giờ cầu
nguyện. Trong lúc quỳ chờ cầu nguyện, chị tâm sự với tôi: “Cha ơi, con không
sao cầu nguyện được. Con đành phải bỏ giờ cầu nguyện này, trở lại căn lều của
cô gái, tặng cho cô chiếc áo ấm của con. Rồi con sẽ trở lại cầu nguyện”.
Một việc làm bởi tình yêu là tất cả những gì Chúa muốn. ĐGH Grêgôriô giải thích: “chúng ta phải hiểu luật Chúa là gì, nếu không phải là đức ái, vì nhờ đức ái, tâm trí chúng ta luôn nhớ đến những điều răn phải đem ra thực hành?” (về những vấn đề luân lý trong sách Gióp).