Thời sự VN _ đôi điều về giáo dục tính trung thực và tình cảm

Đôi điều về giáo dục tính trung thực và tình cảm
Lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự phát triển bền vững của xã hội.  
Antôn Vũ Hữu Lệ, OFM http: //ofmvn.org/
Tháng chín là tháng của mùa tựu trường. Nhân dịp này, chúng ta cùng một thoáng nhìn lại về hiện trạng giáo dục và nêu lên vài suy nghĩ cho việc giáo dục trong hoàn cảnh ấy. Vì dầu sao hiện trạng này ảnh hưởng không ít tới chất lượng ơn gọi và đời sống tu trì của chúng ta.
Khi nhìn vào những biểu hiện của con người trong xã hội hôm nay, những biểu hiện tích cực lẫn tiêu cực, chung chung là người ta đều qui về giáo dục. Vì nếu bảo rằng, "Giáo dục là hoạt động nhằm tác động có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dẫn dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra"[1] thì chúng ta phải giật mình khi nhìn vào những biểu hiện trong đời sống thường ngày. Lối giáo dục nào tạo nên sự hỗn độn của lễ hội "Phố hoa Hà Nội" vào đêm 31-12-2008 [2]; lối giáo dục nào gây nên các tệ nạn: tham ô, bạo lực, gian lận không chỉ trong phạm vi kinh tế mà còn trong phạm vi nhà trường, mà đáng lý ra phải là nơi "trong sạch.”
Trước tình trạng ấy, trong tinh thần 'nhập cuộc và liên đới', người Phan sinh chúng ta không dửng dưng, không đứng ngoài cuộc. Đã từ lâu Dòng chúng ta đã cảnh báo về những 'chuyển biến' khác nhau trong thế giới. Thật vậy, trong văn kiện Thường huấn trong Dòng AEHM (1995), - với cái nhìn bao quát mà không loại trừ những hoàn cảnh đặc thù - ngay phần dẫn nhập, đã khẳng định: "Những biến chuyển sâu rộng và nhanh chóng diễn ra không ngừng trong những năm gần đây trong Giáo hội và trong Dòng đề ra cho chúng ta thách thức phải liên tục xác định vị trí và tái tạo căn tính con người anh em hèn mọn chúng ta trong bối cảnh mới của lịch sử. Hơn nữa những biến chuyển ấy không phải là điều gì diễn ra bên ngoài chúng ta, nhưng chúng ảnh hưởng đến chính cuộc sống của chúng ta" (số 2)
I. MỘT THOÁNG GHI NHẬN
Ở đây, trong giới hạn của "Chia Sẻ", chúng ta chỉ nêu lên một số nhận định - trong muôn vàn nhận định - của những người tha thiết với nền giáo dục nước nhà để có thể thấy được một số đường nét của bức tranh giáo dục hiện nay mà từ đó có những suy nghĩ cụ thể, rõ nét hơn.
1- Sự nóng vội, cẩu thả do chạy theo thành tích
Khi nhận định về tình trạng khập khiễng của hiện trạng giáo dục đất nước hầu có thể đi vào ngôi nhà chung toàn cầu hoá, Giáo sư Lê Ngọc Trà thuộc Viện nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm Tp HCM, tại cuộc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba (4-7/12/2008), diễn ra tại Hà Nội đã phát biểu: "Toàn cầu hóa đã mang vào Việt Nam bức tranh hấp dẫn của các nền giáo dục tiên tiến. Bức tranh ấy lôi cuốn các nhà quản lý giáo dục, làm cho họ thấy cần phải thay đổi giáo dục Việt Nam cho thật nhanh, thay đổi cùng một lúc tất cả. Tuy nhiên, nguyện vọng tốt đẹp nhưng duy ý chí ấy đã đẻ ra phương châm "đi tắt đón đầu" [3].
Và cũng vì quá vội vã, muốn đạt được những "con số thành tích" như các nước khác, từ đó nảy sinh ra thứ bệnh nan y trong mọi lãnh vực là bệnh thành tích. Cứ báo cáo những con số thật cao, thật đẹp, nhưng đó là những con số ảo, không đúng với thực chất.
2- Các giá trị đạo đức không được coi trọng
Trong Bản góp ý cho dự thảo lần thứ 14 mới đây về "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020" người ta đã nhắc đến sự thiếu sót nghiêm trọng là: coi nhẹ giáo dục đạo đức và sự dễ dãi cũng như vội vàng trong việc thành lập các trường đại học.
Ông Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc sở Giáo dục-đào tạo Tp.HCM nhận định: "Tình trạng nhà trường chỉ lo chạy theo "số lượng" (được hiểu là điểm số, tỉ lệ lên lớp và thi đậu, khối kiến thức trong các môn phải thi tốt nghiệp, thi đại học) mà coi nhẹ việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, coi nhẹ các môn khoa học nhân văn. Hậu quả là xuất hiện những nhận thức, hành vi thói quen lệch xa các chuẩn mực đạo đức xã hội trong một bộ phận ngày càng đông của tuổi trẻ học đường. Chuyện học sinh, sinh viên (cả nữ sinh) chửi thề, đánh lộn, đâm chém, cướp của, giết người đã không còn là biểu hiện cá biệt. Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đã không hề nhắc gì đến yếu kém nghiêm trọng này của giáo dục Việt Nam" (x. NLĐ, 16-01-2008).
Với đề tài "Sự lựa chọn các giá trị đạo đức-nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường đại học tại Tp.HCM trong giai đoạn hiện nay", một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và đã được hội đồng khoa học phản biện đề tài đồng thuận đánh giá cao, ông Huỳnh Văn Sơn, tiến sĩ tâm lý cùng với các cộng sự đã đưa ra con số thống kê sau khi đã khảo sát khoảng 1000 sinh viên, đáng cho chúng ta lo lắng về tình trạng đạo đức của lớp người trẻ:
36% sinh viên cho biết làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt;
32% chấp nhận hành vi vô ơn;
41% bảo rằng không nhất thiết phải sống cao thượng;
28% có tư tưởng trả thù, báo oán;
18% nói sẵn sàng đưa lợi ích cá nhân lên trên hết;
60% đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ...[4]
Vì thế, chẳng có gì phải 'sửng sốt hay ngạc nhiên' khi mới đây xảy ra chuyện "Thi trượt, sinh viên tạt át-xít thầy giáo" (x. Tuổi trẻ, 25-8-2009), vì đó là hệ quả tất yếu của tình trạng xem nhẹ giáo dục đạo đức mà đặt nặng các hình thức thi đua, chạy theo bằng cấp. Nhân sự cố "tạt át-xít thầy giáo", Trúc Giang đã có một nhận định sâu sắc về những cú tạt khác trầm trọng hơn, "một cú tạt vào đạo thầy trò!": ... Vẫn còn nhiều cú tạt khác không chỉ do học trò gây ra. Còn có những bậc cha mẹ vung tiền tầm thường hóa việc dạy học, còn có những người hám bằng cấp dùng quyền và dùng tiền để mua bằng cấp, còn có những người thầy tự làm hoen ố hình ảnh của mình trước học trò và trước xã hội." (x. Tuổi Trẻ, 27-8-2009)
Trong tình trạng xuống cấp về đạo đức, về giáo dục, Hội đồng giám mục Việt Nam trong Thư Mục vụ ngày 5-12 -2008, đã cô đọng và đưa ra nhận định: ”... Một nền giáo dục chỉ lo đến bằng cấp, chỉ phấn đấu để được điểm thi đua mà không chăm lo đến 'tiên học lễ, hậu học văn'sẽ tạo ra một thế hệ thiếu trung thực và bất tài [5]. Chính vì thiếu khía cạnh 'lễ' mà truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị mai một, và hậu quả là bạo lực tràn lan trong học đường... Nhà trường đáng lẽ là nơi đào tạo những chủ nhân tương lai biết tôn trọng sự thật, đôi khi lại là môi trường cho các em học sự gian dối.... Đó là một trong những thảm kịch nghiêm trọng đe doạ tương lai của Giáo Hội, xã hội và dân tộc Việt Nam." (số 12b). Về cái khoản phấn đấu thi đua hay tìm cách chiếm hữu được mảnh bằng, Qui chế học vấn (2001) của Hội Dòng đã xác định: "Người anh em hèn mọn không lấy việc hoàn thành một chương trình học vấn hay nhận được một học vị làm một cớ để tự kiêu hay cơ hội để tiến lên một địa vị đặc quyền, nhưng họ vui vẻ để các kết quả của công việc trí thức mình cho cộng đoàn sử dụng và sinh ích cho cộng đoàn" (số 11)
Dầu sao ta cũng nhìn nhận rằng những người trẻ hôm nay khi bước vào đời tu, ít nhiều gì họ cũng đã được "định hình" cách nào đó theo lối giáo dục ngoài xã hội. Và ai trong chúng ta dám khẳng định những tiêu cực ấy không trở thành một thứ biến tướng trong các học viện liên dòng, trong học đường Kitô giáo hiện nay.
II. VÀI THAO THỨC VÊ ĐIỀU CẦN PHẢI LÀM
Là những Kitô hữu, hơn nữa là những người phan sinh, chúng ta cần trở về nguồn cội để kín múc giáo huấn từ cội nguồn nơi vị Thầy của mọi thầy là Đức Giêsu, của huấn quyền và của Hội Dòng mà kiên trì chỉnh đốn, uốn nắn, và có khi phải chấp nhận mất mát đến "đổ máu" trong quá trình thực hiện sứ mạng giáo dục.
Đường hướng huấn luyện Phan sinh (DDHHLPS) 2003 đưa ra những tiêu chuẩn rất cụ thể để đào tạo một người phan sinh toàn diện: sự trưởng thành nhân bản, Kitô hữu và Phan sinh. Ở đây, trong giới hạn, chúng ta muốn nêu lên vài khía cạnh trưởng thành nhân bản trong đời tu dựa vào Đường hướng huấn luyện Phan sinh, đó là sự quân bình về cảm xúc và tình cảm, nói cách khác là lưu ý tới việc giáo dục tình cảm và tính lương thiện - trung thực (x. ĐHHLPS, số 106).
1. Tính lương thiện - trung thực: một chọn lựa sống can đảm
Trong phạm vi giáo dục đạo đức, thái độ quan trọng cần tạo nơi người học là lòng tin tưởng và sự thông cảm. Thiếu sự tin tưởng ở người thầy, người học sẽ cảm thấy những điều giảng dạy là xa lạ, siêu thực tế, như Khổng Tử đã nói: "Ngôn bất trung tín, hành bất đốc kính.” Như vậy, nhờ sự trung thực của người thầy trong lời nói và việc làm sẽ tạo được lòng tin tưởng và thông cảm cho học sinh. Nếu không thì giáo dục đạo đức chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài vào đối tượng được giáo dục. Từ đó, đối tượng giáo dục sẽ có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, nếu không nói đến cả sự thù ghét, thách thức hay chống đối nữa.
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI dạy rằng: "Nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là một sự tiến bộ, nhưng lại là một mối đe dọa đối với con người và thế giới" (Thông điệp Spe Salvi, số 22). Vì thế, lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự phát triển bền vững của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị đều phải xây dựng trên nền tảng lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực được. Mà một lương tâm ngay thẳng sẽ tỏ lộ tính trung thực trong suy nghĩ và hành động [6].
Về điểm này, Giáo sư Dương Thiệu Tống nêu lên hai đức tính căn bản cho mọi thứ đạo đức là tính trung thực [7] và lòng can đảm, theo ông: "Tính trung thực là đức tính lớn nhất của ý chí. Thật ra hai đức tính này không khác nhau bao nhiêu vì xét cho cùng tính trung thực là sự can đảm của trí tuệ, và lòng can đảm cũng là sự trung thực của ý chí. Tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người vì nếu người ta không trung thực với chính bản thân mình thì không thể nào trung thực được với xã hội" [8]. Nó là sự kéo dài thái độ "duy ngã" (egocentrisme) chứ không phải là thái độ sống lấy "xã hội hướng tâm" (sociocentrisme) để hướng tới một tình yêu vị tha... Mặt khác, sự hèn nhát là thái độ thiếu tự tin, là sự bất lực, không dám tự khẳng định mình. Nó bộc bộ sự yếu đuối của tâm hồn và thể xác, khiến cho con ngưởi không có đủ can đảm để chống lại áp lực của những ảnh hưởng xấu. Vì thế, người ta nói rằng tính dối trá và sự hèn nhát là bước đầu dẫn đến sự sa đọa, sự trụy lạc và tính độc ác.”[9]
Quả thực, sự trung thực nhất thiết đi đôi với lòng can đảm, vì thế không phải vô cớ mà can đảm là một trong bốn nhân đức cột trụ của Kitô giáo (khôn ngoan, công bằng, tiết độ, dũng cảm). Sự can đảm ở đây là khả năng nói "không" với điều xấu, với cái sai, khả năng chọn lựa giữa cái thiện và cái ác, khả năng chấp nhận lội ngược dòng dù có thua thiệt. Như thế, người trung thực là người can đảm, người ấy sẽ đứng vững trong điều tốt; biết chấp nhận những sai lỗi của mình, tự tin và tự lập, biết lãnh nhận trách nhiệm và hậu quả do công việc mình đã làm.
Đối với người Việt Nam, những đức tính ấy được diễn tả qua khái niệm "trung dung", Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Những đức tính này giúp ta biết yêu thương, có lòng biết ơn, cộng tác và nâng đỡ người khác, nói năng cũng như cư xử lễ độ và tế nhị, biết suy nghĩ cân nhắc và biết tạo nên sự tin cậy lẫn nhau.
2. "Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới"[10]. Lưu ý tới giáo dục tình cảm
Giáo sư Lê Ngọc Trà nhận định: người nào "biết rung cảm trước cái đẹp sẽ rất khó làm điều xấu.” Theo Kitô giáo thì cái đẹp tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thánh Âu-tinh nhận ra "cái đẹp" này và thế là cuộc đời của ngài biến đổi (x. Bài đọc kinh sách lễ thánh Âu-tinh ngày 27-8). Cảm được cái đẹp ấy là cảm được chính Thiên Chúa, là để cho Thiên Chúa tác động mà thay đổi con người mình. Sự ác, điều xấu không tồn tại một khi cảm nhận được Chân-Thiện-Mỹ là chính Thiên Chúa. Nhưng chẳng thể nào có được "cái đẹp" chân chính này nếu không được đào luyện, nhất là đào luyện về tình cảm.
Chúng ta lưu ý rằng nhân cách và tình cảm con người chỉ phát triển cách quân bình trong một môi trường lành mạnh, không có sự đố kỵ, thù hận, hài hoà trong các mối tương quan, và sự phát triển ấy mang tính tiệm tiến. Môi trường để cho tình cảm được lớn lên, triển nở lành mạnh khởi đi từ gia đình, rồi đến nhà trường, xã hội và rộng lớn hơn là đất nước. Nếu không biết yêu thương các thành phần trong gia đình của mình, xem nhẹ các mối tương quan ruột thịt thì chẳng thể nào nói đến chuyện yêu thương tha nhân, lại càng không thể nào nói đến chuyện yêu tổ quốc, yêu đồng bào được và như thế thì làm gì có chuyện sống công bằng và thực thi nghĩa vụ công dân. Nếu có chăng thì chỉ là thái độ "duy ngã" chứ không phải là "xã hội hướng tâm.” Nếu tập luyện được lấy xã hội làm trung tâm, tức mở ra với con người, với thế giới, thì sẽ nhận chân những giá trị và có khả năng đón nhận "cái khác" của tha nhân mà đi vào chiều sâu của đức ái Kitô giáo (agapê).
Một khi thiếu đức ái này, một tình yêu làm cho đối tượng được yêu phong phú, một tình yêu hiến thân và "chết cho người mình yêu", một tình yêu có sức cứu độ con người và nối kết những tâm hồn chân chính lại với nhau, thì không thể nói đến sự hy sinh quên mình mà hậu quả của nó là sự ích kỷ, chiếm đoạt. Và vì không có được tình cảm chân chính nên cuối cùng việc giáo dục ấy sẽ trở nên lệch lạc dẫn đến thứ quyền dị trị (heteronomous), tìm cách áp đặt tình cảm, áp đặt luật lệ từ bên ngoài trên kẻ khác và xem nó như là qui luật tối thượng cho một thứ tình cảm, tình yêu được đúc sẵn. Loại tình yêu đúc sẵn này hình thành trên thứ quyền lực thống trị, vì thế gây ra sự ức chế và sợ hãi, chứ không phải là lòng yêu mến, kính tôn. Theo Giáo sư Dương Thiệu Tống, loại tình cảm này: "Nếu nó có phần nào tác dụng thì các tác dụng ấy chỉ thể hiện trong đoản kỳ cho vừa lòng, vừa mắt người khác, còn nếu nó tồn tại khá lâu dài thì chỉ được thể hiện dưới dạng mà ta gọi là "đạo đức giả.” Thứ đạo đức giả này nhiều khi lại còn nguy hại hơn là thiếu đạo đức"[11] nữa.
III. ĐỂ KẾT THÚC
"Sự thật sẽ giải thoát các ông" (Ga 8,32). Lời của Đức Giêsu khẳng định với các cấp lãnh đạo Do-thái xưa kia vẫn là lời cảnh báo cho hết mọi người trong mọi thời đại. Quả thật, khi sống trong sự thật, khi trung thực trong suy nghĩ, lời nói và hành động, khi có được một tình cảm chân thật và trong sáng thì người ta sẽ hành động với một cái "tâm tịnh.” Lúc đó sẽ không còn chỗ đứng cho tình trạng ngục tù, cho sự giả trá, tham vọng, ích kỷ, cho những mưu mô thâm độc, những lươn lẹo bất chính.
Chúng ta nhắc lại lời của Anh TPV José Rodriguez Carballo, OFM trong chuyến viếng thăm Tỉnh Dòng Phanxicô VN (23-28/2-2006) như một lời nhắc nhở anh em "hầu có khả năng 'sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em'(1 Pr 3,15). Và tôi cũng nói với anh em là phải được chuẩn bị mà trả lẽ về ơn gọi của anh em. Đời sống tu trì hôm nay là một nếp sống đi ngược dòng, chẳng có một xã hội nào hôm nay ủng hộ cho sự chọn lựa của anh em. Nói cho cùng, người ta cứ hỏi đi hỏi lại, tại sao các ông đi tu và anh em phải sẵn sàng cung cấp câu trả lời cho sự chọn lựa của anh em, nếu không, người ta sẽ bỏ rơi anh em."
Antôn Vũ Hữu Lệ, OFM
-------------------
[1] Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Đà Nẵng, 2003
[2]...Qua lễ hội lần đầu tiên thật sự xã hội hóa này, với hàng vạn con người Hà Nội đang thưởng thức lễ hội hoa đêm 31-12-2008, có thể thấy hết những mặt trái của văn hóa, của thói quen ứng xử, của tinh thần công dân...
Tấn thảm kịch bắt đầu. Mạnh ai nấy vặt. Những vảy rồng được kết bằng những cánh hồng môn tơi tả. Cạnh đó, những chậu hoa cảnh bày trên sân khấu bị những con người ăn mặc rất thanh lịch thản nhiên... bê đi.
Những chiếc chuông gió, lồng chim... đang được cầm trên tay nhân viên ban tổ chức cũng bị cướp một cách rất thản nhiên. Một nhân viên bảo vệ phẫn nộ quá văng tục, người đàn ông vừa cướp chậu hoa rất đạo đức quay lại mắng: "Ăn nói vô văn hóa thế à!.” Người bảo vệ trẻ nghẹn ngào: "Anh mới là người vô văn hóa, anh dẫn con theo mà vẫn ăn cướp hoa giữa đường thế à?.” Người đàn ông thản nhiên ôm chậu hoa dắt con đi thẳng.” (http://nld.com.vn/251002P0C1020/le-hoi-pho-hoa-ha-noi-sao-co-the-nhu-the.htm).
[3] GS. Lê Ngọc Trà, "Một số vấn đề của Giáo dục VN trong hoàn cảnh toàn cầu hoá" trong http: //www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=291442&ChannelID=330.
[4] www.phapluattp.vn/tools/printnews.aspx?news_id=258611&thumuc=giao-duc.
[5] Phạm Xuân Anh, "Trung thực, nền móng của cải cách giáo dục Việt Nam", Vietnamnet, 30-12-2005: "Lớp mà tôi được phân công làm chủ nhiệm có hơn 40 học sinh. Đa số là học sinh có học lực trung bình, nhiều đứa yếu, vài ba đứa khá, một hai đứa giỏi (đa số học sinh kiến thức rất hổng). Thế là tốt lắm rồi. Đằng này "ở trên" là Sở, Phòng... lại ra chỉ tiêu, "quy định" thì đúng hơn: 60% học sinh tiên tiến, 10% học sinh giỏi, còn lại là trung bình...Thử hỏi làm thế nào để đạt được điều đó chứ? Bởi vậy, để đạt chỉ tiêu, chúng tôi phải nâng điểm cho học sinh thành ra mới có chuyện học sinh không học cũng tiên tiến, giỏi là vậy.
Còn đi coi thi tốt nghiệp thì giám thị phải làm ngơ, thậm chí phải làm bài cho học sinh. Nếu không làm như vậy thì trường họ không đạt chỉ tiêu, trường mình cũng sẽ không đạt chỉ tiêu. Bởi thế nên mới có chuyện nhiều học sinh không học cũng đỗ tốt nghiệp như chúng ta thấy. Thật cay đắng và nhục nhã khi là thày cô giáo mà phải làm như vậy. Hậu quả của nó tai hại vô cùng, bài học nhãn tiền là kết quả thi tốt nghiệp thì cao khủng khiếp mà kết quả thi ĐH thi cách xa một trời một vực như những năm qua.
Xa hơn nữa, chúng ta đã tạo ra một cách vô tình những công dân tương lai có những đức tính xấu xa: lừa dối, hình thức, không trung thực - "một tai hoạ.”
Mấy năm qua, nạn bằng giả tràn lan. Tệ sính bằng cấp đã trở thành bệnh; Thừa thày thiếu thợ; Hàng ngàn SV tốt nghiệp ĐH mà không xin được việc; Tệ tham nhũng; Nhiều công trình xây dựng tốn kém mà không có hiệu quả... Nguyên nhân sâu xa đó chính là tính không trung thực, tính hình thức của mỗi công dân được hình thành ngay trên ghế nhà trường mà tôi đã nói ở trên."
[6] Mấy chục năm ra sức xây dựng một thứ thiên đường XHCN, nhưng câu chuyện "thành thật", tin tưởng vào nhau, sau đây chắc hẳn vấn còn là ước mơ khó trở thành biện thực với thiên đường của chúng ta: "Một chủ cửa hàng ở Settle, North Yorkshire (Anh) - ông Tom Algie - đã cho nhân viên nghỉ và cả gia đình đi chơi nhân Ngày chủ tặng quà cho nhân viên (26-12). Nhưng vì không muốn mất khách hàng nên ông vẫn mở cửa cửa hàng dụng cụ gia đình của mình và ông để một cái "hộp thành thật" ở sau quầy hàng. Ông viết một mảnh giấy đề nghị khách hàng tự phục vụ và bỏ tiền vào "hộp thành thật" này.
Trở về lúc 4g15 chiều để đóng cửa, Algie sung sướng khi thấy trong hộp tiền có 187,66 bảng (274,3 USD) và 2 euro. "Tôi không ngần ngại mở cửa hàng. Settle là một thành phố miền quê yên tĩnh và không bao giờ có rắc rối ở đây. Tôi tin tưởng ở khách hàng và không thất vọng về điều này", Algie nói.
Tờ giấy ông Algie để lại có đoạn viết: "Vâng, tôi đã cho nhân viên nghỉ lễ, kể cả tôi, do đó bạn hãy vui lòng chọn các món hàng bạn muốn và bỏ đúng giá tiền vào hộp. Chúc mừng Giáng sinh.” Các khách hàng cũng để lại những mảnh giấy nói những món hàng họ mua và sau khi kiểm tra, Algie nhận thấy lòng tin của mình không bị lạm dụng. (theo The Daily Mail , x.Tuổi trẻ Chúa nhật, 4-1-2009)
[7] Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua (7-2009), đề thi Văn khối C trích dẫn một câu được cho là của tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincohn, nêu lên một cuộc tranh luận về sự trung thực, thật thà và thẳng thắn, một vấn nạn trong xã hội hôm nay: Thật thà thì thua thiệt. Sống trung thực ta sẽ được nhiều thứ quý giá như lòng tin từ mọi người, lòng nhân ái, tình thương yêu và sự gắn bó với cộng đồng. Nhưng rõ ràng không phải lúc nào sống trung thực cũng đem lại lợi ích cho bản thân, điển hình như trong học tập nếu một học sinh quá trung thực sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn. Trong khi đó, để đánh giá kết quả học tập của một học sinh chẳng qua là nhìn vào những điểm số mơ hồ không biết điểm nào thật, điểm nào ảo. (x. Tuổi Trẻ Thứ Tư, Thứ năm, 14/7-15/7/2009)
[8] GS. Dương Thiệu Tống, "Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại", nxb Trẻ, 2003.
[9] GS. Dương Thiệu Tống, "Suy nghĩ về giáo dục..."
[10] Câu nói nổi tiếng của Fyodor Dostoevsky (1821-1881), cùng với Lev Tolstoi là một trong hai nhà văn vĩ đại người Nga trong thế kỷ 19. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Anh em nhà Karamazov, Tội ác và hình phạt.
[11] Dương Thiệu Tống, "Suy nghĩ về giáo dục..."