THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH
BÀI ĐỌC: Cv 18, 9-18
8 Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng
với cả nhà. Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và
chịu phép rửa. 9 Một đêm, Chúa bảo ông Phao-lô trong một thị kiến:
"Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh,10 vì Thầy ở với anh; không
ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.”11
Ông Phao-lô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.
12 Thời ông Ga-li-on làm thống đốc tỉnh A-khai-a,
người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phao-lô; họ đưa ông ra toà13
và nói: "Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.”14
Ông Phao-lô toan mở miệng, thì ông Ga-li-on đã nói với người Do-thái: "Hỡi
người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là
tôi sẽ chịu khó nghe các ông. 15 Nhưng đây lại là những chuyện tranh
luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét
lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy.”16 Rồi ông đuổi
họ ra khỏi toà án. 17 Mọi người liền túm lấy ông Xốt-thê-nê, trưởng
hội đường, mà đánh túi bụi ngay trước toà án. Nhưng ông Ga-li-on chẳng bận tâm
gì về việc này. Ông Phao-lô trở về An-ti-ô-khi-a và bắt đầu cuộc hành trình thứ
ba
18 Ông Phao-lô còn ở lại Cô-rin-tô khá lâu, rồi từ
giã các anh em và vượt biển sang miền Xy-ri, cùng với bà Pơ-rít-ki-la và ông
A-qui-la. Trước đó, tại Ken-khơ-rê, ông xuống tóc, vì có lời khấn.
ĐÁP CA: Tv 46
Đ. Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu. (c 8a)
2 Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò
reo! 3 Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,là Vua Cả thống trị
khắp địa cầu.
4 Chính Người bắt muôn dân muôn nước phải phục quyền và quỵ luỵ
chúng tôi. 5 Người chọn lựa cho chúng tôi phần cơ nghiệp,cơ nghiệp
làm cho kẻ Người thương là Gia-cóp được nở mặt nở mày.
6 Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội
tiếng tù và. 7 Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,đàn ca lên
nào, đàn ca nữa kính Vua ta!
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Lc 24,26
Hall-Hall: Đức Ki-tô phải chịu khổ hình,và từ cõi chết sống lại,
rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người. Hall.
TIN MỪNG: Ga 16, 20-23a
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:
“Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ
vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21
Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì
không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con
người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em
lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của
anh em, không ai lấy mất được. 23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi
Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì
Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”.
MẸ SINH CON ĐAU!
Ai là người đã tin vào Chúa phải xác
tín rằng: Cứ làm theo Lời Chúa luôn luôn là tốt, dù xem ra trái ngược với lương
tri con người,trái đạo đức. Đan cử như Chúa bảo ông Abraham làm một việc trái
với luân thường đạo lý: “Hãy đưa con của
ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ
toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,2). Thế mà ông
Abraham đã ngoan ngoãn mau mắn làm đúng Lời Chúa truyền, thì vẫn là điều tuyệt
hảo, vì điều ấy báo trước:
-
Chúa Cha yêu
Con Một Ngài là Chúa Giêsu, hơn ông Abraham yêu Isaac. Thế mà Chúa Cha lại ban
tặng Con Một Ngài cho thế gian, chúng đã giết đi, thì Ngài lại trở thành Của Lễ
dâng Chúa Cha, hầu cứu độ phàm nhân gian ác khỏi chết vì tội đã phạm! (x Rm
8,32).
-
Isaac vâng
lệnh Cha vác củi lên núi để tế lễ cho Thiên Chúa (x St 22,6), nên dấu chỉ báo
trước Đức Giêsu vác thập giá lên núi Sọ (x Ga 19,17), để trở thành Hy Tế mới
thay của lễ chiên, cừu, bò, lừa mà Do Thái giết dâng lên Thiên Chúa.
Thế mà trước đó bà Eva đã nghe Satan
xúi giục: Đừng tin vào lệnh Chúa cấm ăn cây biết lành biết dữ, vì ăn nó sẽ được
hạnh phúc giống Thiên Chúa! Như thế, bà Evà tự xác định lấy tốt xấu để hành
động chứ không dựa vào Lời Chúa, cho nên bà đã giơ tay hái trái Chúa cấm mà ăn!
Hậu quả xảy đến là bà sinh con trong đau
đớn! (x St 3,16). Điều này không phải vì Chúa giận ghét Eva mà ra hình phạt
như thế, mà là dấu chỉ báo trước lời ông Simêon nói tiên tri về Đức Giêsu và Mẹ
Maria lúc Mẹ dâng Con vào Đền Thờ sau tám ngày sinh để làm lễ Cắt Bì cho Hài
Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm
duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu
cho người đời chống báng; và
như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi
gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy
những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra"(Lc 2,34-35). Lời này đã
được ứng nghiệm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trên đồi Sọ, Đức Giêsu, Con Mẹ Maria
đã bị đóng đinh trên thập giá, mà tên lính Roma không buông tha, hắn còn dùng
giáo đâm thủng tim Ngài, lúc ấy Đức Giêsu không biết đau, vì đã chết, nhưng tim
Mẹ đau đớn hơn lưỡi gươm đâm vào! Như vậy Chúa nói bà Eva sinh con đau, chính
là Mẹ Maria đau, làm cho ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra là biết bà Eva đã
làm cho cả dòng giống của bà bất phục tùng Lời Chúa, nên họ đã xúm lại đâm Adam
cuối cùng (Đức Giêsu), từ đó khơi nguồn Bí tích Cứu Độ cho những ai thành tâm
sám hối tội đã phạm, mà xin được sinh lại nhờ nước và máu từ tim Đức Giêsu đổ
xuống, hầu được gia nhập Hội Thánh Chúa Kitô Giêsu, Ngài là Con Thiên Chúa, Con
Mẹ Maria (Eva Mới). Bởi vì Đức Giêsu bị giết, thì ví như “viên đá bị thợ xây lọai bỏ”,
nhưng lại trở nên “viên đá đỉnh góc” của tòa nhà Hội Thánh do Chúa Thánh Thần xây
dựng. Điều đó thật là sự lạ trước mắt chúng ta (x Mt 21,42).
Trong sa mạc dân Do
Thái khát nước, ông Môsê dùng gậy đập vào tảng đá hai lần vọt ra nước cho dân
uống, mới đủ sức tiến về miền đất Chúa hứa (x Ds 20,11-12), đó là dấu chỉ Đức
Giêsu bị đập và Hội Thánh do ông Phêrô làm thủ lãnh cũng bị đập (x Ga 15,20t;
Ga 21,18t). Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Corinthô về tảng đá đó: “Hết thảy đã được cùng ăn lương thực Thần thiêng,
hết thảy đã được cùng uống một của uống Thần thiêng, họ đã uống nước từ tảng đá
Thần thiêng đi theo họ - tảng đá ấy tức là Đức Kitô” (1Cr 10,3-4). Bởi thế,
ông Phêrô cũng gọi các Kitô hữu là “những
viên đá sống” Chúa dùng để xây dựng tòa nhà Hội Thánh (x 1Pr 2,5-8), như “ông Sosthênê, viên trưởng hội đường đã để
cho ông Phaolô đến giảng, vì thế mà ông bị đập túi bụi trước mặt ông Galliô là
tổng trấn năm ấy, nhưng ông Galliô làm ngơ, vì ông cho đó là họ tranh luận về
danh từ Luật riêng của người Do Thái, thì họ tự xét lấy, rồi ông đuổi họ ra
khỏi tòa án. Mọi người đều túm lấy ông Sosthênê, trưởng hội đường, mà đánh túi
bụi ngay trước tòa án. Nhưng ông Galliô chẳng bận tâm gì việc này. Ông Phaolô
thấy dân Do Thái chai cứng lòng tin vào Chúa Giêsu, trở nên lũ dân như đã chết
vì tội bất tín vào lời giảng của các Tông Đồ, nên ông đã vượt biển sang miền
Siry, ở đó ông xuống tóc vì có lời khấn Nadia” (x Cv 18,9-18: Bài đọc). Ai
có lời khấn Nadia thì phải để tóc dài, không được uống rượu, không được đụng
đến xác chết (x Ds 6,6). Như thế những kẻ chống đối Tin Mừng do Hội Thánh rao
giảng, nó là những xác chết, ông Phaolô đụng phải, nên ông không xứng đáng giữ
lời khấn Nadia. Đó là lý do ông xuống tóc, trở nên kẻ bất tài, kẻ yếu đuối
trước mặt Thiên Chúa,để Thiên Chúa thi thố quyền năng của Ngài (x 2Cr 12,9-10).
Giống như ông Samson, khi còn để tóc dài theo lời khấn Nadia, ông có sức mạnh
vô song, không kẻ thù nào diệt được ông. Nhưng khi ông bật mí cho bà Đalina vợ
ông biết: bởi ông để tóc dài mà có sức mạnh, nên bà đã lén cắt tóc ông, tức
khắc ông trở nên yếu đuối, kẻ thù ập đến trói ông lại và khoét mắt, nhưng chính
lúc ông yếu đuối bất lực, ông đã cầu nguyện, Chúa ban lại sức mạnh cho, ông ôm
cột đền xô sập nhà, diệt hết kẻ thù đang ăn mừng chiến thắng! (x Tp 16).
Như thế từ Chúa
Giêsu là Đầu Hội Thánh cho tới các Kitô hữu là chi thể trong Thân Mình Ngài đều
bị đập vì Tin Mừng để sinh con Thiên Chúa. Điều ấy Đức Giêsu ví như: “Đàn bà sinh con thì ưu phiền, vì giờ của bà
đã đến; nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ cơn khốn quẫn, vì niềm vui là đã
có một người sinh ra trên thế gian” (Ga 16,21).
Ta biết người đàn
bà khi sinh con chỉ hết đau, hết ưu phiền khi bà nhìn thấy đàn con thành đạt
trong xã hội; cũng thế, khi ta loan báo Tin Mừng để sinh con cho Thiên Chúa, ta
cũng chỉ hết ưu phiền, được sung sướng mãn nguyện trong ngày cánh chung. Vì lúc
ấy ta mới nhìn thấy đàn con cháu của ta đã sinh ra nhờ Tin Mừng đều được vinh
hiển trong Nước Thiên Chúa.
Chân lý trên Chúa
đã phú bẩm cho hết mọi người ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Cụ thể ta thấy em bé nào
sinh ra cũng khóc mới là bé khỏe mạnh, làm cho mọi người được vui? Do đó bé nào
sinh ra không khóc thì người hộ sinh phải làm cho bé khóc! Điều này Chúa muốn
dạy mọi người:
·
Tiếng khóc
chào đời của bé báo cho mọi người biết: Con người sinh ra để nghe, tìm hiểu và
sống Lời Chúa, chấp nhận bị đập, hầu cùng với muôn tạo vật góp phần tôn vinh
Thiên Chúa, để không lâm vào cảnh hư nát (x Rm 8,18-27), mới làm cho nhiều
người vui mừng, đúng như Lời Đức Giêsu đã nói: “Anh em sẽ khóc lóc, sẽ than, còn thế gian sẽ mừng rỡ” (Ga 16,20a:
Tin Mừng).
·
Khi người ta
tắt thở lìa đời, lại mở mắt nhe răng (nên cần có người bóp mắt bóp miệng), đó
là dấu chỉ họ hãnh diện nhìn đời trong niềm hân hoan vui sướng, vì đã hoàn tất
sứ mệnh Chúa trao phục vụ đồng loại, làm ứng nghiệm Lời Đức Giêsu nói: “Sự ưu phiền của anh em sẽ trở thành niềm vui,
và niềm vui mừng ấy không ai cướp mất được! ” (Ga 16,20b. 22: Tin Mừng).
Vậy mỗi người phải tự
xác tín rằng: Ngày tôi được chào đời từ lòng mẹ, tôi khóc, mọi người cười; lúc lìa đời tôi cười, làm cho mọi người phải khóc.
Vì cả đến “Đức Kitô cũng phải chịu khổ
hình và từ cõi chết sống lại, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người”(Lc
24,26: Tung Hô Tin Mừng). Có sống được như thế, ta mới hân hoan ngẩng đầu hát
bài ca: “Vỗ tay đi nào muôn dân hỡi, mừng
Thiên Chúa hãy cất tiếng hò reo. Chính Người bắt muôn dân muôn nước phải phục
quyền và quỵ lụy chúng tôi. Hãy đàn ca, đàn ca mừng Thiên Chúa, đàn ca lên nào,
đàn ca lên nữa kính Vua ta. Vì Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu” (Tv
47/46, 2. 4. 7. 8: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Chúa nói: “Anh em sẽ khóc, sẽ than, còn thế gian sẽ
mừng rỡ; anh em sẽ phải ưu phiền, nhưng sự ưu phiền của anh em sẽ trở thành
niềm vui. Như phụ nữ sinh con thì ưu phiền, nhưng sinh con rồi bà không còn nhớ
đến cơn khốn quẫn, vì niềm vui là đã có một người sinh ra trên thế gian”
(Ga 16, 20-21).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH