Nhặt cái ý thức…
Hình ảnh những bạn trẻ Đà nẵng cặm cụi cúi xuống
nhặt nhạnh từng mẫu bọc, giấy, thức ăn thừa… làm sáng lên một vùng trời đêm,
làm sáng lên một góc văn hóa trong lòng dân tộc.
Lướt facebook
nhặt được tấm hình các bạn trẻ Đà Nẵng, nhặt rác chiến tích sau một đêm pháo
hoa, bên dưới có ghi là: “Các bạn trẻ Đà
Nẵng đi lượm từng cái ý thức của người dân xem pháo hoa vứt ra. Xem ra ý thức vứt
nhiều quá… ”
Không phải chỉ riêng ở Đà nẵng, không chỉ sau
mỗi đêm pháo hoa. Cảnh tượng như thế bắt gặp nhiều lắm sau
mỗi cuộc vui đều có hậu sự để lại. Có lần một đoàn xiếc mang hẳn cái tên “Nhà
văn hóa…” về sát nách nhà tôi. Phải nói họ biểu diễn nhiều trò hay thật, nào là
xiếc khỉ xiếc Đà Điểu, chó mèo… thậm chí còn có nhiều màn nuốt kiếm, móc trên
mũi cả cái thau… Thu hút rất nhiều khán giả từ các kinh rạch, ngỏ ngách, từ quốc
lộ gần đến nông thôn xa đổ xô đến để “mục sở thị” các màn trình diễn độc đáo.
Một sáng bừng mắt tỉnh dậy đoàn xiếc biến mất trước sự nuối tiếc và ánh mắt ngơ ngác tìm kiếm của các trẻ em và
nỗi lòng dài thườn thượt của người lớn khi nhìn thấy cả một “bãi chiến trường
rác” để lại một cách rất ư là “văn hóa” mọi người chung tay vào thu gom cho lên
xe rác và không quên ném theo câu: “Cái
đoàn xiếc có văn hóa thấy sợ”
Cũng phải thôi do phải cắm đầu, cắm cổ chạy
theo những tinh hoa, thành tựu của nhân loại, nên lắm khi phải bỏ bớt, rớt lại
một số thứ để chạy cho nó nhanh cho kịp đến đích ấy mà. Không đâu xa mãi đu
theo cái kho tàng kiến thức, tri thức của nhân loại các em tôi cũng vô tình hay
sơ ý đánh rớt lại cái ý thức bên giảng đường hay trong lớp học. Ta nói sau những cuộc thi, phòng học thường được lấp đầy bởi nào là đề thi, giấy nháp, giấy vụn, thậm
chí tài liệu phóng to thu nhỏ, nhìn vào mà ê lòng rát mắt. Nhưng các em tôi vẫn
lướt qua như vừa đi qua thảm nhung lót đầy tri thức của nhân loại.
Bên cạnh những người vô thức rải rơi rác cái ý
thức thì lại có nhiều người hy sinh hạ mình xuống nhặt lấy cái ý thức để làm đẹp
cho đời làm sạch cho môi sinh. Hình ảnh những bạn trẻ Đà nẵng cặm cụi cúi xuống
nhặt nhạnh từng mẫu bọc, giấy, thức ăn thừa… làm sáng lên một vùng trời đêm,
làm sáng lên một góc văn hóa trong lòng dân tộc.
Hình ảnh những “Ông lái đò” cúi xuống nhặt từng
cái ý thức rớt lại của lũ học trò mang trả lại cho chúng. Thầy cúi xuống nhặt nên trò lần sau không dám quăng bừa bãi.
Có một lần tôi
chứng kiến cảnh một đứa bé khoảng mười hai mười ba tuổi đứng tím tái mặt khi vừa
quăng cái hộp rác sau khi ăn xong vãi trên lối đi trong khuôn viên nhà thờ, Cha sở cúi xuống nhặt và mang đúng vào vị trí thùng rác rồi đặt
nhẹ vào. Nghĩ Ông Cha Già ở đây hay thiệt, ngày ổng mới về ai cũng thấy phiền
hà cái sạch sẽ quá đáng của Ổng. Quét nhà thờ xong phải lau, nhất là trên cung
thánh phải bóng loáng, mần ăn mà xìu xìu ển ển Ngài tự đi lau lại mà không nói câu gì. Ngài đầu tư mấy cái
thùng rác xung quanh khuôn viên nhà thờ và dạy mọi người phải sống sạch sẽ giữ
gìn môi trường, vứt rác đúng vị trí. Nó phản lại thói quen “ăn đâu bạ đấy” của
nhiều người, nên trong lòng cứ hậm hà hậm hì Ông Cha, rồi lời ra tiếng vào. Cha
cứ vẫn kiên định với nét văn minh mới và kết quả là sau vài năm khuôn viên nhà
thờ lúc nào cũng sạch đẹp, cống rãnh xung quanh thông thoáng, mà nhất là ý thức
bảo vệ giữ gìn nét văn minh xanh sạch của bà con giáo dân từ trẻ tới già. Người
ta không còn lạ mắt cảnh đứa trẻ ăn xong biết mang rác tự tay cho vào thùng
rác, hoặc các hội đoàn đến sinh hoạt thấy lá cây rụng từ mang chổi ra quét dọn
sạch mà không cần ai sai ai bảo.
Cái ý thức bị
đánh rơi nhiều cũng không sao vì còn nhiều người biết cúi xuống nhặt nhành để rồi
tin rằng những người hay quăng vứt bừa bãi cũng sẽ nhận ra và cũng lại cúi xuống,
hình ảnh đẹp tuyệt vời cúi xuống nhặt sẽ là đóm lửa sáng đến lúc nào đó sẽ bùng
lên và hy vọng cả xã hội đều cúi xuống đến lúc đó thì mãi tìm không thấy cái để
mà nhặt…
Ngóng cái ngày ấy…
Tieu Ho