iPhone và SỰ TỰ tin
Gốc
rễ của việc sùng bái vật chất là sự thiếu tự tin. Khi không chấp nhận mình như
vốn có, họ sẽ cố đeo những cái “nhãn” để tự thỏa mãn bản thân.
Với không ít người Việt, “iPhone 6 ra mắt” là sự kiện quốc tế tiêu biểu
nhất trong tháng 9, hơn cả khủng hoảng Nhà nước Hồi giáo (IS) hay chuyện
Scotland bỏ phiếu độc lập.
iPhone và Apple, đến hẹn lại lên, trở thành cơn sốt ở
Việt Nam trong vòng bảy năm qua.
Không thực sự đam mê công nghệ, tôi chỉ để ý đến chiếc iPhone cách đây
bốn năm, khi thấy một bác tài xế dành dụm ba tháng lương để mua nó. Không phải
một chiếc xe máy để đi làm hay cái máy giặt cho vợ, mà là chiếc điện thoại. Ba
tháng lương. Và bác chỉ biết dùng nó với công dụng như một chiếc smartphone
Trung Quốc.
Tôi không kỳ thị iPhone. Tôi nghĩ, việc người ta thích và mua nó để phục
vụ cho các nhu cầu trong công việc, cuộc sống là điều rất bình thường. Sự việc
chỉ trở nên không bình thường khi ai đó khao khát sở hữu chiếc iPhone bằng mọi
giá. Hình như với một số người, iPhone trở thành một thước đo, mà nếu không có nó,
họ sợ, giá trị của mình sẽ bị hạ thấp.
Nhìn rộng ra, quan niệm dùng vật chất để khẳng định, thể hiện bản thân không chỉ giới hạn ở chiếc điện thoại. Nó còn nằm ở
mong muốn sở hữu một chiếc SH đời mới, những bộ trang phục Louis Vuitton, hay
chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Bằng vật này hay vật khác, nhiều người dường như cần
chúng như một loại trang sức với hy vọng nâng tầm bản thân.
Mong muốn đó, xét cho cùng, cũng không quá khó hiểu, bởi khẳng định bản
thân cũng là một nhu cầu. Những người làm marketing có lẽ sẽ biết đến tháp nhu
cầu Maslow, trong đó đặt “thể hiện bản thân” ở đỉnh tháp, sau khi các nhu cầu
về sinh-thể-lý đã được đáp ứng. Con sốt iPhone ở Việt Nam cho thấy nhiều người,
như ví dụ tôi nêu ở trên, sẵn sàng nhảy vọt lên nhu cầu tồn tại hàng ngày để đứng
trên đỉnh tháp. Làm như vậy, nói như Karl Marx, họ dần biến bản thân thành hàng hóa và đo
giá trị của mình thông qua lăng kính đó (sùng bái vật chất - commodity fetishism).
Theo tôi, gốc rễ của việc sùng bái vật chất là sự thiếu tự tin. Khi
không chấp nhận mình như vốn có, họ sẽ cố đeo những cái “nhãn” để tự thỏa mãn
bản thân. Đó là hiện tượng tôi thấy phổ biến ở những quốc gia đang chuyển mình
như Việt Nam - điều không quá mãnh liệt ở các nước phương Tây phát triển, nơi
vẫn được coi là đỉnh cao của tôn thờ vật chất.
Nhiều người phương Tây có bản ngã rất cao mà không cần có bất kỳ “nhãn
mác” sang trọng nào. Một người lao công cũng có thể bắt tay và nói chuyện thoải
mái với ông Barack Obama mà không có dấu hiệu tự ti hay khúm núm. Họ tự tin với những gì mình có.
Với nhiều người, tự tin là phải đi mua. Cái giá của tự tin tất nhiên là
không rẻ. Tiền nhập khẩu hàng xa xỉ của Việt Nam gần đây năm nào cũng tiệm cận
10 tỷ USD. Và có bao người ở nước ta phải nhịn những nhu cầu tối thiểu để có
tiền mua iPhone 6?
Trong truyện ngắn “Mưa mặt nạ”, nhà văn Nhật Chiêu đưa ra hình ảnh cả
ngôi làng không còn biết mình là thật hay giả khi đeo những chiếc mặt nạ từ
trên trời rơi xuống. Từ đó, họ đánh mất mình và sống cuộc đời của người mặt nạ.
Mặt
nạ vật chất, như chiếc iPhone, như xe SH, sẽ trở thành mặt người khi ta cho
phép chúng làm vậy.
Bạn chọn mặt nào cho hôm nay?
Nguyễn Khắc Giang