Các thị kiến về Đức Kitô
chịu đóng đinh làm nền tảng cho đời sống thánh Bridget - chú trọng đến đức ái. Cuộc
đời thánh nữ còn chứng minh rằng sự thánh thiện có thể thực hiện được giữa nơi
chính trường.
Từ lúc
bảy tuổi trở đi, Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị
kiến ấy làm nền tảng cho đời sống thánh nữ -- luôn luôn chú trọng đến đức ái
hơn là trông đợi các ơn huệ thiêng liêng.
Thánh
Bridget là một người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của
cha mẹ, ngay từ nhỏ ngài đã yêu quý sự Thống Khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi,
vâng lời cha, ngài kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con
(người con thứ là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần ngài sống
một cuộc đời rất khổ hạnh.
Trong
thời gian hôn nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa
hoàn toàn thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho ngài đất đai và cơ sở để thiết lập
một đan viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một
tu hội, được gọi là Tu Hội Thánh Bridget (hiện vẫn còn).
Vào Năm
Thánh 1350, Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp Âu Châu, ngài
thực hiện cuộc hành hương đến Rôma. Ngài không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những
năm ở Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối
bởi sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.
Chuyến
hành hương sau cùng của ngài đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của
người con trai. Các biến cố ấy cũng dẫn đến cái chết của ngài vào năm 1373.
Ngài là quan thầy của nước Thụy Ðiển.
Vào năm
1999, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên xưng Thánh Bridget là một trong ba
thánh nữ làm quan thầy của Âu Châu, cùng với các Thánh Catarina ở Siena và
Thánh Edith Stein. Ðức Thánh Cha nhận xét rằng Thánh Bridget đã hoạt động
"không ngừng cho sự hiệp nhất giữa các Kitô Hữu" trong những cuộc du
hành của ngài trên khắp Âu Châu. Thánh nữ được sự sùng kính của người Tin Lành
Lutheran cũng như người Công Giáo.
Lời Bàn
Các thị
kiến của Thánh Bridget, thay vì cô lập ngài khỏi các sinh hoạt của thế gian, đã
đưa ngài can dự vào nhiều vấn đề đương thời, dù đó là chính sách của hoàng gia
hay của giáo triều Avignon. Ngài không thấy sự mâu thuẫn giữa các cảm nghiệm thần
bí và các sinh hoạt trần tục, và cuộc đời ngài chứng minh rằng sự thánh thiện
có thể thực hiện được giữa nơi chính trường.
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)