THÁNH NỮ MARIA MAGDALENE
TRONG HỘI HỌA
Bà sinh ra trong tội lỗi và lớn lên trong tội
lỗi. Bà “trở thành Thánh”, bởi cái Tâm hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, và đã
“vượt qua chính mình”…
Trong hàng Thánh nữ Công
giáo, đi vào hội họa nhiều nhất là Thánh nữ Maria Magdalene.
Thánh nữ Maria Magdalene
được biết đến nhiều, đối với người Công Giáo, có lẽ, bởi trong Kinh Thánh, có
nhiều câu chuyện viết về Bà gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt ở chi tiết
Bà là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu sau khi người sống lại. Đã có rất nhiều
tranh vẽ về chi tiết này.
Tuy nhiên, với phần đông họa
sĩ, nhất là từ thời Phục Hưng, cảm hứng lớn nhất đối với chủ đề Thánh nữ Maria
Magdalene , thì dường như, bởi ngay chính ý nghĩa hình tượng: Bà không sinh ra
“là Thánh.” Bà sinh ra trong tội lỗi và lớn lên trong tội lỗi. Bà “trở thành
Thánh”, bởi cái Tâm hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, và đã “vượt qua chính
mình”…
Nổi tiếng nhất, trong những
bức tranh về Thánh nữ Maria Magdalene, là của Titian (Tizano Vecellio (1488-1576)
- hoạ sĩ bậc thầy thời Phục Hưng - vẽ năm 1567, hiện đang được lưu giữ tại bảo
tàng Nazionale di Capodimonte, Naples
Nổi bật trong tranh là
hình ảnh một người phụ nữ đẹp, có sức sống tràn đầy, nhưng tâm hồn đã hướng trọn
về Thiên Chúa. Nó có thể, khiến gợi nhớ đến quá khứ tội lỗi, “bị quỷ ám” nơi
Thánh nữ, nhưng, không tạo nên nghi ngờ về đức tin kiên định và sự thánh thiện
hiện tại… Trong tranh, họa sĩ cũng đã sử dụng lại biểu tượng quen thuộc, gắn liền
với hình tượng Thánh nữ Maria Magdalene, có từ trong nghệ thuật Byzantium, đó
là lọ nước hoa, nhưng, ông đã thêm vào một biểu tượng mới, đó là chiếc đầu lâu
người đặt ngay dưới sách Thánh. Biểu tượng này, được ông dùng, như một cách “lý
giải” hình tượng: đón nhận tin mừng của Chúa, Thánh nữ đã vượt qua cõi chết để đến
với cõi vĩnh hằng… Biểu tượng đầu lâu người được thêm vào tranh vẽ Thánh nữ
Maria Magdalene này, đã được nhiều hoạ sĩ về sau sử dụng lại.
Bức tranh thứ hai, cũng nổi
tiếng không kém, là “Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon” của Pieter Pauwel
Rubens, vẽ năm 1618-1620, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hermitage, thành
phố Petersburg, Nga.
Hình ảnh trong tranh thể
hiện câu chuyện Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon, khi Thánh nữ Maria
Magdalene đang quì ôm chân Chúa, dùng dầu thơm rửa chân Chúa, dùng tóc mình lau
chân Chúa và xin được cứu rỗi… Bức tranh nổi tiếng bởi sự sinh động của hình ảnh.
Người xem có thể nhận thấy, Chúa Giêsu, dường như đang giải thích, không chỉ
cho những người biệt phái, mà cho cả chúng ta, về ý nghĩa của Tin Mừng Thiên Chúa,
về sự ăn năn và cứu rỗi… Theo nhiều nhà phê bình mỹ thuật, đây là một trong số
rất ít tác phẩm của Rubens thể hiện sự quan tâm nhiều đến các biểu hiện tâm lý
nhân vật, đến tư tưởng chủ đề hơn là các hình thức kiểu cách… Và, bản thân điều
này cho thấy, với ngay cả một họa sĩ kiểu cách, ưa thích sự hấp dẫn hình thức
(nhiều khi hy sinh cả khía cạnh tư tưởng) như Rubens, ý nghĩa hình tượng nơi
Thánh nữ Maria Magdalena cũng đã có giá trị hết sức đặc biệt.
Cả hai tác phẩm nêu trên đều
đã đi vào lịch sử nghệ thuật như là những tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất
của nghệ thuật Công Giáo. Đối với chúng ta, những suy ngẫm của các họa sĩ thể
hiện trong tranh cũng rất nên được suy ngẫm lại…
Nguyên Hưng