THỨ BA – TUẦN 1
Bài đọc 1 Năm lẻ:
Nhưng con người [Chúa Giêsu] đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên (Dt 2,9).
Chúa Giêsu phá vỡ tất cả các thông lệ. Ngài khen ngợi những kẻ không tôn giáo và những cô gái điếm (x.Lc 7,9.36-50). Ngài giao tiếp với những người Samari và những người phong cùi (10,33-37; 17,11-18). Ngài đả kích những người lãnh đạo tôn giáo (Mt 23,3), tiếp đón các trẻ nhỏ (Mt 19,14), làm cho bão tố yên lặng (Mc 4,39) và im lặng trước những kẻ buộc tội Ngài (Mt 27,13-14). Chắc hẳn không ai đã viết những tình tiết như thế về các nhà lãnh đạo tôn giáo. “Chính vì lẽ đó, Kinh thánh có một sức mạnh bất diệt để hoán cải những tâm hồn khiêm tốn” (Avery Dulles)
Tấm lòng nhân hậu là gì? Tôi đã phát huy nó thế nào?
[Chúa Giêsu nói]: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng nhân hậu và khiêm tốn” (Mt 11,29).
Bài đọc 1 Năm chẵn:
[Anna khấn xin Chúa ban cho một con trai] Chúa đã nhậm lời. Nàng đã có thai và sinh con, và nàng gọi tên con là Samuel (1Sm 1,19)
Một buổi sáng nọ trong cuộc thế chiến thứ hai, ở Stuttgart, Đức, Irngard Wood và mẹ cô trông thấy một chiếc phi cơ Mỹ bốc cháy và rơi xuống. Một cách bản năng, họ cầu nguyện cho viên phi công, mặc dù anh ta là một người Mỹ. Nhiều năm sau đó, họ di cư đến Mỹ, Mẹ của Irngard xin việc làm cho một bệnh viện ở California.
Ngày nọ, một bệnh nhân nghe giọng nói của bà liền hỏi: “Bà sống ở vùng nào bên Đức?” Bà trả lời: “Stuttgart” Bệnh nhân nói: “Tôi suýt chết ở Stuttgart trong thế chiến thứ hai. Vào một buổi sáng, máy bay của tôi bốc cháy và rơi xuống. Chắc hẳn có ai đó đã cầu nguyện cho tôi”
Niềm tin của tôi vào lời cầu nguyện mạnh như thế nào? Tôi có thường cầu nguyện cho kẻ thù của tôi không?
Thực tế của lời cầu nguyện chỉ có thể được chứng minh bằng việc cầu nguyện (Sherwood Eddy)
Bài Tin Mừng:
[Một ngày nọ, Chúa Giêsu trục xuất thần ô uế ra khỏi một người]. Mọi người đều ngạc nhiên bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,27).
Từ quen thuộc để chỉ “phép lạ” trong tiếng Hy Lạp là semion có nghĩa là “dấu chỉ” (các tác giả tiếng Anh viết bằng tiếng Hy Lạp). Từ này cho thấy phép lạ của Chúa Giêsu giống như một ngọn đèn đỏ lóa sáng. Điều quan trọng không phải là ánh sáng lóa lên, mà là ý nghĩa của nó. Nói khác đi, Chúa Giêsu muốn nói điều gì đó qua một phép lạ. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu trừ quỷ, Ngài có ý nói rằng nước của Satan sắp phải nhường chổ cho Nước Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã khởi sự giống như hạt giống được gieo trồng. Chúa Giêsu đã gieo hạt. Bổn phận của chúng ta là phải vun trồng nếu muốn cho hạt giống trổ sinh hoa trái. Tôi đã làm gì để có thể giúp vun trồng hạt giống ấy?
Mỗi người đều có sứ mạng riêng để hoàn thành, đó là sứ mạng của tình yêu (Mẹ Têrêsa).